Mẹ mang thai có máu Rh - có nguy hiểm?

Khi sản phụ và thai nhi mình mang các yếu tố protein Rhesus (Rh) khác nhau thì tình trạng được gọi là bất đồng nhóm máu Rh hoặc yếu tố Rh không tương thích. Tình trạng này xảy ra khi sản phụ có Rh âm tính và thai nhi là Rh dương tính.

1. Yếu tố Rh ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Yếu tố Rh là một loại protein đặc hiệu được tìm thấy trên bề mặt tế bào hồng cầu. Giống như nhóm máu hệ ABO, nhóm máu Rh được thừa hưởng từ gen di truyền của cha mẹ. Hầu hết mọi người đều có Rh(+), nhưng một tỷ lệ nhỏ người là Rh(-) do họ không có protein Rh.

Biểu tượng dương tính hoặc âm tính sau nhóm máu cho biết yếu tố Rh của bạn. Ví dụ: Nhóm máu được ghi là AB+ được ghi trong hồ sơ bệnh án của bạn có nghĩa là bạn nhóm máu AB và Rh(+) hay Rh dương tính.

Yếu tố Rh không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn, tuy nhiên, yếu tố Rh đóng vai trò rất quan trọng trong thai kỳ. Nếu một người phụ nữ có Rh(-) và thai nhi là Rh(+), thì cơ thể người mẹ sẽ xem protein Rh(+) của thai nhi như vật thể lạ, do đó nếu hệ thống miễn dịch của người mẹ tiếp xúc với máu của con trong quá trình mang thai, chuyển dạ và sinh nở, hệ thống miễn dịch của người mẹ sẽ tạo ra các kháng thể chống lại các tế bào hồng cầu của thai nhi. Kháng thể là một phần của hệ thống miễn dịch cơ thể và chúng phá hủy các chất lạ.

Các kháng thể được tạo ra không phải là vấn đề nguy hiểm trong lần mang thai đầu tiên. Mối quan tâm lớn hơn là với lần mang thai tiếp theo của cùng chính sản phụ đó. Nếu thai nhi tiếp theo mag Rh(+) thì các kháng thể Rh này có thể đi qua nhau thai và phá huỷ các tế bào hồng cầu của thai nhi. Điều này có thể dẫn đến thiếu máu đe dọa tính mạng thai nhi, đây là tình trạng trong đó các tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn khả năng sản xuất hồng của của cơ thể thai nhi, trong khi đó các tế bào hồng cầu đóng vai trò cực kỳ quan trọng để mang oxy đi khắp cơ thể và nuôi dưỡng thai nhi.

Do đó, sản phụ mang Rh(-) được khuyến cáo nên thực hiện một số xét nghiệm máu khác như xét nghiệm sàng lọc kháng thể trong ba tháng đầu của thai kỳ, trong tuần thứ 28 của thai kỳ và khi sinh. Xét nghiệm sàng lọc kháng thể được sử dụng để phát hiện kháng thể chống lại máu Rh(+). Nếu sản phụ chưa bắt đầu sản xuất kháng thể Rh, có thể sản phụ sẽ cần tiêm một sản phẩm máu có tên là globulin miễn dịch Rh. Globulin miễn dịch ngăn cơ thể sản phụ sản xuất kháng thể Rh trong thai kỳ. Nếu em bé sinh ra mang nhóm máu Rh(-) thì không cần điều trị bổ sung, còn em bé sinh ra là Rh(+), sản phụ sẽ cần một mũi tiêm khác ngay sau khi sinh.

Nếu sản phụ Rh(-) và thai nhi có thể là Rh(+), bác sĩ có thể khuyên nên tiêm globulin miễn dịch Rh trong các tình huống máu của sản phụ có thể tiếp xúc với máu thai nhi, bao gồm:

  • Sẩy thai
  • Phá thai
  • Mang thai ngoài tử cung - khi trứng được thụ tinh và làm tổ bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng
  • Cắt bỏ thai trứng (molar pregnancy), đây là khối u không ung thư (lành tính) phát triển trong tử cung
  • Chọc dò nước ối - xét nghiệm tiền sản trong đó mẫu chất lỏng bao quanh và bảo vệ em bé trong tử cung (nước ối) được lấy ra để xét nghiệm hoặc điều trị
  • Lấy mẫu để sinh thiết gai nhau
  • Thử nghiệm di truyền trước sinh (tên tiếng Anh là Cordocentesis), còn gọi là lấy mẫu xét nghiệm máu qua da tại vùng dây rốn (PUBS). Máu được lấy từ tĩnh mạch trong dây rốn để tiến hành kiểm tra các bất thường về nhiễm sắc thể. Bác sĩ thường thực hiện xét nghiệm này khi thai nhi được 18 tuần tuổi. Xét nghiệm này có nguy cơ sảy thai cao hơn xét nghiệm chọc ối hay sinh thiết gai nhau. Nói chung, xét nghiệm này chỉ được thực hiện khi kết quả của các xét nghiệm khác không rõ ràng.
  • Chảy máu khi mang thai
  • Chấn thương bụng khi mang thai
  • Bác sĩ hoặc hộ sinh thực hiện xoay tư thế của thai nhi bằng thủ công trước khi chuyển dạ
  • Trong quá trình sinh con bị chảy máu và có sự tiếp xúc giữa máu của mẹ và trẻ

Nếu xét nghiệm sàng lọc kháng thể cho thấy sản phụ đã sản xuất kháng thể thì việc tiêm globulin miễn dịch Rh sẽ không có hiệu quả. Thai nhi và sản phụ sẽ được theo dõi cẩn thận và sát sao. Người đó có thể được truyền máu qua dây rốn khi mang, nếu cần thiết, thai nhi có thể được truyền máu qua dây rốn hoặc ngay sau khi sinh.

me-mang-thai-co-mau-rh---co-nguy-hiem-1
Thử nghiệm di truyền trước sinh

2. Các triệu chứng của không tương thích Rh là gì?

Các triệu chứng không tương thích Rh ở thai nhi có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Khi các kháng thể của bà mẹ tấn công các tế bào hồng cầu con với triệu chứng của bệnh tan máu, điều này có nghĩa là các tế bào hồng cầu em bé đang bị phá hủy và dẫn đến tích tụ bilirubin trong máu.

Bilirubin là một chất hóa học được tạo ra từ sự phá vỡ các tế bào hồng cầu. Quá nhiều bilirubin là dấu hiệu cho thấy gan đang có vấn đề về xử lý các tế bào máu cũ.

Em bé có thể có một hoặc nhiều triệu chứng sau đây nếu nồng độ bilirubin cao sau khi sinh:

  • Vàng da và vàng củng mạc
  • Thờ ơ
  • Trương lực cơ thấp

Những triệu chứng này sẽ giảm dần sau khi điều trị không tương thích Rh thành công.

3. Ai là người có nguy cơ mắc không tương thích Rh?

Bất kỳ người phụ nữ nào có Rh âm tính và có chồng là Rh dương tính hoặc có tình trạng Rh không xác định thì đều có nguy cơ mang thai không tương thích Rh. Tuy nhiên, do trong cộng đồng có tỷ lệ thấp những người có nhóm máu Rh(-) nên bệnh này không xảy ra thường xuyên.

Cơ thể cần có thời gian để phát triển kháng thể, vì vậy đứa trẻ đầu tiên thường bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu người mẹ trở nên nhạy cảm vì sảy thai hoặc phá thai, lần sinh sống đầu tiên của chính bà mẹ này có thể bị ảnh hưởng bởi bà mẹ này đã sản sinh kháng thể và xuất hiện hiện tượng không tương thích Rh.

Một khi người mẹ có thể tiếp xúc với máu Rh dương trong các xét nghiệm hoặc thủ tục trước khi sinh, ví dụ là chọc ối. Trong xét nghiệm này, bác sĩ sử dụng kim để lấy một ít chất lỏng từ túi ối nhằm kiểm tra các vấn đề ở thai nhi đang phát triển.

4. Bệnh Rh không tương thích được chẩn đoán như thế nào?

Mẹ mang thai có máu Rh - có nguy hiểm?
Xét nghiệm máu để xác định tình trạng Rh của sản phụ

Xét nghiệm máu để xác định tình trạng Rh của sản phụ có thể sẽ được thực hiện trong lần khám thai đầu tiên.

Nếu sản phụ là Rh(-) khi mang thai thì người chồng cũng có thể được kiểm tra để xác định nhóm máu. Nếu người chồng của sản phụ cũng là Rh(-) thì không có gì phải lo lắng. Còn nếu người chồng Rh(+) thì bác sĩ sẽ tìm kiếm các dấu hiệu không tương thích Rh như:

  • Kỹ thuật Coomb gián tiếp dùng để tìm xem một mẫu huyết thanh có kháng thể chống lại một loại hồng cầu đặc biệt và kỹ thuật này cũng xác định các kháng thể tiềm năng chưa làm ngưng kết trong mẫu cần tìm (Hình 11). Xét nghiệm này được thực hiện bởi ủ tế bào hồng cầu với mẫu huyết thanh, rửa để loại bỏ bất cứ kháng thể không liên kết và sau đó thêm một kháng thể thứ 2 chống kháng thể trên để tạo liên kết các tế bào.
  • Nồng độ bilirubin cao hơn bình thường trong máu trẻ sơ sinh là dấu hiệu của sự không tương thích Rh. Ở một em bé đủ tháng dưới 24 giờ, nồng độ bilirubin nên dưới 6.0 miligam mỗi decilit (dL).
  • Dấu hiệu phá hủy hồng cầu trong máu trẻ sơ sinh có thể cho thấy tình trạng Rh không tương thích. Điều này có thể được xác định bởi hình dạng và cấu trúc của các tế bào hồng cầu khi kiểm tra dưới kính hiển vi.
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra máu bé để tìm các kháng thể của mẹ đang phá vỡ các tế bào hồng cầu của trẻ.

5. Rh không tương thích được điều trị như thế nào?

Điều trị tập trung vào việc ngăn chặn những ảnh hưởng của sự không tương thích Rh. Trong trường hợp nhẹ, em bé có thể được điều trị sau khi sinh như sau:

  • Truyền máu
  • Chất lỏng hydrat hóa
  • Chất điện giải
  • Quang trị liệu

Quang trị liệu là cách trị liệu phổ biến nhất trong việc giảm nồng độ bilirubin (tác nhân gây bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh). Đèn chiếu vàng da là một thiết bị với chi phí thấp, hiệu suất cao và nhỏ gọn nhưng có thể cho ánh sáng cường độ cao giúp cải thiện tình trạng tăng bilirubin trong máu. Tuỳ thuộc vào tình trạng của trẻ, kỹ thuật này có thể được lặp đi lặp lại cho đến khi hết các kháng thể Rh và lượng bilirubin dư thừa đã được loại bỏ khỏi máu của trẻ.

Nếu mang thai và bác sĩ xác định rằng bạn đã phát triển kháng thể chống lại em bé, thai kỳ của bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Bạn có thể ngăn ngừa ảnh hưởng của sự không tương thích Rh bằng cách tiêm globulin miễn dịch Rh (RhIg) trong ba tháng đầu, trong khi sẩy thai hoặc khi bị chảy máu trong thai kỳ. Sản phẩm máu này chứa kháng thể với yếu tố Rh. Nếu thai nhi có nhóm máu Rh dương, bà mẹ nên tiêm mũi thứ hai vài ngày sau khi sinh.

Trong những trường hợp rất hiếm gặp và nghiêm trọng, kỹ thuật truyền máu qua dây rốn có thể được thực hiện trong khi thai nhi vẫn ở trong tử cung hoặc sau khi sinh. Tuy nhiên, do sự thành công của các mũi tiêm RhIg đã khiến việc điều trị này chỉ chưa tới 1% các sản phụ không tương thích Rh ở Hoa Kỳ mới phải thực hiện.

6. Biến chứng của không tương thích Rh

me-mang-thai-co-mau-rh---co-nguy-hiem-3
Có những biến chứng nào của không tương thích Rh?

Trong các trường hợp nghiêm trọng mà ảnh hưởng của sự không tương thích Rh không được ngăn chặn, có thể dẫn đến các biến chứng nặng. Những biến chứng này có thể bao gồm:

  • Tổn thương não thai nhi, được gọi là vàng da nhân não (kernicterus)
  • Trẻ bị tích tụ chất lỏng
  • Trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần, khả năng chuyển động, thính giác và lời nói
  • Co giật
  • Thiếu máu
  • Suy tim
  • Tử vong

Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan