Tìm hiểu hội chứng chèn ép tủy

Hội chứng chèn ép tủy xảy ra khi có bất kỳ yếu tố nào gây áp lực lên tủy sống. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào từ cổ, trên cột sống cổ, cho đến lưng dưới, trên cột sống thắt lưng. Các triệu chứng của hội chứng chèn ép tủy bao gồm tê, đau và yếu. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây chèn ép, phẫu thuật chèn ép tủy có thể đặt ra nếu cần duy trì chức năng vận động của người bệnh, nhất là các trường hợp cấp tính.

1. Hội chứng chèn ép tủy là gì?

Hội chứng chèn ép tủy là do bất kỳ tình trạng nào gây áp lực lên tủy sống. Tủy sống là một bó dây thần kinh chạy xuống giữa lưng, có chức năng gửi các tín hiệu thần kinh qua lại từ não đến các cơ và mô mềm. Khi di chuyển xuống phía sau, tủy sống được bảo vệ bởi cột sống, là nhiều đốt xương giữ cấu trúc tủy luôn thẳng đứng. Các dây thần kinh của tủy sống chạy qua các khe hở khác nhau giữa các đốt sống và sau đó đến các cơ xung quanh.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng trong hội chứng chèn ép tủy có thể phát triển chậm hoặc nhanh chóng. Một số chấn thương tại chỗ có thể gây ra các triệu chứng ngay lập tức. Ngược lại, một số tình trạng sức khỏe khác - chẳng hạn như nhiễm trùng hay khối u chèn ép tủy sống - có thể gây ra các triệu chứng dần dần xuất hiện trong nhiều ngày hoặc thậm chí vài tuần.

Theo đó, các triệu chứng phổ biến của hội chứng chèn ép tủy bao gồm:

  • Có vấn đề cân bằng
  • Đau và cứng ở cổ, lưng trên hoặc lưng dưới
  • Đau rát lan xuống cánh tay, mông hoặc xuống chân, được gọi là đau thần kinh tọa
  • Tê, yếu hoặc chuột rút ở bàn tay, cánh tay hoặc chân
  • Mất cảm giác ở bàn chân
  • Có vấn đề phối hợp tay
  • Yếu một bàn chân hoặc cả hai chân dẫn đến đi khập khiễng

Ngoài ra, hội chứng chèn ép tủy còn có thể ảnh hưởng đến các kỹ năng vận động và phối hợp tốt. Điều này bao gồm sự phối hợp của các cơ trong những hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như viết tay hoặc cài cúc áo sơ mi. Bên cạnh đó, chèn ép tủy sống cũng có thể ảnh hưởng đến dáng đi, phản xạ, phạm vi chuyển động và chuyển động của cơ. Vì vậy, trong các trường hợp mắc phải hội chứng chèn ép tủy nặng nề, người bệnh hầu như mất các chức năng vận động cơ bản và suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.


Hội chứng chèn ép tủy là tình trạng tủy sống bị một số nguyên nhân gây áp lực lên
Hội chứng chèn ép tủy là tình trạng tủy sống bị một số nguyên nhân gây áp lực lên

2. Các nguyên nhân nào gây hội chứng chèn ép tủy?

Hội chứng chèn ép tủy có rất nhiều nguyên nhân có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quá trình đè nén có thể xảy ra đột ngột và không xác định được nguyên nhân.

Các nguyên nhân tiềm ẩn gây chèn ép tủy sống bao gồm:

  • Tình trạng thoái hóa: Bệnh thoái hóa đĩa đệm là một phần bình thường của quá trình lão hóa. Điều này xảy ra khi các đĩa đệm của đốt sống ở cổ hoặc lưng bị mòn dần đi.
  • Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh mà hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh của chính nó. Trong đó, các tế bào miễn dịch tấn công màng hoạt dịch, lớp màng mỏng lót các khớp. Khi bao hoạt dịch bị viêm, người bệnh sẽ cảm thấy đau và cứng khớp. Tình trạng viêm nhiễm ở cột sống lâu ngày có thể phá hủy các khớp xương. Khi điều này xảy ra tại đốt sống, cấu trúc này có thể gây chèn ép.
  • Thoát vị đĩa đệm: Một đĩa đệm thoát vị khi phần trung tâm - được gọi là nhân tủy - đẩy ra vòng ngoài. Nếu đĩa đệm bị mòn hoặc bị thương nặng, phần nhân có thể chèn ép hết ra ngoài. Khi đĩa đệm thoát vị phình ra về phía tủy sống sẽ gây áp lực lên tủy sống, gây chèn ép. Thoát vị đĩa đệm cũng có thể xảy ra với các động tác nâng, kéo, cúi và vặn người.
  • Chấn thương: Bất kỳ chấn thương nào đối với cột sống - chẳng hạn như tai nạn xe hơi, chấn thương thể thao hoặc ngã - có thể dẫn đến chèn ép tủy sống.
  • Gai xương: Khi càng lớn tuổi, các đĩa đệm trong cột sống sẽ bắt đầu giảm chiều cao và phình ra. Hơn nữa, chúng cũng bị mất nước, khô và trở nên cứng. Kết quả là các đốt sống sẽ di chuyển gần nhau hơn và cơ thể phản ứng với tình trạng đĩa đệm bị xẹp bằng cách hình thành các gai xương nhằm tăng cường sức mạnh cho đĩa đệm. Các gai xương gây ra cứng và thu hẹp ống sống và bắt đầu chèn ép tủy sống.
  • Khối u: Các khối u ung thư và lành tính (không phải ung thư) đôi khi phát triển trong không gian gần tủy sống. Lúc này, khi thấy khối u chèn ép tủy sống từ bên ngoài vào, người bệnh nên cần xem xét phẫu thuật chèn ép tủy.

3. Cách chẩn đoán hội chứng chèn ép tủy như thế nào?

Để chẩn đoán hội chứng chèn ép tủy, bác sĩ sẽ thăm hỏi về các triệu chứng và khám sức khỏe tổng thể. Quá trình thăm khám trong những trường hợp nghi ngờ hội chứng chèn ép tủy sẽ tập trung tìm các dấu hiệu cho thấy cột sống bị chèn ép, bao gồm phản xạ bất thường, yếu và mất cảm giác ở chân và tay.

Ngoài ra, bác sĩ cũng cần chỉ định các xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán chèn ép tủy sống bao gồm:

  • Chụp X-quang cột sống: Chụp X-quang có thể thấy các gai xương đẩy vào dây thần kinh cột sống. Công cụ này cũng có thể cho thấy sự liên kết bất thường của cột sống.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể cho phép quan sát chi tiết hơn về tủy sống và các mô xung quanh.
  • Các công cụ khác: Bác sĩ cũng có thể đề nghị thực hiện chụp tủy đồ, chụp CT đặc biệt bao gồm tiêm thuốc nhuộm vào cột sống hoặc đo điện cơ, xét nghiệm điện để đo hoạt động của cơ để tìm bằng chứng của hội chứng chèn ép tủy.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể giúp bác sĩ chẩn đoán hội chứng chèn ép tủy
Chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể giúp bác sĩ chẩn đoán hội chứng chèn ép tủy

4. Làm thế nào để điều trị hội chứng chèn ép tủy?

Điều trị hội chứng chèn ép tủy phụ thuộc vào nguyên nhân và loại triệu chứng đang gặp phải.

Nhiều trường hợp chèn ép tủy sống cần phải phẫu thuật chèn ép tủy khẩn cấp nhưng trong những trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể đề xuất các liệu pháp không phẫu thuật để giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như dùng thuốc và tập vật lý trị liệu.

4.1 Giảm đau tại chỗ

Người bệnh có thể thử một số biện pháp khắc phục tại nhà để giúp kiểm soát cơn đau và viêm trong hội chứng chèn ép tủy mạn tính, bao gồm chườm nóng, chườm đá, mát-xa và tắm nước ấm.

4.2 Dùng thuốc

Đối với nhiều bệnh nhân, thuốc có thể giúp cải thiện các triệu chứng trong hội chứng chèn ép tủy một cách đáng kể, bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, aspirin và naproxen, có thể giúp làm dịu cơn đau và giảm viêm.
  • Corticosteroid đường uống: Corticosteroid đường uống có thể giúp giảm đau và giảm viêm.
  • Tiêm steroid ngoài màng cứng: Tiêm steroid được tiêm vào khoảng trống bên cạnh gai ngoài màng cứng (phần bao bọc của tủy sống) có thể giúp giảm viêm tại chỗ và giảm đau và sưng. Tuy vậy, thao tác tiêm sẽ không làm giảm áp lực lên cột sống.
  • Thuốc giảm đau gây nghiện: Thuốc gây nghiện được kê đơn vì mục đích giảm đau chỉ trong thời gian giới hạn và chỉ dành cho những người bị đau nghiêm trọng mà chưa thuyên giảm bằng các liệu pháp giảm đau khác.

4.3 Vật lý trị liệu

Các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp giảm đau, tăng cường cơ cổ và tăng tính linh hoạt trong hội chứng chèn ép tủy. Hơn nữa, biện pháp này cũng có thể giúp duy trì sức mạnh và độ bền để người bệnh có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày của mình tốt hơn.

Trong khi đó, các thao tác nắn chỉnh cột sống không được khuyến khích cho những người bị chèn ép tủy sống.

4.4 Đeo nẹp cố định

Nẹp cố định là một vòng đệm quấn quanh cổ hay thắt lưng để giúp giữ ổn định cấu trúc cột sống, hạn chế chèn ép.

4.5 Phẫu thuật

Khi điều trị không phẫu thuật không làm giảm các triệu chứng, bác sĩ sẽ xem xét đến vai trò của phẫu thuật chèn ép tủy. Tuy nhiên, trong các trường hợp mắc phải hội chứng chèn ép tủy cấp tính, nhất là do chấn thương, can thiệp ngoại khoa cần thực hiện cấp cứu.

Tóm lại, mặc dù khó có thể ngăn chặn hoàn toàn các nguyên nhân gây hội chứng chèn ép tủy, mọi người đều có thể ngăn ngừa bằng cách giữ cho lưng khỏe mạnh và giảm đau bằng cách duy trì trọng lượng hợp lý và tập thể dục thường xuyên. Đồng thời, luôn ghi nhớ thực hành cơ học tốt khi đứng, nâng vật nặng và ngồi. Trong trường hợp mắc phải hội chứng chèn ép tủy cấp tính do chấn thương, người bệnh cần được phẫu thuật chèn ép tủy sớm để đảm bảo chức năng vận động về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe