Sự sợ hãi có thể trở thành kẻ thù số 1 đe dọa cuộc sống nếu tình trạng này kéo dài. Theo các chuyên gia, sợ hãi được biết đến như một cảm xúc tất yếu của chúng ta. Tuy nhiên, nó lại làm nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Bài viết sẽ cung cấp thêm các thông tin cũng như các cách giúp cải thiện nỗi sợ hãi.
1. Sợ hãi là gì?
Sợ hãi là một cảm xúc tự nhiên, mạnh mẽ và nguyên thủy của con người. Nó liên quan đến phản ứng sinh hóa phổ quát cũng như phản ứng cảm xúc cá nhân. Nỗi sợ hãi sẽ cảnh báo chúng ta về sự xuất hiện của nguy hiểm hoặc mối đe dọa có thể gây tổn hại, cho dù mối nguy hiểm đó là thể chất hay tâm lý.
Đôi khi, nỗi sợ hãi bắt nguồn từ những mối đe dọa thực sự nhưng nó cũng có thể bắt nguồn từ những mối nguy hiểm tưởng tượng. Sợ hãi cũng có thể là một triệu chứng của một số tình trạng sức khỏe tâm thần bao gồm rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu xã hội, ám ảnh và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
Sợ hãi bao gồm hai phản ứng chính đối với một số loại mối đe dọa được nhận thức: Sinh hóa và cảm xúc.
1.1. Phản ứng sinh hóa
Nỗi sợ hãi bắt nguồn từ đâu? Sợ hãi là một cảm xúc tự nhiên và là một cơ chế sinh tồn. Khi chúng ta đối mặt với một mối đe dọa được nhận thức, cơ thể chúng ta phản ứng theo những cách cụ thể. Các phản ứng thể chất đối với nỗi sợ hãi bao gồm đổ mồ hôi, nhịp tim tăng và mức adrenaline cao khiến chúng ta cực kỳ tỉnh táo.
Phản ứng vật lý này còn được gọi là phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy", tức là cơ thể bạn tự chuẩn bị để tham gia chiến đấu hoặc bỏ chạy. Phản ứng sinh hóa này có thể là một sự phát triển tiến hóa. Đó là một phản ứng tự động rất quan trọng đối với sự sống còn của chúng ta.
1.2. Phản ứng cảm xúc
Nỗi sợ hãi được cá nhân hóa rất cao thông qua phản ứng cảm xúc. Bởi vì nỗi sợ hãi liên quan đến một số phản ứng hóa học tương tự trong não của chúng ta mà những cảm xúc tích cực như hạnh phúc và phấn khích thực hiện. Cảm giác sợ hãi trong một số trường hợp nhất định có thể được coi là niềm vui, như khi bạn xem những bộ phim kinh dị.
Một số người thường tìm kiếm adrenaline có thể là những người đang phát triển mạnh trong các môn thể thao mạo hiểm và các tình huống hồi hộp gây sợ hãi khác. Những người khác có phản ứng tiêu cực với cảm giác sợ hãi thì thường tránh những tình huống gây sợ hãi bằng mọi giá.
2. Các triệu chứng
Sự sợ hãi thường liên quan đến các triệu chứng cả về thể chất và cảm xúc. Mỗi người có thể trải qua nỗi sợ hãi khác nhau nhưng một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm: Tức ngực; ớn lạnh; khô miệng; buồn nôn; tim đập, loạn nhịp; hụt hơi; đổ mồ hôi; run sợ; bụng khó chịu,... Ngoài các triệu chứng sợ hãi về thể chất, mọi người có thể gặp các triệu chứng tâm lý như bị choáng ngợp, khó chịu, cảm thấy mất kiểm soát hoặc cảm giác sắp bị chết.
3. Nguyên nhân của sự sợ hãi
Nỗi sợ hãi vô cùng phức tạp. Một số nỗi sợ hãi có thể là kết quả của trải nghiệm hoặc chấn thương, hoặc cũng có thể đại diện cho nỗi sợ hãi hoàn toàn về một điều gì khác, chẳng hạn như mất kiểm soát. Tuy nhiên, những nỗi sợ hãi khác có thể xảy ra vì chúng gây ra các triệu chứng về thể chất, chẳng hạn như: Sợ độ có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt và đau bụng.
Một số yếu tố phổ biến gây nên sợ hãi bao gồm:
- Một số đối tượng hoặc tình huống cụ thể, chẳng hạn như: Nhện, rắn, độ cao, bay,...
- Các sự kiện tương lai.
- Sự kiện tưởng tượng.
- Những nguy hiểm thực sự về môi trường.
4. Các kiểu sợ hãi
Một số dạng rối loạn lo âu có đặc trưng thường là sự sợ hãi bao gồm:
- Chứng sợ đám đông.
- Rối loạn lo âu lan tỏa.
- Rối loạn hoảng sợ.
- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
- Rối loạn lo âu phân ly.
- Rối loạn lo âu xã hội.
- Ám ảnh cụ thể.
5. Chẩn đoán
Nếu bạn đang trải qua cảm giác sợ hãi dai dẳng và quá mức, bạn nên tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ. Bác sĩ có thể tiến hành khám sức khỏe toàn diện, đồng thời thực hiện các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm để đảm bảo rằng nỗi sợ hãi và lo lắng của bạn không liên quan đến tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Bác sĩ cũng sẽ hỏi các câu hỏi về các triệu chứng của bạn bao gồm thời gian bạn mắc phải, cường độ và các tình huống có xu hướng kích hoạt nỗi sợ hãi. Tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn, bác sĩ có thể chẩn đoán bạn mắc một loại rối loạn lo âu nào đó, chẳng hạn như chứng ám ảnh sợ hãi.
6. Điều trị
Tiếp xúc nhiều lần với những tình huống tương tự sẽ dẫn đến sự quen thuộc, điều này có thể làm giảm đáng kể phản ứng sợ hãi. Cách tiếp cận này tạo nên cơ sở của một số phương pháp điều trị ám ảnh, phụ thuộc vào việc từ từ giảm thiểu phản ứng sợ hãi bằng cách làm cho nỗi sợ hãi trở nên quen thuộc.
Các phương pháp điều trị trạng thái ám ảnh dựa trên tâm lý sợ hãi có xu hướng tập trung vào các kỹ thuật như: Giảm sự nhạy cảm một cách có hệ thống và phương pháp phơi nhiễm. Cả hai kỹ thuật đều hoạt động với phản ứng sinh lý và tâm lý của cơ thể bạn để giảm bớt sự sợ hãi.
Giảm sự nhạy cảm một cách có hệ thống:
Với quá trình giảm sự nhạy cảm có hệ thống, bạn sẽ dần dần được dẫn dắt qua một loạt các tình huống tiếp xúc. Nếu bạn sợ rắn, bạn có thể dành buổi đầu tiên để bác sĩ trị liệu giới thiệu về rắn. Trong các buổi tiếp theo, bác sĩ trị liệu sẽ hướng dẫn bạn để bạn có thể xem được những hình ảnh về rắn, chơi với rắn đồ chơi và cuối cùng là đối mặt một con rắn sống. Những hoạt động này thường đi kèm với việc học và áp dụng các kỹ thuật đối phó mới để xử lý phản ứng sợ hãi.
Phương pháp phơi nhiễm:
Phương pháp phơi nhiễm dựa trên tiền đề rằng nỗi ám ảnh của bạn là một phản xạ có điều kiện và bạn cần phải quên nó đi. Bạn sẽ được tiếp xúc với một lượng lớn đối tượng gây sợ hãi hoặc các tình huống gây sợ hãi trong một thời gian dài ở một môi trường an toàn, được kiểm soát cho đến khi nỗi sợ hãi giảm bớt. Ví dụ, mặc dù bạn sợ máy bay, bạn vẫn phải đi máy bay.
Mục đích của phương pháp này là đưa bạn vượt qua sự lo lắng và hoảng sợ tiềm tàng đến một nơi mà bạn phải đương đầu với nỗi sợ hãi và cuối cùng, khiến bạn nhận ra rằng bạn vẫn ổn. Điều này có thể giúp củng cố phản ứng tích cực bên trong bạn (bạn nghĩ mình sẽ không gặp nguy hiểm) với một sự kiện mà trước đây bạn coi là đáng sợ (như là ở trên máy bay) và cuối cùng là đưa bạn vượt qua nỗi sợ hãi.
7. Đối đầu với nỗi sợ hãi
Bạn có thể thực hiện một số hoạt động để giúp bản thân tự đối đầu với nỗi sợ hãi trong cuộc sống hàng ngày. Những chiến lược như vậy thường sẽ tập trung vào giải quyết các tác động thể chất, cảm xúc và hành vi của nỗi sợ hãi. Bạn có thể áp dụng một số cách sau:
- Nhận hỗ trợ từ mọi người xung quanh. Những người thân (gia đình, bạn bè) xung quanh bạn có thể giúp bạn kiểm soát cảm giác sợ hãi của mình.
- Thực hành chánh niệm. Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn chặn một số cảm xúc nhất định nhưng giữ cho tâm vững vàng có thể giúp bạn giải quyết nỗi sợ và thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ hữu ích hơn.
- Sử dụng các kỹ thuật giảm căng thẳng như hít thở sâu, thư giãn cơ bắp và hình dung.
- Giữ gìn sức khoẻ. Chế độ ăn hợp lý, tập thể dục thường xuyên và đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm là cách tốt nhất để bạn kiểm soát được nỗi sợ trong mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo: verywellmind.com