Vắc - xin cúm được sản xuất như thế nào?

Hiện nay có rất nhiều các nhà sản xuất vắc - xin khác nhau, mỗi nhà sản xuất lại áp dụng công nghệ sản xuất khác nhau. Tuy nhiên dù là nhà sản xuất nào hay công nghệ nào thì sản phẩm muốn được cấp phép lưu hành trên thị trường đều phải trải qua kiểm định và phải đảm bảo chất lượng cũng như tính an toàn. Mỗi một loại vắc - xin sẽ được phê chuẩn sử dụng với những chỉ định riêng biệt.

1. Vắc - xin phòng cúm dựa trên trứng

Hiện nay có 3 công nghệ sản xuất vắc - xin phòng cúm được phê chuẩn bởi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration - FDA) của Hoa Kỳ, bao gồm:

  • Vắc - xin phòng cúm dựa trên trứng
  • Vắc - xin phòng cúm dựa trên tế bào
  • Vắc - xin phòng cúm tái tổ hợp

Cách phổ thông nhất để chế tạo vắc - xin phòng cúm đó là sử dụng quy trình sản xuất dựa trên trứng, một quy trình đã có lịch sử áp dụng hơn 70 năm nay. Quy trình sản xuất vắc - xin dựa trên trứng được sử dụng để tạo ra cả vắc - xin phòng cúm bất hoạt (inactivated influenza vaccine - IIV) dùng đường tiêm và vắc - xin phòng cúm sống giảm độc lực (live attenuated influenza vaccine LAIV) dạng xịt đường hô hấp.

Quá trình sản xuất vắc - xin phòng cúm dựa trên trứng sẽ bắt đầu khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) của Hoa Kỳ hoặc một cơ quan thí nghiệm thành viên của Hệ thống đáp ứng và giám sát toàn cầu (Global Surveillance and Response System) của Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization - WHO) cung cấp cho các nhà sản xuất vắc - xin mẫu virus ứng viên dùng để chế tạo vắc - xin (candidate vaccine viruses - CVVs) được nuôi cấy trong trứng đáp ứng các yêu cầu kiểm soát hiện hành của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Mẫu virus ứng viên được dùng để chế tạo vắc - xin sẽ được tiêm vào trong các quả trứng gà đã được thụ tinh. Những quả trứng này sau đó được ấp trong vài ngày để virus có thời gian nhân lên trong trứng, và người ta sẽ thu được chất dịch chứa virus từ những quả trứng này.

Vắc - xin phòng cúm dựa trên trứng
Bào chế vắc - xin phòng cúm dựa trên trứng

Với vắc - xin phòng cúm bất hoạt, virus cúm trong vắc - xin sau đó được bất hoạt (giết chết), và kháng nguyên (antigen) của virus sẽ được làm tinh khiết. Quá trình sản xuất sẽ tiếp diễn với việc tinh khiết hóa và thử nghiệm kiểm tra. Đối với vắc - xin phòng cúm sống giảm độc lực dạng xịt đường hô hấp, mẫu virus ứng viên ban đầu được dùng để chế tạo vắc - xin là các virus đã được làm yếu đi và trải qua một quá trình sản xuất khác. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ sẽ kiểm tra và phê chuẩn trước khi vắc - xin được đưa ra lưu hành trên thị trường.

Quá trình sản xuất vắc - xin phòng cúm dựa trên trứng cần cung cấp một số lượng trứng lớn để phục vụ sản xuất vắc - xin, và do đó sẽ cần nhiều thời gian để sản xuất vắc - xin hơn so với các phương pháp khác.

2. Vắc - xin phòng cúm dựa trên tế bào

Bên cạnh quá trình sản xuất sử dụng trứng, vắc - xin phòng cúm còn có một phương pháp sản xuất khác dựa trên tế bào, đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê chuẩn năm 2012.

Cho tới gần đây, phương pháp sản xuất này vẫn bắt đầu dựa trên mẫu virus ứng viên dùng để chế tạo vắc - xin được nuôi cấy trong trứng đáp ứng các yêu cầu kiểm soát của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ; tuy nhiên vào ngày 31 tháng 8 năm 2016, Sequirus, nhà sản xuất vắc - xin phòng cúm dựa trên tế bào, đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê chuẩn cho phép sử dụng mẫu virus ứng viên dùng để chế tạo vắc - xin được nuôi cấy trong tế bào, trở thành nhà sản xuất duy nhất của Hoa Kỳ được phép áp dụng kỹ thuật mới này.

Quá trình sản xuất vắc - xin phòng cúm dựa trên tế bào không cần sử dụng đến trứng gà bởi virus được dùng để chế tạo vắc - xin sẽ phát triển trong môi trường tế bào động vật. Kỹ thuật nuôi cấy tế bào có lợi thế là đẩy nhanh giai đoạn đầu trong quá trình sản xuất vắc - xin phòng cúm. Quy trình sản xuất vắc - xin phòng cúm dựa trên tế bào bao gồm nhiều bước.

Đầu tiên, Tổ chức Y tế thế giới sẽ khuyến cáo và cung cấp mẫu virus ứng viên dùng để chế tạo vắc - xin cho các nhà sản xuất. Sau đó, các nhà sản xuất vắc - xin sẽ cấy truyền mẫu virus ứng viên này vào trong môi trường nuôi cấy là tế bào động vật có vú (thay vì sử dụng trứng như trước) rồi để cho virus tự nhân lên trong vài ngày.

Tiếp theo người ta thu được dịch chứa virus từ môi trường nuôi cấy và kháng nguyên virus sẽ được tinh khiết hóa. Quá trình sản xuất sẽ tiếp diễn với các lần tinh khiết hóa và kiểm nghiệm kiểm tra. Cuối cùng Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ sẽ kiểm định và phê chuẩn trước khi vắc - xin chính thức lưu hành trên thị trường.

Với mùa cúm 2019 - 2020, cả bốn loại virus có trong vắc - xin phòng cúm dựa trên tế bào đều được nuôi cấy bằng tế bào từ đầu, khiến loại vắc - xin này hoàn toàn không liên quan tới trứng.

3. Vắc - xin phòng cúm tái tổ hợp

Có một phương pháp sản xuất vắc - xin phòng cúm thứ 3 được phê chuẩn áp dụng trên thị trường Hoa Kỳ từ năm 2013 liên quan đến việc sử dụng kĩ thuật tái tổ hợp. Phương pháp này hoàn toàn không cần tới virus được nuôi cấy trong trứng và cũng không cần tới trứng gà trong toàn bộ quy trình sản xuất.

Thay vào đó, nhà sản xuất sẽ phân lập một gen nhất định (hemagglutinin hay còn gọi là gen “HA”) từ chủng tự nhiên của loại virus ứng viên. Gen HA sau đó được kết hợp vào một virus khác (tái tổ hợp) có thể sinh trưởng tốt trong tế bào côn trùng, và nhân lên trong đó. Protein HA của virus cúm sẽ thu được từ những tế bào này và được tinh khiết hóa. Protein đã được tinh khiết hóa sẽ được đóng gói trong khi chờ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ kiểm tra và phê chuẩn, sau đó sẽ được đưa ra thị trường theo lô. Vắc - xin phòng cúm tái tổ hợp là một trong hai loại vắc - xin phòng cúm hoàn toàn không liên quan tới trứng hiện có.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: CDC

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan