Đặc điểm của vi khuẩn than

Vi khuẩn than có tên khoa học là Bacillus anthracis, là trực khuẩn gram dương. Chúng tồn tại trong tự nhiên dưới dạng bào tử nên thời gian tồn tại có thể kéo dài đến hàng chục năm. Vi khuẩn than Bacillus anthracis gây ra bệnh than cho cả động vật và con người. Cơ thể người có thể nhiễm vi khuẩn than thông qua các con đường khác nhau như: đường hô hấp, đường da, đường tiêu hóa, hoặc đường kim tiêm. Mức độ và triệu chứng của bệnh tùy thuộc vào từng đường nhiễm vi khuẩn.

1. Vi khuẩn than là gì?

Vi khuẩn than Bacillus anthracis là trực khuẩn thuộc họ Bacillaceae, giống Bacillus. Các vi khuẩn giống Bacillus vốn có mặt ở hầu khắp mọi nơi trong tự nhiên, kể cả trong các cơ quan ở cơ thể người. Đa số chúng không gây bệnh, thậm chí một số loài còn đóng vai trò có lợi, giúp cân bằng hệ vi sinh trong cơ thể người.

Bacillus anthracis được phát hiện lần đầu vào năm 1848, chúng là những trực khuẩn gram dương, hình thái có hai đầu vuông, có kích thước khoảng 1 - 3 x 5 - 10 mm, không di động và thường xếp thành chuỗi. Bacillus anthracis dễ mọc trong môi trường có nhiệt độ khoảng 37 độ C, pH = 6,9-7. Vi khuẩn than có sức đề kháng không quá cao, đa số chúng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 600C trong vòng 30 phút, ở 1000C trong vòng 5 phút, và dễ tiêu diệt bởi các chất khử trùng thông dụng.

Khi ở môi trường bên ngoài, vi khuẩn than tồn tại dưới dạng bào tử. Thể bào tử của Bacillus anthracis có sức đề kháng rất cao. Chúng có thể tồn tại ở điều kiện tự nhiên trong nhiều năm liền, thậm chí là vài chục năm mà vẫn duy trì khả năng gây bệnh. Thể bào tử chỉ bị phá hủy trong điều kiện khắc nghiệt như: sức nóng khô 1700C trong 60 phút hoặc nhiệt độ ướt 1210C trong 30 phút.

Vi khuẩn than Bacillus anthracis có thể gây bệnh cho cả người và động vật.

  • Ở động vật, vi khuẩn than gây bệnh than (còn được gọi là bệnh nhiệt thán). Các loài mắc bệnh thường là các gia súc, đặc biệt là các gia súc ăn cỏ như trâu, bò, ngựa, cừu,... bởi vì chúng dễ hít phải những bào tử vi khuẩn có mặt trong đất, cỏ, nguồn nước bị nhiễm bệnh. Đa số các gia súc nhiễm Bacillus anthracis chết vì bị nhiễm trùng huyết.
  • Đối với người, vi khuẩn Bacillus anthracis gây nên bệnh than (Anthrax). Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính. Đường nhiễm bệnh gồm đường da (là đường phổ biến nhất, tỷ lệ chiếm khoảng 94-95%), đường tiêu hóa (0,5-0,7%), đường hô hấp (0,3%). Ngoài ra, một số trường hợp đã được ghi nhận ở châu Âu rằng những người sử dụng bơm kim tiêm để tiêm chích heroin cũng bị lây nhiễm bệnh than.

Vì tính chất nguy hiểm và đặc điểm có thể lưu lại lâu ở môi trường tự nhiên, nên trong quá khứ trực khuẩn than đã từng được dùng như vũ khí sinh học phục vụ cho các cuộc chiến tranh và khủng bố.

Không chỉ lây qua vết cắn, bệnh dại còn lây qua nước bọt của động vật
Ngoài con người, vi khuẩn than còn có thể gây bệnh cho động vật

2. Bệnh than (Anthrax) ở người

Nguồn lây nhiễm chính của bệnh than ở người là từ các động vật mắc bệnh. Sự lây nhiễm bệnh than từ người sang người là khá hiếm. Tùy vào con đường lây nhiễm mà biểu hiện và mức độ bệnh là khác nhau.

  • Bệnh than nhiễm qua đường da.

Bào tử vi khuẩn than có thể thâm nhập vào cơ thể người thông qua những vết xước hoặc các vết thương hở trên da. Điều này thường xảy ra khi chúng ta tiếp xúc với động vật bị bệnh và các chất thải của chúng, hoặc trực tiếp làm thịt những động vật bị chết do bệnh than.

Bệnh than nhiễm qua da là thể bệnh phổ biến, và cũng ít nguy hiểm nhất. Sau thời gian ủ bệnh từ 1-10 ngày, trên da người bệnh sẽ xuất hiện những tổn thương. Khởi phát là ngứa, sau đó nổi sần, sưng đỏ, mọc mụn nước và khoảng 2 đến 4 ngày sau, chúng phát triển thành những vết loét hoại tử màu đen. Vùng da xung quanh thường sưng phù, lan rộng.

Nếu tiến hành điều trị sớm và đúng cách, bệnh sẽ khỏi và chỉ để lại những vết sẹo trên da. Nhưng nếu không được điều trị đúng cách hoặc sức đề kháng của người bệnh quá yếu, không đáp ứng với điều trị thì tình trạng nhiễm khuẩn sẽ nặng lên, dẫn đến nhiễm trùng huyết và nhiễm độc toàn thân. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể tử vong. Tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 5% những vẫn phải cẩn trọng đề phòng.

  • Bệnh than nhiễm qua đường tiêu hóa.

Khi ăn thịt sống hoặc thịt chưa được nấu chín kỹ từ động vật bị nhiễm Bacillus anthracis thì bạn hoàn toàn có thể bị nhiễm bệnh than thông qua đường tiêu hóa. Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày. Sau đó bệnh nhân có các triệu chứng như: đau bụng, chán ăn, nôn mửa ra máu, sốt, đi ngoài ra máu,...Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm độc, hạch mạc treo ở ruột sưng to, tổn thương niêm mạc ở hồi tràng và manh tràng.

Nếu không được điều trị, hơn 50% bệnh nhân nhiễm bệnh than qua đường tiêu hóa sẽ tử vong. Nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, 60% số bệnh nhân sẽ khỏi bệnh.

  • Bệnh than nhiễm qua đường hô hấp.

Khi hít phải các bào tử của vi khuẩn Bacillus anthracis, bạn có thể mắc bệnh than qua đường hô hấp. Đây là thể bệnh ít gặp nhưng lại nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong của nó lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời. Trong trường hợp được điều trị tích cực, có khoảng 55% bệnh nhân khỏi bệnh và sống sót.

Sau thời gian ủ bệnh từ 1 đến 5 ngày, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm như sốt cao kèm ớn lạnh, tím tái, khó thở, ra mồ hôi đầm đìa, đau đầu,...bệnh nhanh chóng chuyển sang nhiễm khuẩn huyết, viêm thận, viêm màng não, nhiễm độc toàn thân và khiến bệnh nhân tử vong.

Viêm não Nhật Bản
Nếu bệnh không được điều trị kịp thời, sẽ chuyển sang viêm màng não

3. Cách phòng và điều trị bệnh than

Chúng ta có thể phòng việc lây nhiễm bệnh than bằng cách:

  • Nên tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh than cho súc vật nhằm giảm thiểu nguy cơ bùng phát bệnh. Đây là loại vắc-xin sống giảm độc lực có hiệu lực bảo vệ khoảng 1 năm. Ngoài ra còn có loại vắc-xin chiết xuất từ môi trường nuôi cấy các chủng vi khuẩn không có vỏ, dùng được cho con người. Tuy nhiên vắc-xin này thường chỉ tiêm cho các quân nhân hoặc những người có đặc thù nghề nghiệp tiếp xúc nhiều với súc vật hay sản phẩm chứa nhiều vi khuẩn.
  • Những động vật chết vì bệnh than cần được tiêu hủy đúng cách, sau khi chôn sâu xác động vật nên rãi bột vôi kín để tẩy uế và ngăn ngừa sự lan rộng của vi khuẩn.
  • Chống bụi và đảm bảo thông gió tốt ở các nhà máy công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp thuộc da vì đây là ngành có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh than. Các công nhân ở đây cần được trang bị đầy đủ áo quần và trang thiết bị bảo hộ lao động, thường được kiểm tra sức khỏe định kỳ, tiến hành điều trị ngay cho bệnh nhân nếu phát hiện bệnh. Đảm bảo tiệt trùng ở những khâu cuối trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
  • Cần thường xuyên kiểm tra nguồn nước thải từ các nhà máy công nghiệp, xưởng sản xuất và chế biến các sản phẩm từ súc vật nhằm đảm bảo không lây truyền vi khuẩn gây bệnh ra môi trường bên ngoài.
  • Không buôn bán và sử dụng da của những súc vật nhiễm bệnh than. Không ăn thịt khi nghi ngờ súc vật đó chết vì bệnh than.
  • Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, chăm sóc và lưu ý đến các vết xước hoặc vết thương hở trên da.

Để điều trị bệnh than, kháng sinh là thuốc được sử dụng. Điều trị bằng kháng sinh có hiệu quả cao nếu bệnh được chẩn đoán sớm. Kháng sinh thường dùng là penicillin, tetracyclin, streptomycin. Trong đó, có tác dụng là penicillin. Nếu bệnh nhân dị ứng penicillin hoặc vi khuẩn kháng penicillin thì nên sử dụng kết hợp các loại kháng sinh để đem lại kết quả tốt hơn.

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan