Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng thức ăn từ dạ dày trào trở lại lên thực quản. Đây là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ em và cả người lớn. Trào ngược thực quản dạ dày ở trẻ em có thể là sinh lý khi không ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của trẻ hoặc là bệnh lý khi gây ra các biến chứng như suy dinh dưỡng, viêm thực quản và biến chứng lên đường hô hấp.
Nguyên nhân bệnh Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em có nhiều nguyên nhân gây ra:
- Dạ dày của trẻ, đặc biệt là lứa tuổi sơ sinh, phát triển chưa hoàn chỉnh với các đặc điểm: dạ dày nhỏ, nằm ngang ở vị trí cao hơn so với người lớn nên sữa và thức ăn dễ bị trào ngược.
- Cơ thắt thực quản dưới bình thường sẽ đóng lại khi dạ dày co bóp nhưng ở trẻ hoạt động này chưa được hiệu quả nên thức ăn dễ trào ngược lên khi dạ dày co bóp.
- Trẻ nằm nhiều nên thức ăn ứ lại dạ dày khá lâu cũng dễ bị trào ngược lên thực quản.
- Thức ăn của trẻ chủ yếu là các loại thức ăn lỏng, mềm nên dễ đi qua các khe hở.
Triệu chứng bệnh Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em thường xuất hiện với các triệu chứng sau:
- Trẻ ói hoặc ọc sữa ra nhiều, qua đường miệng hoặc cả mũi.
- Trẻ thường xuyên quấy khóc, biếng ăn, đêm ngủ không tròn giấc.
- Chậm tăng cân, nặng hơn là suy dinh dưỡng, thiếu máu kéo dài
- Với những trẻ lớn hơn, có thể đau phía sau xương ức, kèm ợ nóng khó chịu.
- Khi có biến chứng ở đường hô hấp sẽ có các biểu hiện như ho, khò khè, có khi thở tím tái. Trẻ có thể phải nhập viện vì viêm phổi hay các cơn ngừng thở, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của trẻ nếu không phát hiện kịp thời.
Một số dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ là bệnh lý:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: bỏ bú, quấy khóc nhiều, nôn mạnh thành vòi, ho, khò khè thường xuyên, không tăng cân.
- Trẻ lớn: buồn nôn, nôn, ợ nóng, cảm nhận được vị chua ở cổ họng, nóng rát phía sau xương ức, đôi khi đau bụng hoặc đau khi nuốt. Trẻ có thể gặp triệu chứng đau bụng vào ban đêm, làm trẻ thức giấc, đau kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản thường được thực hiện dựa trên các biểu hiện lâm sàng như ói hay ọc sữa sau ăn, thường xuyên quấy khóc, bỏ bú, chán ăn ... và thăm khám lâm sàng của bác sĩ. Nếu trẻ vẫn phát triển thể chất bình thường thì không cần chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng.
Trong trường hợp trẻ không tăng cân, suy dinh dưỡng, thiếu máu hay có các biểu hiện lên đường hô hấp, bác sĩ sẽ chỉ định một số các xét nghiệm cần thiết như:
- Siêu âm: để phát hiện các bệnh lý gây trào ngược dạ dày thực quản như hẹp môn vị.
- Xét nghiệm máu và phân tích nước tiểu: loại trừ hoặc xác định các nguyên nhân khác gây ra tình trạng ói và chậm tăng cân của trẻ.
- Đo pH thực quản: xác định nồng độ axit trong thực quản của trẻ.
- Chụp phim X.Quang để phát hiện các dị tật bẩm sinh của đường tiêu hóa nếu có, như tắc nghẽn.
- Nội soi dạ dày thực quản: có thể lấy các mẫu mô để phân tích. Nội soi dạ dày thực quản thực hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được thực hiện dưới gây mê.
Các biện pháp điều trị bệnh Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em không có biến chứng thường sẽ tự khỏi khi thay đổi lối sống mà không cần điều trị.
Các điểm cần lưu ý khi chăm sóc trẻ:
- Chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa ăn ít và cho ăn thường xuyên hơn.
- Giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng trong vòng 20 đến 30 phút sau bú và tránh nằm xuống hoặc tập thể dục ngay sau khi ăn với trẻ lớn. Nên ăn trước khi đi ngủ khoảng 3 giờ.
- Đặt trẻ ở tư thế đầu cao 30 độ so với mặt phẳng ngang khi cho bú. Ở tư thế này dạ dày trẻ ở vị trí cao hơn nên sữa ít bị trào ngược. Nên duy trì tư thế nằm đầu cao ngay cả khi trẻ ngủ bằng cách nâng đầu giường hoặc kê cao đầu khi ngủ. Lưu ý không gập cổ trẻ. Có thể nằm nghiêng trái khi ngủ giúp làm rỗng dạ dày nhanh hơn và giảm ợ hơi, ợ nóng.
- Phòng tránh tất cả những yếu tố làm tăng áp lực trong khoang bụng như mặc quần áo chật, táo bón, ho, …
- Nếu nghi ngờ trẻ có dị ứng đạm sữa bò, mẹ nên giảm các thực phẩm có nguồn gốc từ sữa, thịt bò và trứng nếu đang cho con bú, hoặc đổi sang loại sữa khác nếu đang nuôi con bằng sữa công thức.
- Sử dụng núm vú giả với kích thước phù hợp. Núm vú quá to hoặc quá nhỏ có thể làm trẻ nuốt nhiều khí vào dạ dày khi bú. (1)
- Làm đặc sữa hoặc vắt sữa mẹ với lượng ít, có thể pha thêm với ngũ cốc.
- Hạn chế các thực phẩm có tính axit như nước ngọt có gas, thực phẩm cay và cafein, sô cô la, bạc hà, thực phẩm có nhiều chất béo như gà rán, khoai tây chiên, pizza…. Những thực phẩm này chậm làm rỗng dạ dày, tăng nguy cơ axit trào ngược lên thực quản.
Nếu các triệu chứng của trẻ không cải thiện khi thay đổi lối sống và cách chăm sóc, trẻ có thể được chỉ định điều trị với một số loại thuốc. Những loại thuốc này có các tác dụng phụ như giảm hấp thu sắt và canxi, tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp và tiêu hóa nên cần được chỉ định bởi bác sĩ. (1)
Thuốc thường được dùng là nhóm thuốc giảm tiết axit dạ dày như ranitidine dùng cho trẻ từ 1 tháng tuổi đến 1 tuổi và omeprazole cho trẻ trên 1 tuổi. (1) Thuốc được sử dụng kết hợp với việc thay đổi lối sống trong vòng 2 đến 4 tuần.
Ở những trẻ mắc trào ngược dạ dày thực quản có biến chứng như viêm loét thực quản, viêm phổi không kiểm soát được bằng việc sử dụng thuốc phối hợp với thay đổi lối sống có thể phải cần đến phẫu thuật.
Xem thêm:
- Trào ngược dạ dày thực quản: Biến chứng và cách phòng bệnh
- Trẻ bị trớ có phải bị trào ngược dạ dày?
- Cách xử lý khi trẻ bị nôn
- Trẻ 6 tuổi ăn vào là nôn có phải bị bệnh gì không?
- Trẻ nặng 4kg mỗi lần bú 60ml có bình thường không?
- Trẻ sơ sinh hay sặc sữa là triệu chứng của bệnh gì?
- Trẻ sơ sinh sặc sữa lên mũi, họng có đờm là bệnh gì?
- Nên làm gì khi trẻ 1 tuổi liên tục khóc, ngủ vặn mình?
- Trẻ 2 tháng nôn trớ sau bú mẹ có phải bị trào ngược dạ dày?
- Tức ngực trái có phải hiện tượng trào ngược dạ dày?