Công dụng thuốc Glimvaz 2

Thuốc Glimvaz 2 được sử dụng cho mục đích hỗ trợ chế độ ăn kiêng và quá trình luyện tập, nhằm làm giảm nồng độ glucoso huyết thanh ở những bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin, đồng thời sự tăng đường huyết không thể kiểm soát được. Trong bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu về công dụng thuốc Glimvaz 2 và những thông tin quan trọng nhất.

1. Glimvaz 2 là thuốc gì?

Glimvaz 2 là thuốc được sản xuất bởi Công ty TP Dexa Media - Indonesia với thành phần chính là Glimepiride.

  • Tên dược phẩm: Glimvaz 2.
  • Nhóm thuốc: Thuộc nhóm hocmon, nội tiết tố.
  • Dạng bào chế: Viên nén 2mg.
  • Quy cách đóng gói: Đóng gói theo dạng hộp gồm 5 vỉ, mỗi vỉ 10 viên.
  • Thành phần: Glimepiride.

2. Thuốc Glimvaz 2 có tác dụng gì?

Glimvaz 2 được chỉ định cho trường hợp điều trị kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và quá trình luyện tập. Nhằm kiểm soát mức độ đường huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường type 2 không phụ thuộc Insulin, mà sự tăng đường huyết không thể kiểm soát được chỉ nhờ vào chế độ tập luyện hay ăn uống.

Cần tuân thủ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, dược sĩ hoặc nhà sản xuất (công dụng, chức năng dành cho đối tượng nào).

3. Liều dùng và cách dùng thuốc Glimvaz 2

3.1. Liều dùng

Đối với người lớn:

  • Sử dụng liều khởi đầu với người chưa được điều trị trước đó là 1 - 2mg/ngày.
  • Đối với người bệnh bị suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, người lớn tuổi, bệnh nhân suy gan, suy thận hoặc những người có nguy cơ hạ glucoso huyết: Sử dụng 1mg/ngày.
  • Đối với người bệnh đã từng được điều trị bằng các loại thuốc đái tháo đường khác: Sử dụng 1 - 2mg/ngày và liều tối đa là 2mg/ngày.

Liều duy trì: Sử dụng 1 - 4mg/ngày (đối với người bệnh đã sử dụng glimepiride 1mg/ngày, sau đó tăng lên liều 2mg/ngày nếu vẫn không đạt được tới mức glucose mong muốn sau khoảng 1 - 2 tuần điều trị. Khi sử dụng tới liều 2mg, việc điều chỉnh liều sau đó sẽ phụ thuộc vào mức độ dung nạp và đáp ứng của người bệnh), nên điều chỉnh tăng liều từ từ, mỗi lần tăng không vượt quá 2mg/ngày, cách quảng từ 1 - 2 tuần, liều tối đa là 8mg/ngày.

3.2. Cách dùng

Thuốc được bào chế theo dạng viên nén, dùng bằng đường uống, nên uống thuốc mỗi ngày 1 lần vào bữa ăn sáng hoặc bữa ăn chính đầu tiên trong ngày với một ly nước đầy.

3.3. Quá liều và xử lý

Nếu uống quá liều người bệnh có thể gặp phải tình trạng hạ đường huyết, kéo dài từ 12 - 72 giờ, đồng thời có thể tái phát sau giai đoạn phục hồi đầu tiên. Các triệu chứng này có thể biến mất sau 24 giờ kể từ khi dùng thuốc.

Tình trạng buồn nôn hoặc nôn mửa, đau tại vùng thượng vị có thể xảy ra. Hạ đường huyết cũng có kèm theo các triệu chứng về thần kinh như run, rối loạn thị giác, cảm giác bất an hay các về đề về sự phối hợp, mệt mỏi, buồn ngủ, hôn mê, co giật.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Glimvaz 2

4.1. Chống chỉ định

Không sử dụng Glimepiride đối với các trường hợp:

  • Người bệnh có hiện tượng bị dị ứng hoặc quá mẫn với sulfonylurê, glimepiride, sulfonamid hoặc bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
  • Người bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin, hôn mê hoặc nhiễm keto – acid do đái tháo đường.
  • Người bệnh bị suy gan, suy thận nặng (nên chuyển qua dùng insulin).
  • Phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.

4.2. Các tác dụng phụ

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng Glimepiride là:

  • Phản ứng tại dạ dày - ruột: Gây buồn nôn, đau dạ dày ruột, tiêu chảy đã được báo cáo (<1%).
  • Phản ứng dị ứng trên da như: Nổi ban đỏ, ngứa ngáy, nổi mề đay, phát ban dạng sởi và nổi dát sần.
  • Thay đổi về sự điều tiết, hiện tượng nhìn mờ, khó nhìn có thể xảy ra khi sử dụng glimepiride (giả dược 0,7% và glimepiride 0,4%).
  • Các phản ứng huyết học: Làm giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu tan huyết, giảm toàn thể huyết cầu, thiếu máu bất sản.
  • Những phản ứng không mong muốn này thường xuất hiện tạm thời và biến mất sau đó, mặc dù người bệnh vẫn tiếp tục sử dụng glimepiride. Trường hợp các phản ứng quá mẫn kể trên kéo dài trong thời gian dài, người bệnh nên ngưng dùng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa.

4.3. Tương tác thuốc

  • Khi dùng chung với insulin, dẫn xuất coumarin, thuốc tiểu đường uống, chloramphenicol, phenylbutazol, -blocker, IMAO, miconazol có thể làm tăng tác dụng hạ đường huyết của glimepiride.
  • Thuốc lợi tiểu, acetazolamide, phenytoin, glucagons, barbiturate có thể làm giảm tác dụng của glimepiride.
  • Clonidine, reserpin, thuốc kháng histamin H2 hoặc rượu có thể làm thay đổi tác dụng của glimepiride.
  • Glimepiride có khả năng làm thay đổi công dụng của thuốc chống đông máu coumarin.

4.4. Lưu ý đề phòng

  • Không sử dụng Glimepiride cho phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ hoặc đang trong thai kỳ.
  • Cần đặc biệt thận trọng tới nguy cơ gây hạ đường huyết hoặc mất khả năng kiểm soát đường huyết.
  • Tình trạng mất kiểm soát glucose huyết có thể xảy ra ở những bệnh nhân đã ổn định đối với chế độ điều trị bệnh đái tháo đường, thế nhưng vẫn có các yếu tố dẫn đến stress như chấn thương, nhiễm trùng, sốt hoặc phẫu thuật.
  • Đã có nhiều báo cáo về tình trạng phản ứng dị ứng đối với người bệnh điều trị bằng Glimepiride như phù mạch, quá mẫn, hội chứng Stevens-Johnson.
  • Đã có nhiều báo cáo ghi nhận về tình trạng thiếu máu tan máu ở các bệnh nhân bị thiếu hụt hoặc không thiếu hụt glucose 6-phosphat dehydrogenase (G6DP).
  • Cần đề phòng nguy cơ tăng các bệnh về tim mạch với mọi sulfonylurê. Đã có các báo cáo về tình trạng tăng nguy cơ tim mạch trong quá trình dùng thuốc hạ glucose đường huyết bằng đường uống so với chế độ ăn kiêng đơn thuần hoặc chế độ ăn kiêng kết hợp cùng với insulin.
  • Trường hợp hạ hoặc tăng glucose huyết, suy giảm thị lực có khả năng làm giảm khả năng tập trung và phản ứng của người bệnh. Chính vì vậy cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc cho người phải lái xe, vận hành máy móc hoặc thực hiện các công việc yêu cầu độ tập trung và chính xác cao.
  • Không nên sử dụng Glimepiride cho những người bệnh từng có vấn đề về di truyền hiếm gặp không dung nạp galactose, kém hấp thu glucose-galactose hoặc thiếu hụt enzym lactase toàn phần.

Bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất về thành phần, công dụng thuốc Glimvaz 2 và các lưu ý quan trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và độ hiệu quả mà thuốc mang lại, người bệnh vẫn chỉ nên sử dụng khi có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.

134 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan