Trẻ nhỏ thiếu kẽm nên bổ sung chất gì?

Kẽm là vi chất dinh dưỡng không thể thiếu đối với sự phát triển thể lực, trí tuệ ở trẻ em. Vì vậy, bổ sung đầy đủ nhu cầu kẽm trong các giai đoạn phát triển của trẻ là vô cùng quan trọng. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ về thông tin “trẻ em thiếu kẽm nên bổ sung gì”.

1. Kẽm có vai trò như thế nào đối với cơ thể

Kẽm là vi chất dinh dưỡng có mặt ở nhiều cơ quan trong cơ thể với hàm lượng khoảng 2 – 3 g, trong đó chúng phân bố nhiều nhất ở tinh hoàn (300 μg/g), tóc (150 μg/g), xương (100 μg/g), thận, cơ vân, da, não... Ở trẻ nhỏ, kẽm đóng vai trò trong tăng sinh tế bào và các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể ngay từ giai đoạn bào thai đến khi trẻ trưởng thành. Theo đó, vai trò cụ thể của vi chất kẽm như sau:

  • Kẽm tham gia vào quá trình tổng hợp protein và chuyển hóa năng lượng.
  • Tham gia vào thành phần của các men tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động miễn dịch.
  • Tham gia vào quá trình hấp thu, vận chuyển vitamin A.
  • Kẽm có vai trò hỗ trợ cho hoạt động và chuyển hóa insullin.
  • Vai trò trong quá trình trung hòa gốc oxy hóa và giúp vết thương nhanh lành.
  • Kẽm có ảnh hưởng đến nhận thức, tri giác và sự phát triển của thai nhi.
  • Tác động đến quá trình tạo tinh dịch và nội tiết tố sinh dục.

Bên cạnh đó, vi chất kẽm còn tham gia bảo vệ các tế bào khứu giác và vị giác giúp trẻ ăn ngon miệng, tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao thể lực, phát triển chiều cao cho trẻ. Vì vậy, trẻ em thiếu kẽm dễ dẫn đến các tình trạng bệnh lý như suy dinh dưỡng, chậm lớn, hệ miễn dịch thấp.

2. Trẻ em thiếu kẽm thường do nguyên nhân nào?

Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy trẻ em thiếu kẽm thường do các nguyên nhân sau:

  • Nguyên nhân thiếu máu, vì vi chất sắt và kẽm hầu như có cùng nguồn gốc và sự phân bố trong thức ăn nên các yếu tố ảnh hưởng đến hấp thu vi chất sắt và kẽm cũng tương tự như nhau.
  • Lượng kẽm trong cơ thể bị giảm do nguyên nhân dùng nhiều thuốc kháng sinh. Đối với các bé phải uống nhiều thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh lý thì sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu kẽm trong cơ thể.
  • Chế độ dinh dưỡng hàng ngày không bổ sung đầy đủ vi chất kẽm cũng như các chất dinh dưỡng.
  • Một số trường hợp thiếu kẽm ở trẻ em là nguyên nhân bẩm sinh, do người mẹ trong thời gian mang thai không được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Một số loại thuốc kháng sinh có thể khiến trẻ em thiếu kẽm
Một số loại thuốc kháng sinh có thể khiến trẻ em thiếu kẽm

3. Trẻ em thiếu kẽm biểu hiện như thế nào?

Mặc dù không có chỉ số đặc hiệu nào phản ánh chính xác tình trạng thiếu kẽm và không có triệu chứng rõ rệt nhưng tình trạng thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, đa phần trẻ em thiếu kẽm đều có những biểu hiện như sau:

  • Trẻ ăn không ngon miệng, từ đó dẫn đến tình trạng chán ăn, biếng ăn và ăn ít hơn.
  • Hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng như táo bón nhẹ, chậm tiêu, cảm giác buồn nôn và nôn.
  • Trẻ chậm phát triển chiều cao, còi cọc, thiếu máu, da dẻ kém hồng, suy dinh dưỡng đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi.
  • Trẻ thường xuyên bị thức giấc khi ngủ, hay trằn trọc, khó chịu và quấy khóc.
  • Hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm, biểu hiện qua việc trẻ dễ bị ốm, nhiễm trùng tái diễn đường hô hấp, viêm da, tiêu hóa, chậm lành vết thương...

Trẻ em thiếu kẽm nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng, dậy thì chậm, giảm hoạt động các tuyến nội tiết nhất là tuyến giáp... do tốc độ tổng hợp protein và DNA bị suy giảm. Vì vậy “trẻ thiếu kẽm bổ sung gì” là thắc mắc chung của nhiều bậc phụ huynh.

4. Trẻ em thiếu kẽm nên bổ sung gì?

Trẻ em thiếu kẽm nên bổ sung đủ hàm lượng vi chất này thông qua các phương thức như chế độ ăn uống chứa đủ dinh dưỡng, khuyến khích cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn đầu đời, dự phòng và điều trị các bệnh liên quan đến thiếu kẽm...

Tuy nhiên, trẻ em có nhu cầu về kẽm lớn hơn so với người trưởng thành do tốc độ tăng trưởng nhanh và cơ thể cần tổng hợp nhiều protein có chứa kẽm cho các phản ứng tổng hợp, chuyển hóa... Ở mỗi giai đoạn khác nhau trẻ em cần nhu cầu về kẽm là khác nhau để có thể tối ưu sự phát triển về trí tuệ, thể chất đặc biệt là chiều cao của trẻ.

4.1. Bổ sung kẽm qua chế độ dinh dưỡng

Đối với trẻ em sau sinh thì sữa mẹ là nguồn cung cấp kẽm dồi dào, an toàn và dễ hấp thu hơn so với sữa tươi hay sữa công thức. Vì vậy, các mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục duy trì đến khi trẻ được 2 tuổi. Tuy nhiên, hàm lượng dinh dưỡng trong sữa mẹ sẽ giảm dần theo thời gian nên việc bổ sung thêm vi chất kẽm cho bé qua thực đơn hàng ngày là cần thiết.

Vậy “trẻ em thiếu kẽm nên ăn gì”, theo khuyến cáo từ các chuyên gia, xây dựng thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho trẻ thiếu kẽm nên phối hợp từ 4 nhóm thức ăn, trong đó cần có các thực phẩm giàu sắt/kẽm, cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng. Một số loại thực phẩm giàu kẽm có thể kể đến như sau:

  • Thịt đỏ: Các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò hoặc gia cầm được xem là nhóm dinh dưỡng có nhiều kẽm nhất. Đây cũng là nhóm thực phẩm có thể chế biến với nhiều món ăn khác nhau giúp bé thay đổi khẩu vị, không gây nhàm chán.
  • Hàu: Là loại thức ăn chứa nhiều vi chất kẽm, khoảng 5 mg kẽm có trong mỗi con hàu.
  • Sữa và sản phẩm từ sữa như sữa chua, bơ sữa bên cạnh công dụng cung cấp Canxi cho cơ thể thì chúng cũng chứa một lượng kẽm khá dồi dào.
  • Tôm, cua và các loại hải sản: Khẩu phần ăn của trẻ nên chứa tôm, cua và hải sản một ngày trong tuần sẽ giúp bổ sung cho trẻ lượng kẽm cần thiết cho cơ thể.
  • Các loại rau củ quả như bông cải xanh, khoai lang, đậu phộng, nấu... Ước tính trong 125 g rau của quả tươi có chứa 0,4 mg kẽm. Bên cạnh công dụng bổ sung kẽm cho cơ thể, rau củ quả còn cung cấp nhiều chất xơ cho trẻ và giúp trẻ không bị táo bón.

Trẻ em thiếu kẽm có thể bổ sung qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày
Trẻ em thiếu kẽm có thể bổ sung qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày

4.2. Bổ sung kẽm bằng uống thuốc bổ sung kẽm

Mặc dù việc bổ sung kẽm thông qua chế độ dinh dưỡng hay qua các công nghệ nuôi cấy vẫn đảm bảo là tự nhiên, dễ hấp thụ và an toàn cho sức khỏe của bé, tuy nhiên bổ sung vi chất kẽm cho trẻ bằng thuốc uống cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc bác sĩ dinh dưỡng. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc bổ sung kẽm cho trẻ.

Sử dụng thuốc để bổ sung kẽm với liều lượng tương đương nhu cầu kẽm sinh lý hàng ngày theo độ tuổi của trẻ. Theo đó, nhu cầu kẽm của trẻ theo độ tuổi như trong bảng sau:

Bảng nhu cầu kẽm hàng ngày của trẻ theo độ tuổi

Độ tuổi của trẻ Nhu cầu kẽm
< 6 tháng tuổi 2 mg
7 – 12 tháng 3 mg
1 – 3 tuổi 3 mg
4 – 8 tuổi 5 mg
9 – 13 tuổi 8 mg
> 14 tuổi Bé trai: 11 mg
Bé gái: 9 mg

4. Lưu ý khi bổ sung kẽm ở trẻ em

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ thiếu kẽm thì các bậc cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ như sau:

  • Mẹ không nên bổ sung kết hợp canxi hoặc sắt cùng một thời điểm với kẽm. Việc sử dụng canxi cùng với kẽm sẽ giảm hấp thu và tăng bài tiết kẽm của cơ thể, thời điểm tốt nhất là sau 2 tiếng bổ sung kẽm.
  • Kết hợp vitamin C và kẽm giúp làm tăng hiệu quả hấp thu của cả hai thành phần. Do vậy, các mẹ nên sử dụng các loại rau xanh, hoa quả có chứa nhiều vitamin C từ đó giúp trẻ hấp thu dễ dàng hơn, tăng cường sức đề giúp trẻ phát triển nhanh chóng.

Bên cạnh vi chất kẽm, bé cần được bổ sung thêm các vi chất cần thiết: selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các tình trạng về tiêu hóa.

Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Để có thêm kiến thức về việc chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, bạn hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng khi cần tư vấn nhé.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe