Những chấn thương thường gặp ở trẻ em

Trẻ em luôn đòi hỏi được vận động không ngừng để đáp ứng cho giai đoạn phát triển về mặt thể chất. Vì vậy, các chấn thương thường gặp ở trẻ là rất phổ biến, có thể xảy ra ở mỗi gia đình. Cha mẹ cần biết những chấn thương ở trẻ em và cách xử trí kịp thời để đảm bảo an toàn cho con mình.

1. Vết cắt, xước và bầm tím

Trẻ em đang trong giai đoạn phát triển sẽ không ngừng hoạt động. Trẻ liên tục chạy, nhảy, leo trèo và té ngã rất nhiều. Bàn tay, khuỷu tay và đầu gối là những nơi dễ bị chấn thương ở trẻ em nhất. Bạn có thể điều trị vết rách da hay xước, bầm tím mức độ nhẹ cho trẻ tại nhà.

Theo đó, đối với vết cắt và xước da, cần rửa khu vực đó dưới vòi nước chảy cho đến khi sạch cát bụi bẩn bám vào. Bạn có thể sử dụng xà phòng nhẹ. Bôi một ít thuốc mỡ kháng sinh sau khi rửa sạch vị trí bị chấn thương ở trẻ em và băng lại. Gọi cho bác sĩ nếu vết cắt da lớn, sâu hoặc nếu khu vực này trở nên đỏ và sưng hay bạn thấy vết thương chảy mủ - đây là những dấu hiệu của nhiễm trùng nặng.

Đối với các vết bầm tím, hãy làm dịu vết sưng bằng một túi nước đá được quấn trong một miếng vải thấm. Nếu con bạn gặp khó khăn khi đi lại hoặc di chuyển cũng như tình trạng sưng tấy không giảm, hãy gọi cho bác sĩ.

2. Các vấn đề về lưng và vai

Nếu con bạn mang ba lô quá nặng hoặc mang túi một bên vai, trẻ có thể bị đau lưng, cổ và vai cùng với các vấn đề về tư thế. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng trẻ em nên sử dụng cùng lúc hai dây đeo vai và ba lô không được nặng hơn 10% đến 20% trọng lượng cơ thể của trẻ.

chấn thương ở trẻ em
Các vết xước bầm tím là chấn thương ở trẻ em khá thường gặp

3. Mảnh dằm

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, thường rất thích khám phá, sờ chạm và nắm lấy mọi thứ xung quanh. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới các chấn thương thường gặp ở trẻ nói chung và khiến cho các mảnh gỗ, gai, các mảnh vụn sắc nhọn khác dễ dàng chui vào da của trẻ.

Khi trẻ bị mảnh dằm đâm vào da, dùng kim đã được khử trùng bằng cồn tẩy rửa nhẹ nhàng lên da, sau đó dùng nhíp sạch kéo nó ra. Nếu cách này không hiệu quả, hãy thử chạm vào khu vực bằng băng dính để xem liệu có giúp lấy mảnh dằm ra không. Sau khi mảnh dằm được lấy ra, hãy sử dụng thuốc mỡ kháng sinh bôi nên vị trí tổn thương để giúp nó không bị nhiễm trùng.

4. Biến dạng khớp và bong gân

Bóng chày, bóng đá, thể dục dụng cụ là các môn dễ gây chấn thương ở trẻ em. Phần lớn trẻ em đều thích tham gia vào một số môn thể thao nhất định và điều đó có thể dẫn đến rách cơ, dây chằng và gân. Vị trí khớp thường bị bong gân nhất là tại mắt cá chân.

Nếu trẻ bị bong gân, cần nhanh chóng chườm đá, quấn băng cố định và nâng cao chân lên có thể giúp cải thiện triệu chứng. Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen có thể hữu ích. Gọi cho bác sĩ nếu trẻ không thể đi lại hoặc di chuyển vùng bị thương. Tình trạng này gợi ý khả năng trẻ bị gãy xương và cần chụp X-quang để kiểm tra.

5. Gãy xương là một trong những chấn thương ở trẻ em

Các nguyên nhân phổ biến gây gãy xương ở trẻ nhỏ là ngã khỏi ván trượt, xe đạp, bị va chạm và trẻ đưa tay ra ngoài để cố gắng chống đỡ. Lúc này, biến cố gãy xương xảy ra là điều tự nhiên. Vị trí xương gãy sẽ nhanh chóng sưng lên, biến dạng, mất khả năng cử động và trẻ bị đau khi ấn vào hoặc di chuyển. Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu nhìn thấy đầu xương gãy đâm xuyên qua da.

chấn thương ở trẻ em
Gãy xương là một trong những chấn thương ở trẻ em

6. Chấn thương đầu

Trẻ em ở Hoa Kỳ mắc phải từ 1 triệu đến 2 triệu lượt bị chấn thương đầu khi tham gia các hoạt động liên quan đến thể thao và giải trí mỗi năm. Đối với trẻ em dưới 14 tuổi, các nguyên nhân gây chấn thương đầu là đi xe đạp, chơi bóng đá, bóng chày, bóng rổ và ván trượt. Nếu con bạn bị đánh vào đầu, hãy để mắt đến chúng liên tục. Các triệu chứng tổn thương não sau chấn thương đầu thường xuất hiện ngay lập tức nhưng không phải luôn luôn như vậy.

Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu con bạn bất tỉnh, choáng váng hoặc than phiền về thị lực như nhìn mờ hoặc đau đầu dữ dội tăng dần.

7. Gãy răng ở trẻ

Một trong các chấn thương thường gặp ở trẻ là gãy, sứt, mẻ răng. Gần 50% trẻ em sẽ bị một số tổn thương tại răng trong thời kỳ thơ ấu khi đi chơi, té ngã, tham gia thể thao và cả... nếu đánh nhau, vật lộn. Chấn thương gây gãy răng thường xảy ra ở những chiếc răng cửa.

Gọi cho nha sĩ nếu phát hiện thấy răng của trẻ bị gãy, lung lay hoặc nhạy cảm. Nếu một chiếc răng sữa bị rụng hoàn toàn, đừng cố đặt nó trở lại nướu. Nhưng nếu đó là răng vĩnh viễn, hãy rửa sạch bằng nước, nhanh chóng đặt nó trở lại ổ cắm càng nhanh càng tốt và đến gặp nha sĩ thì có thể cứu vãn một chiếc răng.

8. Khuỷu tay của cô giữ trẻ (Nursemaid’s Elbow)

Khuỷu tay của cô giữ trẻ (Nursemaid’s Elbow) hay còn gọi là bán trật chỏm xương quay, một tình trạng khuỷu tay của trẻ bị kéo lệch. Điều này có thể xảy ra khi người chăm sóc kéo cánh tay của trẻ hoặc vung cánh tay của trẻ mới biết đi. Bạn có thể nhận thấy con bạn giữ yên cánh tay của chúng và không sử dụng nó.

Vì xương và cơ của trẻ vẫn đang phát triển nên không mất nhiều thời gian để kéo một phần khuỷu tay ra khỏi vị trí trật khớp ban đầu. Do đó, khi nghi ngờ trẻ bị trật khớp khuỷu tay, cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám để bác sĩ có thể dễ dàng đặt lại khuỷu tay.

chấn thương thường gặp ở trẻ
Một trong các chấn thương thường gặp ở trẻ là gãy, sứt, mẻ răng

9. Bệnh Sever

Bệnh Sever xảy ra khi bị viêm vô khuẩn xương sụn ở gót chân. Nghe tên có vẻ đáng sợ nhưng đây là một chấn thương gót chân khá phổ biến ở trẻ em đang lớn. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em từ 9 đến 13 tuổi, đặc biệt là những trẻ chơi các môn thể thao dễ gây chấn thương khi cần chạy hoặc nhảy nhiều như bóng đá, bóng rổ hoặc thể dục dụng cụ, khi các mảng tăng trưởng ở gót chân bị viêm và khiến con bạn bị đau rất nhiều. Cơn đau chân thường biến mất khi trẻ được nghỉ ngơi, chườm đá và bất động. Khi mảng tăng trưởng trưởng thành (thường là khi con bạn từ trên 13 tuổi), tình trạng này sẽ biến mất.

Tóm lại, có kiến thức và nhận biết sớm các chấn thương thường gặp ở trẻ trên đây sẽ giúp cha mẹ sẽ tự tin hơn khi chăm sóc con mình tại nhà. Khi các loại chấn thương xảy ra, việc can thiệp đúng cách sẽ đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh của trẻ về sau và con vẫn có cơ hội thỏa sức vui chơi, vận động như bạn bè đồng trang lứa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

721 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan