Làm gì nếu mọc răng khôn khi mang thai?

Mọc răng khôn là hiện tượng phổ biến ở người trưởng thành từ 18 - 25 tuổi. Do vậy, cũng có nhiều trường hợp phụ nữ bị mọc răng khôn khi mang thai. Vậy nếu mọc răng khôn khi có bầu có gây ảnh hưởng gì không, cần xử lý như thế nào?

1. Mọc răng khôn khi mang thai có sao không?

Răng khôn là chiếc răng mọc cuối cùng trong xương hàm, mọc khi cấu trúc hàm đã phát triển ổn định (khi con người ở tuổi 18 - 25 tuổi). Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng hầu hết răng khôn đều mọc kẹt, mọc ngầm bên dưới nướu vì không còn chỗ để mọc thẳng trên cung hàm.

Biến chứng thường gặp khi mọc răng khôn là gây viêm lợi trùm, viêm quanh thân răng hoặc thức ăn bị mắc kẹt vào kẽ răng, gây sâu răng số 7 bên cạnh, gây ê nhức, sốt cao,... Do đó, răng khôn biến chứng có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân.

Với bà bầu, khi răng khôn mọc ngầm hoặc mọc lệch có thể gây sốt, đau nhức, khó cử động xương hàm,... Điều này làm ảnh hưởng tới việc ăn uống của thai phụ. Nếu tình trạng này kéo dài, bà bầu có thể bị thiếu hụt dinh dưỡng, dẫn tới thai nhi có nguy cơ bị còi xương, thiếu cân.

Đồng thời, nếu răng khôn mọc ngầm, mọc lệch mà không được điều trị kịp thời, dứt điểm có thể gây ra nhiều biến chứng răng miệng nguy hiểm cho bà bầu như sâu răng, viêm lợi trùm răng khôn,... Vì trong giai đoạn mang thai sức đề kháng của mẹ khá yếu nên dễ bị vi khuẩn tấn công, gây viêm nhiễm răng miệng.

2. Nên làm gì nếu mọc răng khôn khi mang thai?

Khi bị mọc răng khôn, bà bầu nên sắp xếp thời gian đi khám với bác sĩ nha khoa để được kiểm soát tổng quát tình trạng sức khỏe răng miệng và có hướng điều trị tốt nhất. Vì đang trong giai đoạn mang thai nên thai phụ thường không được sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh hay các biện pháp nhổ răng khôn khác. Do đó, bà bầu có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để chấm dứt cơn đau do mọc răng khôn:

  • Súc miệng bằng nước muối ấm: Nước muối ấm có tác dụng sát khuẩn, giảm đau tốt. Bà bầu chỉ cần cho 1 muỗng muối vào 1 cốc nước ấm, hòa tan rồi súc miệng khi bị đau răng là sẽ giúp giảm đau nhanh;
  • Súc miệng bằng nước lá ổi: Lá ổi là loại lá quen thuộc, có tác dụng kháng khuẩn khá tốt. Bà bầu hãy chọn những lá ổi non, đem rửa sạch, dùng nhai trực tiếp hoặc đun lấy nước súc miệng để giảm sưng đau;
  • Súc miệng bằng nước lá mùi tàu: Cách thực hiện tương tự như khi dùng nước lá ổi. Bạn có thể thêm vào nước lá mùi tàu một ít muối, đun khoảng 10 - 15 phút là được. Khi nước còn ấm thì dùng súc miệng;
  • Chườm đá lạnh: Đá lạnh có tác dụng gây tê tạm thời, giảm sưng hữu hiệu. Thai phụ có thể lấy một ít đá, bỏ vào khăn rồi chườm lên vùng ngoài hàm ở vị trí bị sưng. Khi hơi lạnh tỏa ra, người bệnh sẽ cảm thấy tê tê ở vùng má, cơn đau hàm do răng khôn mọc lên sẽ giảm từ từ tới khi hết hẳn;
  • Nhai tỏi: Bà bầu có thể nhai một vài tép tỏi hoặc đập dập 1 tép tỏi, trộn với vài hạt muối trắng để đắp vào vị trí răng đau trong khoảng 3 - 5 phút. Làm như vậy trong khoảng 2 - 3 lần/ngày sẽ giúp giảm đau đáng kể;
  • Súc miệng bằng nước lá lốt: Lá và thân cây lá lốt có chứa tinh dầu và Alkaloid, giúp kháng khuẩn hiệu quả. Đồng thời, lá lốt có vị cay, mùi thơm, có tác dụng giảm đau. Bà bầu có thể lấy cả thân, rễ cây lá lốt, sắc đặc, dùng nước đó ngậm liền 3 - 4 ngày, cơn đau nhức do mọc răng khôn sẽ giảm rõ rệt.

Ngoài việc áp dụng những cách giảm đau kể trên, bà bầu cần giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Để phòng tránh tình trạng mọc răng khôn khi mang bầu, bạn nên khám răng định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn hoặc có thể nhổ răng khôn mọc lệch trước khi mang thai.

3. Có nên nhổ răng khôn trong thời kỳ mang thai?

Hầu hết các trường hợp mọc răng khôn trong thời kỳ mang thai đều được khuyến nghị không nên nhổ răng. Nguyên nhân vì điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của thai nhi.

Trong trường hợp bắt buộc phải nhổ răng khôn vì các biến chứng hoặc bệnh lý khác, mẹ bầu sẽ cần chụp X-quang, tiểu phẫu, sử dụng thuốc kháng sinh và giảm đau. Lượng thuốc phải uống sau khi nhổ răng khôn sẽ nhiều hơn so với nhổ các loại răng khác, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé.

Ngoài ra, nếu bà bầu bắt buộc phải nhổ răng khôn khi mang thai thì cũng cần chọn thời điểm phù hợp - khi thai nhi đã ổn định hơn, các cơ quan trong cơ thể đã hoàn thiện. Khoảng thời gian mẹ bầu không nên nhổ răng khôn là 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu nhổ răng khôn trong thời gian này thì bà bầu cần có sự tư vấn, giám sát chặt chẽ của bác sĩ.

Nếu mọc răng khôn khi mang thai, mẹ bầu nên đi thăm khám ngay để nhận được lời khuyên của bác sĩ. Bà bầu không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa được bác sĩ cho phép. Đồng thời, thai phụ cũng không nên căng thẳng hay quá lo lắng, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất và vệ sinh răng miệng đúng cách để trẻ phát triển tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan