Ý nghĩa của chụp thận tĩnh mạch (IVP)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Công Hiền - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch hay còn gọi là chụp thận tĩnh mạch (IVP) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp khảo sát những bất thường của hệ tiết niệu như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo.

1. Chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch là gì?

Giải phẫu hệ tiết niệu ở người bình thường bao gồm các cơ quan là thận (đài thận, bể thận), niệu quản, bàng quangniệu đạo. Khi dòng máu đi đến thận sẽ được lọc qua các cấu trúc bên trong thận để tạo thành nước tiểu. Sau đó, nước tiểu được đưa xuống bàng quang thông qua 2 niệu quản ở 2 bên cơ thể trước khi được thải ra ngoài thông qua hệ thống niệu đạo.

Thông thường, một phim X-quang bụng sẽ không khảo sát được các cấu trúc này ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có sỏi cản quang trong hệ tiết niệu. Do đó, để khảo sát các bất thường của hệ tiết niệu thì bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch hay gọi tắt là chụp thận tĩnh mạch.

Ở phương pháp này, thuốc cản quang sẽ được tiêm vào tĩnh mạch, theo máu đi đến thận và được thải ra bên ngoài theo sinh lý bình thường. Bằng cách chụp nhiều phim X quang hệ tiết niệu ở nhiều thời điểm khác nhau (đặc điểm của thuốc cản quang là không cho tia X đi qua - tạo nên màu trắng trên phim) sẽ giúp khảo sát được các bất thường của hệ tiết niệu. Phương pháp này chính là chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch.

chụp thận tĩnh mạch
Để khảo sát các bất thường của hệ tiết niệu thì bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch

2. Chỉ định chụp thận tĩnh mạch khi nào?

Chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch giúp đánh giá một số bất thường sau:

  • Sỏi tiết niệu: Hình ảnh của những viên sỏi trong thận hoặc ở sỏi ở niệu quản (cản quang hay không cản quang) thường sẽ biểu hiện rõ ràng trên phim X quang chụp thận tĩnh mạch.
  • Nhiễm trùng tiết niệu tái phát nhiều lần: Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng bàng quang hoặc viêm thận lặp đi lặp lại, nghi ngờ do tắc nghẽn hoặc bất thường hệ tiết niệu thì phương pháp chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch có thể giúp phát hiện những yếu tố nguy cơ đó.
  • Tiểu ra máu: Máu (hay hồng cầu) trong nước tiểu có thể là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau như viêm, nhiễm trùng hoặc ung thư. Chụp thận tĩnh mạch có thể giúp chẩn đoán hoặc loại trừ những nguyên nhân trên.
  • Tắc nghẽn hay tổn thương đường tiết niệu: Chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch giúp bác sĩ chẩn đoán được tình trạng tắc nghẽn hay tổn thương ở đường tiết niệu.

3. Chống chỉ định của chụp thận tĩnh mạch

Chống chỉ định chụp thận tĩnh mạch trong trường hợp:

  • Suy thận: Để chụp được X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch thì quan trọng nhất là thận của bệnh nhân phải lọc được thuốc cản quang. Do đó, bệnh nhân suy thận là chống chỉ định tuyệt đối của phương pháp này;
  • Dị ứng/tiền sử sốc phản vệ với thuốc cản quang;
  • Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch giúp phát hiện nhiễm trùng tiết niệu

4. Cần chuẩn bị gì trước khi chụp thận tĩnh mạch?

Các bước cần chuẩn bị khi chụp thận tĩnh mạch:

  • Kiểm tra chức năng thận để xem có tình trạng suy chức năng thận không bằng xét nghiệm ure, creatinin trong máu.
  • Đánh giá về khả năng dị ứng hoặc tiền căn từng dị ứng với thuốc cản quang iod.
  • Nhịn đói (trong một số trường hợp) để đảm bảo hình ảnh X quang được rõ nét do loại trừ được các tín hiệu nhiễu do thức ăn trong đường ruột.
  • Dùng thuốc nhuận tràng (trong một số trường hợp) với mục đích làm hình ảnh X quang hệ tiết niệu rõ ràng hơn.
  • Bệnh nhân cần ký giấy cam đoan chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch.
  • Nếu bệnh nhân bị đái tháo đường đang điều trị bằng Metformin thì phải ngưng uống thuốc ít nhất 2 ngày trước khi chụp thận tĩnh mạch. Lý do là Metformin có thể kết hợp với thuốc cản quang và ảnh hưởng đến chức năng thận.

5. Các bước chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch

Các bước chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch:

  • Bệnh nhân nằm tư thế thoải mái trên bàn chụp
  • Tiến hành tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch ở mu bàn tay hoặc cánh tay của bệnh nhân.
  • Theo thời gian, thuốc cản quang bắt đầu được lọc qua thận, chảy xuống các niệu quản rồi tập trung ở bàng quang.
  • Sau đó, bác sĩ tiến hành chụp một loạt hình ảnh X quang bụng, mỗi phim thường chụp cách nhau mỗi 5 đến 10 phút. Đặc biệt, trước khi chụp phim X quang hệ tiết niệu lần cuối cùng thì bệnh nhân cần đi tiểu hoàn toàn.
  • Cả quy trình chụp thận tĩnh mạch thường mất khoảng 30-60 phút. Trong một số trường hợp, một số hình ảnh có thể được chụp vài giờ sau khi tiêm thuốc.
Dị ứng thuốc
Dị ứng với các chất cản quang với các biểu hiện như phát ban ở da là tác dụng phụ có thể gặp

6. Một số tác dụng phụ của phương pháp chụp thận tĩnh mạch

Một số tác dụng phụ của phương pháp chụp thận tĩnh mạch bao gồm:

  • Bệnh nhân thường cảm giác nóng trong người, đặc biệt là tại nơi tiêm thuốc cản quang hoặc đôi khi có vị kim loại trong miệng. Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường chỉ thoáng qua và biến mất nhanh chóng.
  • Dị ứng với các chất cản quang (hiếm gặp) với các biểu hiện như phát ban ở da, ngứa ngáy hoặc sưng nhẹ ở môi.
  • Suy thận cấp cũng có thể xuất hiện mặc dù tỷ lệ rất thấp.

Hiện nay, chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch không được chỉ định một cách thường quy như trước đây bởi sự phát triển của các kỹ thuật ít xâm lấn hơn như siêu âm, chụp CT và MRI hệ tiết niệu.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan