Quy trình chụp cộng hưởng từ tĩnh mạch có tiêm thuốc đối quang từ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Quốc Thành - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Cộng hưởng từ tĩnh mạch có tiêm thuốc đối quang từ thường được sử dụng trong chẩn đoán và theo dõi những bệnh lý về đường tĩnh mạch như thông động tĩnh mạch, dị dạng hay huyết khối. Là một phương pháp thăm khám không xâm nhập nên kỹ thuật này không gây ra những tổn hại nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.

1. Lợi ích khi chụp cộng hưởng từ tĩnh mạch

Chụp cộng hưởng từ còn được gọi tắt là MRI, đây là một kỹ thuật xử lý hình ảnh hiện đại và được đánh giá là mang tính cách mạng vĩ đại đối với y học. Đến nay, chụp MRI ngày càng được sử dụng rộng rãi tại các nước trên thế giới vì tính an toàn và độ chính xác rất cao, cùng với tính chất không xâm nhập cơ thể do không sử dụng tia X.

Những hình ảnh thu được từ chụp cộng hưởng từ MRI luôn cho độ phân giải cao và có thể khảo sát được đa mặt cắt, mang đến những hình ảnh sắc nét, chân thực nhất về vị trí cần chụp, đánh giá thành công những tính chất của mô cần phải khảo sát. Từ đó, mang đến giá trị có lợi cho quá trình chẩn đoán và điều trị của bác sĩ chuyên khoa về tình trạng hiện tại của tĩnh mạch.

Những lợi ích tuyệt vời mà thiết bị cộng hưởng từ mang lại bao gồm:

  • Người bệnh sẽ không phải chịu những ảnh hưởng sức khỏe do các tia xạ trong những phương pháp chụp X Quang, chụp CLVT gây ra.
  • Bệnh nhân không phải chịu những ảnh hưởng về mặt sinh học.
  • Nhận được những hình ảnh chất lượng, đa mặt phẳng như mặt phẳng dọc, mặt phẳng ngang, mặt phẳng trán và bất kỳ mặt phẳng nghiêng nào khác.
  • Độ phân giải của mô mềm tương đối cao.
  • Chất lượng hình ảnh hiển thị tốt hơn so với các phương pháp chụp thông thường.
  • Có khả năng chụp được những mạch máu não (MRA), ngay cả khi không sử dụng thêm những chất tương phản cần thiết.
  • Đây là một kỹ thuật hình ảnh không sử dụng xâm lấn nên không gây nên những cảm giác đau đớn và tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh.
  • Những chất tương phản có tác dụng phụ thường rất hiếm gặp.
Chụp cộng hưởng từ khuếch tán (DWI-Diffusion-weighted Imaging)
Chụp cộng hưởng từ giúp khảo sát đa mặt cắt

Tuy nhiên, chụp cộng hưởng từ có giá thành tương đối cao và không phù hợp cho những người mắc chứng sợ không gian kín, hội chứng sợ lồng kính,... Và thời gian chụp khoảng 15-30 phút nên sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn nếu như bệnh nhân không chịu hợp tác. Ngoài ra, kỹ thuật này không thể chụp thành công nếu như bệnh nhân có sử dụng những loại máy tạo nhịp tim, mô cấy ở mắt hoặc tai, các kẹp phẫu thuật bằng kim loại...

Chụp cộng hưởng từ tĩnh mạch có tiêm thuốc đối quang từ là xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn này sẽ cho phép thăm khám chi tiết cả hệ tĩnh mạch, có khả năng phát hiện được nhiều bệnh lý như dị dạng tĩnh mạch, dị dạng thông động tĩnh mạch hay đánh giá tình trạng huyết khối của tĩnh mạch. Với thuốc đối quang từ có thể giúp phân biệt hoặc “làm tăng độ tương phản” cho tĩnh mạch với các mô xung quanh.

Do đó, bạn nên liên lạc trước với những trung tâm y tế trước khi đặt lịch thăm khám, chụp MRI để được tư vấn và hỗ trợ chi tiết về những điều kiện chống chỉ định trong kỹ thuật này.

2. Những điều bệnh nhân cần chuẩn bị trước khi thực hiện chụp MRI tĩnh mạch

Trong thời gian thực hiện chụp MRI, bệnh nhân sẽ nằm trong ống nam châm rất lớn, nơi có một từ trường rất mạnh. Vì vậy, bạn cần phải thực hiện theo chỉ dẫn của kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh và bác sỹ.

Trong khi chụp, bệnh nhân cần nằm ngửa, không cử động, để thu được những hình ảnh chất lượng với hiệu quả tốt nhất.

  • Người bệnh nên mang theo những hồ sơ sức khỏe như kết quả thí nghiệm, siêu âm, phim CT,... để các bác sĩ chuyên khoa có thể tham khảo và đưa ra những quyết định về kỹ thuật chụp hình ảnh thích hợp nhất.
  • Sau khi hoàn thành thủ tục, bạn sẽ thay đồ của phòng MRI và tháo bỏ những tư trang làm từ kim loại, các thiết bị điện tử như đồng hồ, điện thoại, tai nghe,...
  • Trong phòng MRI sẽ lắp đặt những dụng cụ chuyên dùng nhằm kiểm tra những dị vật hoặc thiết bị kim loại nhỏ trong cơ thể tại những cơ quan có mô lỏng lẻo như tim, phổi, mắt, não bộ,... những trường hợp này đều không nên thực hiện chụp cộng hưởng từ.
  • Đối với các trường hợp cần tiêm thuốc đối quang từ, nhân viên sẽ kiểm tra về tiền sử dị ứng thuốc của bệnh nhân, cùng với các trường hợp dị ứng thuốc có thể xảy ra. Lưu ý là thuốc đối quang từ không độc hại, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

3. Quy trình chụp cộng hưởng từ tĩnh mạch có tiêm thuốc đối quang từ

Bệnh nhân được hướng dẫn nằm ngửa để đặt đường truyền tĩnh mạch bằng kim 18G.

Sau đó được lắp cuộn thu hút tín hiệu đến toàn bộ các vị trí của cơ thể.

Ngoài ra, người bệnh có thể được đeo thêm tai nghe chống ồn nếu mong muốn.

Chụp cộng hưởng từ rất an toàn và mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân
Chụp cộng hưởng từ rất an toàn và mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân

Các bước chụp cộng hưởng từ tĩnh mạch là:

  • Chụp những chuỗi xung định vị tại vùng cần tiến hành thăm khám (ví dụ như chi dưới, chi trên) với ba bình diện.
  • Chụp lại xung tĩnh mạch theo như bộ thu tín hiệu mạch tại vùng ngoại biên.
  • Chụp lại xung tĩnh mạch khi có tiêm thuốc đối quang từ.
  • Góp phần tái tạo được đa bình diện cùng với không gian ba chiều.

Đánh giá về kết quả thu được:

  • Phát hiện ra những tổn thương trong tĩnh mạch nếu có.
  • Hình ảnh sẽ hiển thị rõ toàn bộ những cấu trúc giải phẫu tại vị trí tĩnh mạch đang cần thăm khám.
  • Bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên những hình ảnh sắc nét thu được từ máy chụp cộng hưởng từ để mô tả lại trên máy tính nội bộ và in kết quả để tư vấn tình trạng sức khỏe hiện tại cho bệnh nhân của mình.

Xử trí các tai biến trong chụp cộng hưởng từ tĩnh mạch:

  • Nếu bệnh nhân sợ hãi, kích động, hãy động viên, an ủi để giúp họ lấy lại bình tĩnh.
  • Những tai biến liên quan trực tiếp đến sử dụng thuốc đối quang từ: cần thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của bác sĩ chuyên khoa, dựa theo quy trình tiêu chuẩn trong chẩn đoán và xử trí những tai biến từ thuốc đối quang.

Có thể thấy, đây là một trong những kỹ thuật quan trọng trong việc chẩn đoán hình ảnh nhằm đánh giá chính xác các tổn thương, bất thường của hệ tĩnh mạch có thể thay thế cho siêu âm, chụp cắt lớp vi tính và số hóa xóa nền.
Thời gian chụp khoảng 45- 60 phút và người bệnh sẽ nhận được kết quả chụp MRI sau khi chụp từ 15-30 phút, phụ thuộc vào các bất thường trong cơ thể của người chụp.

Máy chụp MRI sẽ đánh giá toàn bộ hệ thống tĩnh mạch một cách cụ thể, theo nhiều mặt phẳng, dựng hình 3D. Thuốc đối từ trong thăm khám hệ tĩnh mạch sẽ không gây tai biến, ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

406 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan