Bạn biết gì về van dạ dày thực quản?

Vị trí

Dạ dày là phần phình to nhất của ống tiêu hóa, nằm ở vùng thượng vị và hạ sườn trái, ngay dưới vòm hoành trái. Dạ dày rỗng có hình chữ J với hai thành trước và sau hai bờ cong bé và lớn. Các phần của dạ dày kể từ trên xuống dưới là tâm vị, đáy vị, thân vị, hang vị và môn vị.Dung tích dạ dày ở trẻ sơ sinh khoảng 30ml, ở tuổi dậy thì khoảng 1000ml và khi trưởng thành là 1500ml.

Van dạ dày là van ngăn dạ dày với các bộ phận tiếp giáp trong hệ tiêu hóa. Dạ dày phần trên giáp với thực quản ở tâm vị, phần dưới giáp với tá tràng ở môn vị. Van dạ dày ngăn cách dạ dày với thực quản gọi là van dạ dày thực quản. Van dạ dày thực quản là van một chiều, có vị trí nằm sau sụn sườn 7 trái, trước đốt sống D10, lệch đường giữa khoảng 2,5cm. 

Cấu tạo

Van dạ dày thực quản thực chất là phần cơ thắt dưới của thực quản, có cấu tạo như cấu trúc chung của phần cơ ống tiêu hóa.

Phần cơ này gồm có hai lớp cơ trơn, là lớp cơ dọc và lớp cơ vòng:

  • Lớp cơ dọc gồm các sợi cơ xếp theo chiều dọc nằm ở lớp ngoài.

  • Lớp cơ vòng là các sợi lớp trong, xếp dạng vòng quanh. Lớp cơ vòng của phần cơ thắt dày hơn so với các vị trí khác của ống tiêu hóa.

Giữa hai lớp cơ có các mạch máu, mạch bạch huyết và một đám rối thần kinh tự chủ. Lớp niêm mạc lót trong bề mặt lớp cơ là các thượng mô lát tầng chứa các tuyến tiết niêm dịch, có chức năng bảo vệ, tiết dịch và hấp thu.

Chức năng

Van dạ dày thực quản là van một chiều, chỉ giãn mở ra khi nuốt, sau đó sẽ co thắt và đóng kín lại, nhằm ngăn không cho thức ăn, dịch acid dạ dày trào ngược lên thực quản. 

Vì một nguyên nhân nào đó mà van dạ dày thực quản bị hở, tùy theo mức độ hở van dạ dày sẽ có tình trạng trào ngược từng lúc hoặc thường xuyên dịch dạ dày lên thực quản. Dịch dạ dày trào lên sẽ làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm thực quản, người bệnh sẽ có các triệu chứng như khó nuốt, đau ngực, ợ nóng, ợ chua, buồn nôn, nôn, chán ăn, sút cân. Acid trào ngược kích thích các đầu mút thần kinh bề mặt thực quản gây cảm giác đau tức ngực, dễ bị nhầm với các bệnh tim mạch. Một lượng nhỏ acid trào ngược có thể gây các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phổi,...

Những điều cần lưu ý

Để hạn chế nguy cơ hở van dạ dày thực quản làm acid trào ngược gây nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe, nên thực hiện một số lưu ý sau đây:

  • Nên ăn các thực phẩm có tính kiềm từ tinh bột như bánh mì, bột yến mạch,... vì các thực phẩm này có khả năng trung hòa acid, giúp hạn chế sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của acid, qua đó giảm bớt các nhịp co thắt thực quản có acid trào ngược. Các loại đạm dễ tiêu như thịt lợn, thịt gia cầm, các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu hà lan,... chứa các acid amin cũng giúp trung hòa bớt acid dạ dày. Nên ăn nhiều trái cây, rau củ và hạn chế các sản phẩm từ sữa.

  • Không nên ăn quá no trong một bữa, mà nên chia nhỏ bữa ăn.Hạn chế sử dụng các thực phẩm có tính acid, kích thích dạ dày tăng tiết acid hoặc kích thích cơ dưới thực quản cơ thắt như: các hoa quả có hàm lượng acid cao (cam, chanh,...), đồ uống có ga, thức ăn cay nóng. Giảm sử sử dụng các thực phẩm giàu chất béo. 

  • Hạn chế rượu, bia, thuốc lá, tập thể dục, giữ cân nặng ở mức hợp lý, giảm cân nếu đang béo phì. 

  • Không nằm nghỉ ngay sau ăn, không mặc đồ bó sát, không cúi quá lâu, không uống quá nhiều nước sau khi ăn.

  • Nên kê gối cao khi ngủ, lý tưởng là nằm đầu cao khoảng 15cm so với chân.

 

Xem thêm: