Tác dụng phụ khi xạ trị ung thư đầu cổ

Xạ trị là 1 trong những phương pháp điều trị chính trong ung thư đầu cổ. Các liều bức xạ được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư cũng có thể làm tổn thương các tế bào bình thường và là nguyên nhân gây ra các tác dụng phụ. Tác tác dụng phụ của xạ trị có tính chất tích lũy. Có nghĩa là càng thực hiện nhiều đợt điều trị theo thời gian, thì nguy cơ mắc các tác dụng phụ càng cao.

1. Xạ trị ung thư đầu cổ là gì?

Phương pháp xạ trị nghĩa là sử dụng tia X năng lượng cao để phá hủy DNA của tế bào và giết chết các tế bào ung thư hoặc ngăn chúng sinh sản. Phương pháp này được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư. Người ta ước tính rằng 50% bệnh nhân ung thư sẽ được xạ trị trong quá trình điều trị ung thư.

Xạ trị được gọi là phương pháp điều trị tại chỗ do chỉ tác động lên một khu vực cụ thể trong cơ thể nơi khối u đang phát triển. Có 2 loại xạ trị chính là xạ trị bên ngoài (một chùm tia phóng xạ từ bên ngoài chiếu thẳng vào cơ thể) và xạ trị bên trong (nguồn phóng xạ được đặt bên trong cơ thể và gần khối u).

Xạ trị thường được sử dụng để điều trị ung thư đầu cổ, trước hoặc sau khi phẫu thuật. Các liều bức xạ được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư cũng có thể làm tổn thương các tế bào bình thường trong khu vực được điều trị. Sự tổn thương các tế bào bình thường là nguyên nhân gây ra các tác dụng phụ thường gặp của xạ trị. Các tác dụng phụ có thể xảy ra của xạ trị liên quan trực tiếp đến vùng cơ thể được điều trị. Nếu bệnh nhân đang xạ trị ung thư đầu cổ, các tác dụng phụ thường xảy ra ở các bộ phận này.

2. Tác dụng phụ của xạ trị ung thư đầu và cổ là gì?

Các tác dụng phụ tùy thuộc vào vị trí và mức độ lan rộng của ung thư đầu cổ và liệu nó có được phối hợp với hóa trị hay không. Các tác dụng phụ của bức xạ có tính chất tích lũy, có nghĩa là càng thực hiện nhiều đợt điều trị theo thời gian, thì nguy cơ mắc các tác dụng phụ càng cao. Hầu hết bệnh nhân không có bất kỳ tác dụng phụ nào cho đến khi điều trị xạ trị vài tuần. Mặc dù các tác dụng phụ có thể gây khó chịu nhưng vẫn có những phương pháp giúp cải thiện triệu chứng. Hầu hết các tác dụng phụ là tạm thời, sẽ biến mất theo thời gian sau khi liệu pháp hoàn tất.

2.1 Tác dụng phụ ngắn hạn

Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến nhất của phương pháp xạ trị đối với ung thư đầu cổ. Tuy nhiên phương pháp điều trị có thể ảnh hưởng đến mỗi bệnh nhân theo những cách khác nhau.

  • Kích ứng da: Da ở vùng điều trị có thể bị đỏ, kích ứng, khô hoặc nhạy cảm. Ban đầu sẽ giống như bị cháy nắng. Bệnh nhân nên chăm sóc da nhẹ nhàng để tránh kích ứng thêm và tắm cẩn thận, chỉ sử dụng nước ấm và xà phòng nhẹ. Tránh các loại sữa tắm hoặc xà phòng có mùi thơm vì chúng có thể gây kích ứng thêm. Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Đau họng và miệng: Còn được gọi là viêm thực quản hoặc viêm niêm mạc. Triệu chứng này có xu hướng bắt đầu sau 2-3 tuần điều trị. Nó bắt đầu cải thiện khoảng 2 tuần sau khi điều trị kết thúc.
  • Đau khi nuốt, do đau họng và miệng: Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau và trợ giúp về các vấn đề dinh dưỡng. Nếu cơn đau khiến bệnh nhân không thể ăn uống được, một ống sonde dạ dày tạm thời có thể được sử dụng trong quá trình điều trị để duy trì dinh dưỡng và ngăn ngừa giảm cân. . Tuy nhiên, điều quan trọng là bệnh nhân nên luyện tập nuốt ngay cả khi đã đặt ống thông dạ dày. Nếu không, cơ nuốt của bệnh nhân có thể yếu đi. Điều này sẽ gây ra các vấn đề về nuốt vĩnh viễn và khiến việc ngừng sử dụng ống thông dạ dày trở nên khó khăn ngay cả khi đã kết thúc quá trình xạ trị.
  • Khô miệng và/hoặc nước bọt đặc: Tác dụng phụ này có xu hướng phát triển sau một vài tuần điều trị. Đây có thể là một tác dụng phụ tạm thời, sẽ thuyên giảm sau khi điều trị hoặc có thể là mất tiết nước bọt vĩnh viễn.
  • Thay đổi vị giác: Có thể bao gồm vị kim loại và không muốn ăn một số loại thực phẩm. Mặc dù vấn đề thay đổi vị giác thường thuyên giảm theo thời gian sau khi liệu pháp kết thúc, nhưng nó có thể kéo dài 1 năm hoặc lâu hơn.
  • Đau tai: Có thể là kết quả của việc ráy tai trở nên cứng. Những dấu hiệu này có xu hướng thuyên giảm trong những tuần sau khi điều trị. Đôi khi nhỏ tai để làm mềm ráy tai có thể hữu ích cho bệnh nhân.
  • Rụng tóc: Bệnh nhân có thể bị rụng tóc ở khu vực nhận được bức xạ. Tóc thường bắt đầu mọc lại một tháng hoặc lâu hơn sau khi điều trị. Tuy nhiên, tóc có thể không mọc lại chính xác như trước khi điều trị và đối với một số người, tình trạng rụng tóc sẽ trở thành vĩnh viễn.
  • Mệt mỏi: Rất phổ biến khi điều trị bằng bức xạ và có xu hướng bắt đầu sau vài tuần điều trị. Tình trạng mệt mỏi thường thuyên giảm từ từ trong vài tuần và vài tháng sau khi điều trị.
  • Sưng tấy hoặc thay đổi kết cấu của da ở vùng điều trị.

2.2 Tác dụng phụ lâu dài

Các tác dụng phụ được liệt kê ở trên có xu hướng xảy ra trong quá trình điều trị cho đến vài tháng sau khi điều trị. Ảnh hưởng lâu dài có thể xảy ra vài tháng đến nhiều năm sau khi điều trị ung thư và rủi ro phụ thuộc vào khu vực cơ thể bị bức xạ. Chúng cũng phụ thuộc vào các kỹ thuật bức xạ đã được sử dụng. Một số tác dụng phụ lâu dài có thể xảy ra của phương pháp xạ trị ung thư đầu cổ được liệt kê dưới đây:

  • Phát triển ung thư thứ phát trong hoặc gần khu vực được điều trị bằng xạ trị (hiếm xảy ra). Bệnh phát triển do các mô khỏe mạnh thường xuyên tiếp xúc với bức xạ. Nhiều kỹ thuật bức xạ hiện nay được thiết kế để hạn chế sự phơi nhiễm này, nhưng không phải lúc nào cũng có thể ngăn chặn tất cả sự phơi nhiễm mà vẫn đạt được kết quả mong muốn.
  • Khô miệng có thể trở thành một vấn đề lâu dài đối với một số bệnh nhân, có thể ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe răng miệng của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ cung cấp các hướng dẫn chăm sóc răng miệng và đề xuất các sản phẩm cải thiện tình trạng giảm tiết nước bọt.
  • Khó nuốt: Một số bệnh nhân ung thư gặp vấn đề về nuốt lâu dài. Ngoài ra, bức xạ có thể dẫn đến sự phát triển của các mô sẹo. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về nuốt sau nhiều năm điều trị.
  • Xơ hóa: Là tình trạng hình thành sẹo của các cơ xảy ra ở vùng điều trị, làm cho cơ cảm thấy cứng. Các cơ này có thể bị co thắt, cứng, đau và/hoặc trở nên yếu. Sẹo của các cơ ở cổ có thể khiến đầu bị xoay và nghiêng sang một bên. Vật lý trị liệu, một số loại thuốc và phục hồi chức năng ung thư có thể rất hữu ích trong trường hợp này.
  • Tổn thương dây thần kinh: Các dây thần kinh ở khu vực xạ trị có thể bị tổn thương hoặc cản trở bởi mô sẹo, dẫn đến vùng đó bị yếu hoặc đau.
  • Phù bạch huyết ở mặt, cằm và vùng cổ có thể xảy ra trong một số trường hợp hiếm. Thông báo cho bác sĩ nếu nhận thấy sưng tấy ở vùng đầu cổ. Vật lý trị liệu có thể được sử dụng để điều trị chứng phù bạch huyết.
  • Cứng hàm là một chứng co rút mãn tính của cơ kiểm soát việc mở và đóng miệng, dẫn đến không thể mở miệng bình thường. Điều này có thể gây khó khăn khi ăn, nói hoặc thực hiện chăm sóc răng miệng. Bác sĩ có thể đề xuất các bài tập hàm để giúp điều trị chứng cứng hàm. Đối với một số bệnh nhân, thao tác chỉnh hàm bởi nha sĩ có thể hữu ích.
  • Trong một số trường hợp, một bộ phận giả (một bộ phận nha khoa nhân tạo và/hoặc khuôn mặt) có thể được sử dụng để hỗ trợ quá trình nuốt và nói.

Tóm lại, chỉ định xạ trị ung thư đầu cổ là phương pháp phổ biến trong quá trình điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, xạ trị có thể gây ra một số tác dụng phụ tạm thời hoặc lâu dài, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Mỗi người có thể có các tác dụng phụ khác nhau từ xạ trị. Bệnh nhân nên tham khảo bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra và cách quản lý các tác dụng phụ đó.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo: Oncolink.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan