Làm gì khi bé 9 tháng nôn trớ, chậm tăng cân?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác đã từng làm việc tại Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Thủ Đức và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, với thế mạnh trong việc chẩn đoán, khám bệnh lý sơ sinh - hồi sức sơ sinh.

Trẻ 9 tháng bị nôn trớ, lười ăn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí não, khả năng phản xạ và tiếp thu của bé. Ngoài ra, sức đề kháng yếu là cơ hội để các loại vi khuẩn dễ xâm nhập và gây bệnh làm bé càng thêm biếng ăn, chậm tăng cân.

1. Hiện tượng nôn trớ ở trẻ

Nôn là hiện tượng các chất bên trong dạ dày bị đẩy ngược qua miệng do tác động gắng sức của cơ thể. Nôn trớ xảy ra sau khi trẻ ăn no, thức ăn hoặc sữa sẽ trào ra khỏi miệng sau mỗi lần rướn người hoặc thay đổi tư thế một cách đột ngột.

Thông thường tình trạng nôn trớ ở trẻ độ tuổi ăn dặm là biểu hiện cho một số bệnh lý tiêu hóa như như trào ngược dạ dày thực quản, có thể là triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp hay là bệnh lý toàn thân,....

Nôn trớ ở trẻ được chia thành 2 dạng đó là nôn trớ sinh lý và nôn trớ bệnh lý.

  • Nôn trớ sinh lý: Sau khi sinh do dạ dày trẻ còn nhỏ, nằm ngang nên trẻ rất dễ nôn trớ. Sau 8-9 tháng tuổi, nôn trớ sinh lý sẽ không còn nữa.
  • Nôn trớ bệnh lý: Ở trường hợp nôn trớ bệnh lý, trẻ thường có các biểu hiện sốt, co giật, kèm theo sốt, ho, phát ban, đau bụng quằn quại, bụng trướng... Trong trường hợp này, mẹ hãy để ý và đưa con đến khám bác sĩ vì rất có thể trẻ đang bị bệnh như nhiễm trùng dạ dày, ngộ độc thức ăn, hoặc các bệnh viêm màng não, viêm ruột thừa, nhiễm khuẩn, nhiễm virus, hẹp môn vị, lồng ruột, rối loạn vận động dạ dày, thực quản.

Nôn trớ ở trẻ
Nôn trớ ở trẻ

2. Làm gì khi trẻ 9 tháng hay nôn trớ?

Hiện nay có nhiều trường hợp trẻ 9 tháng tuổi hay bị nôn trớ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Do đó việc chăm sóc trẻ 9-10 tháng tuổi là điều vô cùng quan trọng.

  • Khi trẻ đang có dấu hiệu bị nôn trớ thức ăn hoặc sữa ra ngoài, hãy lấy khăn sạch lau miệng cho trẻ và quàng khăn vào cổ đề phòng trẻ nôn trớ tiếp. Không nên bế xốc trẻ lên khi đang nôn trớ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.
  • Không quát mắng hay tỏ thái độ bực tức dễ làm trẻ mất bình tĩnh, quấy khóc và trớ nhiều hơn. Cần nhẹ nhàng nói chuyện để trẻ có thể quên đi việc nôn trớ, đồng thời vuốt ngực và lưng cho trẻ từ trên xuống.
  • Đặt trẻ nằm yên, cần kê cao đầu, đồng thời luôn để thân mình phía trên cao hơn phía dưới để tránh hiện tượng trào ngược.
  • Khi trẻ nôn ra nhiều sữa, nên cho nằm nghiêng sang một bên để không bị hít chất nôn vào phổi. Mẹ cùng cần nhớ không nên cho trẻ uống sữa ngay sau khi nôn ói.
  • Ngoài ra cần nhanh chóng lau sạch mặt và miệng cho trẻ, thay áo, súc miệng để tránh mùi khó chịu do chất nôn gây ra.

Khi nôn trẻ sẽ mất một lượng nước cũng như là các chất điện giải. Do đó biện pháp cần thiết lúc này là bổ sung để bù lượng nước và các chất điện giải cho trẻ. Mẹ có thể dùng dung dịch Oresol, nước cháo muối hay nước trái cây loãng.

Lưu ý khi sử dụng Oresol để bù nước và chất điện giải cho trẻ, mẹ cần chú ý pha theo đúng tỷ lệ hướng dẫn của nhà sản xuất, cho trẻ uống từng ít một và không pha từ sáng mà để đến chiều mới cho trẻ uống.

3. Các biện pháp giảm nôn trớ cho trẻ 9 tháng tuổi

Khi đã có những kiến thức về nôn trớ và cách xử trí, mẹ nên có một chế độ dinh dưỡng cho trẻ 8-9 tháng tuổi để hạn chế tình trạng nôn trớ cho trẻ.

3.1 Đối với trẻ bú sữa mẹ

Mẹ nên cho trẻ bú từ từ, không để bú quá no và chỉ cho trẻ nằm sau khi bú mẹ ít nhất 15 phút. Khi cho trẻ bú, mẹ cần bế đầu và người trẻ nằm trên một đường thẳng, mặt quay vào vú, mũi của trẻ đối diện với núm vú.


Các biện pháp giảm nôn trớ cho trẻ 9 tháng tuổi
Các biện pháp giảm nôn trớ cho trẻ 9 tháng tuổi

Mẹ phải ôm sát con vào người và dùng tay đỡ mông. Sau đó, chạm vú vào môi trên của trẻ, đợi đến khi miệng trẻ mở rộng, mẹ đưa miệng trẻ vào vú sao cho môi dưới của trẻ ở dưới núm vú.

Nên cho trẻ bú bên trái trước (trẻ mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng bên phải). Lúc này hãy chuyển trẻ sang bên phải (vì dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái) để sữa sẽ dễ dàng tuần hoàn mà không gây trào ngược dạ dày.

Sau khi cho trẻ bú xong, cần bế đứng lên và vỗ nhẹ phần lưng để trẻ có thể ợ hơi được. Việc này giúp làm giảm lượng hơi mà trẻ nuốt vào dạ dày, cũng là nguyên nhân gây nôn trớ.

3.2 Đối với trẻ bú bình

Các bà mẹ cần nghiêng bình sữa cho trẻ bú, sao cho sữa ngập cổ bình để tránh nuốt không khí vào dạ dày gây nôn trớ.

3.3 Với trẻ ăn dặm

Khi trẻ mới tập ăn dặm, mẹ không nên ép con ăn nhiều dễ khiến con sợ hãi khi nhìn thấy thức ăn.

Thay vào đó, mẹ có thể chia thức ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày để bảo đảm đủ số lượng thức ăn cần thiết. Các bữa ăn của trẻ nên tập trung và thời gian ăn không kéo dài hơn 30 phút/bữa. Ăn quá lâu dễ làm cho trẻ mệt mỏi, lâu dần sẽ gây cảm giác chán ăn, khiến trẻ khóc và quấy phá.

Đối với những trẻ không thể dung nạp được sữa bò tươi, có thể thay thế bằng sữa đậu nành hoặc sữa bò dưới dạng sữa chua.

Trường hợp trẻ biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe