Vì sao xét nghiệm NIPT không phải là xét nghiệm chẩn đoán?

Bài viết được viết bởi BS Lý Thị Thanh Hà, Trung tâm Công nghệ cao Vinmec

Xét nghiệm sàng lọc tiền sinh không xâm lấn (Non – invasive prenatal testing, NIPT) sử dụng DNA tự do hay còn gọi là DNA ngoại bào (cfDNA) trong máu mẹ có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao khi sàng lọc các bất thường như tam nhiễm sắc thể 21, 18 và 13. Trong những nghiên cứu lớn độ nhạy cho các loại tam nhiễm sắc thể 21, 18 và 13 lần lượt là 99,7%, 97,9% và 99%, trong khi tỷ lệ dương tính giả (false – positive rate FPR) chỉ 0,04% cho mỗi loại tam nhiễm sắc thể. Bên cạnh đó với nhóm đơn nhiễm sắc thể X (monosomy X – Hội chứng Turner) có độ nhạy chỉ 95,8% và tỷ lệ dương tính giả là 0,14%. Với những thông số trên, NIPT là một xét nghiệm sàng lọc có độ chính xác rất cao. Tuy nhiên, NIPT vẫn chỉ là xét nghiệm sàng lọc và không thể thay thế cho xét nghiệm chẩn đoán.

1. DNA tự do của thai nhi từ bánh nhau

Nguyên nhân đầu tiên khiến xét nghiệm sàng lọc tiền sinh không xâm lấn không phải là xét nghiệm chẩn đoán dù có độ nhạy và độ đặc hiệu cao là do DNA tự do của thai nhi trong dòng máu mẹ là từ các tế bào nhau thai phóng thích sau quá trình chết tế bào theo chu trình (apoptosis). Vì vậy xét nghiệm sàng lọc tiền sinh không xâm lấn chỉ đánh giá sự bất thường số lượng nhiễm sắc thể trên các tế bào này chứ không phải trực tiếp thai nhi, nên những trường hợp có sự khác biệt về bộ vật chất di truyền của thai và nhau thai đều gây ảnh hưởng đến kết quả NIPT. Và trong những trường hợp có sự khác biệt giữa tế bào thai và nhau thai này ta gọi đó là thể khảm bánh nhau (confined placental mosaicism – CPM). Thể khảm bánh nhau thường gây ra dương tính giả cho kết quả xét nghiệm sàng lọc tiền sinh không xâm lấn và thường gặp ở đơn nhiễm sắc thể X, tam nhiễm sắc thể số 13 hơn so với tam nhiễm sắc thể 18 hay tam nhiễm sắc thể 21. Và trong những trường hợp nghi ngờ dương tính giả (đặc biệt ở nhóm đơn nhiễm sắc thể X), để chẩn đoán xác định ta cần sử dụng DNA từ mẫu dịch ối (thông qua phương pháp chọc ối) hơn là DNA từ mẫu gai nhau (qua phương pháp sinh thiết gai nhau).

Sinh thiết gai nhau khi nào
Sử dụng DNA từ mẫu gai nhau xét nghiệm sàng lọc tiền sinh chẩn đoán xác định

2. Khảm bánh nhau gây ra âm tính giả

Như đã nói ở trên thể khảm bánh nhau thường gây ra dương tính giả hơn là âm tính giả tuy nhiên theo nghiên cứu của Samura và cộng sự tỷ lệ âm tính giả của xét nghiệm sàng lọc tiền sinh vào khoảng 0.01%. Nguyên nhân là do một số lượng lớn các tế bào trong nhau thai mang bộ nhiễm sắc thể bình thường, chỉ một số ít tế bào nhau thai mang bất thường dẫn đến kết quả xét nghiệm sàng lọc tiền sinh không xâm lấn âm tính.

3. Kết quả trái ngược nhau hoàn toàn giữa nhau thai và thai

Trong một số rất ít các trường hợp có thể xảy ra dương tính giả cho một loại bất thường số lượng nhiễm sắc thể và âm tính giả cho một loại bất thường số lượng nhiễm sắc thể khác. Có thể kể đến trường hợp kết quả nguy cơ cao với đơn nhiễm sắc thể X, tuy nhiên thai nhi lại mang 47,XYY. Nguyên nhân là do nhiễm sắc thể Y không phân ly gây ra hai dòng tế bào 45,X và 47,XYY với dòng tế bào 45,X tạo thành nhau thai và dòng tế bào 47,XYY tạo thành thai nhi.

4. Sự hiện diện của song thai tiêu biến

Sự hiện diện của song thai tiêu biến trong giai đoạn sớm của thai kỳ (thai phụ và bác sỹ có thể biết hoặc không biết sự tiêu biến này) có thể gây ra kết quả NIPT dương tính giả trong trường hợp thai nhi tiêu biến và nhau thai có bất thường số lượng nhiễm sắc thể. Đó là do tế bào nhau thai của thai nhi tiêu biến vẫn còn phóng thích DNA tự do vào dòng máu mẹ tại thời điểm lấy mẫu. Sự tồn tại cfDNA từ nhau thai của song thai tiêu biến này có thể tồn tại nhiều tuần sau khi thai nhi bị tiêu biến. Tuổi thai lúc tiêu biến càng lớn thời gian này càng kéo dài.

Song thai
Sự hiện diện của song thai tiêu biến gây ra kết quả NIPT dương tính giả

5. Mẹ mang thể khảm hoặc bệnh lý ác tính ảnh hưởng kết quả NIPT

Thông thường khi lấy máu mẹ làm xét nghiệm xét nghiệm sàng lọc tiền sinh không xâm lấn tại thời điểm khoảng 10 tuần, tỷ lệ cfDNA của mẹ và của nhau thai lần lượt khoảng 90% và 10%. Tuy nhiên, nếu mẹ mang thể khảm (thường gặp khảm đơn nhiễm sắc thể X) có thể ảnh hưởng đến kết quả NIPT (thường gây ra dương tính giả với đơn nhiễm sắc thể X). Ngoài ra, trong một số trường hợp mẹ bị bệnh lý ác tính cũng có thể gây ra sai lệch kết quả xét nghiệm sàng lọc tiền sinh không xâm lấn.

6. Kết luận

NIPT là một xét nghiệm sàng lọc với độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao (đặc biệt với tam nhiễm sắc thể 21, 18 và 13). Tuy nhiên không thể sử dụng kết quả NIPT như một yếu tố duy nhất để đưa ra các quyết định đối với thai kỳ. Ngoài ra NIPT chỉ khảo sát mức độ số lượng nhiễm sắc thể. Vì thể để sàng lọc toàn bộ thai kỳ cần kết hợp với lâm sàng và các xét nghiệm khác cũng như tư vấn kết quả xét nghiệm với bác sỹ sản khoa và bác sỹ di truyền.

Kỹ thuật sàng lọc trước sinh không xâm lấn NIPT đang được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, mang lại cải thiện vượt trội về kết quả sàng lọc trước sinh, chất lượng dịch vụ cao theo tiêu chuẩn khuyến cáo của ILLUMINA giúp can thiệp sớm và hiệu quả với những thai nhi có dị tật. Phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT) được coi là “chìa khóa” để “giải mã” dị tật thai nhi từ lúc tuổi thai còn rất nhỏ. Ngoài ra, tại hệ thống các Phòng khám, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên toàn quốc có chương trình THAI SẢN TRỌN GÓI giúp mẹ bầu yên tâm chăm sóc sức khỏe của mình và bé yêu cả trước sinh - trong khi sinh và sau khi sinh với đầy đủ các xét nghiệm cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: