Các tình huống đặc biệt khi tiêm vắc-xin ngừa cúm mùa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ đã có 7 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Nhi khoa.

Tiêm cúm hàng năm là biện pháp phòng ngừa dịch cúm hiệu quả nhất, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa, nhiều dịch bệnh hoành hành. Vậy tiêm cúm vào tháng mấy là phù hợp, tình huống đặc biệt nào cần lưu ý khi tiêm vắc-xin ngừa cúm?

1. Tiêm cúm hàng năm để phòng ngừa dịch cúm

Cúm là bệnh do virus cúm gây ra. Đây là bệnh viêm đường hô hấp cấp và là bệnh truyền nhiễm do virus cúm rất dễ lây lan và có thể gây nên dịch cúm. Hiện nay, tiêm vắc-xin cúm là biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, do chủng virus cúm biến đổi liên tục, vì vậy cần phải tiêm cúm hàng năm.

Tại Việt Nam, dịch cúm có thể xuất hiện quanh năm, trong đó, các tháng 3, 4, 9 và 10 là thời điểm dịch cúm đạt đỉnh. Do vậy, cần tiêm vắc-xin ngừa cúm mùa trước khi dịch bệnh, tốt là từ 2 tuần - 1 tháng trước dịch cúm hoặc thời điểm dịch bệnh cao.

Cúm gây viêm đường hô hấp cấp nhưng nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng ở tai, xoang và phổi. Đặc biệt, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người có sức đề kháng kém là đối tượng rất dễ bị nhiễm virus cúm, do đó, đây là nhóm đối tượng cần được tiêm cúm hàng năm để phòng tránh bệnh.

Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi có thai. Trong trường hợp đang mang thai nhưng có dịch cúm mùa, thai phụ vẫn có thể tiêm vắc-xin phòng cúm trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ. Đối với trẻ em, trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên đã có thể tiêm vắc-xin cúm.

cac-tinh-huong-dac-biet-khi-tiem-vac-xin-ngua-cum-mua-1
Nên tiêm phòng vắc xin cúm trước khi mang thai

2. Các tình huống đặc biệt khi tiêm vắc-xin ngừa dịch cúm mùa

Vắc-xin phòng cúm được tiêm dự phòng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Tuy nhiên, những tình huống đặc biệt dưới đây cần được lưu ý khi tiêm vắc-xin ngừa dịch cúm mùa:

  • Dị ứng với trứng (mức độ nhẹ, chỉ phát ban): có thể tiêm vắc-xin cúm bất kỳ phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe mỗi năm.
  • Dị ứng với trứng (mức độ nặng, nổi mề đay, suy hô hấp, phù mạch): có thể tiêm 1 liều vắc-xin cúm bất kỳ phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe mỗi năm. Tuy nhiên, khi tiêm phải có sự giám sát của nhân viên y tế và bác sĩ, điều dưỡng có khả năng xử trí các phản ứng dị ứng có thể xảy ra.

Việc tiêm chủng vắc xin ngừa cúm mùa được đề nghị đặc biệt đối với các nhóm bệnh sau:

  • Người lớn và trẻ em có các rối loạn mạn tính ở hệ hô hấp hoặc hệ tim mạch kể cả bệnh hen.
  • Người lớn và trẻ em bị các bệnh chuyển hóa mạn tính như bệnh tiểu đường.
  • Người lớn và trẻ em bị suy giảm chức năng thận mạn tính.
  • Người lớn và trẻ em bị suy giảm miễn dịch do bị bệnh hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch (Thuốc kìm tế bào hoặc Corticosteroid) hoặc điều trị bằng chiếu xạ.
  • Trẻ em và trẻ vị thành niên ( 6 tháng đến 18 tuổi) điều trị lâu dài bằng thuốc có chứa Acid acetylsalicylic.
  • Người lớn tuổi từ 65 trở lên.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan