Có bầu 1 tháng chụp X quang có sao không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Hải - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Hải đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt trong lĩnh vực cắt lớp vi tính đa dãy, cộng hưởng từ.

Chụp X – quang được xem là phương pháp chẩn đoán hình ảnh rất phổ biến hiện nay, giúp cho việc chẩn đoán cũng như theo dõi điều trị được hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không phải đối tượng bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng chụp X – quang cũng như có những lưu ý khi chụp X – quang cần quan tâm để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

1. Lưu ý khi chụp X – quang

Chụp X – quang là kỹ thuật cận lâm sàng rất phổ biến ngày nay, có mặt hầu hết ở những cơ sở y tế khám chữa bệnh với mục đích khảo sát một số bộ phận bên trong cơ thể mà khi khám lâm sàng không thể quan sát này. Đây là một phương pháp dễ thực hiện, an toàn cho sức khỏe người bệnh, chi phí rẻ và mang lại hiệu quả cao. Nguyên lý hoạt động của kỹ thuật này đó là sử dụng tia X là một loại năng lực bức xạ có khả năng đi xuyên những mô mềm và một số tế bào trong cơ thể người, cho kết quả ghi lại trên phim chụp về những cơ quan được tia X đi xuyên qua. Mặc dù tia X dễ dàng xuyên qua những không khí cho hình ảnh phim màu đen nhưng bị hấp thụ rất nhiều bởi những mô đặc, điển hình là các tổ chức xương trong cơ thể vì vậy khi đi qua những mô này thì phim chụp thường cho hình ảnh màu trắng.

Chụp phim X – quang giúp chẩn đoán và theo dõi quá trình điều trị một số bệnh lý như:

  • Bệnh lý liên quan đến xương khớp như chấn thương, gãy xương, dập xương, loãng xương, ung thư xương, sỏi uric, viêm khớp, Gout...
  • Bệnh lý nha khoa như sâu răng, khảo sát trước khi niềng răng...
  • Bệnh lý liên quan đến phổi chẳng hạn như ung thư phổi và viêm phổi
  • Bệnh lý về mạch máu, tim mạch như khảo sát kích thước và hình dạng tim, biến dạng tim, hở van tim, tình trạng một số chất gây nguy hiểm cho mạch máu như calci hoặc những hợp chất của nó, tắc mạch máu...
  • Chụp X – quang để theo dõi sự phục hồi của bệnh nhân sau khi trải qua một số loại phẫu thuật như phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật điều trị gãy xương.

Bên cạnh đó, một số nhược điểm của phương pháp này vẫn còn tồn tại và cần được lưu ý nhiều hơn để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh như:

  • Tia X có thể là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh lý ung thư vì nếu cường độ quá lớn thì sẽ là điều kiện thuận lợi cho những tế bào ung thư phát triển trong cơ thể bệnh nhân.
  • Sau khi chụp X – quang thì bệnh nhân có thể xuất hiện một số vấn đề da liễu như những vết đỏ trên bề mặt da, bỏng da, cháy da...
  • Một số tác hại khác khi chụp X – quang như đục thủy tinh thể, suy giảm hệ miễn dịch, tiêu chảy, gầy sút cân...

Vì vậy, bệnh nhân cần được chỉ định và tư vấn thật kỹ trước khi thực hiện chụp X – quang, không nên tự ý chụp X – quang ở những cơ sở y tế mà không được sự đồng ý của bác sĩ điều trị nhằm giảm thiểu những vấn đề nguy hiểm có thể xảy ra cho bệnh nhân.

Chụp X-quang
Chụp X – quang là kỹ thuật cận lâm sàng rất phổ biến ngày nay

2. Có thai 1 tháng chụp X – quang có sao không?

Đối với phụ nữ mang thai là một đối tượng đặc biệt và cần được tư vấn xem xét thật kỹ trước khi áp dụng bất cứ một kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng hay phương pháp điều trị cụ thể nào thì chụp X – quang được cho là có ảnh hưởng không tốt đến việc phát triển của bào thai. Tia X khi chiếu vào cơ thể người mẹ thì có khả năng sẽ ảnh hưởng đến bào thai nằm trong bụng mẹ, gây nên những dị tật hoặc bất thường cho trẻ khi chào đời.

Liều lượng và cường độ tia X được chiếu vào người mẹ cũng như thời gian chiếu, tần suất chiếu tia X khi chụp X – quang sẽ ảnh hưởng đến thai nhi theo những cách khác nhau. Vì vậy, trong những trường hợp cụ thể thì sản phụ cần được chỉ định của bác sĩ điều trị trước khi chụp X – quang.

Ngoài ra, bên trong cơ thể của người phụ nữ có thai cũng có những nguy cơ bị sảy thai hoặc dị dạng bào thai mà không liên quan đến những yếu tố bên ngoài nhưng để có được sức khỏe cho trẻ trong suốt quá trình mang thai và sinh đẻ thì việc chụp X – quang là không được khuyến cáo. Nếu như bắt buộc phải thực hiện một biện pháp cận lâm sàng nào để củng cố cho chẩn đoán thì các bác sĩ có thể cân nhắc chuyển sang một phương pháp cận lâm sàng khác để chẩn đoán thay vì chụp X – quang.

Dấu hiệu mang thai
Đối với phụ nữ mang thai là một đối tượng đặc biệt và cần được tư vấn xem xét thật kỹ trước khi áp dụng chụp X quang

3. Chụp X – quang sau bao lâu thì nên có thai?

Trên thực tế lâm sàng thì nếu phụ nữ mang thai chỉ chụp X – quang 1 lần thì khả năng ảnh hưởng đến thai nhi là cực kỳ thấp, tuy nhiên, nếu người phụ nữ đi chụp X – quang nhiều lần nhưng không biết mình đã mang thai thì sẽ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người mẹ lẫn bào thai. Nghiêm trọng hơn, những tế bào trong cơ thể người sản phụ khi bị tia X chiếu vào thì sẽ có khả năng bị tổn thương, sau đó có thể tiến triển thành tế bào ung thư. Vì vậy, trước mỗi chỉ định chụp X – quang cho phụ nữ thì cần khai thác rõ người phụ nữ đó có đang mang thai hay không, đế có thể chỉ định được chính xác nhất, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người chụp.

Chụp X – quang là phương pháp hỗ trợ chẩn đoán được áp dụng rất nhiều hiện nay, tuy nhiên những đối tượng đặc biệt trong đó có bà bầu thì cần cân nhắc thật kỹ, nắm vững những lưu ý khi chụp X - quang và có chỉ định cụ thể của bác sĩ trước khi thực hiện biện pháp này để tránh những nguy cơ không mong muốn tác động lên sự phát triển của thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan