Công dụng thuốc Cefpodoxim 100 mg

Thuốc Cefpodoxim có thành phần hoạt chất là cefpodoxim. Sản phẩm thường được bào chế dưới dạng thuốc Cefpodoxime 100mg dạng gói, bột pha hỗn dịch, mỗi gói chứa 3g.

1. Chỉ định/chống chỉ định sử dụng thuốc Cefpodoxim

Thuốc Cefpodoxim được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị các bệnh từ nhẹ tới trung bình ở đường hô hấp dưới như viêm phổi cấp tính, viêm phế quản mạn tính;
  • Điều trị các nhiễm khuẩn nhẹ và trung bình ở đường hô hấp trên (đau họng, viêm amidan);
  • Điều trị bệnh viêm tai giữa cấp;
  • Điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhẹ và trung bình, chưa có biến chứng (viêm bàng quang);
  • 1 liều 200mg Cefpodoxim được dùng để điều trị bệnh lậu cấp, chưa biến chứng, xuất hiện ở nội mạc cổ tử cung hoặc hậu môn - trực tràng, niệu đạo;
  • Điều trị nhiễm khuẩn thể nhẹ tới trung bình, chưa biến chứng ở da và các tổ chức da.

Thuốc Cefpodoxim chống chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Người bị dị ứng với cephalosporin;
  • Người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin.

2. Cách dùng thuốc Cefpodoxim 100mg

Thuốc được dùng đường uống. Người bệnh đổ toàn lượng bột trong gói thuốc vào cốc, thêm khoảng 5ml nước sôi để nguội, khuấy đều rồi uống ngay hỗn dịch thu được. Có thể dùng thuốc cùng thức ăn hoặc không.


Thuốc cefpodoxim 100 được dùng trong một số trường hợp nhiễm khuẩn
Thuốc cefpodoxim 100 được dùng trong một số trường hợp nhiễm khuẩn

3. Liều dùng thuốc Cefpodoxim 100mg

Liều dùng thuốc tùy thuộc vào các đối tượng người dùng. Cụ thể:

3.1 Người lớn và trẻ em từ 13 tuổi trở lên

  • Điều trị đợt kịch phát cấp tính của viêm phế quản mạn hoặc viêm phổi cấp thể nhẹ tới trung bình: 200mg/lần/12 giờ, dùng trong 10 hoặc 14 ngày tương ứng;
  • Viêm họng hoặc viêm amidan thể nhẹ tới trung bình, nhiễm khuẩn đường tiết niệu thể nhẹ hoặc trung bình, chưa biến chứng: 100mg/lần/12 giờ, dùng trong 5 - 10 ngày hoặc 7 ngày tương ứng;
  • Nhiễm khuẩn da và các tổ chức da thể nhẹ và trung bình, chưa biến chứng: 400mg/lần/12 giờ, dùng trong 7 - 14 ngày;
  • Bệnh lậu ở niệu đạo chưa biến chứng, bệnh lậu ở hậu môn - trực tràng, nội mạc cổ tử cung: Dùng 1 liều 200mg, sau đó điều trị bằng doxycyclin đường uống.

3.2 Trẻ em

  • Viêm tai giữa cấp ở trẻ từ 5 tháng - 12 tuổi: Liều 5mg/kg (tối đa 200mg)/lần/12 giờ hoặc 10mg/kg (tối đa 400mg)/lần/ngày, dùng trong 10 ngày;
  • Viêm phế quản, viêm amidan thể nhẹ và trung bình ở trẻ em từ 5 tháng - 12 tuổi: 5mg/kg (tối đa 100mg)/lần/12 giờ, dùng trong 5 - 10 ngày;
  • Các bệnh nhiễm khuẩn khác:
    • Trẻ dưới 15 ngày tuổi: Không nên dùng;
    • Trẻ từ 15 ngày - 6 tháng tuổi: 8mg/kg/ngày, chia 2 lần/ngày;
    • Trẻ từ 6 tháng - 2 tuổi: 40mg/kg/lần, chia 2 lần/ngày;
    • Trẻ từ 3 - 8 tuổi: 80mg/lần, chia 2 lần/ngày;
    • Trẻ trên 9 tuổi: 100mg/lần, chia 2 lần/ngày.

3.3 Bệnh nhân suy thận

Liều dùng thuốc Cefpodoxim cần giảm tùy theo mức độ suy thận. Với bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 30ml/phút, không thẩm tách máu thì dùng liều thông thường, cách nhau 24 giờ/lần. Với bệnh nhân suy thận đang thẩm tách máu, dùng liều thông thường 3 lần/tuần.

Lưu ý: Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định liều dùng thuốc dựa trên thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh.

Quá liều: Triệu chứng dùng thuốc Cefpodoxim quá liều có thể gồm: Buồn nôn, nôn ói, đau thượng vị, tiêu chảy. Khi dùng quá liều, bệnh nhân nên gọi cấp cứu hoặc ngay lập tức đi tới bệnh viện gần nhất. Cách xử trí là rửa dạ dày, hỗ trợ hoặc giải quyết triệu chứng. Nếu có phản ứng nhiễm độc nặng, bệnh nhân có thể cần thẩm phân máu hoặc thẩm phân phúc mạc để loại bỏ Cefpodoxim ra khỏi cơ thể.

Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Cefpodoxim, người bệnh nên uống ngay khi nhớ ra. Nếu gần với liều kế tiếp, bệnh nhân bỏ qua liều đã quên, dùng liều kế tiếp vào đúng thời điểm quy định.


Thuốc cefpodoxim 100 cần được dùng theo đúng hướng dẫn
Thuốc cefpodoxim 100 cần được dùng theo đúng hướng dẫn

4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Cefpodoxim

Khi sử dụng thuốc Cefpodoxim, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn:

  • Thường gặp: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, đau đầu, phát ban, nổi mề đay, ngứa da,...;
  • Ít gặp: Phát ban da đỏ, sốt, đau khớp, phản ứng phản vệ, rối loạn enzyme gan, viêm gan, vàng da ứ mật tạm thời;
  • Hiếm gặp: Rối loạn về máu, viêm thận kẽ có hồi phục, bị kích động, lú lẫn, khó ngủ, hoa mắt chóng mặt,...

Khi gặp các tác dụng phụ trên, bệnh nhân nên ngừng điều trị bằng Cefpodoxim và thông báo ngay cho bác sĩ.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefpodoxim

Một số lưu ý trước khi sử dụng thuốc Cefpodoxim:

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng Cefpodoxim, cần xem xét kỹ tiền sử dị ứng của người bệnh với Cefpodoxim, penicillin và các thuốc khác;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc với người mẫn cảm với penicillin, thiểu năng thận, phụ nữ có thai và cho con bú. Cefpodoxim được tiết qua sữa mẹ, có thể khiến trẻ bú mẹ bị loạn khuẩn đường ruột, tác động tới chức năng cơ thể trẻ, làm sai lệch kết quả khi làm kháng sinh đồ.

Tương tác thuốc: Thuốc hấp thu tốt trong môi trường acid, hấp thu kém hơn khi pH dạ dày tăng lên. Vì vậy, tánh dùng thuốc Cefpodoxim với chất chống acid (chất giảm tiết hoặc trung hòa acid dạ dày).

Cefpodoxim là một kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin, hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, giúp điều trị viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, viêm tai giữa,... Người bệnh nên dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất. Nếu gặp các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ ngay để được can thiệp điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe