Công dụng của thuốc Amoxicillin và Acid Clavulanic

Thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic (Acid clavulanic + Amoxicillin) là dạng thuốc kết hợp, sử dụng để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn.

1. Thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic có tác dụng gì?

Thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic gồm 2 thành phần là Acid clavulanic + Amoxicillin. Trong đó, Amoxicillin đại diện cho các penicillin phổ rộng, Acid clavulanic là một chất ức chế beta-lactamase. Loại thuốc này được bào chế thành nhiều dạng: viên nén, bột pha dịch treo để uống, thuốc tiêm,...

Thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn: Nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn trong ổ bụng, nhiễm khuẩn đường sinh dục - tiết niệu, vết cắn do động vật, viêm mô liên kết, nhiễm khuẩn ổ răng nặng, dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật,...

2. Cách dùng thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic

Bạn nên dùng thuốc sau khi ăn no hoặc sau bữa ăn nhẹ (theo chỉ dẫn của bác sĩ), thường dùng thuốc mỗi 12 giờ. Lưu ý khi dùng thuốc Acid clavulanic + Amoxicillin:

  • Không sử dụng thuốc với các món ăn nhiều chất béo bởi nó có thể làm giảm khả năng hấp thu của thuốc;
  • Không nghiền hoặc nhai viên thuốc phóng thích kéo dài vì nó có thể phát tán các loại thuốc cùng lúc, làm tăng nguy cơ mắc phải các tác dụng phụ;
  • Thuốc kháng sinh sẽ đạt hiệu quả tốt nhất khi nồng độ thuốc trong cơ thể người bệnh được giữ ở mức ổn định. Do vậy, bệnh nhân nên uống thuốc theo khoảng cách đều nhau, dùng thuốc vào các thời điểm nhất định trong ngày;
  • Tiếp tục sử dụng thuốc cho tới khi bác sĩ yêu cầu ngưng thuốc (ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất). Ngưng thuốc quá sớm có thể khiến vi khuẩn tiếp tục phát triển và dẫn đến tái nhiễm trùng. Bệnh nhân cũng nên báo cho bác sĩ nếu tình trạng bệnh không cải thiện hoặc càng xấu đi.

Thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic cần được dùng đúng theo chỉ định
Thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic cần được dùng đúng theo chỉ định

3. Liều dùng thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic

3.1 Liều dùng cho người lớn

  • Nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn sản sinh beta-lactamase nhạy cảm: Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên uống 250mg mỗi 8 giờ; nhiễm khuẩn nặng thì dùng liều uống 500mg mỗi 8 giờ. Nếu dùng thuốc tiêm, thì tiêm tĩnh mạch chậm 1g mỗi 8 giờ; nhiễm khuẩn nặng thì tăng liều 1g mỗi 6 giờ;
  • Nhiễm khuẩn ổ răng nặng: Dùng liều 250mg mỗi 8 giờ;
  • Dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật: Người lớn tiêm tĩnh mạch 1g khi tiền mê, tiêm 2 - 3 liều 1g, mỗi liều cách nhau 8 giờ nếu tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

3.2 Liều dùng cho trẻ em

Liều dùng thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic cho trẻ em tùy độ tuổi như sau:

Nhiễm khuẩn gây ra bởi vi khuẩn sản sinh beta-lactamase nhạy cảm:

  • Trẻ 1 - 6 tuổi: 125mg mỗi 8 giờ;
  • Trẻ 6 - 12 tuổi: 250mg mỗi 8 giờ;
  • Trẻ sơ sinh và trẻ sinh non: 25mg/kg mỗi 12 giờ;
  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi: 25mg/kg mỗi 8 giờ;
  • Trẻ từ 3 tháng đến 12 tuổi: 25mg/kg mỗi 8 giờ, tăng lên 25mg/kg mỗi 6 giờ nếu nhiễm khuẩn nặng hơn.

Liều dùng thuốc Amoxicillin + Acid clavulanic trên chỉ mang tính chất tham khảo. Bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng liều dùng phù hợp tùy thuộc vào độ tuổi, tính chất bệnh,...

4. Tác dụng phụ khi dùng thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic

Bệnh nhân nên ngừng sử dụng thuốc, báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Tiêu chảy dạng nước hoặc có máu;
  • Da tái, vàng da, vàng mắt, sốt, nước tiểu sẫm màu, suy nhược cơ thể;
  • Ngứa ran trên da, tê, đau, suy nhược cơ nặng;
  • Bầm tím, chảy máu bất thường ở mũi, miệng, trực tràng, âm đạo hoặc xuất hiện đốm tím/đỏ dưới da;
  • Dị ứng da nghiêm trọng, sưng mặt, sốt, đau họng, sưng lưỡi, rát mắt, đau da, phát ban da có màu đỏ hoặc tím lan rộng gây phồng rộp và bong tróc,...

Một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng khi sử dụng thuốc gồm:

  • Tiêu chảy nhẹ, đau dạ dày, đầy hơi;
  • Buồn nôn, nôn ói, đau đầu;
  • Phát ban, ngứa da;
  • Có mảng trắng trong họng hoặc miệng;
  • Nhiễm nấm âm đạo gây ngứa hoặc tiết dịch.

Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ nếu gặp các tác dụng phụ bất thường trong quá trình dùng thuốc.


Amoxicillin và Acid clavulanic có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người dùng
Amoxicillin và Acid clavulanic có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người dùng

5. Thận trọng khi dùng thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic

Trước khi dùng Amoxicillin và Acid clavulanic, người bệnh cần lưu ý:

  • Báo cho bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với Acid clavulanic, Amoxicillin, penicillin, cephalosporin hay bất kỳ loại thuốc nào khác;
  • Báo cho bác sĩ về các loại thuốc mà bạn đang sử dụng, đặc biệt là allopurinol và probenecid vì có thể bác sĩ sẽ cần thay đổi liều dùng thuốc hoặc theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn cẩn thận;
  • Báo cho bác sĩ nếu bạn từng bị bệnh gan, suy thận, dị ứng, hen suyễn, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng, bạch cầu đơn nhân,...;
  • Amoxicillin và Acid clavulanic có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai đường uống nên cần sử dụng phương pháp tránh thai khác khi dùng thuốc này;
  • Báo cho bác sĩ nếu bạn có thai, dự định có thai hoặc đang cho con bú;
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc Amoxicillin + Acid clavulanic trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.

6. Tương tác thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic

  • Thuốc Amoxicillin + Acid clavulanic có thể tương tác với các thuốc: Allopurinol, Probenecid, kháng sinh. Nếu đang sử dụng bất kỳ thuốc nào như trên, bạn không nên dùng Amoxicillin + Acid clavulanic hoặc cần phải điều chỉnh liều, thực hiện các xét nghiệm đặc biệt trong suốt quá trình trị bệnh.
  • Acid clavulanic + Amoxicillin có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai dạng uống. Vì vậy, trong khi dùng Acid clavulanic và Amoxicillin, người bệnh nên sử dụng phương pháp tránh thai không chứa nội tiết tố (bao cao su, thuốc diệt tinh trùng, màng ngăn,...) để tránh mang thai.
  • Thuốc Amoxicillin và Acid clavulanic được dùng để điều trị chứng nhiễm khuẩn đúng theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh chú ý không được tự ý dùng thuốc, ngừng thuốc, kéo dài hoặc rút ngắn thời gian sử dụng thuốc,... để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe