Mất xương vùng khuỷu do gãy, chấn thương

Gãy vỡ xương khuỷu tay là tình trạng phần xương khuỷu tay bị rạn, nứt hoặc vỡ một phần hay toàn phần với nhiều dạng đường gãy và kiểu gãy khác nhau, do nhiều nguyên nhân gãy và lực tác động khi gãy khác nhau. Ví dụ như gãy xương cẳng tay, gãy xương trụ, gãy xương quay... Tổn thương này gây ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh hoạt của người bệnh.

1. Mất xương vùng khuỷu và gãy khuỷu tay là gì?

Khớp khuỷu tay được hợp thành bởi 3 xương là: đầu dưới xương cánh tay, đầu trên xương trụxương quay. Gãy vỡ xương khuỷu tay là trường hợp tổn thương 1 hoặc nhiều hơn trong 3 xương trên và có thể ảnh hưởng đến các cấu trúc xương, mạch máu, thần kinh; gây đau đớn và suy giảm chức năng hoạt động.

Các nguyên nhân phổ biến dễ dẫn tới gãy vỡ xương khuỷu tay bao gồm: Tai nạn giao thông (va chạm khi lái ô tô, xe gắn máy); tác động trực tiếp vào khuỷu tay trong trường hợp: chơi thể thao, ngã khỏi ván trượt, ngã khỏi xe máy, rơi từ trên cao xuống, đỡ người khi ngã bằng cánh tay duỗi thẳng, bàn tay mở... Nhìn chung, bất kỳ tổn thương trực tiếp nào lên khuỷu tay, bàn tay, cổ tay hoặc vai đều có thể gây ảnh hưởng đến khuỷu tay.

Đối với trẻ em, gãy vỡ xương khuỷu tay có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển của xương.

2. Dấu hiệu nhận biết gãy vỡ xương khuỷu tay

Một số dấu hiệu nhận biết vỡ xương khuỷu tay bao gồm:

2.1. Sưng và đau nhức phần khuỷu tay

Khi bị gãy xương khuỷu tay, tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà người bệnh sẽ có biểu hiện đau đớn với các mức độ đau, nhói, buốt khác nhau. Nếu bị gãy vỡ xương khuỷu tay hở thì người bệnh sẽ có biểu hiện đau nhói và choáng váng do sốc và mất máu. Với các trường hợp gãy kín tay thì sẽ bị sưng tấy và phù nề tại vị trí tổn thương.

mất xương vùng khuỷu
Mất xương vùng khuỷu là tình trạng nghiêm trọng

2.2. Biến dạng khuỷu tay

Dù gãy có di lệch hoặc không di lệch, gãy kín hay gãy hở thì bệnh nhân sẽ luôn có các biểu hiện biến dạng khuỷu tay từ nhẹ đến nặng mà mắt thường có thể quan sát được. Với các trường hợp gãy hở thì sẽ có biểu hiện rách da (có thể lộ xương) và chảy máu. Với gãy xương kín thì da sẽ bị thâm tím, bầm thành từng mảng do tổn thương các mạch máu gây tụ máu.

2.3. Mất chức năng vận động

Khi gãy vỡ xương khuỷu tay, hầu như các cử động tại phần xương và khớp khuỷu của bệnh nhân sẽ bị hạn chế tới mức tối đa. Nhẹ thì suy giảm hoạt động do đau còn nặng thì không thể vận động hay cử động. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị tê, lạnh, mất cảm giác phần mu trên bàn tay và các ngón tay do các dây thần kinh bị ảnh hưởng.

3. Hướng điều trị gãy xương khuỷu tay

Cũng tương tự như các loại gãy xương khác, tùy theo mức độ chấn thương mà bác sĩ sẽ đề xuất các phương án điều trị phù hợp. Nếu nhẹ thì có thể chỉ cần dùng nẹp nâng cánh tay, chườm đá lạnh tại khu vực bị sưng và dùng thuốc giảm đau hoặc bao gồm phẫu thuật để chỉnh sửa phần xương bị gãy, dây thần kinh và mạch máu.

Dưới đây là một số hướng điều trị gãy xương khuỷu tay do chấn thương:

3.1. Điều trị bằng thuốc

Khi xảy ra tai nạn, bác sĩ có thể lập tức kê cho người bệnh một số loại thuốc giảm đau tùy theo mức độ nghiêm trọng. Thuốc uống sẽ được chỉ định cho những cơn đau nhẹ. Với cơn đau ở mức trung bình đến nặng thuốc sẽ được tiêm vào cơ hoặc tĩnh mạch.

Các thuốc giảm đau mặc dù dễ gây buồn ngủ nhưng có thể làm giãn cơ bắp và giúp bác sĩ dễ dàng thực hiện các thao tác nắn chỉnh cần thiết trên khuỷu tay.

mất xương vùng khuỷu
Thuốc uống sẽ được chỉ định cho những cơn đau nhẹ

3.2. Điều trị bằng phương pháp khác

Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định nẹp thạch cao hoặc bó bột cố định để giữ cho khuỷu tay không quay hay gập (các chuyển động này dễ làm xương gãy khó liền hoặc gây trật khớp).

Lưu ý:

  • Khi mới chấn thương khuỷu tay bác sĩ hiếm khi chỉ định bó bột bởi nếu khuỷu bị sưng bên trong bột dễ có nguy cơ tổn thương thần kinh và mạch máu.
  • Thời gian đầu sau chấn thương, người bệnh có thể được yêu cầu nẹp cố định và đeo dây đeo qua đầu, dẫn lưu chất lỏng (nếu cần) để giảm bớt áp lực qua cánh tay.
  • Trong và sau thời gian nẹp hoặc bó bột người bệnh cần tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng ở mức vừa phải, phù hợp với từng giai đoạn.

Nếu một xương ở khuỷu tay bị trục trặc hoặc lệch ra khỏi khớp, sẽ cần thực hiện thủ thuật nắn chỉnh đặt lại xương. Phương pháp này giúp đưa xương về lại đúng vị trí, làm giảm cơn đau, giúp xương lành nhanh chóng, giảm nguy cơ xương chèn ép hoặc cắt dây thần kinh, mạch máu.

3.3. Điều trị bằng phẫu thuật

Đôi khi với trường hợp mất xương vùng khuỷu dạng hở, chấn thương khuỷu tay phức hợp (gãy nhiều phần, gãy có di lệch), thì phẫu thuật lại là lựa chọn tốt nhất. Không chỉ xương cần được chỉnh sửa mà còn cần làm sạch để tránh nhiễm trùng.

Nhìn chung chấn thương khuỷu tay là tình trạng diễn ra phổ biến ở cả trẻ em lẫn người lớn. Tuy nhiên, loại chấn thương gặp phải sẽ khác nhau và cách hồi phục cũng rất khác. Vậy nên có thể phương pháp điều trị bác sĩ áp dụng cho người lớn và trẻ em bị gãy vỡ xương khuỷu tay không giống nhau.

Việc sớm phát hiện và điều trị chấn thương khuỷu tay rất quan trọng, vừa giúp giảm biến chứng (cứng khớp khuỷu, dính khuỷu tay...) vừa hạn chế nguy cơ tàn tật về sau. Bất kỳ chấn thương nghiêm trọng nào về xương nói chung và về khuỷu tay nói riêng, đều cần được chú ý và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

441 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan