Đánh giá bệnh tuyến giáp và vai trò của chẩn đoán hình ảnh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Xuân Thiệp - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuẩn đoán hình ảnh.

Chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng trong chẩn đoán xác định các bệnh lý tuyến giáp. Trong đó, tiêu biểu là các xét nghiệm CT scan, PET/CT và xạ hình tuyến giáp.

1. Bệnh tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, hình cánh bướm nằm phía trước cổ, bao quanh khí quản. Hai nửa của tuyến giáp được kết nối với nhau bằng một lớp mô mỏng. Tuyến giáp sử dụng iốt để sản xuất hormone T3, T4, giúp kiểm soát cách thức cơ thể sử dụng năng lượng.

Nồng độ của hormone T3 và T4 tiết ra được kiểm soát bởi tuyến yênvùng dưới đồi. Hai loại hormone này đều lưu thông trong máu, giúp điều hòa quá trình trao đổi chất. Tùy thuộc vào nồng độ T4 trong cơ thể mà tuyến yên sản xuất TSH nhiều hay ít, nhằm điều chỉnh lượng T4 ở mức phù hợp.

Bệnh tuyến giáp xảy ra khi tuyến giáp hoạt động không đúng cách, giải phóng quá nhiều hoặc không đủ hormone T4. Trong đó, có ba loại bệnh lý tuyến giáp thường gặp gồm:

  • Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
  • Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
  • Ung thư tuyến giáp

1.1. Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất không đủ hormone T4. Nó có thể xảy ra do tuyến yên, vùng dưới đồi hoặc do bản thân tuyến giáp hoạt động sai chức năng. Gần 5% dân số bị suy giáp, với tỷ lệ nữ nhiều hơn nam. Các triệu chứng của suy giáp bao gồm:

  • Cholesterol cao
  • Phiền muộn
  • Mệt mỏi
  • Rụng tóc
  • Mất trí nhớ
  • Da cực khô
  • Cảm thấy lạnh
  • Táo bón
Suy giáp thường gặp ở phụ nữ trung tuổi
Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất không đủ hormone T4

1.2. Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)

Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất nhiều hormone tuyến giáp hơn nhu cầu của cơ thể. Nó xảy ra do vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc tuyến giáp hoạt động không đúng cách. Tương tự với suy giáp, tỷ lệ mắc bệnh cường giáp xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Các triệu chứng của cường giáp bao gồm:

  • Bồn chồn
  • Lo âu
  • Run rẩy
  • Giảm cân
  • Nhịp tim nhanh
  • Đổ mồ hôi
  • Không chịu được cảm giác nóng
  • Kinh nguyệt không đều
  • Da mỏng
  • Thay đổi giấc ngủ
  • Tăng nhu động ruột
  • Bướu cổ

Bệnh nhân lớn tuổi có thể bị rối loạn nhịp tim, suy tim và rối loạn tâm thần (mê sảng). Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể bị "bão tuyến giáp" trong đó huyết áp cao, suy tim và sốt có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thậm chí tử vong.

1.3. Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự thay đổi cấu trúc các tế bào tuyến giáp khiến chúng nhân lên, hình thành các tế bào ung thư. Nếu không được điều trị, tế bào ung thư có thể lan vào các hạch bạch huyết, các mô xung quanh và mạch máu. Bệnh có khả năng chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ung thư tuyến giáp gồm có 4 loại bệnh sau:

  • Ung thư tuyến giáp thể nhú: 70% bệnh nhân mắc bệnh ung thư tuyến giáp được chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể nhú. Nó xảy ra tại các tế bào nang, nơi lưu trữ hormone tuyến giáp. Bệnh tiến triển chậm, nhưng có tới 20% bệnh nhân bị ung thư di căn đến các hạch bạch huyết của cổ tại thời điểm chẩn đoán.
  • Ung thư tuyến giáp thể nang: Bệnh này cũng khởi phát từ các tế bào nang. Tuy nhiên, nó hoạt động với tính chất mãnh liệt hơn, các tế bào thường di căn tới phổi hoặc xương. Dạng hiếm gặp của ung thư tuyến giáp thể nang là ung thư tế bào Hurthle, với đặc điểm phát hiện bệnh khi đã di căn chiếm tỷ lệ cao hơn các loại ung thư tuyến giáp biệt hóa khác. Hầu hết bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp thể nang đều ở độ tuổi trên 40.
  • Ung thư tuyến giáp thể tủy: Chỉ có 4% bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp được chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể tủy. Nó phát triển trong các tế bào C của tuyến giáp tạo ra một loại hormone gọi là calcitonin. Calcitonin giúp cơ thể duy trì nồng độ canxi ổn định. Nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ các loại ung thư khác, cũng có thể do di truyền. Tỷ lệ chữa khỏi thấp hơn ung thư tuyến giáp thể nhú hoặc nang. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót sau 10 năm cao tới 90% khi bệnh chỉ xảy ra ở tuyến giáp.
  • Ung thư tuyến giáp không biệt hóa: Bệnh chỉ xảy ra ở 1% bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp. Đây là dạng ung thư tuyến giáp khó điều trị nhất. Nó có thể xảy ra cùng với ung thư tuyến giáp thể nang hoặc nhú hoặc bướu cổ. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh này đều ở độ tuổi trên 60 và không có di căn tại thời điểm chẩn đoán.
Ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự thay đổi cấu trúc các tế bào tuyến giáp khiến chúng nhân lên, hình thành các tế bào ung thư

Nguyên nhân gây bệnh lý tuyến giáp gồm có:

  • Viêm tuyến giáp: Bệnh thường xảy ra mà không rõ nguyên nhân. Trong một số trường hợp, nguyên nhân được chỉ ra là do nhiễm virus, vi khuẩn, hoặc sau sinh con. Hiện tượng viêm làm lượng hormone tuyến giáp dư thừa rò rỉ vào máu gây cường giáp. Thời kỳ cường giáp thường không kéo dài quá ba tháng. Cuối cùng, tuyến giáp trở nên kém hoạt động, giải phóng hormone T4 giảm dần hoặc ngừng vĩnh viễn. Thông thường, viêm không kèm theo đau. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân mắc viêm tuyến giáp bán cấp, đau tại hoặc quanh tuyến giáp có thể kéo dài trong vài tuần.
  • Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto: Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tự tạo kháng thể để tấn công tuyến giáp, khiến nó không sản xuất đủ hormone tuyến giáp để phục vụ cơ thể. Nguyên nhân gây bệnh có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức và yếu tố di truyền. Người mắc các rối loạn tự miễn dịch khác như viêm khớp, lupus, đái tháo đường tuýp 1, tiếp xúc với chất phóng xạ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
  • Bệnh tuyến yên hoặc vùng dưới đồi: Do tuyến giáp được điều hòa bởi tuyến yên và vùng dưới đồi, chấn thương hoặc rối loạn chức năng ở những khu vực này có thể làm giảm chức năng tuyến giáp, gây bệnh suy giáp thứ phát.
  • Điều trị phóng xạ: Bệnh nhân đã sử dụng iốt phóng xạ để điều trị cường giáp thường sau điều trị sẽ bị suy giáp. Bệnh nhân được xạ trị bằng tia ngoài (EBT) đến tuyến giáp, cổ hoặc ngực để điều trị ung thư cũng có thể bị rối loạn chức năng tuyến giáp.
  • Bệnh basedow: Nguyên nhân phổ biến nhất gây cường giáp là bệnh basedow. Nó xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra kháng thể khiến tuyến giáp tạo ra nhiều hormone T4 hơn nhu cầu của cơ thể. Ở những người khỏe mạnh, lượng T4 được điều chỉnh bởi hormone TSH. Trong khi đó, bệnh nhân mắc basedow giải phóng kháng thể bắt chước TSH và đánh lừa tuyến giáp sản xuất nhiều T4 hơn nhu cầu sử dụng, dẫn đến cường giáp. Các kháng thể tấn công tuyến giáp cũng thường tấn công các mô phía sau mắt gây ra bệnh mắt tuyến giáp. Nó có thể gây ra các triệu chứng nhẹ như mắt đỏ và bị kích thích, nhạy cảm với ánh sáng, lồi mắt do viêm và sưng ở các cơ và mô trong hốc mắt. Bệnh nhân mắc bệnh basedow cũng có thể bị đỏ hoặc dày vùng da mặt trước của chân dưới.
  • Tăng nốt tuyến giáp: Các nốt không ung thư gọi là u tuyến (adenoma), xảy ra khi một phần của tuyến giáp sưng lên và tách ra khỏi phần còn lại của tuyến. Chúng có thể sản xuất hormone tuyến giáp độc lập với phần còn lại của tuyến giáp (nốt hoạt động). Khi các nốt này không đáp ứng với các cơ chế phản hồi bình thường để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp, chúng được gọi là u tuyến độc (toxic adenoma) hoặc nhân độc giáp (Plummer's disease).

2. Bệnh tuyến giáp được chẩn đoán và đánh giá như thế nào?

Đánh giá dựa trên triệu chứng lâm sàng: Người bệnh thường đến khám với các lý do như mệt mỏi, không có khả năng mang thai, thay đổi da và tóc, xuất hiện một khối u ở cổ, khản giọng hoặc đau ở vùng tuyến giáp.

Để chẩn đoán xác định, chỉ định được sử dụng là xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone tuyến giáp. Nếu kết quả bất thường liên quan đến ung thư tuyến giáp, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm:

  • Xạ hình tuyến giáp: Trong xạ hình tuyến giáp, một lượng nhỏ iốt sẽ hấp thu vào tuyến giáp sau khi được đưa vào cơ thể. Sau một vài giờ, một chiếc camera đặc biệt sẽ được đặt trước cổ để đo lượng iốt được tuyến giáp hấp thụ. Thiết bị này không phát ra bức xạ, nhưng nhiễm một lượng nhỏ phóng xạ iốt được đưa vào cơ thể.
  • Sinh thiết chọc hút bằng kim siêu nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm (sinh thiết kim lõi (CNB), hoặc chọc hút tế bào kim nhỏ (FNA) dưới hướng dẫn siêu âm): Trong sinh thiết, chọc hút TẾ BÀO tuyến giáp, một kim mỏng, rỗng được đưa vào qua da (dưới hướng dẫn của siêu âm) vào tuyến giáp hoặc hạch nghi ngờ bệnh. Một mẫu mô nhỏ HOẶC TẾ BÀO được lấy ra để kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định xem có phải ung thư hay không.
  • Các xét nghiệm hình ảnh (CT scan, PET/CT, xạ hình tuyến giáp toàn thân): Xét nghiệm được chỉ định khi đã xác định ung thư tuyến giáp nhằm xác định kích thước, vị trí của khối u và đánh giá mức độ di căn, theo dõi đánh giá đáp ứng sau điều trị.

Ngay nay với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật các khối u tuyến giáp, thậm chí ung thư tuyến giáp có thể được điều trị dưới hướng dẫn cảu siêu âm VD: điều trị u tuyến giáp bằng đốt sóng cao tần (RFA), vi sóng (Microway) ... mang lại hiệu quả cao, xâm lấn tối thiểu.

Kỹ thuật xạ hình tuyến cận giáp tại Bệnh viện Vinmec Times City
Trong xạ hình tuyến giáp, một lượng nhỏ iốt sẽ hấp thu vào tuyến giáp sau khi được đưa vào cơ thể

3. Bệnh tuyến giáp được điều trị như thế nào?

3.1. Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)

Bệnh nhân bị suy giáp thường được chỉ định sử dụng một loại hormone tuyến giáp tổng hợp được gọi là levothyroxine (Synthroid). Levothyroxine có tác dụng khôi phục nồng độ hormone. giúp làm giảm triệu chứng bệnh. Xét nghiệm máu sẽ được kiểm tra định kỳ nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc. Thuốc cần thời gian thử nghiệm vài tháng trước khi tìm ra liều lượng phù hợp. Người mắc bệnh suy giáp cần phải sử dụng thuốc thay thế hormone tuyến giáp suốt đời.

3.2. Bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)

Việc điều trị cho bệnh nhân cường giáp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số lựa chọn:

  • Thuốc kháng giáp: Methimazole (Tapazole) có tác dụng ngăn sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Nó thường được sử dụng cho những bệnh nhân mắc bệnh basedow hoặc trước khi phẫu thuật tuyến giáp. Triệu chứng bệnh thường giảm trong vòng 6 - 12 tuần kể từ khi bắt đầu dùng thuốc nhưng điều trị thường tiếp tục trong ít nhất một năm. 20 - 30% bệnh nhân giảm đau vĩnh viễn trong khi những người khác xuất hiện triệu chứng trở lại. Thuốc kháng giáp có thể ảnh hưởng đến gan và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Có một số ít người bị dị ứng với các loại thuốc này.
  • Iốt phóng xạ: Iốt phóng xạ (I-131) thường được sử dụng trong điều trị cường giáp. Iốt đưa vào cơ thể sẽ được hấp thụ vào tuyến giáp nhằm phá hủy các tế bào tuyến. Trong khoảng 3 - 6 tháng điều trị, bệnh nhân dần giảm triệu chứng. Iốt phóng xạ thường làm cho tuyến giáp hoạt động kém dần, nhiều người cần dùng hormone tuyến giáp tổng hợp hàng ngày để khôi phục lại lượng hormone trong cơ thể. Iốt phóng xạ đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ và đã được chứng minh là an toàn.
  • Thuốc chẹn beta: Đây là nhóm thuốc dùng để điều trị huyết áp cao. Thuốc không có tác dụng điều trị trực tiếp tuyến giáp nhưng có thể giúp giảm nhịp tim nhanh và ngăn ngừa tim đập nhanh. Thuốc chẹn beta thường được dùng cùng với thuốc kháng giáp và iốt phóng xạ để giúp giảm dần triệu chứng bệnh đến khi hồi phục. Thuốc chẹn beta thường được dung nạp tốt nhưng cũng có thể gây ra tác dụng phụ với một số người như đau dạ dày, tiêu chảy, chóng mặt hoặc đau đầu.
  • Phẫu thuật (cắt tuyến giáp): Đối với bệnh nhân không thể dùng thuốc kháng tuyến giáp hoặc iốt phóng xạ, phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là một lựa chọn tốt. Thủ thuật được thực hiện bằng cách tạo một vết mổ ở đáy cổ và loại bỏ hầu hết tuyến giáp. Trong phẫu thuật cắt tuyến giáp xâm lấn tối thiểu, vết mổ nhỏ hơn dưới hướng dẫn của một máy quay video. Hầu hết các ca phẫu thuật kéo dài từ 2 - 2h30. Bệnh nhân hoặc trở về nhà vào cùng ngày hoặc ngày hôm sau, sau thời gian theo dõi. Biến chứng phẫu thuật hiếm khi xảy ra. Trong đó, một số biến chứng có thể tránh được như tổn thương tuyến cận giáp (gây ra mức canxi thấp) hoặc dây thanh âm (gây khàn giọng). Khi tuyến giáp được cắt bỏ, bệnh nhân cần sử dụng hormone tổng hợp Synthroid suốt đời. Bệnh nhân cần bổ sung canxi nếu tuyến cận giáp cũng bị loại bỏ.

3.3. Ung thư tuyến giáp

Hầu hết các loại ung thư tuyến giáp đều được điều trị bằng phương pháp cắt bỏ tuyến giáp. Liệu pháp iốt phóng xạ thường được sử dụng sau phẫu thuật để loại bỏ tất cả các mô tuyến giáp còn sót lại. Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, các hạch bạch huyết ở cổ cũng được sử dụng để kiểm tra liệu ung thư có di căn.

Trong một số trường hợp, ung thư chỉ xảy ra ở một phần của tuyến giáp, loại phẫu thuật được sử dụng là cắt thùy tuyến giáp. Sau phẫu thuật, hầu hết bệnh nhân cần sử dụng hormone tuyến giáp tổng hợp hàng ngày trong quãng đời còn lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan