Ốm nghén: Buồn nôn và nôn khi mang thai lúc nào sẽ bắt đầu?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Uyên Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Ốm nghén hiểu đơn giản là cảm thấy buồn nôn và nôn, xảy ra nhiều lần trong một ngày. Với đa số bà bầu thì triệu chứng ốm nghén khi mang thai thường bắt đầu sớm nhất từ tuần thứ 4 - 6 của thai kỳ và sẽ thuyên giảm sau ba tháng đầu. Tuy nhiên, một số người lại diễn biến tình trạng ốm nghén nặng hơn và khó kiểm soát.

1. Ốm nghén là gì?

Ốm nghén là tình trạng khi bà bầu cảm thấy khó chịu, đầy hơi ở bụng, xuất hiện nhiều lần trong một ngày. Khi mới bắt đầu có thai thì ốm nghén là tình trạng rất phổ biến. Ốm nghén khi mang thai thường không gây hại cho thai nhi nhưng nó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của sản phụ, cả khi làm việc hay trong các sinh hoạt bình thường.

2. Ốm nghén từ tuần thứ mấy?

Phụ nữ đang mong muốn có thai thường sẽ thắc mắc “Ốm nghén bắt đầu khi nào?”. Triệu chứng ốm nghén khi mang thai thường bắt đầu trước tuần thứ 9 của thai kỳ. Đối với hầu hết phụ nữ, tình trạng này sẽ biến mất sau khoảng 14 tuần mang thai (rơi vào tam cá nguyệt thứ hai). Một số sản phụ lại bị ốm nghén nặng, kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng. Có trường hợp kéo dài suốt thai kỳ.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

3. Phân biệt ốm nghén nặng và ốm nghén nhẹ

Một số phụ nữ chỉ cảm thấy buồn nôn thoáng qua một hoặc hai lần trong ngày. Tình trạng này được xem là ốm nghén nhẹ. Trường hợp ốm nghén nặng là khi cơn buồn nôn kéo dài vài giờ mỗi ngày và xảy ra nôn ói thường xuyên hơn. Việc có điều trị ốm nghén hay không phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của bà mẹ mang thai, chứ không phải là tình trạng ốm nghén nhẹ hay nặng.

4. Hội chứng nôn nghén là gì?

Hội chứng nôn nghén là dạng ốm nghén nặng nhất của thai kỳ, với tỷ lệ xảy ra khoảng 3%. Phụ nữ được chẩn đoán bị nôn nghén khi trọng lượng cơ thể trước khi sinh giảm tới 5% và bị mất nước nghiêm trọng (do nôn ói quá nặng). Bà bầu bị nôn nghén cần điều trị để ngăn chặn tình trạng nôn mửa, cân bằng nước và điện giải cho cơ thể. Đôi khi sản phụ cần phải nhập viện để theo dõi.

5. Ốm nghén nặng xảy ra khi nào?

Những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ xảy ra ốm nghén nặng khi mang thai:

  • Mang đa thai.
  • Đã từng bị ốm nghén trong lần mang thai trước (nhẹ hoặc nặng).
  • Mẹ hoặc chị em gái của thai phụ bị ốm nghén khi mang thai.
  • Đã từng bị say tàu xe hoặc đau nửa đầu.
  • Mang thai con gái.

Ốm nghén nặng xảy ra nhiều hơn đối với mẹ bầu mang thai
Ốm nghén nặng xảy ra nhiều hơn đối với mẹ bầu mang thai

6. Ốm nghén có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Tình trạng buồn nôn và nôn khi mang thai thường không gây hại cho sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, sản phụ cần phải tìm cách khắc phục bằng cách bổ sung đủ nước và điện giải để tránh bị mất nước và giảm cân quá mức, ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi sau khi sinh. Mất nước quá mức có thể dẫn đến rối loạn ở tuyến giáp, gan và nước ối.

7. Thời điểm tốt nhất để điều trị ốm nghén khi mang thai

Người mẹ liên tục buồn nôn và nôn mửa trong thời kỳ mang thai có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe khác và trở nên khó điều hơn. Do đó, các chuyên gia khuyên nên điều trị sớm để ốm nghén không ảnh hưởng nghiêm trọng.

8. Bị ốm nghén phải làm sao?

Thay đổi lối sống và cải thiện chế độ ăn uống có thể giúp thai phụ cảm thấy đỡ hơn. Có thể áp dụng những gợi ý sau đây:

  • Bổ sung vitamin tổng hợp.
  • Ăn nhẹ với bánh mì khô hoặc bánh quy vào buổi sáng trước khi ra khỏi giường để tránh bụng đói khi di chuyển.
  • Uống nước nhiều lần.
  • Tránh tiếp xúc với mùi khó chịu.
  • Chia làm nhiều bữa ăn nhỏ, thay vì ba bữa chính.
  • Nếu có thể, dùng những món ăn nhạt. Ví dụ, chế độ ăn kiêng BRATT (bao gồm chuối, gạo, táo, bánh mì nướng và trà) ít chất béo và dễ tiêu hóa.
  • Sử dụng trà gừng, viên nang gừng và kẹo gừng (chế biến từ gừng thật).

Nếu nôn ói quá nhiều, men răng có khả năng bị mòn do acid dạ dày trào ngược lên. Để khắc phục, có thể súc miệng với một ly nước hòa tan khoảng một muỗng cà phê baking soda để giúp trung hòa acid và bảo vệ men răng.

9. Thuốc điều trị ốm nghén

Nếu chế độ ăn uống và lối sống không thể giải quyết các triệu chứng của ốm nghén, hoặc nếu bị ốm nghén nặng, thì bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị bằng thuốc:

  • Vitamin B6 và Doxylamine: Vitamin B6 là thuốc điều trị không cần kê đơn và được ưu tiên sử dụng trước. Doxylamine là một hoạt chất thường có trong các loại thuốc ngủ không kê đơn, có thể được bổ sung vào điều trị nếu dùng vitamin B6 không làm giảm triệu chứng. Cả vitamin B6 và Doxylamine được dùng một mình hoặc phối hợp đều an toàn đối với bà mẹ mang thai và không có tác dụng phụ cho thai nhi.
  • Thuốc chống nôn: Nếu cả vitamin B6 và Doxylamine cũng không thể giúp ích thì bác sĩ sẽ cân nhắc đến các loại thuốc chống nôn. Có nhiều loại thuốc chống nôn khá an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn một số thuốc còn thiếu bằng chứng về sự an toàn, cần nghiên cứu thêm. Tùy theo tình trạng mà bác sĩ sẽ lựa chọn một thuốc điều trị thích hợp.

Nếu ốm nghén quá nặng, thai phụ cần truyền dịch để bù nước và điện giải
Nếu ốm nghén quá nặng, thai phụ cần truyền dịch để bù nước và điện giải

Nếu tình trạng ốm nghén quá nặng vượt tầm kiểm soát, thai phụ cần phải nhập viện điều trị cho đến khi các triệu chứng ổn định trở lại. Một số xét nghiệm được thực hiện để kiểm tra hoạt động của gan. Nếu bị mất nước nghiêm trọng, thai phụ cần được truyền dịch qua đường truyền tĩnh mạch. Trong trường hợp bạn tiếp tục nôn ói, bác sĩ sẽ phải dùng ống để truyền thức ăn cho bạn.

Trong mọi trường hợp chữa trị cho thai phụ bị ốm nghén nặng, nôn ói nhiều, thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo cho cả mẹ và bé nhận được đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Tóm lại, ốm nghén được xem là một trong những biểu hiện rất hiển nhiên đối với mọi phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, không phải vì thế mà phụ nữ có thể xem thường tình trạng này. Trên thực tế ốm nghén có khả năng trở thành một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi nếu không được điều trị đúng cách.

Ốm nghẹn nặng có thể dẫn đến ngộ độc thai nghén vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt là các thai phụ đa thai, huyết áp cao, mắc tiểu đường thai kỳ, có tiền sử mắc bệnh tim, béo phì. Ngoài ra, ốm nghén nặng còn gây ra tình trạng thai nhi chậm phát triển, cơ thể mẹ mệt mỏi, sức khỏe kém, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và bé.


Hình ảnh khách hàng được tư vấn sức khỏe sau khi khám thai tại Vinmec
Hình ảnh khách hàng được tư vấn sức khỏe sau khi khám thai tại Vinmec

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe