Bumetanide là một thuốc lợi tiểu quai, thuốc được sử dụng với mục đích giảm phù nề do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy thuốc Bumetanide hiệu quả như thế nào và bệnh nhân nên lưu ý những gì khi dùng sản phẩm này?
1. Thuốc Bumetanide là thuốc gì?
Thuốc Bumetanide là thuốc gì? Thuốc Bumetanide là một thuốc lợi tiểu quai, có các dạng bào chế như sau:
- Viên nén hàm lượng 0.5, 1 và 2mg;
- Dung dịch tiêm nồng độ 0.25 mg/ml.
Bumetanide là thuốc lợi tiểu quai tác động mạnh, thời gian tác dụng nhanh nhưng duy trì trong thời gian ngắn. Vị trí tác dụng thuốc Bumetanide là nhành lên của quai Henle, tại đây Bumetanide sẽ ức chế tái hấp thu các chất điện giải và gây ra tác dụng lợi tiểu cũng như tăng bài tiết natri.
Sau khi uống, tác dụng lợi tiểu của thuốc Bumetanide được ghi nhận trong vòng 30 phút với hiệu quả cao nhất trong khoảng từ 1 đến 2 giờ. Trên thực tế lâm sàng, thuốc Bumetanide cho tác dụng lợi tiểu hoàn toàn trong vòng 3 giờ sau khi dùng liều thuốc Bumetanide hàm lượng 1mg.
2. Chỉ định của thuốc Bumetanide
Thuốc Bumetanide được chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Thuốc Bumetanide được chỉ định chủ yếu để điều trị giảm phù nề liên quan đến một số bệnh lý như suy tim sung huyết, rối loạn chức năng thận (bao gồm hội chứng thận hư) và xơ gan ở người trưởng thành;
- Bệnh nhân phù do nguyên nhân do thận hoặc tim khi cần dùng liều cao thuốc lợi tiểu tác dụng ngắn có thể dùng thuốc Bumetanide liều 5mg;
- Thuốc Bumetanide còn được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp, có thể đơn trị liệu hoặc kết hợp với các thuốc hạ huyết áp khác.
3. Chống chỉ định của thuốc Bumetanide
Thuốc Bumetanide chống chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Người bệnh quá mẫn hoặc dị ứng với hoạt chất Bumetanide và các thành phần khác có trong thuốc Bumetanide;
- Bệnh nhân thiểu niệu, vô niệu hoặc tăng ure máu: Mặc dù, thuốc Bumetanide được sử dụng để gây lợi tiểu ở bệnh nhân suy thận nhưng bất kỳ sự gia tăng rõ rệt nào của ure máu hoặc sự phát triển của tình trạng thiểu niệu hoặc vô niệu do bệnh thận tiến triển nặng đều là chống chỉ định hoặc phải ngừng điều trị bằng thuốc Bumetanide;
- Bệnh nhân hôn mê gan hoặc rối loạn cân bằng điện giải nghiêm trọng;
- Chống chỉ định dùng đồng thời thuốc Bumetanide với các muối lithium.
4. Liều dùng của thuốc Bumetanide
Liều dùng thuốc Bumetanide ở người trưởng thành:
- Đa số trường hợp đáp ứng tốt với liều Bumetanide 0.5 - 1mg mỗi ngày, dùng một lần duy nhất vào buổi sáng hoặc buổi tối. Tùy theo đáp ứng của bệnh nhân mà có thể cân nhắc sử dụng thêm liều thuốc Bumetanide thứ hai sau 6-8 giờ. Những bệnh nhân chưa đáp ứng với thuốc Bumetanide có thể tăng liều dùng cho đến khi đạt được đáp ứng lợi tiểu với liều tối đa là 10mg mỗi ngày;
- Liệu pháp bổ sung Kali bằng các chế phẩm hoặc dùng kết hợp các thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali (ví dụ, Spironolactone) có thể cần thiết để ngăn ngừa hạ kali máu và/hoặc nhiễm kiềm chuyển hóa ở một số bệnh nhân dùng thuốc Bumetanide.
Liều dùng thuốc Bumetanide cho trẻ em:
- Khuyến cáo không dùng thuốc Bumetanide cho trẻ em dưới 12 tuổi, vì có ít thông tin về tính an toàn, hiệu quả và liều lượng ở đối tượng này.
Liều dùng thuốc Bumetanide cho những đối tượng khác:
- Bệnh nhân cao tuổi: Điều chỉnh liều dùng Bumetanide theo đáp ứng, trong đó thuốc Bumetanide liều 0.5mg mỗi ngày có thể đã đạt mục tiêu điều trị ở một số bệnh nhân lớn tuổi;
- Bệnh nhân suy gan cần sử dụng thuốc Bumetanide ở liều lượng tối thiểu có hiệu quả;
- Suy thận: Bệnh nhân cần giảm phù nề có thể dùng thuốc Bumetanide bằng đường uống hoặc tiêm mạch chậm. Liều mỗi ngày 20mg đã được sử dụng ở một số trường hợp. Thuốc Bumetanide tiêm mạch chậm với liều trên 2mg có thể cần thiết để đạt được đáp ứng lợi tiểu ở bệnh nhân có độ thanh thải Creatinin dưới 5 mL/phút. Lưu ý những bệnh nhân suy thận nặng (độ lọc cầu thận dưới 10ml/phút/m2 da) có thể cần dùng liều cao Bumetanide để tạo ra đáp ứng lợi tiểu thích hợp.
Cách dùng thuốc Bumetanide:
- Ưu tiên dùng thuốc Bumetanide theo đường uống, chỉ sử dụng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp ở bệnh nhân không thể uống thuốc hoặc bị suy giảm khả năng hấp thu qua đường tiêu hóa;
- Với đường tiêm tĩnh mạch trực tiếp, thuốc Bumetanide cần được tiêm chậm trong khoảng thời gian 1 - 2 phút;
- Với truyền tĩnh mạch liên tục, thuốc Bumetanide cần được pha loãng trong dung dịch Dextrose 5%, Natri clorid 0.9% hoặc Ringer lactat và phải truyền liên tục trong vòng 24 giờ;
- Đáp ứng lợi tiểu của thuốc Bumetanide sau khi dùng đường uống hoặc đường tiêm là tương tự nhau, do đó liều lượng khuyến cáo cho tất cả đường dùng là tương tự nhau.
5. Tác dụng phụ của thuốc Bumetanide
Những tác dụng ngoại ý thường gặp khi dùng thuốc Bumetanide:
- Mất nước;
- Chóng mặt, đau đầu;
- Hạ huyết áp;
- Buồn nôn;
- Ngứa da (ở bệnh nhân mắc bệnh gan);
- Mệt mỏi.
Một số tác dụng phụ ít gặp của thuốc Bumetanide:
- Rối loạn cân bằng nước và điện giải;
- Đau tai;
- Tiêu lỏng;
- Nổi mày đay;
- Đau vú hoặc khó chịu ở ngực;
- Suy tủy xương liên quan đến việc sử dụng thuốc Bumetanide, tuy nhiên chưa được chứng minh chắc chắn là do Bumetanide gây ra;
- Rối loạn thính giác (có thể hồi phục được).
Một số tác dụng ngoại ý của thuốc Bumetanide chưa xác định tần suất xảy ra:
- Tăng acid uric máu;
- Tăng đường huyết;
- Bệnh não gan;
- Co thắt dạ dày, đau bụng, nôn ói, ăn uống khó tiêu;
- Phát ban, chuột rút cơ hoặc đau khớp.
6. Tương tác thuốc của Bumetanide
Tương tác thuốc của Bumetanide có thể xảy ra trong quá trình sử dụng như sau:
- Thuốc Bumetanide không nên dùng đồng thời với Lithium, vì có thể làm giảm tốc độ thanh thải, từ đó dẫn đến tăng nồng độ Lithium trong máu và đưa đến tình trạng quá liều hoặc ngộ độc.
- Khi sử dụng thuốc Bumetanide điều trị phù ở bệnh nhân tăng huyết áp thì nên cân nhắc chỉnh liều các thuốc hạ huyết áp do Bumetanide có thể dẫn đến hạ huyết áp quá mức.
- Cân nhắc điều chỉnh liều thuốc Bumetanide khi sử dụng đồng thời với glycosid tim (chẳng hạn như digitalis), vì tình trạng tăng bài tiết kali có thể dẫn đến cơ tim tăng nhạy cảm với tác dụng độc hại của glycosid.
- Một số NSAIDS được biết là có tác dụng đối kháng với tác dụng của thuốc lợi tiểu như thuốc Bumetanide.
- Thuốc Bumetanide không nên sử dụng đồng thời với một số loại kháng sinh và thuốc chống nấm, chẳng hạn như Cephaloridine hoặc Amphotericin vì có thể dẫn đến tăng tác dụng phụ có hại.
Để tránh tương tác thuốc Bumetanide xảy ra, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ được biết về các loại thuốc, thảo dược, thực phẩm chức năng đang sử dụng để bác sĩ cân nhắc và kê đơn thuốc phù hợp.
7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Bumetanide
Trong quá trình sử dụng thuốc Bumetanide, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:
- Bệnh nhân dùng thuốc Bumetanide liều cao, bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch có thể xảy ra những thay đổi đột ngột trong mối quan hệ giữa áp suất và lưu lượng tim, từ đó dẫn đến trụy tuần hoàn. Tình trạng này có nguy cơ xảy ra cao hơn ở bệnh nhân lớn tuổi được điều trị loại bỏ phù quá nhanh.
- Bệnh nhân suy thận mãn tính dùng thuốc Bumetanide liều cao cần được giám sát liên tục tại bệnh viện bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Bệnh nhân có chế độ ăn hạn chế muối có nguy cơ rối loạn cân bằng điện giải khi dùng thuốc Bumetanide. Bệnh nhân cần được xét nghiệm kiểm tra nồng độ các chất điện giải trong huyết thanh, bao gồm natri, kali, clorua và bicacbonat, một cách định kỳ hoặc khi cần thiết để có biện pháp can thiệp phù hợp.
- Thuốc Bumetanide có thể làm tăng độc tính trên thận hoặc độc tính trên tai của các thuốc khác, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận.
- Thuốc Bumetanide có thể dẫn đến biến chứng bệnh não ở bệnh nhân suy gan từ trước.
- Thuốc Bumetanide có thể làm tăng nồng độ acid uric máu và tăng đường huyết. Do đó, cần định kỳ kiểm tra glucose và acid uric máu, đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc nghi ngờ đái tháo đường và bệnh nhân bị bệnh gút.
- Bệnh nhân có các vấn đề di truyền hiếm gặp về không dung nạp galactose, thiếu men Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose-galactose không nên sử dụng thuốc thuốc Bumetanide.
- Các thử nghiệm trên động vật cho thấy thuốc Bumetanide không gây quái thai nhưng không có dữ liệu nào về ảnh hưởng của thuốc Bumetanide đối với phụ nữ mang thai. Do đó, nên tránh dùng thuốc Bumetanide trong thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu.
- Không có dữ liệu về dùng thuốc Bumetanide trong thời kỳ cho con bú, do đó các bà mẹ cho con bú nên ngừng điều trị bằng thuốc Bumetanide trừ trường hợp thật sự cần thiết. Những bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ phải dùng thuốc Bumetanide thì trẻ sơ sinh phải được theo dõi xem có bất kỳ tác dụng phụ nào không.
- Thuốc Bumetanide không có ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc.
Thuốc Bumetanide là một thuốc lợi tiểu quai, thuốc được sử dụng với mục đích giảm phù nề do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng, người dùng cần đọc kỹ hướng dẫn và tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn. Tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng, cách dùng trong bất kỳ trường hợp nào để tránh những tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.