Công dụng thuốc Codepect

Thuốc Codepect được bào chế dưới dạng viên nang mềm, có thành phần gồm Codein Phosphate và Glyceryl Guaiacolate. Thuốc được sử dụng trong giảm ho, long đờm và giảm đau nhẹ.

1. Thuốc Codepect tác dụng gì?

Thuốc Codepect là thuốc gì? Thuốc có thành phần gồm Codein Phosphate hàm lượng 10mg, Glyceryl Guaiacolate hàm lượng 100mg và các tá dược (lecithin, sáp ong trắng, dầu thực vật hydro hóa, dầu đậu tương).

Thuốc Codepect chữa bệnh gì? Với thành phần chính là Codein và Glyceryl Guaiacolate, thuốc Codepect có tác dụng giảm ho, long đờm và giảm đau nhẹ. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng trong các trường hợp bị tiêu chảy (do thành phần có chứa Codein). Codein có tác dụng làm giảm do (do tác dụng trực tiếp lên trung tâm ho ở hành não, làm khô dịch tiết đường hô hấp, làm tăng độ quánh của dịch tiết phế quản). Glyceryl Guaiacolate làm giảm độ nhớt dịch tiết, tăng hiệu quả của phản xạ ho và hoạt động của các lông mao, hỗ trợ loại bỏ chất nhầy trong phế quản.

Thuốc Codepect được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị các tình trạng ho với những triệu chứng đặc trưng: Ho khan, ho do gió, ho do thời tiết, ho có đờm, ho đêm,...;
  • Giảm đau ở mức độ nhẹ;
  • Giảm các triệu chứng sổ mũi, cảm cúm (hiệu quả cao hơn khi kết hợp với thuốc kháng viêm không steroid).

Chống chỉ định sử dụng thuốc Codepect:

  • Trẻ em dưới 12 tuổi;
  • Bệnh nhân suy hô hấp cấp tính hoặc quá mẫn với thành phần của thuốc;
  • Người bệnh có gen chuyển hóa thuốc qua CYP2D6 siêu nhanh;
  • Người có tiền sử bệnh gan, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, tiền sử nghiện rượu;
  • Bệnh nhân tăng áp lực nội sọ, chấn thương sọ não, hôn mê, động kinh;
  • Người bệnh liệt ruột, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng nhu động ruột;
  • Người dưới 18 tuổi có tiền sử phẫu thuật cắt amidan/VA;
  • Người đang sử dụng thuốc chống trầm cảm 3 vòng, IMAO.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Codepect

Thuốc Codepect được sử dụng bằng đường uống với liều dùng cho trẻ em và người lớn khác nhau. Cụ thể:

  • Người lớn: Dùng liều 2 - 3 viên/lần x 2 - 3 lần/ngày;
  • Trẻ em trên 12 tuổi: Dùng thuốc theo phác đồ của bác sĩ.

*Lưu ý:

  • Bắt đầu sử dụng thuốc từ liều thấp nhất có hiệu quả, nên giảm liều ở bệnh nhân cao tuổi. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 lần dùng thuốc liên tiếp là 6 giờ. Không nên điều trị quá 7 ngày liên tiếp, dùng liều tối đa mỗi ngày là 12 viên;
  • Nếu trong vòng 3 ngày người bệnh không nhận thấy dấu hiệu giảm ho, giảm đau thì nên thông báo với bác sĩ về các triệu chứng, lịch sử dùng thuốc;
  • Thuốc Codepect có thể gây nghiện nếu dùng liều cao và kéo dài. Việc ngừng thuốc nên tiến hành dần dần, giảm liều từ từ, không đột ngột.

Khi dùng thuốc Codepect quá liều, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như rối loạn thần kinh trung ương, suy hô hấp, giãn đồng tử, hôn mê hoặc hạ thân nhiệt, chóng mặt, buồn ngủ, co giật, nôn nao, hồi hộp, bồn chồn,... Cách xử trí là liên tục theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, báo ngay cho bác sĩ. Nên cân nhắc sử dụng than hoạt tính để tăng cường hấp thu thuốc. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể cho dùng Naloxone (đối kháng opioid). Người nhà bệnh nhân và bác sĩ cũng nên theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của người bệnh ít nhất 4 giờ sau khi uống Naloxone.

3. Tác dụng phụ của thuốc Codepect

Khi sử dụng thuốc Codepect, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Đau đầu, chóng mặt, khát, có cảm giác khác lạ, buồn nôn, nôn ói, táo bón, bí tiểu, tiểu ít, mạch nhanh, mạch chậm, yếu mệt, hồi hộp, hạ huyết áp tư thế đứng;
  • Ít gặp: Ngứa da, nổi mày đay, suy hô hấp, bồn chồn, an dịu, sảng khoái, đau dạ dày, co thắt ống mật;
  • Hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, ảo giác, co giật, rối loạn thị giác, mất phương hướng, suy tuần hoàn, đỏ mặt, toát mồ hôi, mệt mỏi;
  • Nghiện thuốc: Sử dụng codein (thành phần của thuốc Codepect) trong thời gian dài với liều 240 - 500mg/ngày có thể gây nghiện thuốc. Biểu hiện thường gặp gồm bồn chồn, run rẩy, toát mồ hôi, co giật cơ, chảy nước mũi,... Bệnh nhân có thể bị lệ thuộc thuốc về tâm lý, thân thể và gây quen thuốc.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên báo cho bác sĩ nhận được lời khuyên phù hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Codepect

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Codepect:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Codepect với bệnh nhân có các vấn đề di truyền hiếm gặp ở gen, thiếu các men tiêu hóa galactose nên không thể tiêu hóa được dẫn đến tiêu chảy;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Codepect ở bệnh nhân có tiền sử bệnh về thần kinh như co giật, động kinh;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Codepect ở người bệnh mạch vành, tiểu đường, xơ vữa động mạch và đau thắt ngực;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Codepect ở người lái xe và vận hành máy móc;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Codepect ở người bị phì đại tuyến tiền liệt, rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Codepect đối với các bệnh nhân có tiền sử ngộ độc opioid, suy giáp và suy thượng thận;
  • Thận trọng khi phối hợp thuốc Codepect với benzodiazepin, phenothiazin, barbiturat, thuốc ức chế monoamin oxidase, thuốc chống trầm cảm ba vòng;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Codepect ở phụ nữ có thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Việc sử dụng Codepect trong thai kỳ có thể gây hội chứng nghiện thuốc ở trẻ sơ sinh. Codein có trong Codepect có thể gây khó khăn trong quá trình chuyển dạ và làm tăng nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp ở trẻ sơ sinh;
  • Không nên sử dụng thuốc Codepect cho phụ nữ đang nuôi con bú;
  • Codein trong thuốc Codepect có thể gây buồn ngủ nên không dùng thuốc cho người lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Codepect

Một số tương tác thuốc Codepect gồm:

  • Sử dụng thuốc Codepect đồng thời với rượu sẽ làm tăng khả năng hạ huyết áp, an thần của rượu và có thể gây hôn mê;
  • Dùng chung thuốc Codepect với thuốc nhóm an thần gây ngủ như phenobarbital, diazepam có thể gây trầm cảm, ức chế thần kinh trung ương hoặc hôn mê, thậm chí tử vong;
  • Sử dụng chung thuốc Codepect với các thuốc chống loạn nhịp tim có thể làm giảm hấp thu và tác dụng của thuốc chống loạn nhịp tim;
  • Dùng đồng thời thuốc Codepect với thuốc chống trầm cảm 3 vòng làm tăng sinh khả dụng, tác dụng tăng nguy cơ ngộ độc thuốc;
  • Dùng đồng thời thuốc Codepect và các thuốc kháng histamin làm tăng nguy cơ trầm cảm, rối loạn thần kinh trung ương;
  • Sử dụng chung thuốc Codepect với thuốc chống loạn thần làm tăng tác dụng hạ huyết áp và an thần;
  • Phối hợp thuốc Codepect với aspirin và paracetamol làm tăng tác dụng giảm đau của codein;
  • Phối hợp thuốc Codepect với quinidin làm giảm hoặc mất tác dụng giảm đau của codein;
  • Codein trong thuốc Codepect làm giảm chuyển hóa cyclosporin (do ức chế men cytochrom P450);
  • Phối hợp Codepect với các thuốc Domperidone, Metoclopramide có thể gây rối loạn tiêu hóa.

Để đảm bảo hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng thuốc Codepect, người bệnh nên tuân thủ tuyệt đối mọi chỉ định của bác sĩ về liều dùng, cách dùng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe