Ăn nhanh, nhai nhanh có làm bạn tăng cân nhiều hơn không?

Rất nhiều người có thói quen ăn thức ăn một cách nhanh chóng và không để tâm quá nhiều. Đó là một thói quen rất xấu có thể dẫn đến việc nhai không kỹ, ăn quá nhiều, tăng cân và béo phì. Bài viết này giải thích lý do tại sao ăn quá nhanh có thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tăng cân.

1. Ăn nhanh có thể khiến bạn ăn quá nhiều

Trong thế giới bận rộn ngày nay, mọi người thường ăn nhanh và vội vàng. Tuy nhiên, não bộ cần thời gian để xử lý tín hiệu và nhận diện được cảm giác no. Trên thực tế, có thể mất đến 20 phút để não nhận ra rằng bạn đã no.

Khi ăn nhanh, cơ thể sẽ dễ dàng ăn nhiều thức ăn hơn mức thực sự cần. Theo thời gian, lượng calo dư thừa có thể dẫn đến tăng cân.

Một nghiên cứu ở trẻ em cho thấy 60% những người ăn nhanh cũng ăn quá nhiều. Những người ăn nhanh cũng có nguy cơ bị thừa cân cao gấp 3 lần.

Tóm lại bộ não mất khoảng 20 phút để nhận ra rằng bạn đã ăn đủ. Thói quen ăn nhanh có thể khiến một người dễ tăng cân do ăn quá nhiều

2. Ăn nhanh có liên quan đến tăng nguy cơ béo phì

Béo phì là một trong những vấn đề sức khỏe lớn nhất trên toàn thế giới. Đây là một căn bệnh phức tạp không chỉ do chế độ ăn uống không lành mạnh, lối sống lười vận động hoặc thiếu ý chí. Trên thực tế, các yếu tố môi trường và lối sống phức tạp cũng đóng một vai trò.

Ăn nhanh đã được nghiên cứu như một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến thừa cân và béo phì. Một đánh giá gần đây của 23 nghiên cứu cho thấy những người ăn nhanh có nguy cơ bị béo phì cao gấp đôi so với những người ăn chậm.

Tóm lại ăn nhanh có liên quan đến trọng lượng cơ thể dư thừa. Trên thực tế, những người ăn nhanh có thể bị béo phì gấp đôi so với những người ăn chậm.

Ăn nhanh, nhai nhanh có làm bạn tăng cân nhiều hơn không?
Ăn nhanh có thể dẫn đến tăng cân

3. Ăn nhanh có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác

Ăn nhanh không chỉ làm tăng nguy cơ thừa cân và béo phì mà còn có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm:

  • Đề kháng insulin: Ăn quá nhanh có liên quan đến nguy cơ đề kháng insulin cao hơn, được đặc trưng bởi lượng đường trong máu và lượng insulin cao. Đó là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường loại 2 và hội chứng chuyển hóa.
  • Bệnh đái tháo đường loại 2: Ăn nhanh có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2 cao hơn. Một nghiên cứu cho thấy những người ăn nhanh có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2,5 lần so với những người ăn chậm.
  • Hội chứng chuyển hóa: Ăn nhanh và hệ lụy thừa cân có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, một nhóm các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch.
  • Tiêu hóa kém: Những người ăn nhanh thường cho biết tiêu hóa kém là hậu quả của việc ăn quá nhanh. Thức ăn được cắn thành các miếng lớn hơn và được nhai ít hơn, điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của cơ thể.
  • Mức độ hài lòng thấp hơn: Những người ăn nhanh có xu hướng không cảm thấy hài lòng khi phải đánh giá về bữa ăn của họ so với những người ăn chậm. Đây có thể không phải là vấn đề sức khỏe nhưng dù sao cũng rất quan trọng.

Tóm lại, ăn nhanh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, kháng insulin và hội chứng chuyển hóa. Nó cũng có thể dẫn đến tiêu hóa kém và giảm khả năng thưởng thức đồ ăn.

Ăn nhanh, nhai nhanh có làm bạn tăng cân nhiều hơn không?
Ăn nhanh có thể dẫn đến nguy cơ mắc nhiều bệnh

4. Làm thế nào để giảm tốc độ ăn?

Ăn chậm hơn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của cơ thể. Nó có thể làm tăng nồng độ hóc môn gây no, giúp bạn cảm thấy hài lòng hơn và giảm lượng calo tiêu thụ. Ăn chậm cũng giúp cải thiện chức năng hệ tiêu hóa và tăng thêm chất lượng của bữa ăn.

Nếu muốn ăn chậm hơn, hãy thử áp dụng các phương pháp sau:

  • Đừng ăn trước màn hình: Ăn trước tivi, máy tính, điện thoại thông minh hoặc các thiết bị điện tử khác có thể khiến bạn ăn nhanh và thiếu tập trung. Nó cũng có thể làm cho bạn không theo dõi được lượng thức ăn đã ăn bao nhiêu.
  • Đặt nĩa xuống giữa mỗi lần ăn: Điều này giúp bạn ăn chậm lại và thưởng thức từng miếng ăn nhiều hơn.
  • Đừng ăn khi quá đói: Tránh để quá đói giữa các bữa ăn. Nó có thể làm cho bạn ăn quá nhanh và đưa ra quyết định không có lợi cho sức khỏe. Mang theo một số đồ ăn nhẹ lành mạnh bên mình để ngăn chặn điều này xảy ra.
  • Nhấm nháp nước: Uống nước trong suốt bữa ăn sẽ giúp bạn cảm thấy no và thúc đẩy việc ăn chậm.
  • Nhai kỹ: Nhai thức ăn thường xuyên hơn trước khi nuốt. Có thể thử bằng cách đếm số lần bạn nhai mỗi miếng thức ăn. Cố gắng nhai mỗi ngụm thức ăn từ 20-30 lần.
  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ: Thực phẩm giàu chất xơ như trái cây và rau quả không chỉ gây no mà còn mất nhiều thời gian để nhai.
  • Hãy cắn từng miếng nhỏ: Cắn miếng nhỏ hơn có thể giúp bạn giảm tốc độ ăn và kéo dài bữa ăn.
  • Ăn chánh niệm: Ăn uống chánh niệm là một công cụ mạnh mẽ. Nguyên tắc cơ bản đằng sau đó là chú ý đến thực phẩm đang ăn. Một số bài tập trên đây được thực hành trong việc ăn uống có chánh niệm.

Giống như tất cả các thói quen mới, ăn chậm cần sự luyện tập và kiên nhẫn. Các kỹ thuật ăn chậm bao gồm nhai nhiều hơn, uống nhiều nước, ăn không bị phân tâm và tránh đói quá mức.

Tóm lại, ăn nhanh là một thói quen phổ biến trong thế giới có nhịp độ nhanh ngày nay. Mặc dù nó có thể giúp bạn tiết kiệm vài phút trong giờ ăn, nhưng nó cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm béo phì và đái tháo đường loại 2. Nếu mục tiêu là giảm cân, thì việc ăn nhanh có thể cản trở sự tiến bộ của bạn. Mặt khác, ăn chậm hơn có thể mang lại những lợi ích mạnh mẽ - vì vậy hãy chậm lại và thưởng thức từng miếng ăn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan