Đau thần kinh tọa có nên đi bộ, tập thể dục không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đau thần kinh tọa là bệnh lý gặp ở mọi lứa tuổi, gây các triệu chứng đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân. Để điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh có thể sử dụng thuốc, thay đổi thói quen sinh hoạt, kết hợp với việc đi bộ, tập thể dục vừa sức.

1. Bệnh đau thần kinh tọa là gì?

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh chạy dọc từ thắt lưng xuống chân, có chức năng điều khiển cảm giác và chi phối động tác của chân, giúp chân có thể thực hiện các hoạt động như đi lại, đứng lên - ngồi xuống. Đau thần kinh tọa còn được gọi là đau dây thần kinh hông to. Đây là bệnh lý xuất hiện ở vùng hông, đùi, đặc trưng bởi tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa (cơn đau chạy dọc theo mặt sau của chân tới bàn chân). Bệnh nhân bị đau khi các dây thần kinh tọa bị chèn ép hoặc tổn thương.

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa gồm: Thoát vị đĩa đệm, hẹp cột sống, khối u cột sống, hội chứng cơ hình lê, viêm khớp, thoái hóa khớp, chấn thương hoặc nhiễm trùng,... Triệu chứng của bệnh là cảm giác đau đớn chạy dọc theo dây thần kinh tọa (từ lưng dưới qua mông, chạy xuống phía sau chân của 1 bên cơ thể). Các triệu chứng khác gồm nóng, rát, tê cứng hoặc mỏi, yếu vùng thắt lưng xuống mông, đi xuống mặt sau cẳng chân; triệu chứng nặng hơn khi ngồi lâu, đi lại, cúi người,... Người bệnh có thể bị thay đổi dáng đi hoặc tổn thương rễ thần kinh (giảm khả năng tiết mồ hôi, mất cảm giác chi dưới hoặc mất kiểm soát đại, tiểu tiện).

2. Đau thần kinh tọa có nên tập thể dục không?

Đáp án là: Có. Bệnh nhân đau thần kinh tọa hoặc mắc các bệnh xương khớp khác đều có thể tập thể dục vừa sức để giúp xương khớp dẻo dai hơn, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và cải thiện tình trạng bệnh hiệu quả. Hơn nữa, việc thường xuyên tập thể dục với các bộ môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội,... còn giúp thư giãn dây chằng cột sống lưng, giảm thiểu tình trạng co cứng cơ và khớp.

Bơi lội
Bơi lội là một trong các môn thể thao nhẹ nhàng giúp hỗ trợ điều trị tình trạng đau thần kinh tọa

2.1 Lưu ý khi tập luyện thể dục

  • Lựa chọn bài tập: Ở bệnh nhân đau thần kinh tọa, cơn đau sẽ khởi phát khi cơ xương và rễ thần kinh bị chèn ép. Trong khi đó, khả năng chịu áp lực của cột sống, đặc biệt là vùng lưng bị suy giảm nên việc vận động sẽ trở nên khó khăn hơn so với người bình thường. Vì vậy, lựa chọn bài tập phù hợp với sức khỏe là vấn đề mà bệnh nhân cần lưu ý. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để lựa chọn bài tập, lên kế hoạch luyện tập phù hợp. Các bài tập chuyên biệt dành cho người bệnh, nhẹ nhàng, dùng ít lực phần lưng là lựa chọn thích hợp;
  • Cường độ tập luyện: Việc luyện tập với cường độ phù hợp sẽ mang lại kết quả khả quan, giảm chấn thương cho bệnh nhân đau thần kinh tọa. Trước khi bắt đầu bài tập, bệnh nhân nên dành 10 phút để khởi động, làm nóng cơ thể, tập với cường độ nhẹ lúc bắt đầu để cơ thể làm quen rồi từ từ tăng dần cường độ lên phù hợp với sức chịu đựng của mình. Người bệnh chú ý không luyện tập với cường độ quá nhanh và mạnh vì có thể gây ra những chấn thương không mong muốn;
  • Thời gian tập luyện: Bệnh nhân chỉ nên dành 20 - 30 phút mỗi ngày để tập luyện thể dục. Thời điểm tập luyện nhất là vào buổi sáng ở những nơi có địa hình bằng phẳng, không khí thoáng đãng, trong lành. Khi tập nên kết hợp hít thở nhịp nhàng để tránh mất sức, mang lại kết quả cao nhất.

2.2 Một số bài tập phù hợp cho người bệnh đau thần kinh tọa

Sau đây là 3 bài tập giúp giảm đau và hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa hiệu quả. Tuy nhiên, trước khi thực hiện các bài tập này, bệnh nhân vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị:

Bài tập cải thiện vùng thắt lưng

  • Tư thế ban đầu: Người bệnh nằm trên thảm hoặc mặt phẳng, kê một chiếc gối nhỏ dưới đầu. Sau đó, bệnh nhân cong 2 đầu gối lên, giữ cho bàn chân duỗi thẳng, giữ khoảng cách giữa 2 bàn chân bằng với độ rộng của hông. Tiếp đó, người bệnh thả lỏng nửa trên cơ thể, gặp cằm về phía ngực;
  • Thực hiện động tác: Cong đầu gối về phía ngực, dùng 2 tay ôm lấy đầu gối rồi kéo dần lên phía ngực cao nhất có thể, giữ trong khoảng 20 - 30 giây và hít thở sâu. Tiếp theo, đổi chân và thực hiện động tác này liên tục 3 - 5 lần là được;
Bài tập cải thiện vùng thắt lưng
Bài tập cải thiện vùng thắt lưng
  • Lưu ý khi tập: Bệnh nhân cần chú ý không để cổ, vai và phần ngực bị gồng quá mức; nên kéo giãn cơ ở mức thoải mái, không nên gắng sức.

Bài tập kéo giãn lưng

  • Tư thế ban đầu: Bệnh nhân nằm sấp trên sàn, tì người lên khuỷu tay, giữ cho xương cột sống được duỗi thoải mái;
  • Thực hiện động tác: Rướn vai đưa ra sau trong khi giữ cổ thẳng, chống 2 bàn tay xuống dưới. Lúc này, người bệnh sẽ cảm nhận được các cơ vùng bụng sẽ căng ra. Khi tập bệnh nhân giữ hơi thở đều, giữ tư thế trong khoảng 10 giây. Bài tập này nên thực hiện liên tục 3 - 5 lần;
  • Lưu ý khi tập: Bệnh nhân cần hông thẳng, không ngửa cổ ra sau và không kéo giãn cơ thể quá mức.

Bài tập kéo giãn cơ đùi sau

  • Tư thế ban đầu: Người bệnh đứng thẳng, để một chân lên một chiếc ghế nhỏ, giữ cơ thể thăng bằng rồi từ từ duỗi thẳng các ngón chân;
  • Thực hiện động tác: Bệnh nhân từ từ ngả người về trước, giữ lưng thẳng, bất động trong khoảng 20 - 30 giây kết hợp thở sâu. Tiếp theo, đổi chân, thực hiện tương tự và thực hiện động tác này lặp lại khoảng 3 - 5 lần;
  • Lưu ý khi tập: Luôn phải thẳng lưng ở mọi tư thế và không nên tập quá sức.

3. Đau thần kinh tọa có nên đi bộ không?

Câu trả lời là: Có. Theo các chuyên gia y tế, khi mắc các bệnh liên quan tới xương khớp, trong trường hợp này là đau thần kinh tọa, bệnh nhân nên duy trì thói quen vận động và đi bộ thường xuyên để cải thiện sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh.

3.1 Lợi ích của việc đi bộ

Lợi ích của việc đi bộ trong điều trị đau thần kinh tọa là:

  • Đi bộ giúp người bệnh cải thiện tình trạng đau nhức, tê bì và cứng khớp. Trong khi đó, nếu lười vận động, không chịu đi bộ hoặc tập thể dục thì bệnh sẽ ngày càng nặng hơn, thậm chí có thể dẫn tới bại liệt phần thân dưới;
  • Đi bộ hằng ngày giúp các bó cơ và các khớp xương được thư giãn, giải tỏa căng thẳng, ngăn chặn được sự chèn ép của dây thần kinh và giúp quá trình lưu thông máu của bệnh nhân đau thần kinh tọa diễn ra trơn tru hơn;
  • Đi bộ giúp nuôi dưỡng phần sụn khớp, tăng độ linh hoạt và nâng cao sức bền của xương khớp, giúp xương khớp chắc khỏe hơn. Nhờ vậy, khi bước vào tuổi trung niên, người bệnh đau thần kinh tọa sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối hoặc viêm nhiễm khớp gối;
đi bộ
Thường xuyên đi bộ giúp cải thiện tình trạng đau thần kinh tọa
  • Tác dụng khác: Tăng cường độ đàn hồi của cột sống; nâng cao sự đàn hồi của các khớp xương; cải thiện khả năng vận động; kiểm soát cân nặng từ đó giảm áp lực lên đĩa đệm, cột sống và tủy sống.

3.2 Lưu ý khi đi bộ

Tuy nhiên, bệnh nhân đau thần kinh tọa cần chú ý tới việc lựa chọn bài tập hợp lý, cường độ luyện tập vừa phải và thời gian đi bộ phù hợp. Cụ thể:

  • Lựa chọn một đôi giày phù hợp: Bệnh nhân đau thần kinh tọa tuyệt đối không được đi chân đất vì việc này có thể làm ảnh hưởng tới bàn chân và các dây thần kinh. Việc sử dụng một đôi giày đi bộ tốt, đúng kích cỡ chân sẽ mang lại hiệu quả cải thiện sức khỏe tốt hơn, tránh nguy cơ chấn thương như trật khớp, bong gân. Đồng thời, bệnh nhân nên chọn trang phục thoải mái, rộng rãi;
  • Tập đúng động tác, đúng bộ môn: Có thể tập đi bộ bằng máy đi bộ tại nhà hoặc đi bộ ngoài công viên. Người bệnh nên tập theo hướng dẫn của huấn luyện viên để đảm bảo hiệu quả bài tập;
  • Có lộ trình luyện tập phù hợp: Người bệnh cần căn cứ vào tình trạng sức khỏe của mình để lựa chọn thời gian luyện tập phù hợp. Nếu thấy các dấu hiệu đau nhức đã được cải thiện, bệnh nhân có thể kéo dài thời gian đi bộ hơn;
  • Ngay từ đầu người bệnh không nên luyện tập quá sức vì việc này có thể tác động nhiều hơn vào dây thần kinh tọa, gây đau nhức hông và chân nghiêm trọng hơn. Người bệnh đau thần kinh tọa chỉ nên đi bộ với quãng đường không quá 1.5km;
  • Thời gian đi bộ: Mỗi ngày người bệnh chỉ nên đi bộ khoảng 20 - 30 phút;
  • Trước khi đi bộ nên khởi động nhẹ nhàng để giãn cơ, tiết các dịch nhầy xung quanh các ổ khớp. Việc này giúp giảm đau và giảm nguy cơ bị chấn thương trong quá trình luyện tập;
  • Người bệnh nên nghỉ ngơi trong quá trình đi bộ nếu cảm thấy đau nhiều;
  • Giữ đều tốc độ đi bộ, thả lỏng cơ thể, không gồng mình khi di chuyển;
  • Kiên trì tập đi bộ, không nên dừng tập khi chưa hoặc mới thấy kết quả.
Vật lý trị liệu
Bên cạnh đó, người bệnh có thể tham khảo đến phương pháp vật lý trị liệu giúp điều trị tình trạng đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của bệnh nhân. Vì vậy, trong quá trình điều trị, người bệnh nên chủ động tập luyện thể dục với các bài tập vừa sức, tập đi bộ theo khả năng, kết hợp thay đổi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt để đẩy lùi bệnh tật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan