Công dụng thuốc Epoetin Alfa

Thuốc Epoetin Alfa là một loại thuốc được sử dụng để điều trị tình trạng thiếu máu do nhiều nguyên nhân gây ra. Vậy cách sử dụng thuốc Epoetin Alfa như thế nào?

1. Công dụng thuốc Epoetin Alfa

Thuốc Epoetin alfa hoạt động bằng cách kích thích sản xuất hồng cầu trong tủy xương. Trong cơ thể chúng ta, việc giảm số lượng tế bào hồng cầu hoặc mức độ hemoglobin sẽ khiến thận giải phóng một loại protein gọi là erythropoietin, từ đó kích thích tủy xương tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn. Epoetin alfa là một phiên bản nhân tạo của erythropoietin, cũng có thể kích thích sản xuất hồng cầu.

Epoetin alfa được sử dụng trong quá trình điều trị bệnh ung thư, nhưng nó không phải là thuốc điều trị ung thư mà là một loại thuốc hỗ trợ. Epoetin alfa được sử dụng để chống lại tác động của bệnh ung thư và các phương pháp điều trị ung thư. Thuốc Epoetin alfa cũng có thể được sử dụng để điều trị thiếu máu do bệnh thận mãn tính.

2. Liều lượng và cách dùng thuốc Epoetin Alfa

Thuốc Epoetin alfa thường được dùng dưới dạng tiêm dưới da, nhưng cũng có thể được tiêm tĩnh mạch. Liều thuốc Epoetin alfa thực tế dựa trên kích thước cơ thể của bạn và sẽ được xác định bởi bác sĩ của bạn. Bạn có thể nhận được thuốc epoetin alfa tại nơi điều trị của bạn hoặc tự quản lý, sử dụng tại nhà.

Liều thuốc Epoetin alfa thông thường dành cho người lớn bị thiếu máu liên quan tới Zidovudine: Sử dụng liều ban đầu là 100 IU/kg tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch 3 lần một tuần.

Liều thuốc Epoetin alfa thông thường dành cho người lớn bị thiếu máu do hóa trị:

  • Sử dụng liều ban đầu là 150 IU/kg tiêm dưới da 3 lần/tuần hoặc 40.000IU tiêm dưới da 1 lần/tuần cho đến khi hoàn thành đợt hóa trị.
  • Sử dụng thuốc Epoetin alfa ở bệnh nhân hóa trị ung thư khi chỉ số hemoglobin dưới 10 g/dL, và nếu dự định cần thêm ít nhất 2 tháng hóa trị.
  • Sử dụng thuốc epoetin alpha với liều thấp nhất để tránh truyền hồng cầu.

Liều thuốc Epoetin alfa thông thường dành cho người lớn bị thiếu máu do suy thận mạn tính: Sử dụng liều 50-100 IU/kg tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch 3 lần mỗi tuần.

Liều thuốc Epoetin alfa thông thường dành cho người lớn bị thiếu máu trước khi phẫu thuật:

  • Bệnh nhân có lượng hemoglobin nằm trong khoảng từ 10 - 13g/dL và chuẩn bị phẫu thuật không cấp thiết, không phải phẫu thuật tim, không phải phẫu thuật mạch máu để giảm nhu cầu truyền máu: Sử dụng liều 300IU/kg/ngày tiêm dưới da trong 10 ngày trước và trong ngày phẫu thuật, và sử dụng tiếp 4 ngày sau khi phẫu thuật cho tổng cộng 14 ngày điều trị epoetin.
  • Liều lượng thay thế: Sử dụng liều 600 IU/kg tiêm dưới da trong 1 lần/tuần (vào các thời điểm 21, 14, và 7 ngày trước khi phẫu thuật), thêm một liều thứ tư trong ngày phẫu thuật.

Liều thuốc Epoetin alfa thông thường cho trẻ em bị thiếu máu do Zidovudine:

  • Trẻ sơ sinh và Trẻ em từ 8 tháng đến 17 tuổi: Sử dụng liều từ 50 - 400IU/kg x 2-3 lần/tuần.
  • Nếu trẻ không đáp ứng với liều 300IU/kg x 3 lần/tuần, thì không đảm bảo trẻ có thể thích ứng với liều cao hơn.

Liều thuốc Epoetin alfa thông thường cho trẻ em thiếu máu do hóa trị:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ em từ 6 tháng đến 18 tuổi: Sử dụng liều từ 25-300IU/kg 3-7 lần/ tuần.
  • Khuyến nghị của nhà sản xuất:
    • Sử dụng đường tiêm tĩnh mạch, với liều 600 IU/kg mỗi tuần (không quá 40.000 IU/tuần); có thể tăng liều thuốc lên 900IU/kg mỗi tuần (không quá 60.000 IU/tuần).
    • Xem xét liều lượng thuốc Epoetin alfa cho việc kiểm soát bằng đường tiêm dưới da đã được chứng minh hiệu quả ở liều thấp hơn liều tiêm tĩnh mạch từ 30% đến 50%.
  • Giảm 25% liều lượng khi chỉ số hemoglobin đạt mức cần thiết để tránh truyền máu hoặc tăng hơn 1 g/dL trong hai tuần.
  • Tăng 25% liều lượng thuốc Epoetin alfa nếu bệnh nhân đáp ứng chưa đủ và duy trì chỉ số hemoglobin ở thấp nhất đủ để tránh phải truyền hồng cầu.

Liều thông thường của thuốc Epoetin alfa cho trẻ em bị thiếu máu do suy thận mạn tính:

  • Trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng liều khởi đầu là 50IU/kg, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da, 3 lần/tuần.
  • Tăng liều thuốc Epoetin alfa lên 25% nếu chỉ số hemoglobin dưới 10g/dL và đã không tăng thêm 1g/dL sau 4 tuần điều trị nếu hemoglobin giảm dưới 10g/dL. Ở những bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo, nên sử dụng đường tiêm tĩnh mạch.

Liều thông thường của thuốc Epoetin alfa cho trẻ bị thiếu máu:

  • Sự an toàn và hiệu quả của epoetin alfa cho trẻ em bị thiếu máu chưa được nghiên cứu. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc Epoetin alfa có thể phù hợp trong một số trường hợp.
  • Thiếu máu do sinh non: Sử dụng liều khoảng 500-1250 IU/kg/tuần chia thành 2-5 liều; thường sử dụng liều 250 IU/kg/lần x 3 lần/tuần; bổ sung với điều trị bằng sắt uống 3-8 mg/kg/ngày.

3. Bảo quản và xử lý thuốc Epoetin alfa

Không lắc hoặc để đông lạnh thuốc Epoetin alfa. Bảo quản lọ thuốc trong ngăn mát tủ lạnh và tránh ánh sáng. Để các lọ thuốc Epoetin alfa tránh xa tầm tay của trẻ em.

Không sử dụng lại lọ, ống tiêm hoặc kim tiêm liều đơn. Không vứt lọ, ống tiêm hoặc kim tiêm vào thùng rác gia đình. Vứt bỏ tất cả kim tiêm và ống tiêm đã sử dụng vào hộp đựng dùng một lần có nắp đậy.

4. Tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc Epoetin Alfa

Một số tác dụng phụ phổ biến hoặc quan trọng nhất của thuốc Epoetin alfa đó là:

  • Cục máu đông, đau tim đột quỵ: Thuốc Epoetin alfa có thể làm tăng nguy cơ đông máu, đột quỵ và đau tim. Nếu bạn gặp các triệu chứng của những vấn đề này, bạn nên liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức hoặc đến phòng cấp cứu. Các triệu chứng có thể bao gồm: Sưng, đỏ hoặc đau ở một chi, cánh tay hoặc chân lạnh hoặc nhợt nhạt, đau hoặc áp lực ở ngực, đau ở cánh tay, lưng, cổ hoặc hàm, khó thở, tê hoặc yếu ở một bên cơ thể, khó nói, lú lẫn hoặc thay đổi trạng thái tâm thần.
  • Nguy cơ tiến triển khối u: Các nghiên cứu về thuốc Epoetin alfa đã phát hiện ra rằng, nó có thể làm cho một số khối u phát triển nhanh hơn hoặc khiến người bệnh chết sớm hơn vì ung thư. Do đó, liều thấp nhất của thuốc Epoetin alfa có thể sẽ được dùng để tránh truyền hồng cầu. Thuốc Epoetin alfa chỉ nên dùng cho những bệnh nhân đang điều trị ung thư gây thiếu máu. Nó nên được ngưng sau khi hoàn thành quá trình hóa trị. Bạn sẽ được theo dõi sự tiến triển của khối u trong quá trình điều trị.
  • Buồn nôn và/hoặc nôn mửa: Trao đổi với bác sĩ của bạn để họ có thể kê đơn thuốc giúp bạn kiểm soát buồn nôn và nôn. Ngoài ra, thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp bạn cải thiện tình trạng này. Tránh những thức ăn có nhiều dầu mỡ/chất béo, một số loại gia vị hoặc thực phẩm có chứa axit (như chanh, cà chua, cam).
  • Tăng huyết áp: Thuốc Epoetin alfa có thể gây tăng huyết áp. Bệnh nhân nên được kiểm tra huyết áp thường xuyên trong thời gian điều trị. Bất kỳ bệnh tăng huyết áp nào cũng cần được điều trị thích hợp. Nếu không kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp, có thể ngừng thuốc Epoetin alfa.
  • Phản ứng dị ứng: Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị dị ứng với thuốc Epoetin alfa. Các dấu hiệu của phản ứng có thể bao gồm: Thở gấp hoặc khó thở, đau ngực, phát ban, đỏ bừng hoặc ngứa hoặc giảm huyết áp. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về cảm giác của bạn trong khi tiêm/truyền thuốc, hãy báo cho y tá của bạn biết ngay lập tức.
  • Phát triển các kháng thể chống lại erythropoietin: Một tác dụng phụ rất hiếm gặp là khả năng cơ thể bạn có thể tạo ra kháng thể chống lại erythropoietin. Những kháng thể này có thể ngăn chặn hoặc làm giảm khả năng tạo hồng cầu của cơ thể, gây ra tình trạng thiếu máu trầm trọng. Các triệu chứng của thiếu máu trầm trọng bao gồm: mệt mỏi, thiếu năng lượng và/hoặc khó thở. Nếu bạn gặp những triệu chứng này, hãy gọi cho bác sĩ của bạn.
  • Co giật: Tăng nguy cơ co giật ở những bệnh nhân dùng thuốc Epoetin alfa cho bệnh thận. Thông báo cho bác sĩ của bạn nếu bạn có bất kỳ triệu chứng co giật nào bao gồm lú lẫn, cử động cơ không kiểm soát được, chuyển động mắt nhanh, mất ý thức và có vị lạ trong miệng.
  • Hội chứng Stevens Johnson: Đây là một phản ứng dị ứng hiếm gặp, nhưng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến da và màng nhầy. Nó thường bắt đầu như phát ban hoặc mụn nước đau đớn và có thể tiến triển đến tổn thương nghiêm trọng trên da và trong một số trường hợp, có thể dẫn đến tử vong. Điều quan trọng là bạn phải báo cáo bất kỳ phát ban nào cho bác sĩ của bạn ngay lập tức.
  • Mối quan tâm về sinh sản: Việc để cho thai nhi tiếp xúc với thuốc Epoetin alfa có thể gây dị tật bẩm sinh, vì vậy bạn không nên mang thai hoặc làm cha khi đang dùng thuốc này. Kiểm soát sinh sản hiệu quả là cần thiết trong quá trình điều trị bằng thuốc Epoetin alfa.

Thuốc Epoetin Alfa là một loại thuốc được sử dụng để điều trị tình trạng thiếu máu do nhiều nguyên nhân gây ra. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • củ hành tím có tác dụng gì
    Củ hành tím có tác dụng gì?

    “Củ hành tây tím có tác dụng gì” chắc hẳn là thắc mắc của nhiều người, bởi đây là loại gia vị rất quen thuộc trong mỗi gia đình. Trong hành tím có chứa các thành phần dinh dưỡng mang ...

    Đọc thêm
  • cây mã tiền
    Tác dụng của cây mã tiền

    Cây mã tiền là vị thuốc có nhiều công dụng hữu ích đối với sức khỏe như thông kinh lạc, chỉ thống, tiêu thũng, mạnh gân cốt và mạnh tỳ vị. Tuy nhiên, vị thuốc mã tiền có độc tính ...

    Đọc thêm
  • Quả gấc có chứa nhiều vitamin gì?
    Quả gấc có tác dụng gì?

    Quả gấc là một loại trái cây bản địa của Đông Nam Á. Gấc mọc trên cây thân leo đơn tính, chỉ ra quả một lần trong năm. Quả thường tròn có nhiều chiếc gai nhỏ như những chỗ lồi ...

    Đọc thêm
  • hong-xiem-nong-hay-mat
    Hồng xiêm ăn nóng hay mát

    Hồng xiêm là loại trái cây nhiệt đới phổ biến được yêu thích vì vị ngọt, có nhiều tác dụng chữa bệnh. Vậy “hồng xiêm ăn nóng hay mát”, nếu chưa biết câu trả lời, bạn có thể thể tìm ...

    Đọc thêm
  • Thiếu men G6PD ở trẻ sơ sinh có liên quan đến bệnh tan máu bẩm sinh không?
    Trẻ thiếu máu uống thuốc không cải thiện nhiều có ảnh hưởng gì không?

    Chào bác sĩ, con em hơn 10 tháng trộm vía lúc trước ăn uống rất tốt, nhưng khoảng 10 ngày sau thì bé đột nhiên chán ăn và không ăn. Em có đưa bé đi khám thì bệnh viện bảo ...

    Đọc thêm