Bệnh ung thư dạ dày thường di căn đến đâu?

­Ung thư­ dạ dày là loại ung th­ư thường gặp, chiếm khoảng 10% các loại ung thư nói chung và chiếm 60-70% trong số các loại ung thư­ đường tiêu hoá. Tại Việt Nam mỗi năm ghi nhận một số lượng lớn bệnh nhân mắc mới ung thư dạ dày, chiếm tỷ lệ cao trong số này là những bệnh nhân vào viện muộn ở giai đoạn di căn. Vậy bệnh ung thư dạ dày thường di căn đến đâu?

1. Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày xuất phát từ sự phát triển bất thường của các tế bào ở dạ dày một cách không kiểm soát, tạo nên khối u ác tính. Khối u dạ dày không những phát triển tại chỗ mà còn có khả năng xâm lấn đến các cơ quan lân cận, ở giai đoạn muộn hơn ung thư dạ dày có thể di căn đến các hạch bạch huyết vùng hay di căn xa đến các cơ quan khác trong khắp cơ thể.

Bệnh ung thư dạ dày thường gặp ở người trên 50 tuổi, tuy nhiên bệnh đang có xu hướng trẻ hóa và có thể gặp ở những bệnh nhân trẻ tuổi. Nam giới mắc ung thư dạ dày có số lượng gấp đôi bệnh nhân nữ giới.

Ung thư dạ dày có thể liên quan đến nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) ở dạ dày trước đó. Vi khuẩn HP có thể phá hủy niêm mạc dạ dày gây nên tình trạng viêm loét dạ dày, và có thể phát triển thành tổn thương tiền ung thư về sau. Tổn thương tiền ung thư tại dạ dày có thể liên quan đến:

  • Sự biến đổi cấu trúc của tế bào niêm mạc dạ dày và sự nhân lên không kiểm soát (loạn sản).
  • Viêm teo niêm mạc dạ dày.
  • Sự biến đổi hình thái của tế bào niêm mạc dạ dày giống như các tế bào ở ruột (chuyển sản ruột).
  • Di truyền: Người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày thì nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn người bình thường
  • Phẫu thuật dạ dày: Những người có tiền sử phẫu thuật liên quan dạ dày cũng là một yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày.

Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu hoặc biểu hiện triệu chứng rất mơ hồ, dễ bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Theo Chương trình SEER của Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, ở giai đoạn 2009 - 2015, trong số những bệnh nhân ung thư dạ dày có 36% bệnh nhân ở giai đoạn di căn tại thời điểm chẩn đoán. Ở Việt Nam, con số này còn lớn hơn do bệnh nhân thường đến bệnh viện muộn.

2. Cơ chế di căn trong ung thư dạ dày

Ở giai đoạn muộn, các tế bào ung thư dạ dày có thể di chuyển xa khối u dạ dày nguyên phát đến các cơ quan khác của cơ thể tạo nên các tổn thương thứ phát (di căn). Cơ chế di căn trong ung thư dạ dày có thể theo nhiều con đường khác nhau:

2.1. Ung thư dạ dày di căn theo đường bạch huyết

  • Các tế bào ung thư dạ dày có thể theo dòng bạch huyết đến lớp thanh mạc tạo ra tổn thương thứ phát ngay dưới thanh mạc, hoặc di căn lan tràn ở phúc mạc. Các tế bào này cũng có thể đến các hạch bạch huyết vùng gây di căn, thường gặp ở hạch bờ cong nhỏ dạ dày hay hạch quanh động mạch chủ bụng. Trong tổ chức hạch, các tế bào ung thư có thể bị tiêu huỷ, có thể ở lại hạch trong trạng thái yên lặng hoặc phát triển thành ổ di căn hạch.
  • Các tế bào ung thư có thể vượt qua hệ bạch mạch đến các hạch bạch huyết ở xa hơn và có thể đi vào máu. Tổn thương ung thư dạ dày có thể xâm lấn vào trong ống ngực dẫn đến di căn ở hạch dưới đòn trái.

2.2. Ung thư dạ dày di căn theo đường máu

Các tế bào ung thư dạ dày có thể xâm lấn trực tiếp vào mạch máu nhỏ, hoặc vào tĩnh mạch gián tiếp qua đường bạch mạch, đó chính là lý do mà các tế bào ung thư thường đi theo đường tĩnh mạch hơn là động mạch, từ đó theo dòng máu đến các cơ quan khác trong cơ thể, tạo nên tổn thương di căn xa.

Di căn theo đường máu phụ thuộc vào khối u nguyên phát với hệ thống chi phối của các loại tĩnh mạch. Đối với ung thư dạ dày cũng như các ung thư ống tiêu hóa, các tế bào ung thư sẽ theo đường tĩnh mạch cửa đến gan, rồi từ gan theo tĩnh mạch chủ dưới đến tim phải, rồi đến phổi gây di căn phổi.

2.3. Ung thư dạ dày di căn qua các khoang cơ thể

Cơ chế di căn buồng trứng ở phụ nữ mắc ung thư dạ dày có thể được giải thích bởi sự di chuyển của các tế bào ác tính từ dạ dày đến buồng trứng nhờ dịch trong khoang màng bụng, tổn thương buồng trứng di căn trong trường hợp này được gọi là u Krukenberg. Tuy nhiên, vẫn chưa loại trừ sự di căn này là theo đường bạch huyết.

3. Ung thư dạ dày thường di căn đến đâu?

Một nghiên cứu ở Thụy Điển giai đoạn 2002 - 2012 cho thấy: có 26% trường hợp ung thư dạ dày di căn một vị trí và 13% trường hợp di căn nhiều vị trí. Di căn gan thường gặp nhất trong ung thư dạ dày với tỷ lệ 48%, xếp thứ hai là di căn phúc mạc với 32% bệnh nhân. Ung thư dạ dày di căn phổi xếp thứ ba trong số này với 15% bệnh nhân. Di căn xương cũng gặp ở 12% bệnh nhân ung thư dạ dày di căn. Ung thư dạ dày di căn não ít gặp hơn.

3.1. Ung thư dạ dày di căn hạch ổ bụng

Các hạch ổ bụng lân cận thường là “điểm đến” đầu tiên khi ung thư dạ dày khi vào giai đoạn di căn. Số lượng và kích thước hạch vùng di căn phản ảnh tiến triển của ung thư dạ dày.

Các nhóm hạch thường bị ảnh hưởng bởi ung thư dạ dày bao gồm: hạch cạnh tâm vị, hạch tụy, lách, hạch vị trái, hạch ở trên và dưới môn vị. Trong đó, ung thư dạ dày thường di căn đến hạch bờ cong nhỏ dạ dày, hạch động mạch chủ bụng.

3.2. Ung thư dạ dày di căn hạch cổ

Như đã đề cập ở trên, tổn thương ác tính ở dạ dày có thể xâm lấn vào ống ngực gây di căn hạch dưới đòn trái hay hạch cổ khác.

Hạch cổ di căn trong ung thư thường có đặc điểm: kích thước lớn, cứng chắc, bờ không đều, kém di động, có thể vỡ ra gây viêm loét, nhiễm trùng. Đôi khi bệnh nhân có thể ngứa cổ, nuốt nghẹn khi có tình trạng di căn hạch cổ.

3.3. Ung thư dạ dày di căn gan

Gan có vị trí giải phẫu gần với dạ dày, do đó ung thư dạ dày rất dễ xâm lấn hoặc di căn đến gan. Một báo cáo cho thấy có đến 48% bệnh nhân bị ung thư dạ dày di căn gan trong số các ca ung thư dạ dày di căn.

Bệnh nhân ung thư dạ dày di căn gan có thể biểu hiện các triệu chứng như: đau bụng vùng hạ sườn phải, chán ăn, vàng da, vàng mắt, buồn nôn, sờ thấy khối cứng vùng hạ sườn phải.

3.4. Ung thư dạ dày di căn phúc mạc

Phúc mạc là cấu trúc bao phủ xung quanh các cơ quan ở ổ bụng và đáy chậu. Các tế bào ung thư có thể di căn từ dạ dày qua phúc mạc, gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, làm giảm thời gian sống thêm và tăng tỷ lệ tử vong.

3.5. Ung thư dạ dày di căn phổi

Phổi tuy nằm xa dạ dày, nhưng tế bào ung thư sau khi đi vào gan có thể theo đường máu đến phổi gây di căn phổi. Khi các tổn thương thứ phát ở phổi lớn dần sẽ gây ra các triệu chứng hô hấp như ho, khó thở, và có thể suy hô hấp.

3.6. Ung thư dạ dày di căn xương

Tỷ lệ bệnh nhân ung thư dạ dày di căn xương chiếm khoảng 12%. Các tế bào ung thư dạ dày có thể theo đường bạch huyết lan tràn đến mô xương, gây ra tình trạng đặc xương, tiêu xương, gây đau nhức xương, thậm chí ảnh hưởng vận động của bệnh nhân.

3.7. Ung thư dạ dày di căn não

Ung thư dạ dày di căn não thường hiếm gặp, tuy nhiên bệnh nhân ung thư dạ dày với các tổn thương thứ phát ở não có thể biểu hiện các tình trạng nghiêm trọng như phù não, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư dạ dày

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan