Vắc xin cúm cho trẻ em có mấy loại?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bệnh cúm có thể khiến cơ thể suy yếu, khả năng miễn dịch suy giảm và dễ nhiễm thêm các mầm bệnh khác. Nhiễm thể cúm ác tính thậm chí còn gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Bệnh cúm mùa không điều trị hoặc điều trị quá muộn khiến bệnh chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng trẻ em, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vì vậy, tiêm vắc xin cúm cho trẻ em là biện pháp cần thiết để phòng ngừa hữu hiệu căn bệnh này.

1. Tìm hiểu về bệnh cúm

1.1 Bệnh cúm là gì?

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do các loại virus cúm tuýp A, B, C gây ra. Bệnh lây truyền trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp từ nước bọt và dịch họng có chứa virus. Bệnh cũng có thể lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người nếu con người tiếp xúc với gia cầm đang bị cúm. Bệnh cúm có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Virus cúm có thể lây nhiễm cho người quanh năm, tuy nhiên thường bùng phát dịch vào thời tiết lạnh, đặc biệt là mùa đông. Nguyên nhân là do khi trời lạnh, virus cúm sẽ tạo ra một lớp màng cứng, có tác dụng như màng bảo vệ, giúp virus lây lan qua không khí lạnh.

Khi xâm nhập vào đường hô hấp, virus cúm nhân lên mạnh, phá hủy các tế bào biểu mô đường hô hấp. Khi virus cúm vượt qua hàng rào miễn dịch, chúng sẽ đi vào máu, tới các cơ quan và gây tổn thương tại đó.

1.2 Triệu chứng bệnh cúm

  • Cúm thể nhẹ và vừa: Trong thời gian ủ bệnh (khoảng 2 ngày), người bệnh thường có các biểu hiện ban đầu như sốt, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi. Về sau, triệu chứng ngạt mũi, ho và chảy nước mũi xuất hiện. Ở trẻ nhỏ, triệu chứng đau tai, đau họng và sưng hạch, hoặc tiêu chảy, đau và nôn mửa có thể xảy ra. Nhìn chung, các triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm thường giới hạn ở đường hô hấp trên. Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác gần như biến mất nhưng ho và mệt mỏi vẫn có thể kéo dài. Tất cả các triệu chứng và cảm giác mệt mỏi sẽ biến mất trong vòng 1 hoặc 2 tuần.
  • Cúm thể ác tính (cúm A là loại nguy hiểm nhất với nhiều chủng cúm A(H5N1), A(H3N2), A(H1N1). Bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, lo lắng, mạch nhanh, co giật, tụt huyết áp, tổn thương gan, thận, phổi... Nếu không được điều trị tích cực, người bệnh có thể tử vong sau 1 - 3 ngày do suy hô hấp và trụy mạch. Cúm có thể gây các biến chứng như viêm xoang, viêm taiviêm phổi. Viêm phổi thường gặp ở trẻ em, người già trên 65 tuổi và người mắc các bệnh nền như đái tháo đường, bệnh ảnh hưởng tới tim, phổi, người có hệ miễn dịch suy giảm... Trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mạn tính... có thể gặp nguy hiểm khi bị cúm.
Trẻ ốm, trẻ sổ mũi, dị ứng, cảm cúm trẻ
Cúm có thể gây các biến chứng như viêm phổi thường gặp ở trẻ em

2. Tiêm vắc xin cúm cho trẻ em - biện pháp phòng bệnh hữu hiệu

Để hạn chế dịch cúm lây lan, cần tránh tiếp xúc với người bệnh cúm, giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ... Bên cạnh đó, biện pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc cúm chính là tiêm chủng. Những người đã tiêm phòng cúm nếu mắc thường bệnh sẽ nhẹ, thời gian ngắn, tỷ lệ biến chứng nguy hiểm sẽ thấp hơn so với người chưa tiêm.

Về thời điểm tiêm vắc-xin cúm: Các chủng virus cúm thay đổi hàng năm nên cần tiêm phòng cúm hàng năm trước khi bước vào mùa cúm. Chủng cúm năm sau sẽ được Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán để các nhà sản xuất có thể sản xuất loại vắc xin phòng bệnh phù hợp. Nên tiêm ngừa càng sớm càng tốt khi có vắc xin của năm đó. Người được tiêm cúm sẽ tạo kháng thể chống lại virus cúm khi bị nhiễm. Cần khoảng 2 tuần để tạo ra kháng thể và khả năng bảo vệ là 50 -80%.

Lịch tiêm với trẻ em từ 6 - 35 tháng tuổi khi tiêm vắc xin cúm lần đầu

  • Tiêm mũi đầu tiên với liều 0.25ml
  • Tiêm mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất 4 tuần.

Với người lớn và trẻ đã từng tiêm phòng cúm trước đó: Mỗi năm chỉ cần tiêm 1 mũi.

Người bị dị ứng nặng với vắc xin, đang có bệnh cấp tính nặng, trẻ dưới 6 tháng tuổi, người có tiền sử mắc bệnh Guillain-Barre trong vòng 6 tuần sau khi tiêm vắc xin trước đó đều không nên tiêm ngừa cúm.

3. Vắc xin cúm cho trẻ em có mấy loại?

Theo vị trí tiêm, có 3 loại vắc xin phòng cúm: Tiêm bắp, tiêm dưới da và dạng xịt mũi. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có loại vắc xin tiêm bắp. Vắcxin tiêm bắp chứa virus chết phổ biến cho người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi. Vắc-xin xịt mũi (chứa virus sống giảm độc lực) chỉ dành cho người khỏe mạnh từ 2 - 49 tuổi. Phụ nữ có thai và người bị suy giảm miễn dịch, người có bệnh mạn tính không nên dùng loại vắc xin này.

Tiêm chủng 2 mũi cho trẻ độ tuổi tiêm chủng, mũi 1 từ 9 – 12 tháng tuổi, mũi 2 từ 18 – 24 tháng
Trẻ được tiêm vắc-xin cúm dạng tiêm bắp thịt tại Vinmec

Về nguồn gốc vắc xin, trên thế giới có 2 nhóm: Cắc xin cúm Nam bán cầu và vắc xin cúm Bắc bán cầu. Nhìn chung, các loại vắc xin cúm do nước ngoài sản xuất khi đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam thì hoàn toàn có thể sử dụng để ngừa bệnh cúm. 2 loại vắc-xin cúm Influvac (Hà Lan) và Vaxigrip (Pháp) đều có thể sử dụng.

Vắc xin cúm Tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp) phòng được 4 chủng cúm gồm 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria), được chỉ định cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Vắc xin Influvac Tetra (Hà Lan) được khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ trên 36 tháng tuổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan