Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là thuật ngữ chỉ tình trạng ruột thừa bị viêm nhiễm. Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, dài vài centimet, nằm ở phần bụng dưới bên phải, dính vào manh tràng là nơi tiếp nối giữa ruột non và ruột già.
Viêm ruột thừa là một trong những bệnh cảnh cấp cứu thường gặp với tỷ lệ 1:15 người bị viêm ruột thừa tính trong suốt cuộc đời mình. Viêm ruột thừa bị vỡ là một trong những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân bệnh viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa xảy ra khi ruột thừa bị tắc nghẽn, thường do phân, dị vật hoặc ung thư. Sự tắc nghẽn cũng có thể là hậu quả của việc viêm nhiễm vì ruột thừa thường phù nề và tăng tiết dịch để đáp ứng với bất kỳ tình trạng viêm nhiễm nào trong cơ thể. Khi tắc nghẽn, vi khuẩn thường nhân lên nhanh chóng, làm ruột thừa bị viêm, phù nề và ứ dịch, tạo thành vòng xoắn bệnh lý.
Triệu chứng bệnh viêm ruột thừa
Triệu chứng viêm ruột thừa như thế nào? Dưới đây là các triệu chứng kinh điển khi bị viêm ruột thừa:
-
Đau bụng xuất phát ở quanh rốn hoặc phía trên rốn, chủ yếu là cảm giác nặng bụng khó chịu hoặc đau nhẹ. Sau đó, cơn đau di chuyển đến góc dưới bụng bên phải và khu trú ở đó. Lúc này đau bụng rõ ràng hơn, đau tăng lên khi bệnh nhân cử động, ho, và khi thăm khám. Sờ bụng bệnh nhân có thể có cảm giác cứng.
-
Chán ăn, giảm ngon miệng.
-
Buồn nôn và nôn ngay sau khi đau bụng.
-
Không sốt hoặc sốt nhẹ. Sốt cao là biểu hiện của tình trạng nặng khi viêm ruột thừa đến muộn hay viêm ruột thừa bị vỡ.
-
Rối loạn tiêu hóa với biểu hiện táo bón, tiêu chảy hoặc không trung tiện được cũng có thể gặp.
Các triệu chứng trên thường chỉ xuất hiện trong khoảng 50% trường hợp, số còn lại thường không có triệu chứng điển hình, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân bao gồm trẻ em, phụ nữ mang thai và người già.
-
Trẻ em bị viêm ruột thừa có tiêu chảy, nôn mửa, chán ăn, đau bụng dễ gây chẩn đoán nhầm và bỏ sót viêm ruột thừa. Vì vậy trẻ em có biểu hiện của rối loạn tiêu hóa cần được đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám, loại trừ các bệnh cảnh cấp cứu ngoại khoa, bao gồm viêm ruột thừa.
-
Ở phụ nữ mang thai, các triệu chứng đau bụng và buồn nôn thường được nghĩ tới các bệnh cảnh khác và viêm ruột thừa dễ bị lãng quên.
-
Người cao tuổi bị viêm ruột thừa thường biểu hiện các triệu chứng kín đáo, không đặc trưng nên việc chẩn đoán và điều trị bị trì hoãn. Vì thế biến chứng ruột thừa viêm bị vỡ có thể với tỷ lệ khá cao, khoảng 30% các trường hợp.
Phòng ngừa bệnh viêm ruột thừa
Không có cách nào để phòng ngừa viêm ruột thừa. Tuy nhiên, người ta nhận ra rằng viêm ruột thừa thường ít gặp ở những người có chế độ ăn giàu chất xơ như rau củ và trái cây.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa
Nhiều bệnh nhân thắc mắc bệnh viêm ruột thừa được chẩn đoán như thế nào.
Việc chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa thường được xem là không dễ dàng. Các triệu chứng của viêm ruột thừa thường mơ hồ, và tương tự với nhiều bệnh lý khác như viêm dạ dày, bệnh lý đường tiết niệu, bệnh đường mật hoặc bệnh lý buồng trứng ở nữ giới.
Bác sĩ cần thăm khám lâm sàng bằng các thủ thuật sau:
-
Thăm khám bụng: ở bệnh nhân bị viêm ruột thừa, ấn nhẹ vào vùng bụng bị đau và thả tay đột ngột sẽ làm cơn đau trở nên nặng hơn, gợi ý tình trạng viêm nhiễm vùng phúc mạc lân cận. Ở những bệnh nhân đến muộn có thể thấy tình trạng gồng cứng bụng hoặc co cơ bụng khi khám ở vùng bị viêm.
-
Thăm khám trực tràng: có thể thực hiện khi cần thiết. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể được chỉ định thăm trực tràng đề loại trừ các bệnh phụ khoa.
Các xét nghiệm cận lâm sàng là cần thiết để xác định chẩn đoán, bao gồm:
-
Xét nghiệm máu: phát hiện tình trạng viêm khi số lượng bạch cầu tăng cao trong nghiệm công thức máu, CRP máu tăng là dấu hiệu của nhiễm trùng.
-
Xét nghiệm phân tích nước tiểu: loại trừ bệnh lý nhiễm trùng đường tiểu, cũng là nguyên nhân gây đau bụng kèm sốt.
-
Chẩn đoán hình ảnh: X.quang bụng, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính vùng bụng là các phương tiện chẩn đoán hình ảnh được dùng để chẩn đoán xác định bệnh viêm ruột thừa và loại trừ các bệnh cảnh tương tự khác.
Các biện pháp điều trị bệnh viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là một tình trạng cấp cứu cần được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột thừa bị viêm. Kháng sinh thường được chỉ định trước phẫu thuật để ngăn ngừa tình trạng viêm phúc mạc ổ bụng. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa có thể là phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở với đường rạch da bụng dài từ 5 đến 10 centimet. Phẫu thuật nội soi đang chiếm xu thế trong điều trị viêm ruột thừa vì các ưu điểm vượt trội của nó:
- Ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật ngắn hơn.
- Vết thương nhỏ nên ít đau hơn và mang lại thẩm mỹ hơn.
- Thời gian nằm viện ngắn, khoảng 1 đến 3 ngày.
- Bệnh nhân phục hồi và quay lại cuộc sống hằng ngày nhanh hơn.
Tuy nhiên không phải vì thế mà phẫu thuật nội soi có thể áp dụng cho tất cả các bệnh nhân bị viêm ruột thừa. Các trường hợp đến muộn, khi viêm ruột thừa bị vỡ, nhiễm trùng lan tràn ra ổ bụng bệnh nhân cần được mổ mở để lấy bỏ ruột thừa viêm và làm sạch khoang bụng. Dẫn lưu mủ ra ngoài qua thành bụng cần được thực hiện ở những bệnh nhân có áp xe ruột thừa.
Sau phẫu thuật bệnh nhân được điều trị hỗ trợ với thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh nếu cần
Số ít các trường hợp viêm ruột thừa không có biến chứng, và chỉ có một vài triệu chứng, bác sĩ ngoại khoa nhận thấy bệnh nhân chưa cần phẫu thuật ngay lập tức có thể chỉ định kháng sinh và theo dõi lâm sàng. Phương pháp điều trị không phẫu thuật tuy có thể tránh được những tai biến của phẫu thuật như nhiễm trùng vết mổ, áp xe hình thành trong ổ bụng, biến chứng tim mạch nhưng thường có tỷ lệ tái phát cao.
Xem thêm:
- Trẻ bị sốt, đau bụng kèm nôn ói là bị làm sao?
- Trẻ 4 tuổi bị đau bụng kèm táo bón phải làm gì?
- Trẻ đau bụng sau khi uống kháng sinh có sao không?
- Trẻ 6 tuổi đau bụng quanh rốn kéo dài là dấu hiệu bệnh gì?
- Trẻ bị trớ, đau bụng, sốt nguyên nhân là gì?
- Sinh mổ được hơn 2 tháng, thỉnh thoảng có cảm giác đau bụng dưới bên phải có làm sao không?
- Đau hông phải sau khi ngủ dậy là dấu hiệu bệnh gì?
- Điều trị giun kim khi đang cho con bú như thế nào?
- Thuốc Bisacodyl: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Gastropulgite là thuốc gì? Công dụng và liều dùng thuốc Gastropulgite