Chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy khởi phát trong các mô của tuyến tụy của cơ thể. Ung thư tuyến tụy rất khó được phát hiện ở giai đoạn đầu, trong khi đó nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn này có thể điều trị khỏi. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về chẩn đoán và dấu hiệu phát hiện sớm ung thư tuyến tụy.

1. Ung thư tuyến tụy

1.1. Khái niệm ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào ung thư bắt đầu khởi phát từ các mô của tuyến tụy – một cơ quan nằm sâu phía sau của dạ dày. Tuyến tụy đảm nhiệm chức năng giải phóng các enzyme hỗ trợ tiêu hóa và sản xuất hormone insulin giúp điều hòa lượng đường trong máu.

Khi các tế bào tuyến tụy tăng sinh quá mức, chúng hình thành nên các khối u. Các khối u này có thể lành tính hoặc ác tính (hay còn được gọi là ung thư) nếu chúng có xu hướng di căn đến các mô, cơ quan khác của cơ thể thông qua đường máu.

Ung thư tuyến tụy rất khó phát hiện trong giai đoạn đầu do chúng thường không để lại các triệu chứng hoặc các triệu chứng thường không rõ ràng khiến người bệnh lầm tưởng đến một số vấn đề sức khỏe khác. Những phương pháp được áp dụng để điều trị ung thư tuyến tụy như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc hóa xạ trị kết hợp... phụ thuộc vào mức độ cũng như các giai đoạn của ung thư.

1.2. Những triệu chứng của ung thư tuyến tụy

Đau bụng
Đau bụng có thể là triệu chứng của ung thư tuyến tụy phát triển và di căn đến các cơ quan khác

Khi các tế bào ung thư phát triển và di căn đến các cơ quan khác, chúng có thể gây ra một số triệu chứng như:

  • Đau bụng, vùng đau có thể lan ra sau lưng
  • Chán ăn, ăn không ngon miệng, sụt cân mà không rõ lý do cụ thể.
  • Vàng da, vàng mắt
  • Phân màu sáng
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Ngứa, dị ứng da
  • Những bệnh nhân được chẩn đoán mắc tiểu đường cũng có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy do khối u khiến tụy không cung cấp đủ lượng hormone insulin để điều hòa lượng đường trong máu.
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn, lo lắng
  • Xuất hiện các cục máu đông bất thường.

1.3. Nguyên nhân ung thư tuyến tụy

Hiện nay các chuyên gia cũng như nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính dẫn tới ung thư tuyến tụy nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này bao gồm hút thuốc lá và một số đột biến gen di truyền nhất định.

Trước khi tìm hiểu các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy, cần hiểu cấu tạo cũng như chức năng của tuyến tụy. Tuyến tụy dài khoảng 15cm có hình dạng giống như một quả lê nằm nghiêng. Chúng tiết ra một số loại hormone bao gồm cả insulin giúp cơ thể cân bằng lượng đường trong máu cũng như tiêu hóa thức ăn và hấp thụ các chất dinh dưỡng.

Các xét nghiệm chẩn đoán viêm tụy mạn tính
Viêm tụy mạn tính

Ung thư tuyến tụy xảy ra khi các tế bào tuyến tụy xuất hiện những đột biến trong cấu trúc di truyền ADN của chúng. Những đột biến này khiến các tế bào mất kiểm soát, liên tục nhân lên, không bao giờ chết đi và hình thành lên khối u. Nếu không được điều trị, các tế bào ung thư có thể theo máu di căn đến các mô, cơ quan khác trên cơ thể. Hầu hết ung thư tuyến tụy khởi phát từ tế bào lót trong các ống dẫn của tụy. Loại ung thư này còn được gọi là ung thư tuyến tụy ngoại tiết. Tuy nhiên còn một loại ung thư khác được gọi là ung thư thần kinh tủy xuất phát từ các tế bào làm nhiệm vụ sản xuất hormone hoặc tế bào thần kinh của tuyến tụy.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Bệnh đái tháo đường
  • Viêm tụy mạn tính dễ dẫn đến những đột biến trong các tế bào tuyến tụy
  • Tiền sử gia đình có người mắc các hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư như đột biến gen BRCA2, hội chứng Lynch và hội chứng u ác tính không điển hình.
  • Tiền sử gia đình có người mắc ung thư tuyến tụy
  • Người mắc béo phì
  • Người cao tuổi cũng được chứng minh là có nguy cơ mắc ung thư tụy cao hơn
  • Một nghiên cứu có độ tin cậy cao đã chỉ ra rằng kết hợp 3 yếu tố hút thuốc, đái tháo đường và chế độ ăn uống không lành mạnh làm gia tăng đột biến nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy.

2. Chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư tuyến tụy

2.1. Chẩn đoán ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy thường sẽ không được phát hiện cho đến khi chúng tiến triển và di căn đến các cơ quan khác. Thời gian mắc ung thư tuyến tụy càng kéo dài thì các triệu chứng của bệnh càng trở lên rõ ràng và dễ chẩn đoán tuy nhiên đi kèm với đó là khả năng điều trị khỏi sẽ giảm dần.

Việc chẩn đoán ung thư tuyến tụy thường diễn ra khi các bệnh nhân tìm đến bác sĩ với một trong các triệu chứng như đau bụng, sụt cân, ngứa hoặc vàng da. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu cung cấp các thông tin về thời gian khởi phát các triệu chứng, tiền sử hút thuốc, mắc đái tháo đường hoặc tiền sử có người thân mắc ung thư tụy. Qua thăm khám thực thể, bác sĩ có thể phát hiện một khối u nhỏ ở phần bụng và tình trạng sưng hạch bạch huyết xung quanh khu vực đó.

Dựa trên những chẩn đoán ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định làm một số xét nghiệm hình ảnh bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính: Phương pháp sử dụng một máy quét chiếu tia X từ các góc độ khác nhau đến cơ thể để thu được hình ảnh chi tiết bên trong ổ bụng. Chụp CT có thể giúp các bác sĩ dễ dàng chẩn đoán ung thư tuyến tụy.
  • Chụp cộng hưởng từ: Sử dụng sóng siêu âm và máy quét để tạo ra hình ảnh chi tiết ổ bụng đặc biệt là khu vực xung quanh tuyến tụy, gan và túi mật.
  • Siêu âm: Kỹ thuật này sử dụng một đầu dò phát sóng âm có tần số cao và thu lại các sóng phản xạ để hiển thị hình ảnh các cơ quan trong ổ bụng nhằm chẩn đoán ung thư tuyến tụy.

Tuy nhiên, ngày nay các khi các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cho kết quả về khối u xuất hiện trong tuyến tụy thì vẫn chưa thể chẩn đoán đó có phải là ung thư tuyến tụy hay không. Kết luận cuối cùng chỉ có thể được đưa ra sau khi tiến hành sinh thiết, lấy mô từ chính khối u đó để xét nghiệm. Sinh thiết có thể thực hiện theo nhiều cách:

  • Sinh thiết kim qua da: Dưới sự hỗ trợ của chụp X-quang, các kỹ thuật viên sẽ đưa một cây kim mảnh, tiệt trùng vào vị trí khối u để hút dịch và các tế bào từ đó.
  • Nội soi đường mật ngược dòng: Một ống nội soi linh hoạt có gắn camera ở phần đầu được đưa qua miệng đến gần tuyến tụy để thu thập những hình ảnh từ đó hoặc tiến hành sinh thiết khối u.
  • Nội soi ổ bụng: Thay vì đưa qua miệng, ống nội soi sẽ được đưa qua một vết mổ nhỏ phần bụng của bệnh nhân nhằm thu thập các mô từ khối u để tiến hành sinh thiết cũng như xác định xem tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác xung quanh đó chưa. Tuy nhiên nội soi ổ bụng thường ít được chỉ định bởi vì khả năng rủi ro cao hơn các phương pháp sinh thiết khác.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu là một trong các phương pháp phát hiện sớm ung thư tuyến tụy

>>Xem thêm: Xét nghiệm sinh học phân tử trong chẩn đoán ung thư tuỵ– Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

2.2. Phát hiện sớm ung thư tuyến tụy

Cũng như nhiều loại ung thư khác, ung thư tuyến tụy thường khó điều trị thành công nếu không được phát hiện sớm. Các phương pháp nhằm phát hiện sớm ung thư tuyến tụy vẫn đang được nghiên cứu về tính hiệu quả trong đó bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Một số chất như kháng nguyên carcinoembryonic và CA 19-9 tăng ở những người ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên xét nghiệm máu cũng khó phát hiện được ung thư sớm bởi khi nồng độ những chất này tăng cũng đồng nghĩa với việc ung thư đã bước vào giai đoạn đi căn.
  • Siêu âm nội soi: Hiệp hội Ung thư Mỹ mới đây vừa đưa ra kết luận có tới 10% các trường hợp mắc ung thư tuyến tụy là do sự thay đổi cấu trúc ADN có nguồn gốc di truyền. Các nhà nghiên cứu đang xem xét đến việc áp dụng siêu âm nội soi nhằm sàng lọc, phát hiện sớm ung thư tuyến tụy cho các thành viên kể cả vẫn đang khỏe mạnh ở các gia đình có tiền sử ung thư tuyến tụy.

Ung thư tuyến tụy là căn bệnh đang ngày càng trở lên phổ biến đặc biệt là ở đối tượng nam giới trên 45 tuổi. Ung thư tuyến tụy có xu hướng tiến triển âm thầm, ít để lại triệu chứng ở giai đoạn đầu nên được xếp vào một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất. Hiện nay có nhiều nghiên cứu đang được tiến hành để tìm ra phương pháp giúp chẩn đoán sớm ung thư tuyến tụy nhằm tăng khả năng điều trị như xét nghiệm máu hay siêu âm nội soi tuy nhiên hiệu quả của các phương pháp này nhìn chung chưa đạt được kỳ vọng.

Nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tụy, hãy trình bày với bác sĩ để được tư vấn làm những xét nghiệm tầm soát cần thiết. Khám sức khỏe tổng quát định kỳ, kết hợp với khai báo tiền sử bệnh, không chỉ giúp sàng lọc nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy, mà còn phát hiện sớm các bệnh lý khác để có hướng điều trị kịp thời.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan