Thuốc Bisacodyl thường được sử dụng để làm thuốc điều trị táo bón hoặc làm sạch ruột. Thuốc thường được chỉ định cho những người bị táo bón kéo dài, bệnh nhân chuẩn bị khám hoặc thực hiện phẫu thuật ruột.
1. Bisacodyl là thuốc gì?
Bisacodyl được biết đến như một loại thuốc điều trị táo bón, nhuận tràng kích thích hoặc trong một số trường hợp, làm sạch ruột trước khi khám, phẫu thuật ruột. Thuốc hoạt động bằng cách tăng chuyển động của nhu mô ruột, giúp phân dễ dàng ra ngoài.
XEM THÊM: Táo bón kéo dài và các biện pháp hỗ trợ điều trị | Vinmec
2. Cách sử dụng thuốc Bisacodyl
Thuốc Bisacodyl được dùng qua đường uống theo chỉ dẫn của nhà sản xuất hoặc chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn đang tự điều trị tại nhà, hãy làm theo tất cả các hướng dẫn trong bao bì thuốc.
Lưu ý khi dùng thuốc:
- Nuốt toàn bộ thuốc mà không nghiền nát, nhai, hoặc bẻ viên thuốc. Sau 1 giờ kể từ khi uống thuốc, không uống thêm các thuốc kháng axit, sữa hoặc các chế phẩm từ sữa để tránh làm mất lớp màng bọc thuốc Bisacodyl và tăng nguy cơ đau bụng, buồn nôn.
- Liều dùng dựa trên tuổi tác, tình trạng bệnh và phản ứng đối với điều trị. Không tăng liều hoặc dùng thuốc quá thường xuyên so với hướng dẫn sử dụng. Để tránh tác dụng phụ, không dùng thuốc Bisacodyl trong hơn 7 ngày trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Có thể mất 6 đến 12 giờ trước khi thuốc Bisacodyl có hiệu quả. Hãy báo cho bác sĩ nếu tình trạng sức khỏe không đỡ hoặc tiếp tục xấu đi sau khi dùng thuốc.
3. Tác dụng phụ của thuốc Bisacodyl
Một số tác dụng phụ của thuốc Bisacodyl có thể gặp là:
- Đau dạ dày, đau bụng
- Chuột rút
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Suy nhược
Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu thấy có những phản ứng phụ nghiêm trọng như:
- Buồn nôn và nôn
- Tiêu chảy dai dẳng
- Chuột rút và yếu cơ
- Nhịp tim không đều
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Giảm đi tiểu
- Thay đổi tâm trạng (lú lẫn)
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng: Phát ban, ngứa, sưng (đặc biệt ở mặt, lưỡi, cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở,... Đây là những tác dụng phụ rất hiếm khi gặp.
Các tác dụng phụ trên đây có thể chưa đầy đủ. Nếu gặp các dấu hiệu bất thường trên hoặc các tác dụng phụ khác, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp xử trí thích hợp.
4. Biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc Bisacodyl
Trước khi dùng thuốc Bisacodyl, người bệnh hãy báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với thuốc hoặc có bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác. Trước khi sử dụng thuốc, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bị viêm ruột thừa hoặc có các dấu hiệu của viêm ruột thừa (như nôn mửa, buồn nôn, đau bụng đột ngột hoặc không rõ nguyên nhân), thói quen đi ngoài thay đổi đột ngột và kéo dài hơn 2 tuần, chảy máu trực tràng, tắc ruột.
Trước khi dùng thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc mình đang sử dụng. Thuốc Bisacodyl không được khuyến khích dùng trong trong thời gian mang thai. Tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm chi tiết. Hiện vẫn chưa rõ thuốc Bisacodyl có đi vào sữa mẹ hay không. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc nếu bạn đang cho con bú.
5. Tương tác thuốc Bisacodyl
Thuốc Bisacodyl có thể phản ứng với các loại thuốc khác như: Thuốc kháng acid dịch vị, dạ dày (ví dụ: thuốc chẹn H2 như Ranitidine, thuốc ức chế bơm Proton như Omeprazole). Do vậy, trước khi dùng thuốc Bisacodyl, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về tất cả các loại thuốc mình đang sử dụng.
Trong trường hợp khi dùng thuốc quá liều và có các triệu chứng nghiêm trọng như ngất, khó thở, đau bụng dữ dội, chuột rút, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy dai dẳng... người nhà cần gọi cấp cứu ngay. Nếu quên 1 liều, bạn hãy dùng ngay khi vừa nhớ ra. Nếu gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo, người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo đúng thời điểm. Đừng dùng gấp đôi liều thuốc.
Mỗi nhãn hiệu khác nhau của các thuốc này có nhu cầu lưu trữ khác nhau. Hãy kiểm tra gói sản phẩm để biết hướng dẫn về cách bảo quản thuốc. Để tất cả các loại thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi. Vứt bỏ sản phẩm đúng cách khi hết hạn hoặc khi không cần dùng đến.
Người bệnh cần dùng thuốc Bisacodyl đúng theo chỉ định của bác sĩ để điều trị chứng táo bón hiệu quả...Đồng thời, khi có các biểu hiện bất thường nghi là tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời. Ngoài ra việc thay đổi lối sống có thể ngăn ngừa hoặc giảm tình trạng táo bón như: tập thể dục, uống đủ nước và bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ quả tươi.
Trong trường hợp đã uống thuốc nhưng tình trạng táo bón không mấy cải thiện, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được kiểm tra về việc dùng thuốc và cần thiết bác sĩ có thể chỉ định những biện pháp khác nhằm cải thiện tình trạng bệnh được tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com