Nốt ruồi có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú?

Nhiều nghiên cứu phát hiện có mối liên quan trực tiếp giữa các nốt ruồi và nguy cơ ung thư vú. Vậy nốt ruồi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú hay không?

1. Tìm hiểu về bệnh ung thư vú và nốt ruồi ung thư

Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến nhất được chẩn đoán ở phụ nữ. Theo 1 nghiên cứu vào năm 2021, cứ 10 ca ung thư thì có 1 ca là ung thư vú. Và phát hiện sớm ung thư vú chính là chìa khóa để có kết quả điều trị tốt nhất. Lúc này, việc nhận biết các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú sẽ giúp việc phát hiện bệnh sớm trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Nghiên cứu cho thấy có thể có mối liên hệ giữa việc xuất hiện nốt ruồi trên da và việc phát triển ung thư vú. Nốt ruồi thông thường có thể xuất hiện trên da ngay từ khi bạn chào đời. Chúng cũng có thể xuất hiện nếu bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, như một phần của quá trình lão hóa, hoặc thậm chí là không do nguyên nhân nào cả. Có nốt ruồi không có nghĩa là bạn sẽ mắc ung thư vú, ngay cả khi bạn có nhiều nốt ruồi.

2. Nốt ruồi làm tăng nguy cơ ung thư vú như thế nào?

1 nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy những phụ nữ có nhiều nốt ruồi có thể có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú giai đoạn tiền mãn kinh cao hơn. Các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ sức khỏe của 89.902 phụ nữ Pháp. Trong số đó, có 5.956 người mắc ung thư vú. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có rất nhiều nốt ruồi có nhiều khả năng có tiền sử gia đình mắc ung thư vú. Ngoài ra, họ cũng có nhiều khả năng phát triển ung thư vú.

1 nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 2014 cũng có kết quả tương tự. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe trong 24 năm của 74.523 nữ y tá. Trong những năm đó, có 5.483 người trong số họ mắc bệnh ung thư vú xâm lấn. Những y tá không có nốt ruồi có tỷ lệ mắc ung thư vú thấp hơn so với những người có nốt ruồi. Những y tá có từ 15 nốt ruồi trở lên có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 3%.

Từ cả 2 nghiên cứu, các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết rằng hormone có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bạn sẽ xuất hiện bao nhiêu nốt ruồi trong suốt cuộc đời. Mức độ hormone estrogen của bạn cũng có thể liên quan tới nguy cơ hình thành ung thư vú và có nhiều nốt ruồi hơn. Hiện cần có nhiều nghiên cứu để hiểu hơn về cơ chế hoạt động của estrogen để kết nối 2 giả thuyết này.

Vậy nốt ruồi trên vú hoặc núm vú có thể biến thành ung thư không? Nốt ruồi trên bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều có thể trở thành ác tính. Điều đó bao gồm cả các nốt ruồi trên ngực và núm vú của bạn. Nốt ruồi ung thư là triệu chứng của khối u ác tính - loại ung thư da phổ biến nhất. Trong hầu hết các trường hợp, khối u ác tính có thể được loại bỏ một cách an toàn, không xâm lấn trước khi các tế bào ung thư lan rộng.

3. Nốt ruồi thông thường trông như thế nào?

Nốt ruồi thông thường là các nốt nhỏ mọc trên da. Chúng thường có màu sắc tối hơn so với màu da tự nhiên của bạn. Nốt ruồi hình thành khi các tế bào sắc tố trên da của bạn phát triển thành cụm.

Hầu hết người trưởng thành sẽ có từ 10 - 40 nốt ruồi trên toàn cơ thể. Chúng có xu hướng xuất hiện ở những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như tay, mặt, vai, cổ,... Khi bạn có từ 50 nốt ruồi trở lên, bạn có thể có nguy cơ mắc ung thư da và các loại ung thư khác cao hơn.

4. Cách nhận biết nốt ruồi ung thư

Dựa vào những hình ảnh nốt ruồi ung thư, chúng ta sẽ thấy rõ chúng có nhiều điểm khác biệt so với nốt ruồi thông thường. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị sử dụng bộ quy tắc sau để xác định nốt ruồi:

  • Bất đối xứng: Hình dạng 2 bên nốt ruồi ung thư thường không giống nhau;
  • Đường viền: Nốt ruồi ung thư thường có đường viền gồ ghề hoặc không đều thay vì hình tròn;
  • Màu sắc: Nốt ruồi ung thư có thể có màu sắc không đồng đều như trong suốt, đen, hồng, trắng, xám;
  • Đường kính: 1 nốt ruồi ung thư có thể phát triển về kích thước, trông dày hơn;
  • Phát triển: Nốt ruồi ung thư có thể có nhiều khác biệt so với thời điểm cách đây vài tuần hay vài tháng.

5. Nếu bạn có nhiều nốt ruồi thì có nên thường xuyên kiểm tra?

Có nhiều nốt ruồi hiện chưa phải là dấu hiệu cho thấy bạn cần sàng lọc nguy cơ ung thư vú với tần suất dày hơn. Tuy nhiên, bạn nên kiểm tra khối u ác tính thường xuyên hơn.

Có từ 50 nốt ruồi trở lên thường là dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn. Nếu bạn có nhiều nốt ruồi nhưng không có bất kỳ yếu tố rủi ro nào khác thì bạn vẫn được xem là có nguy cơ mắc ung thư vú ở mức trung bình.

Hướng dẫn sàng lọc nguy cơ ung thư vú như sau:

  • Phụ nữ 40 - 44 tuổi: Có thể bắt đầu chụp quang tuyến vú hằng năm, có thể tự kiểm tra vú hằng tháng;
  • Phụ nữ 45 - 54 tuổi: Nên chụp quang tuyến vú hằng năm nếu có nguy cơ mắc bệnh trung bình;
  • Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên: Có thể chuyển sang chụp quang tuyến vú 2 năm/lần nếu họ vẫn có nguy cơ thấp vào thời điểm đó.

6. Các yếu tố nguy cơ ung thư vú khác

Có những yếu tố nguy cơ khác gây ung thư vú. Đó là:

  • Tiền sử gia đình: Nếu bạn có người thân như mẹ, chị em gái, con gái bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng thì tỷ lệ mắc bệnh của bạn sẽ tăng lên;
  • Đột biến gene: Những thay đổi di truyền đối với một số gene nhất định được xác định là yếu tố dự báo về việc bạn có bị ung thư vú hay không;
  • Thói quen sinh hoạt: Uống nhiều rượu và ít vận động có liên quan tới nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn;
  • Tiền sử sinh sản: Không có thai trước 30 tuổi, không mang thai đủ tháng và không cho con bú là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú;
  • Sử dụng thuốc: Xạ trị, liệu pháp thay thế hormone và dùng thuốc diethylstilbestrol làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Số lượng nốt ruồi có thể liên quan tới nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để làm sáng tỏ về mối liên quan của 2 tình trạng này. Nếu bạn lo lắng về nguy cơ mắc ung thư vú thì hãy trao đổi với bác sĩ. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào những yếu tố nguy cơ để đưa ra khuyến nghị thăm khám sàng lọc phù hợp cho từng bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

950 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan