Các dạng chấn thương đầu gối

Chấn thương đầu gối có thể xuất hiện ở nhiều dạng khác nhau. Tùy thuộc vào tình trạng mà mỗi người sẽ có mức độ tổn thương từ vừa phải đến nặng. Hầu hết những người bị chấn thương ở đầu gối sẽ phải cần đến sự can thiệp y tế để chữa khỏi hoàn toàn. Vậy các dạng chấn thương đó là gì và điều trị ra sao, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Những dạng chấn thương đầu gối thường gặp

1.1. Do gãy xương

Xương bánh chè nằm ở phía trước khớp gối, hoạt động như một lá chắn bảo vệ khớp gối khỏi chấn thương khi té ngã. Vì vậy, xương bánh chè có thể bị gãy khi va chạm mạnh hoặc chấn thương trong quá trình chơi thể thao.

Gãy xương bánh chè là một dạng chấn thương đầu gối thường gặp, có mức độ nghiêm trọng và thường cần phải bất động trong thời gian dài hoặc phẫu thuật để điều chỉnh trong một số trường hợp.

1.2. Do trật khớp

Trật khớp gối xảy ra khi xương đầu gối bị lệch do chấn thương, chẳng hạn như té ngã, va chạm xe hơi hoặc tai nạn xe ở tốc độ cao. Chấn thương này cũng có thể xảy ra khi đầu gối bị trẹo trong khi một bàn chân vẫn cố định trên mặt đất.

Đôi khi, xương bánh chè bị trật khớp có thể tự điều chỉnh và trở về vị trí bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp cần dùng thuốc an thần nhẹ để bác sĩ có thể di chuyển khớp gối mà không gây quá nhiều khó chịu hay đau đớn cho bệnh nhân. Dù ở trường hợp nào, người bệnh cũng thường mất khoảng sáu tuần để hồi phục hoàn toàn sau trật khớp gối.

1.3. Chấn thương dây chằng chéo trước

Dây chằng chéo trước (ACL) là đoạn mô nối xương đùi và xương chày, giúp duy trì sự ổn định của đầu gối.

Dây chằng chéo trước có thể bị rách khi cẳng chân duỗi ra phía trước quá mức hoặc khi chân bị trẹo. Đây là một trong những loại chấn thương đầu gối phổ biến nhất, chiếm khoảng 40% các ca chấn thương liên quan đến thể thao.

Chấn thương dây chằng chéo trước có thể bao gồm nhiều mức độ từ một vết rách nhỏ cho đến dây chằng bị rách hoàn toàn hoặc bị tách khỏi xương.

Việc điều trị chấn thương dây chằng chéo trước phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Không phải tất cả các chấn thương dây chằng này đều cần phẫu thuật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật là cần thiết. Tham gia các khóa phục hồi chức năng cũng thường được khuyến khích để nhanh chóng hồi phục chức năng sau chấn thương đầu gối. 

Chấn thương dây chằng chéo trước là loại chấn thương đầu gối thường gặp.
Chấn thương dây chằng chéo trước là loại chấn thương đầu gối thường gặp.

1.4. Tổn thương dây chằng chéo sau

Dây chằng chéo sau (PCL) kết nối xương đùi với xương cẳng chân, giúp ngăn cản xương cẳng chân di chuyển quá xa về phía sau. Đúng như tên gọi, dây chằng này nằm ở phía sau của đầu gối.

Chấn thương dây chằng chéo sau có thể xảy ra độc lập hoặc cùng với các chấn thương khác ở đầu gối. Một tình huống điển hình thường xảy ra trong thể thao là người chơi tiếp đất bằng đầu gối cong. Nếu chỉ tổn thương dây chằng chéo sau, quá trình điều trị thường không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, khi có sự kết hợp nhiều chấn thương như trật khớp gối và rách nhiều dây chằng, phẫu thuật có thể cần thiết.

1.5. Chấn thương dây chằng trong khớp gối

Dây chằng trong giúp liên kết xương đùi với xương ống chân ở mặt trong của đầu gối. Những tác động trực tiếp lên mặt ngoài khớp gối, khiến đầu gối bị xoay hoặc sụp vào trong, là nguyên nhân khiến dây chằng bị kéo căng hoặc rách.

1.6. Chấn thương dây chằng ngoài khớp gối

Dây chằng ngoài giúp ổn định mặt ngoài của đầu gối, nhưng có thể bị tổn thương khi mặt trong đầu gối chịu lực mạnh khiến đầu gối xoay ra ngoài hoặc thay đổi tư thế đột ngột khi hoạt động. Mặc dù chấn thương dây chằng ngoài ít xảy ra hơn so với các dây chằng khác, nhưng mức độ tổn thương thường rất nghiêm trọng.

1.7. Rách sụn chêm

Sụn chêm là phần sụn nằm giữa khớp gối, giúp hấp thụ chấn động khi chạy hoặc chơi thể thao. Những miếng sụn này tạo lớp đệm cho khớp và giữ cho khớp ổn định.

Tổn thương sụn chêm thường xảy ra trong các chấn thương ở đầu gối, đặc biệt là trong các môn thể thao yêu cầu nhảy như bóng chuyền và bóng rổ, cũng như các môn thể thao đối kháng như bóng đá. Khi thay đổi hướng đột ngột trong khi chạy, sụn chêm có thể bị rách do áp lực. Tùy vào mức độ tổn thương và nghiêm trọng của vết rách, người bệnh có thể cần phẫu thuật để khâu lại rách sụn chêm khớp gối

Một trong các loại chấn thương đầu gối thường gặp khác là rách sụn chêm
Một trong các loại chấn thương đầu gối thường gặp khác là rách sụn chêm

1.8. Rách gân gối

Các gân ở đầu gối kết hợp với cơ ở phía trước đùi để giúp duỗi thẳng chân. Mặc dù vết rách ở gân bánh chè thường gặp nhất ở người trung niên và những người chơi thể thao liên quan đến chạy hoặc nhảy nhưng bất kỳ ai tham gia hoạt động thể chất như đi bộ, chạy hoặc nhảy đều có thể bị rách gân.

Vết rách gân gối ban đầu có thể phát triển thành chấn thương phức tạp, gây tàn phế và đòi hỏi phẫu thuật để khôi phục hoàn toàn chức năng. Tuy nhiên, hầu hết các vết rách gân gối thường chỉ là một phần và có thể điều trị bằng cách nghỉ ngơi tuyệt đối và kết hợp vật lý trị liệu để giúp vết thương mau lành.

1.9. Bong gân

Bong gân đầu gối là một tình trạng thường xảy ra khi chơi thể thao, làm việc hoặc bị té ngã. Nguyên nhân là do lực tác động đột ngột khiến một hoặc nhiều dây chằng ở đầu gối bị kéo giãn hoặc rách, dẫn đến bong gân. Mỗi người sẽ có mức độ bong gân khác nhau từ nhẹ, vừa phải đến rất nghiêm trọng.

1.10. Hội chứng dải chậu chày

Dải chậu chày là mô liên kết kéo dài từ hông đến xương chày ở mặt ngoài đầu gối, đóng vai trò hỗ trợ chuyển động của khớp gối.

Việc lặp đi lặp lại động tác co duỗi đầu gối trong thời gian dài có thể gây chấn thương dải chậu chày, dẫn đến hội chứng dải chậu chày. Điều này gây đau ở vùng ngoài khớp gối và có thể lan lên đùi hoặc mông. Vận động viên điền kinh, đặc biệt là những người thường xuyên chạy cự ly dài, dễ mắc phải dạng chấn thương đầu gối này nhất.

1.11. Viêm bao hoạt dịch

Bao hoạt dịch giúp các cử động trơn tru và nuôi dưỡng sụn khớp. Tuy nhiên, áp lực và chấn thương có thể làm bao hoạt dịch bị viêm, dẫn đến đau nhức hoặc sưng viêm tại vùng khớp.

1.12. Viêm khớp

Viêm khớp gây sưng đau tại khớp và vùng xung quanh, khiến người bệnh không chỉ chịu đựng cơn đau mà còn gặp tình trạng cứng khớp, hạn chế chuyển động và có cảm giác lạo xạo trong khớp gối khi cử động. Ngoài yếu tố di truyền, chấn thương cũng có thể góp phần gây ra viêm xương khớp.

2. Phương pháp điều trị

2.1. Xử lý tại nhà

Nếu cơn đau đầu gối do chấn thương không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể giảm đau tại nhà bằng các phương pháp sau:

  • Hạn chế di chuyển, cử động mạnh hoặc tác động lên gối.
  • Chườm lạnh liên tục, khoảng 2 đến 3 ngày sau chấn thương.
  • Lúc nằm hoặc ngồi hãy kê gối dưới chân để giảm đau.
  • Mang nẹp để cố định vùng bị tổn thương và tránh tác động gây tổn thương thêm.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, tuy nhiên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
  • Bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế nếu cảm thấy đau nặng hơn và kéo dài hơn 1 tuần.

2.2. Phương pháp điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn được áp dụng cho các trường hợp bệnh nhân bị tổn thương dây chằng và sụn khớp không quá nặng. Bác sĩ sẽ cố định đầu gối bệnh nhân bằng nẹp hoặc bột trong 3 tuần đầu. Sau đó, bệnh nhân sẽ được tập luyện những bài tập nhẹ nhàng để phục hồi chức năng, lấy lại biên độ khớp và tránh bị teo cơ.

2.3. Phẫu thuật

Đối với một số trường hợp chấn thương đầu gối do dây chằng hoặc sụn chêm bị rách không thể tự phục hồi, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật. Thông thường sau khi vị trí bị tổn thương hết sưng và biên độ khớp phục hồi tương đối thì bệnh nhân sẽ thực hiện phẫu thuật nội soi.

3. Chăm sóc và phục hồi sau chấn thương đầu gối

Bệnh nhân và người thân có thể thực hiện những phương pháp sau để quá trình phục hồi sau khi bị chấn thương đầu gối diễn ra nhanh chóng:

  • Với các chấn thương nhẹ, người bệnh có thể cử động khớp tương đối trơn tru và tự đi lại được. Các triệu chứng sưng và đau có thể theo dõi tại nhà. Điều trị chấn thương phần mềm đầu gối tại nhà theo nguyên tắc RICE.
  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt là một trong những yếu tố quan trọng giúp chấn thương khớp gối phục hồi nhanh hơn. Vì thế bệnh nhân nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin C hoặc D như sữa, bơ, cam… giúp xương khỏe mạnh. Ngoài ra, bệnh nhân nên tăng cường omega-3, chondroitin, glucosamine từ cá hồi, tôm… để giảm viêm sưng, thông thời hạn chế chất kích thích và nghỉ ngơi hợp lý. 
Bổ sung canxi từ sữa để quá trình phục hồi chấn thương đầu gối nhanh chóng hơn.
Bổ sung canxi từ sữa để quá trình phục hồi chấn thương đầu gối nhanh chóng hơn.

Tóm lại, đầu gối là khớp lớn nhất, có cấu trúc phức tạp và dễ bị chấn thương, đặc biệt ở vận động viên. Các chấn thương đầu gối phổ biến bao gồm gãy xương, bong gân, rách dây chằng, trật khớp và các chấn thương khác. Những chấn thương này thường xảy ra do tập luyện không đúng kỹ thuật hoặc thiếu thiết bị bảo vệ phù hợp. Hiểu rõ về các chấn thương đầu gối thường gặp trong môn thể thao là yếu tố quan trọng để bảo vệ bản thân và đưa ra các lựa chọn điều trị kịp thời, giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe