Điện châm điều trị liệt dây thần kinh số 7 (VII) ngoại biên

Bài viết bởi Bác sĩ Đào Hồng Nam - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Đơn nguyên Y Học Cổ Truyền - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên (liệt mặt) là hội chứng tổn thương dây thần kinh số VII gây nên tình trạng giảm hoặc mất vân động các cơ ở mặt. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị căn bệnh này nhưng châm cứu luôn là phương pháp được lựa chọn ưu tiên hàng đầu do hiệu quả điều trị an toàn và đạt kết quả tốt.

1. Liệt dây thần kinh số 7 VII ngoại biên là gì?

Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên (liệt mặt) là hội chứng tổn thương dây thần kinh số VII gây nên tình trạng giảm hoặc mất vân động các cơ ở mặt (liệt toàn bộ nửa mặt). Theo Y Học Cổ Truyền, liệt dây thần kinh số VII ngoại biên được mô tả theo bệnh danh “khẩu nhãn oa tà” trúng phong nuy chứng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và do nhiều nguyên nhân gây nên.

2. Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7

Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 theo y học hiện đại được chia làm 2 nguyên nhân chính:

  • Liệt mặt nguyên phát: liệt mặt do bị nhiễm lạnh (liệt Bell)
  • Liệt mặt thứ phát: viêm nhiễm (viêm tai xương chũm, viêm nhiều dây thần kinh sọ, hội chứng Guillain – Barre, viêm nút quanh động mạch, zona hạch nối, viêm dây thần kinh VII...), Sang chấn (chấn thương vỡ nền sọ, tai biến phẫu thuật tai, nhồi máu não...), khối u (u góc cầu tiểu não, u tuyến mang tai, bệnh Kahler, u di căn nền sọ ...).

Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 theo Y Học Cổ Truyền:

  • Ngoại nhân: Phong hàn, phong nhiệt thường có triệu chứng bệnh tương ứng liệt Bell, liệt mặt do nguyên nhân viêm nhiễm theo Y Học Hiện Đại.
  • Bất nội ngoại nhân: Chấn thương vùng đầu mặt, và một số nguyên nhân khác, được mô tả chứng trạng tương đối phù hợp liệt mặt thứ phát Y Học Hiện Đại.
liệt dây thần kinh số 7
Liệt dây thần kinh số 7 có thể do bị nhiễm lạnh

3. Triệu chứng bệnh Y Học Hiện Đại

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên thường khởi phát đột ngột các triệu chứng:

  • Liệt toàn bộ một bên mặt, mất nếp nhăn trán, rãnh mũi má mờ, ăn uống khó, dắt đọng thức ăn, nước uống bên liệt, người bệnh không làm được một số động tác như huýt sáo, thổi lửa.
  • Charles – Bell (+): mắt nhắm không kín ở bên liệt
  • Khi tĩnh gương mặt trở lên đờ đẫn, nhân trung lệch về bên lành
  • Mất vị giác 2/3 trước lưỡi
  • Một số trường hợp có biểu hiện đau sau tai trước liệt 1-2 ngày, có thể kèm theo có ù tai, khô mắt, chảy nước mắt.

XEM THÊM: Điều trị liệt dây VII ngoại biên với phương pháp vật lý trị liệu

4. Các thể bệnh theo Y Học Cổ Truyền

Cơ sở lý luận Y Học Cổ Truyền: Theo YHCT do phong hàn, phong nhiệt xâm phạm hoặc do sang chấn, chấn thương vùng đầu mặt làm cho khí huyết của các kinh lạc vùng đầu mặt bị ứ trệ không thông mà gây nên bệnh. Các thể bệnh theo Y Học Cổ Truyền gồm:

  • Phong hàn phạm kinh lạc: thường bao gồm các triệu chứng liệt 1⁄2 mặt và các triệu chứng khác như Y Học Hiện Đại kèm theo người bệnh có sợ gió, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù. Bệnh thường khởi phát khi thay đổi thời tiết trở lạnh hoặc người bệnh sau khi người bệnh bị nhiễm lạnh.
  • Phong nhiệt phạm kinh lạc: triệu chứng bệnh giống liệt mặt do phong hàn, nhưng người bệnh có sốt, sợ gió, sợ nóng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
  • Huyết ứ kinh lạc: triệu chứng liệt xuất hiện sau chấn thương hoặc sau làm thủ thuật vùng hàm mặt.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị liệt VII ngoại biên bằng nội khoa như: Thuốc kháng viêm, tăng dẫn truyền thần kinh, vật lý trị liệu phục hồi chức năng và y học cổ truyền (châm cứu, xoa bóp bấm huyệt...). Nhưng châm cứu luôn là phương pháp được lựa chọn ưu tiên hàng đầu do hiệu quả điều trị an toàn và đạt kết quả tốt (≥ 90% bệnh nhân phục hồi hoàn toàn). Hiện nay có nhiều kỹ thuật châm cứu khác nhau như: điện mãng châm, điện nhĩ châm, ôn châm... Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà người thầy thuốc sử dụng phương pháp châm cứu và huyệt vị khác nhau (do phong hàn dùng phương pháp ôn châm, do phong nhiệt dùng phương pháp điện châm).

XEM THÊM: Châm cứu điều trị chấn thương dây thần kinh ngoại biên, số VII có tốt không?

liệt dây thần kinh số 7
Phương pháp châm cứu chữa liệt dây thần kinh số 7

5. Quy trình điện châm cứu điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại vi

Điện châm là phương pháp sử dụng một dòng điện nhất định tác động lên các huyệt vị châm cứu để chữa bệnh. Đây là phương pháp điều trị kết hợp giữa châm cứu (Y Học Cổ Truyền) và dòng điện (Y Học Hiện Đại). Do có nhiều ưu điểm nên điện châm được xem phương pháp chủ lực trong châm cứu hiện nay.

5.1. Chỉ định

Chỉ định người bệnh bị liệt mặt nguyên phát (liệt Bell)

5.2. Chống chỉ định

Người bệnh liệt mặt thứ phát chưa điều trị ổn định các triệu chứng tâm thần kinh và các triệu chứng toàn thân liên quan.

5.3. Các huyệt thường dùng

Toản trúc, Tình minh, Dương bạch, Ngư yêu, Thái dương, Quyền liêu, Nghinh Hương, Ế phong, Thừ tương, Địa thương, Giáp xa, Hợp cốc.

5.4. Chuẩn bị dụng cụ vật tư y tế cần dùng

Kim châm cứu vô khuẩn (hiện nay thường dùng kim 01 lần), bông, cồn, pince, khay quả đậu, máy điện châm hai tần số bổ tả hoạt động tốt, hộp chống shock, máy đo huyết áp, tai nghe.

5.5. Thực hiện kỹ thuật

  • Xác định vị trí các huyệt vị, sát khuẩn da tại vị trí huyệt vị, lần lượt tiến hành kỹ thuật châm kim vào huyệt vị theo công thức đã xác định.
  • Lắp điện cực lên kim châm cứu (vị trí các rắc nối dẫn điện vào kim châm cứu trên từng huyệt vị tùy theo yêu cầu điều trị là châm bổ hay tả). Bật công tắc cho máy chạy, xem đèn báo, vặn núm điều chỉnh công suất điện tăng từ từ, đạt đến mức độ yêu cầu của điện thế và cường độ thích ứng với từng người bệnh. Khi đó người bệnh cảm thấy dễ chịu hay hơi căng tức nhưng chịu đựng được.

Theo dõi người bệnh trong suốt quá trình điều trị, đề phòng tai biến và biến chứng có thể xảy ra. Tai biến thường gặp là vựng châm: người bệnh bồn chồn, hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt.

Xử trí vựng châm: Tắt máy châm cứu, rút kim châm, cho người bệnh nằm nghỉ, ủ ấm, giải thích động viên tinh thần người bệnh, theo dõi mạch và huyết áp cho người bệnh.

Thời gian tiến hành một lần điện châm thường là 20 – 30p, châm cứu có thể tiến hành đến khi người bệnh phục hồi thì kết thúc liệu trình điều trị.

Đơn nguyên Y Học Cổ Truyền – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được thành lập dựa trên những tinh hoa và sự kế thừa của hai nền Y Học Cổ Truyền và hiện đại trong khám và điều trị, với mục đích đem đến những lựa chọn tối ưu nhất cho khách hàng. Tại đây với đội ngũ Y, Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y Học Cổ Truyền. Bằng sự kết hợp các biện pháp dùng thuốc có nguồn gốc tự nhiên, cổ truyền, cùng với các phương pháp trị liệu không dùng thuốc như dưỡng sinh, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... Đơn nguyên đã điều trị thành công cho nhiều người bệnh với những bệnh lý khác nhau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan