Cách kiểm soát chỉ số tiểu đường ở người già

Với những người cao tuổi thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ngày càng cao. Việc theo dõi chỉ số đường huyết ở người cao tuổi thường xuyên là việc làm thực sự rất cần thiết giúp phát hiện bệnh, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời cũng như ngăn chặn những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra cho người bệnh.

1. Bệnh tiểu đường ở người cao tuổi

Tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường, đây là bệnh lý chuyển hóa, đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu mạn tính, kèm theo các rối loạn chuyển hóa glucid, lipid và protein. Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt sẽ làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng cấp và mạn tính.

Người cao tuổi mắc tiểu đường thường khá khó trong việc chẩn đoán, vì người bệnh có thể mắc cùng lúc nhiều bệnh hoặc bị suy giảm trí nhớ gây cản trở cho các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Trong một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, cứ 5 - 6 người trên 60 tuổi sẽ có 1 người được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường. Điều trị bệnh tiểu đường ở người già trở nên đáng lo ngại là vì đa phần người bệnh đều mắc kèm các bệnh khác như tim mạch, huyết áp, mỡ máu cao...

Tùy thuộc vào từng giai đoạn tiến triển của bệnh tiểu đường, các phương pháp điều trị bệnh bằng thuốc và không dùng thuốc, thay đổi lối sống lành mạnh hơn để hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm ở người già bị tiểu đường.

Một số đặc điểm chung của người cao tuổi khi mắc bệnh tiểu đường:

  • Người cao tuổi với khả năng tiết insulin của tuyến tụy và độ nhạy cảm của insulin với tế bào sẽ càng giảm, dẫn đến lượng đường trong máu càng cao. Vì thế, người cao tuổi bị bệnh tiểu đường thường khó kiểm soát bệnh hơn so với những người trẻ tuổi hơn.
  • Nguy cơ xảy ra các biến chứng tiểu đường ở mắt, thận, tổn thương thần kinh, mạch máu... nhiều hơn.
  • Người cao tuổi thường mắc kết hợp với nhiều bệnh lý khác nhau như mạch, suy gan, suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi...
  • Hoạt động của thận ở người già bị rối loạn nên làm giảm khả năng đào thải đường qua nước tiểu, dẫn đến lượng đường trong máu càng dễ tăng cao hơn.
  • Sức khỏe về thể chất suy yếu nên để có thể kiểm soát đường huyết cần phải điều chỉnh chế độ luyện tập sao cho phù hợp, chưa kể khi tập thể dục người cao tuổi có nguy cơ bị ngã nên hết sức thận trọng.
  • Người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị hạ đường huyết, mà các dấu hiệu hạ đường huyết ở người già thường không đặc trưng nê rất khó để nhận biết.
  • Việc thay đổi chế độ ăn, thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh gặp nhiều trở ngại đối với người cao tuổi.
  • Tùy tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh mà có chỉ số đường huyết ổn định phù hợp. Không có một mức chỉ số đường huyết chung áp dụng cho tất cả người cao tuổi mắc tiểu đường.

Chính vì những đặc điểm trên mà nguyên tắc điều trị đái tháo đường ở người cao tuổi cũng có những khác biệt hơn, cụ thể:

  • Tránh nguy cơ hạ đường huyết.
  • Chấp nhận mục tiêu kiểm soát đường huyết ở mức tương đối.
  • Hạn chế xảy ra các biến chứng đái tháo đường và chăm sóc phù hợp.
  • Kiểm tra, theo dõi tình trạng huyết áp, lipid máu đạt mục tiêu.
  • Hạn chế xảy ra tình trạng mất nước, thiếu dinh dưỡng, viêm nhiễm.

2. Cách kiểm soát chỉ số tiểu đường ở người già

Đối với những người cao tuổi mắc tiểu đường thì đường huyết lúc đói nên duy trì ở mức dưới 7.5mmol/l hoặc dưới 8mmol/l.

Còn về chỉ số HbA1C nên duy trì ở mức 7.5% hoặc thậm chí lên đến 8% cũng vẫn chấp nhận được.

Người già bị tiểu đường thường có nguy cơ cao dẫn đến tình trạng mất nước, giảm thị lực và rối loạn tri giác, do đó làm cho bệnh nhân suy yếu và tăng nguy cơ té ngã. Ngoài ra tình trạng hạ đường huyết do sử dụng thuốc điều trị tiểu đường có thể gây hậu quả nghiêm trọng hư ngã gây chấn thương hoặc làm các bệnh lý đi kèm nặng hơn.

Do đó mục tiêu kiểm soát chỉ số đường huyết nằm trong giới hạn cho phép thực sự rất quan trọng giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, cần tùy theo tình trạng sức khỏe chung, thời gian sống còn dự kiến của người bệnh để có phác đồ phù hợp.

Khi được thăm khám và điều trị, bác sĩ sẽ xác định ngưỡng đường huyết phù hợp cho từng người bệnh. Qua đó sẽ đưa ra hướng dẫn điều trị, cũng như hướng dẫn thực hiện chế độ ăn uống, tập luyện sao cho phù hợp với từng đối tượng.

Dưới đây là một số cách giúp kiểm soát chỉ số tiểu đường ở người già bao gồm:

  • Tự theo dõi đường huyết tại nhà bằng máy đo đường huyết cá nhân có lợi giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, đặc biệt ở bệnh nhân đang dùng thuốc có khả năng gây hạ đường huyết (như insulin, sulfonylurea). Nên kiểm tra lượng đường máu trước bữa ăn và trước khi đi ngủ.
  • Những bệnh nhân chỉ kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn hoặc thuốc không có nguy cơ hạ đường huyết có thể không cần máy đo đường huyết cá nhân tại nhà.
  • Định kỳ đo lường chỉ số HbA1c mỗi 3 tháng khi đường huyết của người bệnh chưa được ổn định. Nếu bệnh nhân đạt mục tiêu đường huyết ổn định có thể duy trì đo chỉ số này mỗi 6 tháng.
  • Tất cả các bệnh nhân dùng thuốc uống hạ đường huyết hoặc insulin đều phải hướng dẫn tự phát hiện và xử lý hạ đường huyết.
  • Tiết chế ăn uống cũng rất có lợi trong kiểm soát tiểu đường ở người già. Tuy nhiên, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh có thể là một thách thức đối với một số người cao tuổi, vì các bệnh đường tiêu hóa thông thường khiến họ có nguy cơ bị thiếu dinh dưỡng. Những vấn đề này bao gồm như khó nuốt, chán ăn, khó tiêu và các vấn đề về ruột, ăn ít nhưng lại nhanh no. Người lớn tuổi có thể cần thêm liệu pháp dinh dưỡng vào kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường như chất bổ sung, protein hoặc chất tăng calo lỏng để duy trì cân nặng, nới lỏng hạn chế thực phẩm...
  • Thuốc dùng với mục đích kiểm soát lượng đường trong máu, có thể tương tác với các loại thuốc hoặc chất bổ sung khác. Bác sĩ sẽ là người giúp những người bệnh cân bằng giữa hiệu quả dùng thuốc với nguy cơ hạ đường huyết và tương tác thuốc.

Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp các thông tin liên quan đến một số cách giúp kiểm soát chỉ số tiểu đường ở người già. Người cao tuổi mắc tiểu đường cần được theo dõi chỉ số đường huyết phù hợp nhằm điều trị kịp thời để hạn chế những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

828 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan