Hướng dẫn sơ cứu nạn nhân ngạt do treo cổ

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ. Bác sĩ. Phạm Đức Lượng - Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Ngạt do treo cổ là tổn thương do cổ nạn nhân bị chèn ép bởi vòng dây với sức nặng của chính trọng lượng cơ thể nạn nhân.

1. Các nguyên nhân treo cổ

Có thể gặp trong trường hợp:

  • Tự tử : Treo cổ tự tử là hành động cố ý tự sát bằng tự thắt cổ vào thòng lọng dây thừng và treo trên một điểm cao và thòng lọng thắt lại do trọng lượng của nạn nhân. Treo cổ thường được coi là một phương pháp tự sát đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Vì vậy, đây là một trong những phương pháp tự tử được sử dụng phổ biến nhất vì các vật liệu cần thiết có sẵn dễ dàng và khó khăn chặn. Hơn nữa, tỷ lệ tử vong cao (lên đến 70% các trường hợp).
  • Hành vi treo cổ tự tử được chia thành treo lơ lửng và hiếm hơn, treo và dây bị đứt dây và rơi xuống. Việc tự treo cổ cuối cùng có thể giết chết người tự sát theo nhiều cách khác nhau. Những người sống sót do dây treo bị đứt hoặc do bị phát hiện và cắt đứt có thể phải đối mặt với một loạt các chấn thương nghiêm trọng, bao gồm thiếu máu não (có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn), gãy thanh quản, gãy cột sống cổ, gãy xương đòn, rách họng và chấn thương động mạch cảnh.
  • Tai nạn : Ít gặp. Đôi khi, việc treo cổ hoặc siết cổ có thể vô tình xảy ra, ví dụ, do cà vạt hoặc quần áo bị vướng vào máy móc
  • Án mạng : Rất ít gặp

Hành hình : Chỉ còn ở một vài nước

2. Các kiểu treo cổ

  • Treo hoàn toàn.
  • Treo không hoàn toàn (chân hoặc một phần cơ thể nạn nhân chạm đất):
  • Treo đứng.
  • Treo quỳ.
  • Treo ngồi.
  • Treo nằm.
treo cổ
Ngạt thở do treo cổ có nhiều kiểu khác nhau

3. Các giai đoạn của chết do treo cổ

  • Giai đoạn kích thích: Đau vùng cổ, ù tai, chóng mặt, nảy đom đóm mắt, bất tỉnh.
  • Giai đoạn co giật : Sau 1-2 phút , co giật ở mặt, tay, chân. Có thể để lại dấu vết thương tích ở phần lồi của cơ thể hoặc có thể làm đứt dây treo.
  • Giai đoạn cuối cùng: Nạn nhân thở yếu, tim rời rạc, tử vong. Có thể kèm theo dấu hiệu giãn cơ tròn.

4. Cơ chế gây chết do treo cổ

Để tìm hiểu tại sao treo cổ có thể gây chết ở bất kỳ tư thế nào hãy lưu ý tới một số điểm sau:

  • Dây treo đè ép và giằng kéo vào vùng cổ tạo ra những tác động phức tạp và phối hợp nhau.
  • Có 3 yếu tố chính gây tử vong cho nạn nhân là : Chèn ép mạch máu vùng cổ, đường thở và thần kinh vùng cổ.

* Chèn ép mạch máu vùng cổ : Cản trở máu lên não và trở về, gây rối loạn sớm nhất: thiếu máu não đột ngột gây ngất đột ngột.

* Chèn ép thần kinh vùng cổ: Xoang cảnh, dây thần kinh 10, chuỗi hạch giao cảm cổ nằm dọc theo động mạch cảnh gốc.

* Chèn ép đường thở : Thường đi sau so với chèn ép đường tuần hoàn, tác động vào vùng hầu họng (đẩy cuống lưỡi vào thành sau họng gây ngạt thở).

5. Dấu hiệu nhận biết bệnh nhân treo cổ

  • Có dây quấn chặt quanh cổ.
  • Dấu vết xung quanh cổ nạn nhân (vết đỏ, bầm tím...) nơi dây thắt được gỡ bỏ.
  • Suy giảm ý thức hoặc bất tỉnh
  • Da xanh xám (tím tái)
  • Thở nhanh, thở chậm, không đều hoặc ngừng thở.
  • Tĩnh mạch cổ nổi, phù nề mặt.
  • Chấm xuất huyết – chấm đỏ nhỏ trên mặt hoặc lòng trắng của mắt
Dấu vết xung quanh cổ nạn nhân sử dụng cách thức treo cổ
Dấu vết xung quanh cổ nạn nhân sử dụng cách thức treo cổ

6. Các ưu tiên khi cấp cứu bệnh nhân

  • Khôi phục hô hấp đầy đủ.
  • Sắp xếp vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện một cách nhanh chóng.

7. Các bước xử trí nạn nhân treo cổ?

  • Đảm bảo hiện trường an toàn và ngay lập tức gỡ bỏ dây buộc quanh cổ nạn nhân. Nếu nạn nhân đang treo cổ, nâng người nạn nhân lên cao để làm giảm sự siết chặt của dây vào cổ nạn nhân trong khi gỡ, cắt dây treo. Cần chú ý để tránh chấn thương cho người đỡ và nạn nhân vì lúc này nạn nhân rất nặng nếu họ mất ý thức.
  • Gọi hoặc nhờ người khác gọi 115 hoặc các dịch vụ y tế khẩn cấp.
  • Đặt nạn nhân nằm trên sàn.
  • Kiểm tra nhịp thở và mạch.
  • Nếu ngừng tim thì tiến hành ép tim và hô hấp nhân tạo ngay lập tức.
  • Nếu ngừng thở mà chưa ngừng tim thì chỉ cần hô hấp nhân tạo.
  • Nếu không ngừng tim và còn thở, hãy đặt ở tư thế nằm nghiêng an toàn và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (ý thức, nhịp thở, mạch) cho đến khi đội cấp cứu chuyên nghiệp đến.

8. Một số lưu ý khi cấp cứu nạn nhân treo cổ

  • Nạn nhân luôn có nguy cơ chấn thương cột sống cổ cao nên tránh di chuyển nạn nhân một cách không cần thiết.
  • Cố gắng giữ nguyên hiện trường một cách tối đa. Không thay đổi vị trí hoặc phá hủy bất kỳ một vật dụng nào, chẳng hạn như sợi dây thắt nút. Cảnh sát có thể cần chúng làm bằng chứng.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

44.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan