Trang chủ Bệnh Thiếu máu do thiếu sắt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Thiếu máu do thiếu sắt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu máu do thiếu sắt hay còn gọi là thiếu máu thiếu sắt, là tình trạng xảy ra khi hồng cầu bị giảm cả về số lượng và chất lượng do thiếu sắt hay nói cách khác là cơ thể bị thiếu máu vì không tổng hợp đủ hemoglobin do thiếu sắt.

Thiếu máu thiếu sắt là một bệnh rất phổ biến tác động đến hàng tỷ người trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Ngày càng có nhiều người bị ảnh hưởng bởi bệnh thiếu máu do thiếu sắt hơn so với bất kỳ sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng nào. Trước khi tình trạng thiếu máu xảy ra, thiếu sắt đã làm ảnh hưởng đến các chức năng khác, như hệ thống miễn dịch, hệ thống thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch, giảm hoạt động thể chất và suy giảm nhận thức.

Thiếu sắt đã góp phần gây ra hơn 20000 ca tử vong mỗi năm ở trẻ em dưới 5 tuổi và khoảng một phần năm gánh nặng tử vong của người mẹ.

Vai trò của Sắt trong cơ thể

  • Sắt là một nguyên tố vi lượng rất ít trong cơ thể, chiếm khoảng 0,004% và được phân bố ở nhiều loại tế bào của cơ thể.

  • Sắt tham gia vào cấu tạo thành phần Hemoglobin của hồng cầu, myoglobin của cơ vân và các sắc tố hô hấp ở mô bào và trong các men.

  • Sắt còn là thành phần quan trọng của nhân tế bào, giúp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tiêu diệt vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể; giúp trẻ tăng trưởng và phát triển bình thường, sản xuất và giải phóng năng lượng trong cơ thể, giảm đau bụng kinh và tăng khả năng tập trung.

  • Cuối cùng là sắt giúp tăng cường sinh lực, giảm mệt mỏi, là thành phần quan trọng của máu, giúp giữ và vận chuyển Oxy đến tế bào và lấy đi CO2.

Nguyên nhân bệnh Thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu máu thiếu sắt xảy ra do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên được phân loại theo 3 nhóm chính:

Không cung cấp đủ nhu cầu về sắt:

  • Nhu cầu về sắt tăng lên đối với trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai, cho con bú…

  • Chế độ ăn thiếu sắt: Chế độ ăn uống không cân đối, ăn kiêng, người nghiện rượu, người già,...

  • Sử dụng một số thực phẩm làm giảm hấp thu sắt như tanin, cà phê, nước uống có ga,...

  • Cơ thể bị giảm hấp thu sắt do mắc một số bệnh lý như Viêm dạ dày, viêm ruột; cắt đoạn dạ dày, ruột,...

Mất máu do thiếu máu mạn

  • Mất máu trong các trường hợp cơ thể bị loét dạ dày, túi thừa meckel, polyp, u mạch máu, bệnh lý viêm đường ruột, viêm chảy máu đường tiết niệu; mất máu nhiều qua kinh nguyệt;  sau phẫu thuật, sau chấn thương, U xơ tử cung,...

Rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh hay cách gọi khác là Hypotransferrinemia

  • Xảy ra khi cơ thể không tổng hợp được transferrin vận chuyển sắt. Bệnh này rất nguy hiểm, nó dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho gan, tim, xương khớp như suy tim, đau xương khớp, tiểu đường,...

Triệu chứng bệnh Thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính, tuy nhiên nó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe cũng như năng suất lao động của người bệnh, về lâu dài có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đặc biệt là phụ nữ có thai. Do đó biết những dấu hiệu để phát hiện  và điều trị kịp thời trước khi xảy ra hậu quả khó lường.

Các triệu chứng xảy ra khi bị thiếu máu do thiếu sắt:

  • Mệt mỏi bất thường: mệt mỏi được coi là biểu hiện bình thường trong cuộc sống hiện nay, tuy nhiên khi bị thiếu máu do thiếu sắt ngoài tình trạng mệt mỏi cơ thể còn có các dấu hiệu như yếu ớt, mức năng lượng thấp, khó tập trung hay giảm năng suất làm việc.

  • Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt: khi thiếu sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ hemoglobin cho các tế bào máu đỏ, kết quả làm làn da sẽ bị nhợt nhạt hơn.

  • Đau ngực, khó thở: triệu chứng này trở nên nặng hơn khi gắng sức, hoạt động thể lực. Triệu chứng này có thể vì hàm lượng hemoglobin trong cơ thể ít hơn bình thường dẫn đến oxy vận chuyển đến các tế bào bị hạn chế.

  • Chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu: Nó bắt nguồn từ việc oxy lên não không đủ làm các mạch máu sưng lên, gây áp lực dẫn đến đau đầu hoặc đau nửa đầu.

  • Tim đập nhanh: đây cũng là một triệu chứng do thiếu sắt gây ra, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim.

Ngoài các triệu chứng thường gặp trên còn có các triệu chứng: sưng đau lưỡi và miệng; móng tay và chân dễ gãy, da tóc hư tổn, hội chứng chân bồn chồn,...

Đối tượng nguy cơ bệnh Thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu máu thiếu sắt có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, ở cả nam và nữ, cả già lẫn trẻ, tuy nhiên các đối tượng thường hay gặp nhất là:

  • Phụ nữ tuổi sinh đẻ: Bệnh thiếu máu thiếu sắt ở bà bầu hay xảy ra do nhu cầu sắt tăng cao nhưng không đáp ứng đủ.  Phụ nữ tuổi sinh đẻ bắt đầu từ khi có kinh nguyệt, nhu cầu sắt trung bình xấp xỉ 1,4 mg/ngày. Tuy nhiên, lượng sắt này khó có thể đáp ứng đủ nếu chỉ dựa vào khẩu phần ăn.

  • Phụ nữ có thai: Khi mang thai, nhu cầu sắt tăng cao để phát triển bào thai, nhau thai và cho người mẹ. Tổng số lượng sắt cần thiết đối với phụ nữ có thai là khoảng 1000mg, vì vậy trong suốt quá trình mang thai nếu không được cung cấp đủ sắt thì tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở bà bầu rất dễ xảy ra.

  • Phụ nữ cho con bú: Sắt được tiết theo sữa để nuôi con.

  • Trẻ em, thường là trẻ em từ 6-24 tháng tuổi và đặc biệt là trẻ em sinh thiếu tháng: ở lứa tuổi này, nhu cầu sắt rất cao. Trẻ sinh đủ tháng có dự trữ sắt tốt, nhu cầu sắt sẽ được đáp ứng cho tới 6 tháng tuổi, từ 6 tháng đầu trở đi trẻ bắt đầu có sự thiếu hụt sắt, cần được bù đắp từ các thức ăn bổ sung, nếu không được bổ sung đủ thiếu máu thiếu sắt sẽ xảy ra.

Phòng ngừa bệnh Thiếu máu do thiếu sắt

Đa dạng hóa bữa ăn, tăng cường vi chất vào thực phẩm, bổ sung viên sắt và phòng chống bệnh các bệnh nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng là các giải pháp được đề xuất để phòng chống thiếu máu và thiếu sắt.

Đa dạng hóa bữa ăn, tăng cường giáo dục truyền thông

  • Đa dạng hóa bữa ăn là phương pháp tốt nhất để cải thiện các nguyên tố vi lượng của cơ thể trong đó có sắt. Để đa dạng hóa bữa ăn cần phải kết hợp các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng hấp thu các chất dinh dưỡng.

  • Đa dạng hóa bữa ăn là lựa chọn tối ưu nhưng lại mất nhiều thời gian thực hiện nhất.  Chính vì thế công tác giáo dục truyền thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tuyên truyền cho người dân biết cách chọn thực phẩm giàu sắt, hạn chế sử dụng thực phẩm gây ức chế hấp thu sắt và hướng dẫn sử dụng vitamin C để làm tăng khả năng hấp thu sắt trong khẩu phần.

  • Ví dụ: Hướng dẫn chế độ ăn hợp lý, khuyến khích cách chế biến hạt nảy mầm, lên men như làm giá đỗ, dưa chua để tăng lượng vitamin C và giảm acid phytic trong thực phẩm.Các loại đồ uống như chè, cà phê nên uống cách xa bữa ăn.

Tăng cường sắt vào thực phẩm

  • Hơn 20 quốc gia ở Châu Mỹ La tinh đã triển khai chương trình tăng cường sắt vào thực phẩm trên quy mô lớn, hầu hết liên quan đến các loại thực phẩm như lúa mì và bột ngô.

  • Hiện nay, sắt được tăng cường vào nước mắm, bánh bích quy, bánh dinh dưỡng Mumsure cho phụ nữ trước khi có thai, phụ nữ có thai và cho con bú, …Điều này giúp cải thiện rất lớn tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ có thai và cho con bú.

Phòng chống nhiễm khuẩn

  • Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt trong đó có nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây tác hại lớn nhất cho cơ thể. Do đó việc phòng các bệnh trên là rất cần thiết.

  • Tẩy giun định kỳ hàng năm bằng Mebendazol và Albendazol, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi.

  • Thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh,...

Bổ sung viên sắt cho các đối tượng nguy cơ thiếu máu cao

Đây là biện pháp giúp cải thiện nhanh tình trạng thiếu sắt và đặc biệt có giá trị trong những trường hợp tăng nhu cầu trong một giai đoạn ngắn và biết trước (như bổ sung trong giai đoạn có thai, phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ).

Theo khuyến cáo WHO năm 2011 ta có:

  • Đối với phụ nữ có thai, liều bổ sung là 60mg sắt/ngày và 400 µg folic acid trong suốt thời gian có thai.

  • Sau khi sinh bổ sung tiếp 3 tháng với liều tương tự như khi có thai đối với phụ nữ cho con bú, ở khu vực thiếu máu nặng >40%.

  • Bổ sung sắt định kỳ cho phụ nữ không mang thai: bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên trong 3 tháng, 3 tháng nghỉ, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng. Nếu khả thi, lặp lại chu kỳ này trong năm. Áp dụng cho những vùng có tỷ lệ thiếu máu ≥20%.

  • Đối với phụ nữ có thai thiếu máu: bổ sung sắt/acid folic mỗi ngày một viên trong suốt thời gian mang thai.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Thiếu máu do thiếu sắt

Chẩn đoán dựa vào các biểu hiện lâm sàng

  • Xuất hiện từ từ và phụ thuộc vào mức độ thiếu sắt

  • Dấu hiệu thiếu máu: Xanh xao, da niêm nhợt, tim đập nhanh, tiếng thổi cơ năng của thiếu máu.

  • Dấu hiệu thiếu oxy não: Lừ đừ, kém hoạt động, mệt mỏi, trẻ em thì có biểu hiện quấy khóc, biếng ăn.

  • Dấu hiệu thiếu dinh dưỡng: đứng cân hay sụt cân, lưỡi láng, môi khô, móng biến dạng.

  • Dấu hiệu bệnh nền gây thiếu máu: đau bụng, xem tính chất phân.

Chẩn đoán dựa vào kết quả Cận lâm sàng

  • Huyết đồ: giảm MCV, Giảm MCH, tăng RDW theo tuổi.

  • Sinh hóa: Giảm Ferritine (Ferritin < 30ng/mL) và/ hoặc độ bão hòa transferrin < 30%.

  • Phân: Tìm máu ẩn trong phân, giun móc (Trẻ trên 2 tuổi).

Chẩn đoán phân biệt:

  • Thiếu máu do viêm hay nhiễm trùng mạn tính: sắt và transferrin giảm mạn tính, ferritin tăng hay bình thường.

  • Bệnh thalassemia và bệnh lý hemoglobin: điện di hemoglobin.

  • Ngộ độc chì.

Các biện pháp điều trị bệnh Thiếu máu do thiếu sắt

Điều trị nguyên nhân và bổ sung sắt.

  • Bù sắt bằng đường uống: sắt nguyên tố 4-6 mg/kg/ngày, chia 3 lần, cách xa bữa ăn.

  • Đường tiêm: trẻ không uống được hoặc gia đình không quan tâm chăm sóc, không đáp ứng điều trị sắt uống.

  • Truyền hồng cầu lắng: chỉ định khi hb < 4g/dl hay khi trẻ thiếu máu nặng kèm theo rối loạn tri giác, mạch nhẹ, suy tim. Hồng cầu lắng 2-3ml/kg có thể kèm theo Furosemid.

Điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt:

  • Tăng cường dinh dưỡng: đánh giá chế độ ăn và dinh dưỡng hợp lý.

  • Tăng cường chế độ ăn giàu chất đạm và chất sắt, tránh các thức ăn làm giảm hấp thu sắt như sữa, ngũ cốc, trà, cà phê, trứng.

  • Tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng cho trẻ trên 2 tuổi.

  • Vệ sinh thân thể: không đi chân đất, rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp