Sốt xuất huyết gây tử vong thế nào?

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng thường bị giảm tiểu cầu một cách đáng kể, xuất huyết, thoát dịch, nhiễm trùng máu, suy đa tạng và trường hợp xấu nhất có thể tử vong.

1. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, bệnh thường bùng phát vào mùa mưa tại những vùng có vệ sinh môi trường kém, nhiều ao tù nước đọng. Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hoặc vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết điển hình có những diễn biến cơ bản:

  • Giai đoạn sốt: Trong 3 ngày đầu tiên, bệnh nhân sốt cao, đau đầu, đau mỏi khắp người... giống như các sốt virus thông thường khác.
  • Giai đoạn nguy hiểm: Từ cuối ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7, bệnh nhân lui sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm hơn như: giảm tiểu cầu máu ngoại biên và tăng tính thấm thành mạch máu gây thoát dịch, cô đặc máu, suy đa tạng, nhiễm trùng máu và có thể dẫn tới tử vong.
  • Giai đoạn hồi phục: Từ ngày thứ 7 trở đi, các rối loạn này sẽ tự hồi phục dần. Tuy nhiên, người bệnh sẽ còn cảm giác mệt mỏi trong vòng 1 đến 2 tuần tiếp theo.

2. Tử vong do sốt xuất huyết

Điều trị sốt xuất huyết
Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể bị những đốm chảy máu, xuất huyết trên da

Luôn có một tỉ lệ nhất định các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, có nguy cơ tử vong do sốt xuất huyết. Ngoài ra, những ca có tình trạng cảnh báo nặng mà không được xử trí kịp thời, bệnh nhân đến muộn cũng khiến bệnh có nguy cơ diễn biến nặng hơn dẫn đến tử vong.

Các biến chứng nặng xuất hiện chủ yếu trong giai đoạn nguy hiểm, tức là từ ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh. Trong giai đoạn này, bệnh nhân đã lui sốt nên đôi khi chủ quan, cho rằng bệnh đã khỏi.

Bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết nặng thường do nguyên nhân giảm tiểu cầu trong máu ngoại biên, tăng tính thấm thành mạch, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng.

Giảm tiểu cầu trong máu ngoại biên: giảm tiểu cầu trong sốt xuất huyết có nghĩa là mất khả năng đông máu và không thể chống lại các nhiễm trùng. Số lượng tiểu cầu thường giảm đáng kể vào ngày thứ 4 của bệnh. Nếu bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng giảm tiểu cầu, sẽ có những đốm chảy máu, xuất huyết trên da, các bộ phận khác trên cơ thể và thoát huyết tương. Sốt xuất huyết nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi, gan hoặc tim. Huyết áp có thể giảm xuống mức nguy hiểm, gây sốc, trong một số trường hợp có thể gây tử vong.

Tăng tính thấm thành mạch gây thoát dịch, cô đặc máu. Trong khi biến chứng xuất huyết thường dễ nhận biết thì biến chứng thoát dịch đôi lại tương đối khó tự nhận biết, thậm chí đến giai đoạn sốc người bệnh mới tự phát hiện ra. Chính vì thế, nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo của biến chứng này, kèm theo khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ để phát hiện sớm nếu tình trạng bệnh trở nên nặng hơn để can thiệp kịp thời.

Nhiễm trùng máu và suy đa tạng: là biến chứng nguy hiểm gây tử vong ở rất nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết. Suy đa tạng là rối loạn chức năng ít nhất 2 hệ thống cơ quan ở bệnh nhân có bệnh lý cấp tính mà không thể duy trì sự cân bằng nội môi nếu không có can thiệp điều trị. Thường gặp nhất trong sốt xuất huyết suy đa tạng là suy gan tối cấp, suy thận, tụt huyết áp, suy tim... Khi bệnh nhân gặp biến chứng suy đa tạng, cần phải lọc máu cấp cứu liên tục ngay.

3. Dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng

Sốt xuất huyết
Trẻ sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường có thể là dấu hiệu cảnh báo của sốt xuất huyết nặng

Biểu hiện bệnh sốt xuất huyết rất đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Biến chứng thường gặp của bệnh là sốc, xuất huyết và suy đa tạng, người bệnh có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm:

  • Xuất huyết dưới da: Các chấm hay đốm màu đỏ trên da, chảy máu mũi, lợi, chảy máu chân răng,...
  • Xuất huyết tiêu hóa, đau bụng dữ dội, kinh nguyệt ra nhiều hoặc chảy máu âm đạo, đi ngoài phân đen.
  • Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật.
  • Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm.
  • Khó thở.
  • Đường tiết niệu, gan to, nổi hạch ở cổ.
  • Sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường.

Do đó, ngay khi bị sốt xuất huyết, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để được khám, xét nghiệm để đánh giá mức giảm tiểu cầu trong máu.

Trường hợp được điều trị ngoại trú, người bệnh cũng cần khám và xét nghiệm định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ, theo dõi sát. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của sốt xuất huyết nặng trên, cần đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, tránh bệnh diễn biến nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

48.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan