Công dụng thuốc Calcitonin

Calcitonin là một hormon do tế bào cận nang tuyến giáp bài tiết ra. Hormon này được tổng hợp từ cá hồi và sử dụng cho người theo 2 dạng là thuốc tiêm và thuốc xịt mũi. Vậy thuốc Calcitonin có tác dụng gì?

1. Calcitonin là thuốc gì?

Thuốc Calcitonin có thành phần là hormon Calcitonin tổng hợp (từ cá hồi), được bào chế dưới 2 dạng là dung dịch tiêm và dung dịch xịt mũi. Vậy thuốc Calcitonin có tác dụng gì?

Calcitonin bản chất là một hormon được bài tiết bởi tế bào cận nang tuyến giáp, có cấu trúc là một polypeptid chứa 32 acid amin. Tác dụng chính của hormon Calcitonin là điều hoà quá trình chuyển hóa chất khoáng trong cơ thể cũng như ngăn ngừa quá trình tiêu xương hay hủy xương. Thuốc Calcitonin làm giảm quá trình tiêu canxi ở xương và giảm nồng độ canxi huyết thanh, do đó có tác dụng đối lập với hormon cận giáp.

Trong bệnh Paget, việc sử dụng thuốc Calcitonin sẽ hỗ trợ làm giảm tốc độ chuyển hóa xương. Ngoài ra, Calcitonin còn tác động trực tiếp đến thận, cụ thể là kích thích bài tiết canxi, phosphat và natri thông qua cơ chế ức chế tái hấp thu ở ống thận.

2. Chỉ định của thuốc Calcitonin

Điều trị loãng xương trong những bệnh cảnh sau:

  • Loãng xương do lão suy;
  • Loãng xương do sử dụng corticosteroid kéo dài hoặc do bất động;
  • Ðể phòng ngừa hiện tượng hủy xương tiến triển, bệnh nhân sử dụng thuốc Calcitonin phải đồng thời bổ sung canxi và vitamin D theo nhu cầu của từng đối tượng.

Thuốc Calcitonin điều trị tình trạng đau xương có kèm theo tình trạng hủy xương và/hoặc giảm xương.

Điều trị bệnh Paget (viêm xương biến dạng), đặc biệt ở bệnh nhân có những triệu chứng như:

  • Ðau xương;
  • Có biến chứng thần kinh;
  • Tăng nồng độ phosphatase kiềm trong huyết thanh và tăng bài tiết hydroxyproline trong nước tiểu;
  • Tình trạng tổn thương xương lan rộng dần;
  • Gãy xương không hoàn toàn hoặc tái phát nhiều lần.

Thuốc Calcitonin còn được chỉ định để điều trị tình trạng tăng canxi máu mãn tính và cơn tăng canxi máu cấp tính do các nguyên nhân:

  • Tình trạng hủy xương quá mức trong các bệnh lý ác tính có di căn xương như ung thư vú, phổi, thận, u tủy và các bệnh ác tính khác;
  • Cường tuyến cận giáp, nằm bất động lâu ngày hoặc ngộ độc vitamin D cấp và mãn tính.

Thuốc Calcitonin còn được dùng trong điều trị bệnh loạn dưỡng thần kinh (bệnh Sudeck) do các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác nhau như loãng xương, đau xương sau chấn thương, loạn dưỡng phản xạ thần kinh giao cảm, hội chứng vai-cánh tay, chứng hỏa thống hoặc rối loạn dinh dưỡng thần kinh do sử dụng thuốc.

3. Liều dùng của thuốc Calcitonin

Liều thuốc Calcitonin điều trị loãng xương sau mãn kinh: Vẫn chưa xác định được liều điều trị tối ưu nhất, liều khuyến cáo được sử dụng hiện nay như sau:

  • Dạng tiêm: 50-100UI/ngày hoặc 100UI/2 ngày, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp tùy mức độ nghiêm trọng của bệnh;
  • Dạng xịt mũi: 100-200UI/ngày hoặc 200UI/2 ngày, chia 1 hoặc nhiều lần tùy theo đáp ứng của mỗi bệnh nhân.

Liều thuốc Calcitonin điều trị đau xương kết hợp với hủy xương và/hoặc giảm xương:

  • Liều dùng điều chỉnh theo nhu cầu của từng bệnh nhân: 200-400 UI/ngày. Với liều dưới 200UI có thể dùng 1 lần duy nhất, liều cao hơn nên chia thành nhiều lần dùng;
  • Thời gian sử dụng thuốc Calcitonin có thể kéo dài cho đến khi bệnh nhân giảm đau hoàn toàn;
  • Liều dùng thuốc Calcitonin giai đoạn điều trị duy trì thường giảm so với ban đầu và/hoặc kéo dài khoảng cách giữa 2 lần dùng.

Liều dùng thuốc Calcitonin điều trị bệnh Paget:

  • Dạng tiêm: 100UI mỗi ngày hoặc mỗi 2 ngày, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Một vài trường hợp có thể tiêm thuốc Calcitonin cách 2 ngày trong giai đoạn điều trị duy trì với liều 50UI, đặc biệt khi các triệu chứng lâm sàng được cải thiện. Ngược lại một số bệnh nhân phải tăng liều mỗi ngày lên đến 200UI;
  • Dạng xịt mũi: 200UI mỗi ngày, dùng 1 lần hoặc chia làm nhiều liều. Một số trường hợp có thể phải dùng thuốc Calcitonin liều 400UI/ngày chia làm 2 lần, sau đó giảm liều dần.

Liều dùng thuốc Calcitonin điều trị cấp cứu tăng canxi huyết:

  • Đường dùng hiệu quả nhất là truyền tĩnh mạch liên tục;
  • Liều khuyến cáo là 5-10UI/kg/ngày, hòa tan trong 500ml dung dịch nước muối đẳng trương để truyền tĩnh mạch trong ít nhất 6 giờ, hoặc có thể tiêm tĩnh mạch chậm 2-4 lần trong ngày;
  • Bên cạnh sử dụng thuốc Calcitonin, bệnh nhân phải được bổ sung đủ nước và điều trị nguyên nhân (nếu có).

Liều thuốc Calcitonin điều trị tăng canxi huyết mãn tính:

  • Dạng tiêm: 5-10UI/kg/ngày tùy theo đáp ứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm, có thể tiêm dưới da hoặc tiêm bắp liều 1 lần duy nhất hoặc chia làm 2 lần;
  • Dạng xịt mũi: 200-400 UI chia vài lần xịt mỗi ngày.

Liều thuốc Calcitonin điều trị bệnh loạn dưỡng thần kinh:

  • Dạng tiêm: 100UI mỗi ngày, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da trong thời gian 2-4 tuần. Sau đó có thể dùng tiếp 100UI thuốc Calcitonin 3 lần mỗi tuần trong 6 tuần tùy vào tiến triển lâm sàng;
  • Dạng xịt mũi: 200UI chia vài lần xịt mỗi ngày trong thời gian 2-4 tuần, sau đó dùng liều 200UI 3 lần xịt mỗi tuần trong vòng 6 tuần.

Bệnh nhân sử dụng quá liều thuốc Calcitonin có thể dẫn đến hạ canxi huyết với các triệu chứng như tê cóng, cảm giác châm chích quanh miệng/đầu ngón tay/ngón chân. Ngoài ra, hạ canxi huyết có thể gây ra những triệu chứng có nguồn gốc thần kinh cơ như tăng phản xạ gân, dấu hiệu Chvostek dương tính, chuột rút cơ và bụng, cơn tetani với co cứng cổ tay/bàn chân, co giật, kéo dài QQ trên điện tâm đồ.

4. Tác dụng phụ của thuốc Calcitonin

Một số tác dụng phụ thường gặp khi điều trị bằng thuốc Calcitonin bao gồm buồn nôn, nôn ói, đôi khi chóng mặt và nóng bừng mặt. Các phản ứng phụ này của thuốc Calcitonin tùy thuộc liều dùng và khả năng xảy ra cao hơn khi tiêm tĩnh mạch thay vì tiêm bắp hay tiêm dưới da. Đa phần tác dụng phụ của thuốc Calcitonin tự khỏi, chỉ một số ít cần giảm liều tạm thời.

Một số trường hợp hiếm gặp khi tiêm thuốc Calcitonin có thể gây ra phản ứng quá mẫn với các triệu chứng phản ứng tại vị trí tiêm hoặc phản ứng da toàn thân. Tuy nhiên các phản ứng dạng phản vệ dẫn đến nhịp tim nhanh, hạ huyết áp và ngất của thuốc Calcitonin tuy đã được ghi nhận nhưng tỷ lệ rất hiếm gặp.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Calcitonin

Do bản chất là một polypeptid nên thuốc Calcitonin có nguy cơ gây ra các phản ứng quá mẫn tại chỗ hay toàn thân (tỷ lệ rất hiếm gặp). Do đó, để đảm bảo an toàn bệnh nhân nên được thực hiện phản ứng da trước khi sử dụng thuốc Calcitonin, đặc biệt ở bệnh nhân có tiền sử phản ứng quá mẫn. Lập tức ngưng thuốc Calcitonin nếu có dấu hiệu quá mẫn liên quan rõ ràng đến thuốc.

Do thiếu kinh nghiệm về việc sử dụng thuốc Calcitonin kéo dài ở trẻ em, do đó đối tượng này không nên điều trị bằng Calcitonin kéo dài hơn vài tuần trừ khi đã được bác sĩ cân nhắc và xem xét cần phải điều trị kéo dài.

Các nghiên cứu về khả năng ảnh hưởng chức năng sinh sản của thuốc Calcitonin trên động vật không cho thấy những nguy cơ tổn hại đến thai nhi, tuy nhiên điều này chưa được khẳng định qua các thử nghiệm có kiểm chứng ở phụ nữ có thai. Bản thân thuốc Calcitonin không đi qua hàng rào nhau thai ở động vật. Do đó tốt nhất không chỉ định thuốc Calcitonin trong thời kỳ mang thai. Đồng thời không nên cho con bú trong quá trình điều trị với thuốc Calcitonin do có bằng chứng cho thấy thuốc được bài tiết qua sữa mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan