Sinh thiết xương dưới cắt lớp vi tính

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.

Sinh thiết xương dưới cắt lớp vi tính là kỹ thuật được sử dụng phổ biến hiện nay. Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm như xâm lấn tối thiểu, vết chọc nhỏ, an toàn, độ chính xác cao và không gây nhiễm xạ cho nhân viên y tế.

1. Kỹ thuật sinh thiết xương dưới cắt lớp vi tính chỉ định trong những trường hợp nào?

Sinh thiết xương là thủ thuật đưa kim qua da và trực tiếp vào xương để lấy ra một mẫu xương nhỏ từ cơ thể. Mẫu bệnh phẩm sẽ được xem dưới kính hiển vi nhằm phát hiện các bệnh lý như ung thư, nhiễm trùng,... Kết quả sinh thiết xương sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị cho người bệnh.

Sinh thiết xương được chỉ định đối với những tổn thương xương cần xác định chẩn đoán, nghi tổn thương u, viêm, lao,... Có hai phương pháp sinh thiết để lấy bệnh phẩm đó là:

  • Sinh thiết mở để lấy bệnh phẩm: tạo một vết mổ qua da để lộ ra khu vực của xương. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân hoặc dùng thuốc để ngăn chặn cảm giác đau ở khu vực được thực hiện mổ.
  • Sinh thiết bằng kim dưới sự hướng dẫn của chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính: sử dụng thuốc tê để gây tê cục bộ, sau đó đưa kim qua da và trực tiếp vào xương.

Trong đó sinh thiết xương dưới cắt lớp vi tính là kỹ thuật hiện đại, có nhiều ưu điểm như xâm lấn tối thiểu, độ chính xác cao, vết chọc kim nhỏ, không gây nhiễm xạ cho nhân viên y tế.

Kính hiển vi
Mẫu sinh thiết dưới kính hiển vi cho phép chẩn đoán các bệnh về ung thư

2. Chuẩn bị trước sinh thiết xương dưới cắt lớp vi tính

2.1. Người thực hiện

Ê-kíp thực hiện gồm bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ phụ, kỹ thuật viên, điều dưỡng. Nếu người bệnh quá kích thích, không thể hợp tác, cần thêm sự hỗ trợ của bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê.

2.2. Các phương tiện cần thiết

  • Máy chụp cắt lớp vi tính; máy in phim, phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh
  • Thuốc gây tê, gây mê (nếu có chỉ định), thuốc sát khuẩn, thuốc đối quang i-ốt tan trong nước; kim sinh thiết chuyên dụng; bơm kim tiêm; bông, gạc,...
Kim sinh thiết xương
Kim sinh thiết xương trong sinh thiết xương dưới

2.3. Chuẩn bị người bệnh trước sinh thiết xương dưới cắt lớp vi tính

Để chuẩn bị sinh thiết, người bệnh sẽ được nhân viên y tế giải thích kỹ về thủ thuật, các bước thực hiện, các tai biến có thể gặp. Sinh thiết xương chỉ được thực hiện sau khi người bệnh hoặc người nhà ký vào giấy đồng ý thực hiện.

Trước khi sinh thiết xương, bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng. Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh ngừng một số loại thuốc vài ngày trước khi sinh thiết. Ngoài ra, người bệnh cần báo với bác sĩ nếu đang mang thai hoặc các tình trạng sức khỏe khác nếu có.

3. Quy trình thực hiện sinh thiết xương dưới cắt lớp vi tính

  • Người bệnh được gây tê tại chỗ bằng Lidocain 2%, lượng thuốc tê từ 2-10ml tùy thuộc vị trí sinh thiết.
  • Đặt người bệnh lên bàn chụp cắt lớp vi tính và thiết lập đường truyền tĩnh mạch.
  • Tiến hành chụp hình định vị vị trí xương cần sinh thiết, dán lá kim tiêm định vị.
  • Chụp cắt lớp vi tính vị trí cần sinh thiết. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính giúp xác định điểm dự kiến chọc kim trên da, góc chọc, độ sâu khi chọc. Bác sĩ đánh dấu vị trí trên da.
  • Tiến hành sát khuẩn vùng da sẽ tiến hành chọc kim. Sau khi sát khuẩn, bác sĩ rửa tay, mặc áo, đi găng, trải khăn vô khuẩn có lỗ lên vị trí cần sinh thiết.
  • Gây tê tại chỗ theo từng lớp, sau đó chọc kim sinh thiết theo hướng chọc dự kiến. Chụp cắt lớp vi tính xác định đường đi và vị trí của kim chọc.
  • Khi kim chọc vào đúng vị trí tổn thương, tiến hành cắt lấy mẫu bệnh phẩm. Khi lấy mẫu bệnh phẩm mong muốn, rút kim, lấy mẫu bệnh phẩm trong kim, cố định mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.
  • Băng lại vị trí chọc.

Trong quá trình sinh thiết xương dưới cắt lớp vi tính, người bệnh có thể cảm thấy áp lực hoặc đau nhói ngắn khi kim đâm vào xương. Người bệnh cũng có thể cảm thấy đau hoặc áp lực khi lấy mẫu mô xương. Sau sinh thiết, người bệnh có thể bị đau kéo dài đến một tuần.

Quy trình chụp cắt lớp vi tinh hệ tiết niệu có tiêm thuốc cản quang
Chụp cắt lớp vi tính giúp định vị chính xác vị trí sinh thiết

4. Các tai biến có thể gặp khi sinh thiết xương dưới cắt lớp vi tính và cách xử lý

Nếu có chảy máu từ vị trí chọc kim, xử lý bằng cách băng ép vào trí chọc. Theo dõi người bệnh nếu có tụ máu phần mềm cạnh vị trí chọc kim.

Một tỷ lệ nhỏ là kim sinh thiết bị gãy hoặc kim làm tổn thương mạch máu, dây thần kinh gần vị trí sinh thiết. Bác sĩ sẽ xử lý tùy theo từng trường hợp tổn thương cụ thể.

Sinh thiết xương là một xét nghiệm nhằm chẩn đoán các bệnh lý về xương như khối u, viêm hay ung thư. Kết quả sinh thiết xương sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị cho người bệnh. Vì thế, người bệnh nên chọn các cơ sở y tế uy tín, có hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại để thực hiện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

190 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan