Điều trị mất vững khớp vai bằng mổ nội soi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Mất vững khớp vai là bệnh lý chi trên khá phổ biến trong y học thể thao. Điều trị mất vững khớp vai bằng mổ nội soi là phương pháp điều trị ít xâm lấn, giúp cho người bệnh phục hồi nhanh và tính thẩm mỹ cao.

1. Mất vững khớp vai là gì?

  • Mất vững khớp vai là một bệnh lý tổn thương sụn viền và bao khớp,dây chằng gây tình trạng trật bán trật khớp vai, và hay tái phát lại nhiều lần. Thường gặp trong y học thể thao.
  • Mất vững khớp vai là sự trật quá mức của chỏm xương cánh tay so với ổ chảo xương vai, gây đau khi thực hiện các động tác chủ động của khớp vai.

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất vưng khớp vai

Chấn thương khớp vai do đá bóng
Chấn thương khớp vai do đá bónglà nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất vưng khớp vai

Mất vững khớp vai đa số xảy ra do một chấn thương mạnh khi chơi thể thao, tai nạn giao thông, hoặc chịu đựng những vi chấn thương lặp đi lặp lại vào khớp vai trong quá trình vận động sau một thời gian, gây ra tổn thương xương và phức hợp sụn viền - bao khớp.

Ngoài ra, mất vững khớp vai được chia làm hai loại theo nguyên nhân:

  • Do chấn thương: Thường là trật khớp vai đơn hướng, có tổn thương rõ ràng và cần phải được điều trị bằng phẫu thuật.
  • Không do chấn thương: Thường xảy ra ở nhiều hướng, bị cả hai vai và hầu hết đều đáp ứng với điều trị phục hồi chức năng. Cần khâu tăng cường bao khớp phía dưới và khâu đóng khoảng trống chóp xoay nếu được chỉ định phẫu thuật

3. Phẫu thuật mất vững khớp vai bằng mổ nội soi

Kíp bác sĩ Vinmec Central Park phẫu thuật thực hiện ca mổ nội soi về trong ngày
Phẫu thuật mất vững khớp vai bằng mổ nội soi

3.1 Chỉ định và chống chỉ định

Phẫu thuật mất vững khớp vai bằng phương pháp mổ nội soi được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Mất vững khớp vai ra phía trước do thương tổn sụn viền và bao khớp phía trước do chấn thương.
  • Mất vững khớp vai đa hướng do chấn thương.
  • Khuyết xương bờ trước dưới hoặc bờ trước sau phía dưới ổ chảo không lớn, nhỏ hơn 25% diện tích của toàn bộ ổ chảo được đánh giá trên phim chụp cắt lớp 64 dãy.
  • Người bệnh có nhu cầu vận động thể lực cao.

Chống chỉ định đối với những trường hợp như:

  • Khuyết xương lớn ở bờ trước phía dưới ổ chảo, có diện tích > diện tích ổ chảo và khuyết xương lớn ở chỏm xương cánh tay hay còn gọi là tổn thương Hill-Sachs.
  • Mất vững khớp vai do xuất hiện bất thường hình thái của xương bả vai.
  • Mất vững khớp vai ở bệnh nhân không có nhu cầu vận động thể lực cao, nhất là đối với những người lớn tuổi. Người bệnh đang có tình trạng nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân đang tiến triển.

3.2 Các bước tiến hành

Người thực hiện phẫu thuật nội soi là phẫu thuật viên chỉnh hình đã được đào tạo về phẫu thuật nội soi khớp vai.

Phương tiện, dụng cụ cần cho một cuộc phẫu thuật bao gồm: Bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi khớp vai cơ bản, hệ thống dàn nội soi khớp và những vật tư tiêu hao khác.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh cần được vệ sinh vùng cơ thể cần phẫu thuật. Chuẩn bị tư thế cho người bệnh khi phẫu thuật, có hai tư thế đó là:

  • Tư thế nửa ngồi hay còn gọi là beach chair: Đặt vai bên phẫu thuật ra mép bàn mổ, tay bệnh nhân để dọc thân mình. Gấp bàn mổ lại khoảng 45-60 độ sao cho bệnh nhân trong tư thế nửa nằm nửa ngồi. Phẫu thuật viên đứng cùng với bên vai phẫu thuật của người bệnh.
  • Tư thế nằm nghiêng: bệnh nhân được đặt với tư thế nằm nghiêng trên bàn mổ, vai cần phẫu thuật hơi ngả ra phía sau khoảng 30 độ. Hệ thống khung kéo sẽ kéo tay bên phẫu thuật ở tư thế khớp vai dạng khoảng 45 độ, đưa ra trước khoảng 15 độ. Phẫu thuật viên sẽ đứng phía sau lưng bệnh nhân.
Mất vững khớp vai ở người lớn tuổi
Chống chỉ định phẫu thuật bằng nội soi với tình trạng mất vững khớp vai ở người lớn tuổi

3.3 Thực hiện kỹ thuật

  • Đặt ngõ vào phía sau: Là ngõ vào chính có mục đích đưa camera vào để quan sát khớp vai. Xác định góc sau ngoài của mỏm cùng vai để xác định ngõ vào phía sau. Ngõ vào phía sau thường nằm ở phía dưới vị trí sau ngoài của mỏm cùng vai khoảng 1cm - 1,5cm, và vào trong 1cm. Rạch da bằng kích thước trocar dùng lưỡi dao số 11.
  • Đưa camera vào khớp vai qua ngõ sau vừa đặt để kiểm tra chắc chắn trocar đã được đưa vào bên trong ổ khớp trước khi bơm nước vào ổ khớp. Khi đã chắc chắn trocar vào ổ khớp, nối đường dây nước với trocar để bơm nước vào ổ khớp.
  • Quan sát toàn bộ bên trong khớp vai để kiểm tra các tổn thương nội khớp. Tổn thương điển hình trong bệnh lý mất vững khớp vai ra trước là bong sụn viền và bao khớp phía trước bờ bờ trước dưới của ổ chảo, thường từ vị trí 6 giờ đến vị trí 3 giờ.
  • Đặt ngõ vào phía trước: Ngõ vào phía trước chuẩn là ngõ vào để đưa dụng cụ vào can thiệp, điều trị bệnh lý trong khớp vai. Ngõ vào phía trước tiêu chuẩn được xác định bằng cách xác định vị trí của mỏm quạ.
  • Đặt ngõ vào phụ phía trước: giúp các thao tác khi khâu và buộc chỉ. Ngõ vào này có thể thay đổi khác nhau tùy thuộc và kinh nghiệm và thói quen của phẫu thuật viên.
  • Giải phóng bao khớp và chuẩn bị ổ chảo: Từ ngõ vào phụ phía trước và ngõ vào phía trước tiêu chuẩn, đưa dụng cụ vào giải phóng bao khớp phía trước của khớp vai, khoảng 1cm tính từ vị trí của bờ trước ổ chảo.
  • Làm mới thành xương bờ trước ổ chảo cho tới khi thấy chảy máu để tạo điều kiện liền xương- bao khớp phía trước.
  • Dùng dụng cụ gắp bao khớp phía trước ướm thử để chắc chắn rằng đã giải phóng bao khớp đủ rộng để có thể khâu được phức hợp sụn viền bao khớp phía trước vào bờ trước của ổ chảo.
  • Đặt neo khâu: số lượng cũng như vị trí các neo để khâu có thể thay đổi tùy vào độ rộng của tổn thương.
  • Đối với trường hợp mất vững khớp vai ra sau do chấn thương, tổn thương sụn viền thường ở vị trí từ 6-9 giờ. Ngõ vào phía trước tiêu chuẩn là ngõ đưa camera vào.
  • Đối với trường hợp mất vững khớp vai ra trước không do chấn thương, cần phẫu thuật nội soi khâu đóng khoảng trống chóp xoay lại mà không cần phải can thiệp bao khớp phía trước và sụn viền.
  • Đối với trường hợp mất vững khớp vai đa hướng, phẫu thuật làm ngắn bao khớp và khâu đính lại sụn viền, nhằm làm hẹp bao khớp đồng thời làm sâu thêm ổ chảo cánh tay.
  • Bơm rửa sạch ổ khớp, hút hết dịch trong khớp vai trước khi rút camera.
  • Khâu đóng lại các ngõ vào khớp vai.
  • Người bệnh sau mổ thường được bất động khớp vai với túi treo tay hoặc áo Desault trong khoảng 6 tuần và tập phục hồi chức năng theo từng giai đoạn.
túi treo tay
túi treo tay cho bệnh nhân sau phẫu thuật khớp vai

3.4 Theo dõi và xử trí tai biến

Sau khi phẫu thuật người bệnh cần được theo dõi dấu hiệu sinh tồn, tình trạng vết mổ và tình trạng chảy máu. Vì sau mổ người bệnh có thể xảy ra một số biến chứng như:

  • Nhiễm trùng sau mổ: Là biến chứng chung có thể gặp ở bất kỳ người bệnh sau phẫu thuật nào. Sưng nóng đỏ đau tại vết mổ hoặc vết mổ chảy dịch đục, dịch mủ. Có khi phải xử trí bằng nội soi để làm sạch lại ổ khớp đối với những trường hợp nhiễm trùng sau mổ.
  • Tổn thương thần kinh và mạch máu: Là một biến chứng hiếm gặp, thường gặp trong trường hợp đặt trocar sai vị trí hoặc đặt quá thô bạo gây nên tổn thương phần mềm nặng quanh khớp vai.

Tóm lại, mất vững khớp vai là một bệnh lý thường gặp trong y học thể thao, là tình trạng trật quá mức của chỏm xương cánh tay so với ổ chảo xương vai. Điều trị mất vững khớp vai bằng mổ nội soi mang lại nhiều hiệu quả cho người bệnh, giúp người bệnh mau lành vết thương và tính thẩm mỹ cao.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật có thể xảy ra một số biến chứng, vì vậy khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như chảy máu vết mổ, sưng nóng chỗ vết mổ,... cần thông báo ngay với bác sĩ để được can thiệp kịp thời.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan