Cai thở máy: Quy trình và xử trí khi bệnh nhân cai máy thất bại

Bài viết bởi Bác sĩ Trương Ngọc Hải - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Cai máy thở là quá trình giảm dần sự hỗ trợ của máy thở và tăng dần thở tự nhiên của người bệnh để có thể đạt chỉ tiêu khi bỏ máy thở. Quá trình này có thể diễn ra vài ngày đến vài tuần, thậm chí hàng tháng. Cai máy thở đối với bệnh nhân khi: đã xử lý được nguyên nhân phải thông khí, duy trì trao đổi khí với mức hỗ trợ thấp nhất (khả năng tự thở < 30 nhịp/phút)...

1. Khi nào chỉ định cai thở máy?

Cai máy thở có tầm quan trọng lớn đối với người bệnh. Máy thở cần được bỏ càng sớm càng tốt bởi nếu kéo dài quá trình này bệnh nhân sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, tổn thương phổi do thở máy, chấn thương đường thở, ... và một số yếu tố nguy cơ gây khó khăn cho quá trình cai máy thở sau này.

Theo đó, việc cai máy thở thành công là khi người bệnh thực hiện được thở tự nhiên mà không cần hỗ trợ cơ học trong thời gian lớn hơn 24 giờ. Tỷ lệ cai máy thở thành công và thời gian cai máy thở thành công là rất khác nhau, phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, bệnh lý, hay các nguyên nhân khác.

Tiêu chuẩn cai máy thở:

  • FiO2 <0.4 với pO2 > 60 và PEEP < 8
  • Bệnh nhân có nhịp thở tự nhiên qua máy thở với tần số < 20
  • Huyết áp tâm thu > 90 mmHg không có vận mạch
  • Nguyên nhân dẫn đến đặt nội khí quản đã được giải quyết.

Tiêu chuẩn rút nội khí quản:

  • Thông khí phút 10 L/phút
  • Chỉ số thở nhanh nông (Tobin Index) < 105
  • Khoảng chết < 50%
  • MIF (maximal inspiratory force) < - 20 mmHg
Chỉ số thở nhanh nông
Chỉ số thở nhanh nông là một trong các tiêu chuẩn rút nội khí quản

2. Các bước thực hiện quy trình cai thở máy

Để cai máy thở thì bệnh nhân cần đáp ứng được các điều kiện cai máy, nếu không đáp ứng được điều kiện có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Có ba cách cai máy thở cơ bản: cai bằng ống chữ T, IMV (SIMV) và PSV (CPAP/PS)

  • Cai máy thở bằng ống chữ T (quá trình bỏ máy ngắt quãng) thường thích hợp cho các trường hợp có tim phổi bình thường và thời gian thở máy ngắn (dưới 3 ngày). Phương pháp này có những ưu điểm như: đánh giá được khả năng thở tự nhiên thực sự của bệnh nhân, có thể sử dụng phép thử cơ lực của cơ hô hấp, đánh giá sớm và thường xuyên khả năng tự thở của bệnh nhân, thời gian cai có thể diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số nhược điểm như: kỹ thuật viên sẽ mất nhiều thời gian hơn cho quá trình hơn, một số bệnh nhân khó chuyển ngay sang bỏ máy đột ngột, không bù được sức cản đường thở do ống nội khí quản, có thể làm bệnh nhân quá gắng sức và mệt mỏi cơ hoành.

  • IMV/SIMV. Phương pháp này không làm mất thời gian của kỹ thuật viên, đồng thời nó rất dễ áp dụng. Nó đảm bảo thông khí phút tối thiểu. Bên cạnh đó nó còn có hệ thống báo động hiện đại. Ngoài ra, có thể sử dụng phương pháp này kết hợp với PSV (CPAP/PS). Tuy nhiên, sử dụng phương pháp này cũng gặp một số nhược điểm như không có sự đồng thì giữa máy và bệnh nhân, nguy cơ gây công thở cao, có thể kéo dài thời gian quá trình cai, bệnh nhân mệt hơn và có thể làm cho tình trạng bệnh xấu đi.
IMV/SIMV
Hơi thở cơ học trên IMV/SIMV

  • PSV (CPAP/PS): Phương pháp này cải thiện một số thông số của phương pháp IMV, và nó còn có một số ưu điểm như: duy trì hoạt động của cơ hoành, tăng sự đồng thì giữa máy và bệnh nhân, bù lại công hô hấp yêu cầu, hỗ trợ tất cả các nhịp thở, tránh được các gánh nặng lên cơ hô hấp cho đến giai đoạn cuối cùng của quá trình cai máy thở. Tuy nhiên, nó cũng có một số nhược điểm như: chế độ backup không chắc chắn, thông khí phút có thể rất biến động, tăng áp lực trung bình đường thở.

3. Khi bệnh nhân cai máy thất bại nên làm gì ?

  • F (fluid) quá tải thể tích : lợi tiểu nếu có chỉ định
  • A (airway resistance): sức cản đường thở: kiểm tra cỡ nội khí quản, tắc nghẽn hay quá nhỏ?
  • I (infection): nhiễm khuẩn: điều trị kháng sinh theo phác đồ
  • L (lying down): tư thế nằm, không đạt tỉ số thông khí/tưới máu (V/Q): nâng cao đầu giường
  • T (thyroid, toxicity of drug): tuyến giáp, ngộ độc thuốc: kiểm tra chức năng tuyến giáp, kiểm tra lại danh mục thuốc đang sử dụng.
  • O (oxygen): thiếu oxy : tăng oxy khi bệnh nhân bỏ máy thở.
  • W (wheezing): co thắt : điều trị bằng khí dung
  • E (electrolytes, eating): điện giải, chế độ ăn: điều chỉnh lại K/Mg/PO4/Ca, cung cấp năng lượng phù hợp.
  • A (anti-inflammatory needed?): nhu cầu thuốc chống viêm: cân nhắc cho corticoids ở bệnh nhân hen, COPD
  • N (neuromuscular disease, neuro status compromised): bệnh lý thần kinh cơ, trạng thái suy sụp thần kinh: cân nhắc các bệnh lý như cơn nhược cơ, lupus ban đỏ, bệnh lý thần kinh do steroid/liệt, đảm bảo rằng bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn.
Chăm sóc bệnh nhân viêm phổi thở máy
Một số trường hợp bệnh nhân có thể thất bại trong quá trình cai máy thở

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám và điều trị bệnh uy tín được nhiều Quý khách hàng lựa chọn. Tại Vinmec không chỉ có cơ sở vật chất, hệ thống máy móc y tế hiện đại mà còn có không gian, dịch vụ y tế toàn diện đi kèm với yêu cầu của Quý khách hàng. Đặc biệt người thực hiện thăm khám, điều trị, tư vấn sức khỏe tại Vinmec đều là các Y, Bác sĩ được đào tạo bài bản chuyên sâu sẽ đem lại sự hài lòng cho tất cả mọi người.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan