Trong đơn thuốc điều trị các chứng đau do rối loạn chức năng đường tiêu hóa thường có sự xuất hiện của thuốc Vebutin. Vậy thuốc Vebutin là thuốc gì? Vebutin có tác dụng như thế nào lên đường tiêu hóa? Khi sử dụng thuốc có cần lưu ý gì không?
1. Thuốc Vebutin có tác dụng gì?
Thuốc Vebutin có hoạt chất chính là Trimebutin maleat (Trimebutin), thuộc nhóm thuốc chống co thắt, thường được dùng để điều trị hội chứng ruột kích thích và các rối loạn tiêu hóa khác.
Trimebutin đã được sử dụng rộng rãi từ cuối những năm 1960 để điều trị các rối loạn chức năng đường tiêu hóa, bao gồm cả hội chứng ruột kích thích (IBS). Trimebutin thuộc nhóm tác nhân chống co thắt, có hiệu quả giảm đau bụng đã được chứng minh trong các nghiên cứu lâm sàng khác nhau với các phác đồ điều trị khác nhau. Trimebutin có ái lực với các receptor opiate, kappa và delta ngoại vi, kết quả cuối cùng là đẩy nhanh quá trình làm rỗng dạ dày, khởi phát tiền pha 3 của phức hợp vận động di chuyển trong ruột non và điều chỉnh hoạt động co bóp của đại tràng.
Ngoài ra, Trimebutin cũng là một chất điều biến kênh đa ion trong ruột. Chức năng có nhiều cấp độ khác nhau, từ nhu động đến kiểm soát cơn đau, từ đó thuốc Vebutin có tác dụng điều trị cả rối loạn tăng trương lực và rối loạn vận động bao gồm hội chứng ruột kích thích hay các bệnh rối loạn chức năng đường tiêu hóa khác.
Thuốc Vebutin thường được chỉ định trong các trường hợp:
- Đau do rối loạn chức năng đường tiêu hóa như dạ dày, ruột non, ruột già và đường mật.
- Co thắt thực quản và trào ngược dạ dày - thực quản (ợ hơi, nôn, khó nuốt, nấc,...).
- Hội chứng ruột kích thích (IBS) và co thắt đại tràng (đau quặn bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc tiêu chảy xen kẽ táo bón).
2. Cách dùng thuốc Vebutin.
Thuốc Vebutin đường bào chế ở dạng viên nén, dùng theo đường uống.
Liều dùng có thể phụ thuộc vào thể trạng của từng người như tuổi, cân nặng hoặc các bệnh mắc kèm khác. Liều thông thường:
- Người lớn: 100 - 200 mg/lần x 2 - 3 lần/ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
- Trẻ em: 5 mg/kg/ngày chia làm 3 lần uống.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Vebutin.
3.1. Chống chỉ định.
Không dùng thuốc Vebutin cho các trường hợp sau:
- Người dị ứng hoặc mẫn cảm với thuốc hoặc bất cứ thành phần nào trong thuốc.
- Trường hợp phụ nữ đang mang thai: Không sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Các giai đoạn sau thì cần cân nhắc lợi ích - nguy cơ.
3.2. Tác dụng phụ.
Trong quá trình dùng thuốc Vebutin có thể gặp một số các tác dụng không mong muốn như sau:
- Buồn nôn, nôn.
- Khó tiêu, đau bụng
- Táo bón hoặc tiêu chảy.
- Đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ.
- Khô miệng, hôi miệng.
- Mệt mỏi.
- Cảm giác nóng hoặc lạnh.
- Phát ban.
3.3. Lưu ý khác.
- Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng khi dùng thuốc Vebutin cùng với tubocurarin (thuốc tác dụng trên hệ thần kinh thực vật), Trimebutin sẽ làm tăng thời gian tồn tại của tubocurarin, từ đó làm tăng sự hấp thu và tăng tác dụng phụ của tubocurarine lên cơ thể.
- Đối với các thuốc khác thì chưa thấy có xuất hiện tương tác thuốc được quan sát hoặc báo cáo trong các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên trước khi dùng thuốc Vebutin cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu đang điều trị song song các tình trạng bệnh khác.
- Khi quên liều, hãy sử dụng càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên nếu lúc đó đã gần thời điểm dùng liều kế tiếp thì nên bỏ qua liều đã quên và tiếp tục dùng theo lịch dùng thuốc. Không dùng gấp đôi liều thuốc Vebutin để bù vào liều đã quên.
- Đối với phụ nữ cho con bú: Hiện chưa có tài liệu chỉ ra rằng Trimebutin có đi được vào sữa mẹ hay không. Tuy nhiên trước khi dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu đang cho con bú.
- Thận trọng khi dùng trong trường hợp lái xe hoặc vận hành máy móc vì thuốc có thể gây buồn ngủ, ù tai,...
- Trong thời gian uống thuốc không nên sử dụng rượu bia, thuốc lá,... vì có thể ảnh hưởng tới tác dụng thuốc.
- Trong quá trình dùng thuốc có bất cứ vấn đề gì bất thường cũng cần liên hệ y tế khẩn cấp được được hỗ trợ kịp thời.
Vebutin là thuốc được sử dụng phổ biến đến điều trị các rối loạn chức năng đường tiêu hóa. Tuy nhiên bên cạnh việc dùng thuốc thì người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ sinh hoạt, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng hàng ngày để hệ tiêu hóa được khỏe mạnh hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.