Phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh và trẻ em

Phát ban nhiệt biểu hiện dưới dạng các mảng mụn nhỏ ở các nếp da. Nguyên nhân là do quá nóng, vì vậy cách tốt nhất để ngăn ngừa phát ban nhiệt là giữ trẻ không bị quá nóng. Nếu trẻ quá nóng, hãy thực hiện các bước để hạ nhiệt cho trẻ ngay lập tức - ví dụ, bằng cách cởi bỏ quần áo và cho trẻ tắm nước ấm hoặc đắp khăn ướt.

1. Phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh và trẻ em là gì?

Phát ban nhiệt là tình trạng tổn thương da khi tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, làm bít lỗ chân lông quá nhiều khiến mồ hôi không thoát ra được. Phát ban nhiệt dễ xảy ra ở trẻ sơ sinh do có lỗ chân lông nhỏ hơn người lớn.

Phát ban nhiệt còn được gọi là rôm sảy, phát ban mùa hè hoặc mụn thịt, phát ban nhiệt trông giống như những mảng mụn nhỏ hoặc đôi khi là mụn nước nhỏ li ti. Các vết sưng có thể đỏ.

Các vị trí thường xảy ra phát ban nhiệt bao gồm:

  • Sau gáy
  • Ngực
  • Vị trí cọ xát nhiều hơn với quần áo, bao gồm cả vùng quấn tã (đặc biệt là nơi tã cọ vào vòng eo)
  • Trên da đầu hoặc trán nếu đội mũ
  • Các nếp gấp trên da, chẳng hạn như cổ, bẹn, nách, khuỷu tay và đầu gối.
Phát ban nhiệt
Phát ban nhiệt có thể xảy ra ở nhiều vị trí

2. Nguyên nhân gây phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh và trẻ em?

Bất kỳ trong trường hợp nào, nếu trẻ bị đổ mồ hôi vì quá nóng đều có thể gây phát ban nhiệt, chẳng hạn như:

  • Thời tiết nóng ẩm
  • Trẻ mặc quá nhiều lớp quần áo, kể cả trong mùa đông
  • Trẻ bị sốt
  • Hoạt động quá nhiều

3. Phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh và trẻ em có nguy hiểm không?

Không, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy trẻ mặc quá ấm và quá nóng, điều này có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn như kiệt sức vì nóng và say nóng . Trẻ mặc quá ấm khi ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) .

hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) .
Phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh có thể gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) .

4. Phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh có gây đau không?

Không, phát ban nhiệt thường không gây đau đớn, nhưng khi tình trạng này diễn ra có thể khiến trẻ bị ngứa. Vết ban có thể mềm khi chạm vào. Bạn nên cắt ngắn móng tay cho trẻ để trẻ không tự gãi nếu phát ban bắt đầu gây ngứa. Hoặc có thể cho trẻ sử dụng áo dài tay với phần tà nhỏ gấp qua tay để bé không tự gãi khi ngủ.

5. Bệnh phát ban nhiệt có lây không?

Không, phát ban nhiệt không lây.

Phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh
Phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh không thể lây được

6. Điều trị phát ban nhiệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bạn cần thực hiện ngay các bước dưới đây để hạ nhiệt cho trẻ:

  • Di chuyển trẻ vào phòng có máy lạnh hoặc chỗ râm mát.
  • Cởi hết quần áo cho trẻ, hoặc mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát.
  • Cho nước mát lên da, tắm cho trẻ hoặc đắp khăn ướt hoặc mát lên da. Sau khi tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, hãy để da trẻ khô thoáng thay vì chà xát trẻ bằng khăn.

Lưu ý: Trừ khi có chỉ định của bác sĩ, bạn không được tự ý sử dụng thuốc mỡ hoặc kem bôi lên vùng phát ban.

7. Ngăn ngừa phát ban nhiệt ở trẻ?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa phát ban nhiệt là giữ cho trẻ không bị quá nóng.

  • Kiểm tra trẻ thường xuyên, đặc biệt là khi thời tiết nóng bức, để biết thân nhiệt của trẻ có quá cao hay không. Nếu trẻ ra quá nhiều mồ hôi và nóng, chứng tỏ trẻ mặc quá nhiều quần áo hoặc nhiệt độ quá cao.
  • Vào những ngày nắng nóng, bạn nên cho trẻ ở trong không gian có điều hòa nhiệt độ, hoặc tìm những nơi mát mẻ, râm mát hoặc có gió để chơi ngoài trời.
  • Bạn cần đảm bảo trẻ được uống đủ nước bằng cách thường xuyên bú mẹ hoặc bú sữa công thức. Cho trẻ mới biết đi hoặc trẻ nhỏ uống nhiều nước để giúp trẻ nhận đủ lượng nước mà cơ thể cần. ( Không cho trẻ dưới 6 tháng uống nước trừ khi bác sĩ chỉ định).
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoải mái khi trời ấm và không mặc quần áo quá chật vào mùa đông. Các loại vải tự nhiên, chẳng hạn như cotton, thấm hút mồ hôi hiệu quả hơn so với hầu hết các loại vải tổng hợp.
  • Chú ý đến những vùng da có xu hướng dễ ẩm ướt, chẳng hạn như cổ, vùng quấn tã và những nơi khác mà có thể đọng lại mồ hôi, nước tiểu hoặc nước dãi, bởi điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phát ban. Cố gắng giữ những khu vực này sạch sẽ và khô ráo nhất có thể.
  • Không sử dụng phấn rôm cho trẻ- không chỉ có thể gây khó thở và kích ứng phổi của trẻ mà còn có thể bít lỗ chân lông và làm da nóng hơn.
  • Nếu trời nóng vào ban đêm, hãy sử dụng máy điều hòa không khí hoặc quạt trong phòng của trẻ. Hướng quạt gần trẻ nhưng không để quạt thổi trực tiếp vào trẻ. Hoặc đặt nó đủ xa đủ để gió đến được vị trí của trẻ.
Cho trẻ uống nước trái cây
Luôn tăng cường đủ nước cho trẻ

8. Có nên gọi cho bác sĩ khi trẻ bị phát ban nhiệt?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ để đảm bảo rằng tình trạng của trẻ là do phát ban nhiệt chứ không phải vì một nguyên nhân nào đó khác. Bạn cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu trẻ có những biểu hiện sau:

  • Phát ban có vẻ ngày càng nặng hơn.
  • Con bạn đang sốt.
  • Phát ban có dấu hiệu nhiễm trùng (cảm thấy nóng hoặc sưng, đỏ, chảy mủ hoặc đóng thành vảy).
  • Phát ban không biến mất sau ba hoặc bốn ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan