Không phải tất cả các trường hợp khô cứng khớp đều do tuổi tác. Nhiều tình trạng khác có thể gây cứng khớp, bao gồm viêm khớp, gout và viêm bao hoạt dịch. Các yếu tố về lối sống, như chế độ ăn uống và cân nặng, cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp.
1. Nguyên nhân khô khớp đến từ lão hóa
Khi bạn già đi, phần sụn bảo vệ các đầu xương bắt đầu khô và cứng lại. Cơ thể cũng tạo ra ít chất lỏng hoạt dịch hơn (chất này hoạt động giống như dầu bôi trơn cho các khớp hoạt động tốt). Kết quả là các khớp không thể cử động tự do như trước đây. Trong một số trường hợp, viêm kèm theo cứng khớp khiến bạn bị đau khi đi bộ, đứng hoặc dồn sức nặng lên khớp. Điều tốt nhất người lớn tuổi có thể làm là tiếp tục tập luyện dù bị cứng và khô khớp, bởi dịch khớp cần vận động để giữ cho khớp trơn tru.
2. Cứng khớp trong buổi sáng
Nhiều người bị cứng khớp ngay sau khi thức dậy. Nguyên nhân là bởi khi bạn ngủ và nằm yên trong vài giờ, chất lỏng giúp khớp cử động dễ dàng sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ. Đây cũng là một lý do tại sao bạn thức dậy với đầu gối hoặc bàn tay cứng và sưng. Điều này khiến việc cử động các khớp trở nên khó khăn hơn vào buổi sáng.
Cứng khớp nhẹ có thể chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động của bạn trong một khoảng thời gian ngắn vào mỗi buổi sáng hoặc sau khi ngồi trong thời gian dài. Nhưng tình trạng khô khớp có thể nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đến khả năng vận động hàng ngày. Để giảm thiểu tình trạng này, hãy cố gắng di chuyển nhiều hơn trong ngày.
3. Viêm xương khớp
Khớp là điểm giao giữa hai xương. Phần cuối của mỗi xương được bao phủ bởi một lớp sụn, giúp hai xương không cọ xát trực tiếp với nhau. Nhưng sụn có thể bị mòn theo thời gian hoặc sau chấn thương. Khi không còn sụn, xương va vào nhau và đôi khi có những mảnh xương nhỏ bị vỡ ra. Kết quả là khớp bị cứng, sưng và đau.
Để điều trị bệnh xương khớp, bạn cần nghỉ ngơi nhằm tránh làm tăng tổn thương. Thuốc không kê đơn có thể giúp giảm đau khớp và sưng tấy. Nếu không hiệu quả, bác sĩ có thể dùng phương pháp điều trị mạnh hơn, chẳng hạn như tiêm thuốc trực tiếp vào khớp bị viêm. Tuy nhiên biện pháp này có thể làm yếu cơ, vì vậy không nên lạm dụng. Một số trường hợp hiếm cần phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ thảo luận về những phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân, bao gồm cả vật lý trị liệu và giảm cân.
4. Viêm khớp dạng thấp
Hệ thống miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi vi trùng bên ngoài tấn công. Nhưng đôi khi, niêm mạc khớp, hay còn gọi là bao hoạt dịch lại bị ảnh hưởng. Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra khớp cổ tay hoặc ngón tay, nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Tình trạng này thường gây đau và cứng khớp, đôi khi các triệu chứng phát triển âm thầm, thỉnh thoảng mới tái phát thành đợt.
Các bác sĩ sẽ điều trị viêm khớp dạng thấp bằng thuốc làm chậm hoặc ngừng quá trình bệnh. Mục đích là để dập tắt dấu hiệu viêm nhiễm trong cơ thể. Cùng với thuốc, bạn cũng cần tự chăm sóc khớp thật tốt bằng cách ăn uống khoa học, nghỉ ngơi nhưng phải vận động đầy đủ.
5. Một số loại viêm khớp khác
Ngoài hai loại phổ biến trên, các dạng viêm khớp khác cũng khiến khớp bị cứng, chẳng hạn như:
- Viêm cột sống dính khớp: Chủ yếu ảnh hưởng đến cột sống, nhưng cũng có thể làm cho hông, bàn tay hoặc bàn chân của bạn cảm thấy cứng.
- Bệnh gút: Sự tích tụ axit uric trong cơ thể biểu hiện bằng triệu chứng đau nhức ở ngón chân cái.
- Viêm khớp truyền nhiễm /viêm khớp nhiễm trùng: Thường bắt đầu với tình trạng nhiễm trùng ở một nơi khác trong cơ thể, di chuyển đến một khớp lớn, chẳng hạn như phần hông.
- Viêm khớp vẩy nến: Dạng này thường di truyền giữa các thành viên trong gia đình. Các dấu hiệu bao gồm sưng ngón tay và móng tay bị rỗ.
6. Đau khớp do thay đổi thời tiết
Dù các bác sĩ không rõ lý do tại sao, nhưng thực tế là cơn đau khớp thường trở nên tồi tệ hơn khi thời tiết thay đổi. Hay gặp nhất là khi áp suất không khí (áp suất khí quyển) giảm, xảy ra ngay trước khi có một cơn gió mùa đến.
7. Đau cơ xơ hóa
Tình trạng mãn tính này gây ra đau khớp và cơ, đi kèm với các vấn đề về giấc ngủ, tâm trạng và trí nhớ. Các nhà khoa học cho rằng não đã phóng đại các tín hiệu đau bình thường. Mặc dù không rõ nguyên nhân, nhưng tình trạng này thường xảy ra sau một cơn bệnh, phẫu thuật hoặc căng thẳng cao độ. Tuy nhiên, thực tế thì đau cơ xơ hóa không gây hại cho khớp như các loại viêm khớp.
Không có cách chữa trị chứng đau cơ xơ hóa, chỉ có thuốc không kê đơn giúp làm dịu cơn đau của bệnh nhân. Chuyên gia vật lý trị liệu cũng có thể dạy bạn các bài tập đặc biệt. Bạn cũng có thể thử một kỹ thuật thư giãn (như hít thở sâu) hoặc một bài tập nhẹ nhàng (như yoga hoặc thái cực quyền) để kéo giãn, tăng cường cơ bắp và gân cốt.
8. Tổn thương khớp
Lạm dụng hoặc sử dụng sai khớp theo thời gian có thể dẫn đến:
- Viêm bao hoạt dịch: Các túi chứa chất lỏng đệm giữa xương và các bộ phận khác bị ảnh hưởng.
- Viêm gân: Ảnh hưởng đến các gân gắn cơ với xương.
Những tình trạng này rất dễ điều trị. Bạn có thể phục hồi hoàn toàn bằng cách cho khớp nghỉ ngơi và uống thuốc giảm đau không kê đơn. Bác sĩ có thể sẽ cung cấp cho bạn một thanh nẹp đeo hỗ trợ và yêu cầu bạn chườm đá, hoặc chỉ cho bạn một số bài tập phục hồi chức năng. Nếu vẫn không hiệu quả, bác sĩ sẽ tiêm một loại thuốc mạnh hơn thẳng vào bao hoạt dịch hoặc gân để giảm sưng và đau khớp.
Tóm lại, đau, cứng, khô khớp do rất nhiều nguyên nhân gây nên, để hạn chế tình trạng này ngoài việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp tập thể dục, thể thao người bệnh cũng nên thực hiện việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để qua đó nắm bắt rõ tình trạng sức khỏe nhằm có hướng can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com - webmd.com