Phục hồi tâm lý cho trẻ bị bỏ rơi

Nỗi sợ bị bỏ rơi của một đứa trẻ thường bắt nguồn từ một hoặc một vài biến cố mất mát trong quá khứ như cha hoặc mẹ qua đời hoặc cha mẹ ly thân, ly hôn. Trẻ bị bỏ rơi sẽ có biểu hiện như thế nào?

1. Như thế nào gọi là trẻ bị bỏ rơi?

Trẻ bị bỏ rơi là tình trạng một đứa trẻ không cung cấp hoặc không đáp ứng các nhu cầu cơ bản về cảm xúc, giáo dục, phát triển thể chất và y tế. Bỏ rơi khác với trẻ bị ngược đãi ở đặc điểm đó là nó thường xảy ra mà không có ý định gây hại cho các bé.

Các loại bỏ rơi khác nhau đó là:

  • Bỏ rơi sự phát triển của trẻ: Bao gồm việc không cung cấp đầy đủ thức ăn, quần áo, nơi ở, sự giám sát và bảo vệ trẻ khỏi những nguy hại có thể xảy ra.
  • Bỏ rơi cảm xúc của trẻ: Là việc không cung cấp tình cảm, tình yêu thương hoặc các hình thức hỗ trợ tinh thần khác cho trẻ.
  • Bỏ rơi giáo dục: Là việc không cho trẻ đi học, không đảm bảo đi học, hoặc cung cấp việc học ở nhà cho trẻ.
  • Bỏ rơi y tế: Là không đảm bảo đáp ứng được nhu cầu y tế của trẻ như chăm sóc thích hợp hoặc các điều trị cần thiết cho các tình trạng chấn thương hoặc rối loạn thể chất hoặc tâm thần.

Tuy nhiên, việc không cung cấp dịch vụ chăm sóc phòng ngừa như tiêm phòng, khám răng thường xuyên thường sẽ không được xem là bị bỏ rơi.

2. Biểu hiện khi trẻ bị bỏ rơi

Ở mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có những biểu hiện của sự bỏ rơi như:

  • Trẻ dưới 2 tuổi: Ở độ tuổi này, khi bị bỏ rơi, trẻ sẽ có những rối loạn ăn uống (bỏ bú, nôn ói), rối loạn giấc ngủ (trẻ khóc đêm, giật mình). Bé dễ bị nhiễm khuẩn (viêm hô hấp, tiêu chảy) do tình trạng stress gây suy giảm hệ thống miễn dịch.
  • Trẻ từ 3-5 tuổi: Trẻ bị bỏ rơi ở độ tuổi này sẽ có những dấu hiệu thoái lùi như ngừng nói mặc dù trước đó đã biết nói, kém tập trung, khiến cho cô giáo khó chấp nhận cho bé vào lớp mẫu giáo.
  • Trẻ 6-10 tuổi: Ở giai đoạn này, các con sẽ gặp khó khăn trong học tập vì kém trí nhớ, thiếu ngủ, ác mộng, mộng du.
  • Trẻ vị thành niên: Nếu bị bỏ rơi trong giai đoạn này, các bạn nhỏ thường say mê trò chơi vi tính, tiếp cận với Internet, nghiện chat, thích kết bạn trong thế giới ảo để có bạn tâm sự, tập hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma túy, bỏ học, trầm cảm, dọa tự tử.
trẻ bị bỏ rơi
Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, khóc đêm là biểu hiện khi trẻ bị bỏ rơi

3. Trẻ bị bỏ rơi nguy hiểm như thế nào?

Việc lo sợ mất đi những người thân hoặc sự vật trẻ yêu quý là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu nỗi sợ đó có thể trở nên trầm trọng, thường trực đến mức ám ảnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống. Điều này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, khiến bé không thể xây dựng được những mối quan hệ tốt cũng như không có một cuộc sống bình yên thoải mái.

Một đứa trẻ từng phải chịu đựng nỗi đau bị bỏ rơi dễ gặp phải tình trạng khó khăn hoặc căng thẳng về mặt tâm lý, bởi con luôn lo sợ bi kịch sẽ tái diễn. Như một đứa trẻ đã từng bị cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng bỏ rơi hoặc không chăm sóc đầy đủ thường có tính cách thay đổi thất thường, hay khóc hoặc dỗi hờn, dễ nóng giận, cáu gắt. Tình trạng này không được khắc phục có thể kéo dài đến khi đứa trẻ đó lớn lên, thậm chí trong suốt cuộc đời của trẻ. Những hành vi bốc đồng hay cáu kỉnh như thế sẽ khiến cho những người xung quanh ngại tiếp xúc và xa lánh trẻ.

Sự bỏ rơi của cha mẹ không nhất thiết là phải ở hai nơi khác nhau mà có thể diễn ra cả về mặt thể xác lẫn tinh thần. Một người cha hay mẹ không thể hiện tình cảm yêu thương với trẻ, thường xuyên lạnh lùng hoặc thờ ơ cũng là một hành vi bỏ rơi, kể cả khi họ cùng sống dưới một mái nhà.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ không ngừng tự hỏi rằng tại sao cha mẹ lại bỏ mình. Trẻ liên tục tự hỏi rằng:

  • Con đã làm gì sai để cha hoặc mẹ đối xử như vậy?
  • Tại sao cha mẹ không yêu mình ?
  • Tại sao cha mẹ luôn cưng chiều em gái hay em trai hơn mình?
  • ...

Và rồi con sẽ luôn bị ám ảnh bởi việc phải tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên. Bé lo sợ là do bản thân không ngoan, không dễ thương, hoặc nghĩ rằng mình bất bình thường, nên cha mẹ mới làm như thế. Những suy nghĩ sai lệch rằng mình không đáng được bố mẹ yêu thương có thể được đứa trẻ mang theo suốt cuộc đời. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy trẻ không dám kết bạn, e ngại sự gần gũi với mọi người và gặp khó khăn trong mọi mối quan hệ.

Tệ hơn, một số đứa trẻ bị bỏ rơi có thể có những suy nghĩ lệch lạc rằng chúng cần phải tự bảo vệ bản thân mình khỏi mọi nỗi đau bằng mọi giá. Sau này, khi những đứa trẻ này lớn lên, có thể trở thành những người lớn khó gần, luôn sống với suy nghĩ rằng thà bỏ rơi người khác hoặc tự tay chấm dứt một mối quan hệ trước, còn hơn là để người ta bỏ rơi mình.

Trong nhiều trường hợp, nỗi sợ bị bỏ rơi của trẻ còn có mối liên hệ một cách mật thiết với chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Như một tai nạn thảm khốc đã khiến cho trẻ mất đi những người thân yêu, hoặc một môi trường sống không an toàn - nơi mà trẻ đã từng bị ngược đãi cả về mặt thể chất lẫn tinh thần - đều có thể gây ra những chấn thương tâm lý nặng nề với trẻ, bao gồm cả nỗi sợ bị bỏ rơi.

Sang chấn tâm lý có thể xảy ra ở những đứa trẻ phải sống trong môi trường gia đình ngột ngạt như bị người thân trêu đùa cảm xúc, hoặc bị cha mẹ đặt ra những kỳ vọng quá cao. Hoặc những đứa trẻ sống trong những gia đình có cha mẹ cũng có vấn đề về mặt tâm lý, có biểu hiện sở hữu hoặc bấu víu trẻ như thể giá trị của họ chỉ được quyết định bởi sự thành đạt hoặc xuất chúng của con mình.

Nỗi sợ bị bỏ rơi trở lên nghiêm trọng và kéo dài còn gây tác động tiêu cực đến lòng tự trọng của trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có lòng tự trọng thấp sẽ dễ kết bạn với những người cũng có những niềm tin tiêu cực giống họ.

Nỗi sợ bị bỏ rơi và lòng tự trọng thấp khiến cho trẻ không tin tưởng bất kỳ ai, không dám tin vào cuộc sống, thường cảm thấy mình vô dụng, không thích các mối quan hệ quá thân thiết hay gần gũi. Một số trường hợp sẽ thường xuyên phải chống chọi lại tình trạng lo âu, trầm cảm, hay phụ thuộc quá mức vào người khác, không dám đối mặt với những khó khăn khác trong cuộc sống.

trẻ bị bỏ rơi
Giúp trẻ tái kết nối với xã hội bằng việc đi chơi với bạn bè

4. Phục hồi tâm lý cho trẻ bị bỏ rơi

Phục hồi tâm lý cho trẻ bị bỏ rơi cần diễn ra từ từ trong một khoảng thời gian dài. Cha mẹ và những thành viên khác trong gia đình cần có trách nhiệm quan sát và hỗ trợ các bé trong thời gian này. Dưới đây là một số biện pháp giúp trẻ cải thiện tâm lý bị bỏ rơi.

  • Đừng lơ là các dấu hiệu bất thường của các con: Bạn cần quan tâm bé, bày tỏ tình yêu thương, không dò xét. Thường xuyên trò chuyện, gợi mở để trẻ có thể chia sẻ với bạn về những gì bản thân đang trải qua. Cha mẹ cần thực sự lắng nghe và sẵn sàng giúp đỡ trẻ giải quyết những vấn đề mà con đang gặp phải.
  • Động viên bé kết nối với xã hội: Những đứa trẻ bị bỏ rơi dẫn tới trầm cảm thường có xu hướng tự tách mình ra khỏi các hoạt động yêu thích với bạn bè. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến cho tình trạng trầm cảm thêm tồi tệ. Bạn hãy khéo léo giúp trẻ tái kết nối với xã hội bằng việc đi chơi, du lịch...
  • Củng cố sức khỏe thể chất cho con: Sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất có sự kết nối chặt chẽ. Vấn đề về tâm thần ở trẻ bị bỏ rơi sẽ trầm trọng hơn nếu con không hoạt động, ngủ ít và dinh dưỡng kém. Bạn hãy hỗ trợ trẻ bằng cách tạo lập một thói quen sống tích cực bằng các hoạt động vui chơi có đầy đủ cả gia đình vào những ngày nghỉ.
  • Biết được khi nào trẻ cần kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia: Khi cha mẹ đã áp dụng các biện pháp trên nhưng tình trạng này không cải thiện thì có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý học hoặc thần kinh học.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan