Các biến chứng sau thay khớp gối có thể gặp

Khi khớp gối bị tổn thương gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng sinh hoạt, thì phẫu thuật thay khớp gối có thể là lựa chọn tốt nhất. Song vẫn có nhiều người phân vân có nên thay khớp gối không, hoặc lo lắng không biết thay khớp gối có đau không, có biến chứng sau thay khớp gối không?

1. Có nên thay khớp gối không?

Không phải tất cả bệnh nhân có bệnh lý khớp gối đều nên thay khớp gối. Phẫu thuật thay khớp gối thường được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Người bị cứng khớp hoặc đau khớp nặng làm hạn chế các hoạt động sinh hoạt thường ngày như đi bộ, đi lên cầu thang, đứng lên hoặc ngồi xuống.
  • Người bị đau khớp gối vừa phải hoặc nặng trong mọi thời gian sinh hoạt.
  • Người bị viêm và sưng khớp gối mạn tính, tình trạng này không được cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc.
  • Người bị biến dạng khớp gối, khớp gối bị vẹo ngoài hoặc vẹo trong.
  • Người bị bệnh lý ở khớp gối nhưng không thấy có sự cải thiện đáng kể khi áp dụng các phương pháp điều trị khác như là sử dụng thuốc chống viêm, tiêm chất bôi trơn, tiêm cortisone, vật lý trị liệu hoặc thực hiện các thủ thuật khác.

Trong các trường hợp này, người bệnh nên cân nhắc tới phương pháp phẫu thuật thay khớp gối để có chất lượng cuộc sống tốt hơn sau này.

2. Các biến chứng sau thay khớp gối

Trong quá trình thực hiện phẫu thuật thay khớp gối, bác sĩ sẽ loại bỏ phần sụn và xương bị hỏng của người bệnh trước khi tiến hành cấy ghép khớp gối nhân tạo thay thế.

Sau khi thay khớp gối nhân tạo, bệnh nhân sẽ cảm thấy cơn đau ở khớp được giảm đi một cách đáng kể. Bên cạnh đó, khả năng đi lại và vận động của người bệnh cũng như thực hiện các công việc sinh hoạt hàng ngày cũng có sự chuyển biến tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo cũng có chứa những rủi ro riêng. Nhưng theo thống kê từ các chuyên gia y tế thì khả năng biến chứng sau thay khớp gối xảy ra có tỉ lệ không tới 2%. Các biến chứng lớn như là nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ ít xảy ra hơn nữa.

Các bệnh mạn tính có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng thay khớp gối. Tuy hiếm gặp, nhưng một khi xảy ra, các biến chứng này có thể kéo dài hoặc gây hạn chế khả năng phục hồi hoàn toàn của bệnh nhân. Một số biến chứng thay khớp gối mà bệnh nhân có thể gặp, bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn: Biến chứng nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở các vết thương hoặc ở sâu bên dưới quanh bộ phận cấy ghép. Tình trạng này có thể xảy ra ngay trong khoảng thời gian nằm viện hoặc sau khi người bệnh về nhà, thậm chí nó có thể xảy ra vào nhiều năm sau đó. Nhiễm khuẩn nhẹ ở vết thương chỉ cần điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh. Với các trường nhiễm trùng nặng hoặc sâu, bác sĩ có thể cần tiến hành phẫu thuật lại và tháo bỏ bộ phận cấy ghép.
  • Hình thành cục máu đông: Hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch ở chân là biến chứng thường gặp nhất của phẫu thuật thay khớp gối. Các cục máu đông hình thành có thể đe dọa tới tính mạng khi chúng bị vỡ ra và di chuyển tới phổi, tới tim, não. Vì vậy, bác sĩ sẽ lập kế hoạch để giúp bệnh nhân phòng ngừa, có thể bao gồm các bài tập nâng cao chân định kỳ, bài tập cho bắp chân giúp tăng tuần hoàn máu ở chân,...
  • Các vấn đề về cấy ghép: Mặc dù thiết kế và vật liệu khớp gối nhân tạo cũng như kỹ thuật phẫu thuật thay khớp gối đang ngày càng tiến bộ, tuy nhiên các bề mặt của khớp gối nhân tạo vẫn có thể bị bào mòn và dần trở nên lỏng lẻo. Bên cạnh đó, mặc dù biên độ vận động khớp gối trung bình dự kiến sau khi thực hiện phẫu thuật thường là 115 độ, nhưng sự tạo thành sẹo ở khớp gối đôi khi vẫn có thể xảy ra, làm hạn chế vận động của bệnh nhân, đặc biệt là ở các bệnh nhân bị vận động hạn chế trước khi phẫu thuật.
  • Các cơn đau kéo dài: Một số ít bệnh nhân sẽ tiếp tục đối mặt với các cơn đau sau khi phẫu thuật thay khớp gối. Biến chứng sau thay khớp gối này thường khá hiếm gặp, bởi vì phần lớn người bệnh đều sẽ cảm thấy giảm đau hiệu quả sau khi tiến hành thay khớp gối nhân tạo.
  • Bị tổn thương hệ thần kinh - mạch: Biến chứng này hiếm gặp nhưng tổn thương thần kinh hoặc tổn thương mạch máu quanh khớp gối vẫn có thể xảy ra trong khi phẫu thuật.
  • Cứng khớp: Một số biến chứng cơ học gây ra do khớp gối nhân tạo, đôi khi cần phải thay lại khớp mới như là:
    • Khớp gối nhân tạo không vững.
    • Mòn khớp.
    • Lỏng khớp nhân tạo.

3. Cách biện pháp giảm biến chứng sau thay khớp gối

  • Bình tĩnh chờ cho vết thương được lành hoàn toàn.
  • Chú ý đến vấn đề luyện tập thể dục thể thao sau khi thay khớp gối.
  • Tiến hành chườm lạnh xung quanh khớp gối.
  • Sử dụng thuốc giảm đau nếu cần.
  • Chú ý việc làm sạch vết thương.

Mặc dù tỉ lệ biến chứng sau thay khớp gối thường thấp, tuy nhiên cũng giống như các liệu pháp can thiệp y tế khác, phẫu thuật thay khớp gối cũng tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro đặc trưng. Vì vậy, bệnh nhân cần thăm khám kỹ và thực hiện đúng theo các yêu cầu của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, hạn chế nguy cơ xảy ra biến chứng sau khi phẫu thuật thay khớp gối.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan