Mặc dù đã có báo cáo về tương tác thuốc tránh thai khẩn cấp và hàng ngày với thuốc khác, nhưng đây vẫn là biện pháp được nhiều người lựa chọn. Phụ nữ bị tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 vẫn có thể uống thuốc tránh thai an toàn, tuy nhiên cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
1. Tầm quan trọng của việc tránh thai đối với phụ nữ mắc bệnh tiểu đường
Trong nhiều trường hợp, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường không đạt đủ các tiêu chuẩn cho phép mang thai thì cần sử dụng các biện pháp tránh thai theo chỉ định của bác sĩ. Nếu kiểm soát đường huyết không tốt sẽ dẫn đến rất nhiều biến chứng thai kỳ khác nhau. Đặc biệt, khi tăng glucose máu liên tục kéo dài ở giai đoạn đầu mang thai - thời gian hình thành các cơ quan của thai nhi, nguy cơ dị tật bẩm sinh cũng tăng cao.
Theo một báo cáo, thai phụ có HbA1c ≥ 7,5% ở giai đoạn đầu, tỷ lệ bất thường hình thái của thai nhi là 12%. Hơn nữa, nguy cơ xuất hiện tình trạng trẻ khổng lồ, hạ đường máu sơ sinh, vàng da và hội chứng suy hô hấp, ... cũng không nhỏ.
Ngoài ra, phụ nữ bị đái tháo đường thường kèm theo nguy cơ mắc bệnh võng mạc, khiến bệnh thận chuyển biến xấu hơn... Đây đều là những tình trạng cần được kiểm soát trước khi mang thai. Chính vì vậy, bệnh nhân tiểu đường buộc phải thực hiện mang thai có kế hoạch vào kiểm soát lượng đường huyết chặt chẽ, phối hợp với bác sĩ để được những hướng dẫn tránh thai an toàn và mang thai vào thời điểm phù hợp.
2. Mức độ an toàn của thuốc tránh thai đối với bệnh nhân tiểu đường
Mặc dù hiện nay trên thị trường có khoảng 23 nhãn hiệu thuốc tránh thai khác nhau, nhưng nhìn chung thì thuốc tránh thai thường được chia thành hai loại chính:
- Loại đầu tiên chứa các hormone estrogen và progestin: Những loại thuốc tránh thai kết hợp này rất hiếm khi làm thay đổi mức đường huyết, cũng như không ảnh hưởng đến cách cơ thể kiểm soát glucose máu.
- Loại thứ hai chỉ chứa progestin / progesterone: Thuốc chỉ chứa progesterone cũng không gây ra những thay đổi trong việc kiểm soát đường huyết.
Ngoài ra, các biện pháp tránh thai khác như tiêm và cấy que, cũng được coi là khá an toàn cho bệnh nhân tiểu đường sử dụng.
XEM THÊM: Tác dụng phụ và tương tác của thuốc trị tiểu đường
3. Nguy cơ tương tác thuốc tránh thai với thuốc điều trị tiểu đường
Một mặt, thuốc trị tiểu đường là chất cảm ứng enzym gan nên có thể làm giảm hiệu quả của viên uống tránh thai. Trong trường hợp đang phải uống thuốc trị tiểu đường, chị em cần sử dụng thêm biện pháp kiểm soát sinh sản khác hoặc tăng liều tùy theo hướng dẫn của bác sĩ. Mặt khác, nhiều phụ nữ cảm thấy mất kiểm soát lượng đường trong máu khi bắt đầu uống thuốc, nhưng điều này thường có thể khắc phục được bằng cách điều chỉnh một phần trong chế độ điều trị.
Tuy nhiên, thuốc tránh thai có thể gián tiếp khiến bệnh tiểu đường gặp biến chứng. Nói cách khác, một số tác dụng phụ của thuốc có thể dẫn đến tăng nguy cơ biến chứng tiểu đường. Ví dụ, huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt hoặc bệnh về thận do tiểu đường.
Một số ý kiến cho rằng estrogen trong thuốc tránh thai có thể làm tăng lượng đường máu, đồng thời làm giảm phản ứng insulin của cơ thể. Trong khi đó, progestin trong thuốc tránh thai cũng có thể dẫn đến sản xuất insulin quá mức.
Vài chuyên gia y tế đã khuyến cáo chỉ nên sử dụng thuốc tránh thai ở những phụ nữ dưới 35 tuổi, không hút thuốc, có thể trạng khỏe mạnh và không có biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường và có hút thuốc cũng nên tìm kiếm các hình thức tránh thai thay thế.
Nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về tương tác thuốc tránh thai hàng ngày hoặc khẩn cấp với thuốc điều trị tiểu đường thì bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ y tế trước khi tiếp tục dùng thuốc. Các tổ chức Kế hoạch hóa Gia đình sẽ cung cấp cho bạn thông tin tổng hợp về các phương pháp tránh thai khác nhau, phù hợp với từng cá nhân.
4. Các phương pháp tránh thai khác dành cho bệnh nhân tiểu đường
4.1. Màng ngăn âm đạo
Đây là hình thức đưa vào âm đạo một màng cao su hình bán cầu trước khi quan hệ tình dục để ngăn tinh trùng thâm nhập vào tử cung. Trước khi có thuốc uống tránh thai kết hợp, đây chính là biện pháp tránh thai chủ động cho phụ nữ mà không cần sự hợp tác của nam giới. Tuy nhiên nhược điểm của cách này chính là thao tác đặt vào khó, nếu sử dụng không chính xác thì dễ thất bại.
4.2. Bao cao su
Bao cao su là phương pháp tránh thai phổ biến, an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, đây cũng là cách tránh thai duy nhất có thể ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục, dễ dàng kết hợp với các biện pháp tránh thai khác. Người dùng chỉ cần thao tác đúng thì tỷ lệ tránh thai gần như tuyệt đối, nhưng đòi hỏi phải có sự hợp tác của nam giới.
4.3. Chất diệt tinh trùng
Trong khi quan hệ tình dục, đưa vào âm đạo thuốc có chứa Menfegol - một chất hoạt động bề mặt để giết chết tinh trùng. Đây là một biện pháp rất đơn giản nhưng tỷ lệ thất bại lại khá cao.
4.4. Canh ngày theo chu kỳ kinh nguyệt
Phương pháp này yêu cầu bạn dự đoán ngày rụng trứng và chỉ quan hệ trong giai đoạn sau khi trứng đã rụng. Bạn cần phải tính toán kỳ kinh của mình, đo nhiệt độ cơ thể hoặc quan sát chất nhầy cổ tử cung để biết thời điểm trứng rụng. Cách này không sử dụng thuốc hoặc dụng cụ, nên không cần lo lắng về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên việc canh ngày lại thiếu độ chính xác và tỷ lệ thất bại cao.
4.5. Đặt vòng
Đưa dụng cụ vào khoang tử cung sẽ có hiệu quả tránh thai tương đương dùng thuốc kết hợp. Tuy nhiên, cần chú ý đến nguy cơ nhiễm trùng tử cung, đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường.
Tóm lại, phụ nữ bị tiểu đường cần hiểu rõ về những rủi ro có thể gặp phải khi mang thai và thực hiện mang thai có kế hoạch. Điều quan trọng là phải được trang bị đầy đủ kiến thức từ khi chưa mang thai, tìm ra phương pháp tránh thai phù hợp với bản thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: diabetes.co.uk